Thứ Ba, 23 tháng 11, 2021

Núi thì thầm



Tôi mơ thấy mình ngủ trong núi. Cửa sổ phòng nghỉ mở ra một lũng hẹp đầy sương. Ngay phía bên kia bờ khe, núi từ đó vươn lên, trùng điệp. Cao bên trên nữa, những vì sao lấp lánh sáng. Dường như đấy là một chuyến đi chơi đông người, vì trong mơ, không ngủ được, tôi thấy mình trở dậy và định bụng sẽ ghé sang phòng bạn bè rủ họ xuống quầy bar kiếm rượu uống. Nhưng chẳng có ai cả. Tất cả mọi căn phòng đều trống rỗng. Đứng trên terrace nhìn ra hướng núi, chỉ nghe thấy tiếng nói cười và một điệu nhạc kiểu một vũ khúc được diễn tấu theo lối baroque, tiếng được tiếng mất vọng về từ lòng thung lũng. Tôi men bờ vực, leo xuống, lần theo những âm thanh văng vẳng ấy. Lối mòn dẫn sâu vào núi. Hai bên đường là những rẫy sắn bạt ngàn, có gốc sắn to bằng cổ chân người lớn, ngọn lá vươn tít trên cao. Ở một đoạn dốc, tôi gặp bố tôi ngồi nghỉ dưới một gốc cây. Ông gầy gò, nước da trắng xanh, dáng mệt mỏi và buồn rầu. Trong mơ, tôi không thấy ngạc nhiên gì cả. Vô thức của tôi tự điền vào đấy là lần bố tôi phải đi “lao động xã hội chủ nghĩa” thu hoạch sắn trên núi Bà Nà thay cho mẹ tôi lúc bà vẫn còn làm việc ở Chi Y tế Quận hồi mới giải phóng. Tôi nói với bố là mình cũng đang đi tìm rẫy sắn mà lớp tôi vừa được trường phân công thu hoạch. Rồi đi tiếp. Càng vào sâu lối mòn càng hẹp lại. Những tiếng nói cười và âm nhạc ban nãy hóa ra chỉ là gió núi, tiếng rì rào của cây lá suối khe. Tìm mãi chẳng rõ rẫy sắn nằm ở chỗ nào, đang định quay ra thì thấy một nhóm người đi ngược về phía mình, rồi tôi thấy H - cô bạn xinh đẹp cùng lớp thời cấp ba. H kêu lên: “Ôi, giờ S mới đến kia à? Lớp mình xong việc đã lên xe về từ ngày hôm qua rồi!”...

Khi ở trong núi chẳng hiểu sao tôi thường khó ngủ. Những lần được đi chơi Điện Biên, Sơn La hoặc Cao Bằng, dù đã uống rượu say nhòe nhưng thể nào đêm ấy tôi cũng trằn trọc khó ngủ. Trong khuya vắng, tiếng nỉ non của giun dế côn trùng, tiếng kêu của các loài hoang thú sống về đêm nghe cứ như sát sạt bên gối nằm. Cả những tiếng động mơ hồ mà tôi chẳng rõ được nguồn cơn, có thể chỉ là tiếng thì thầm của gió, tiếng rạn của đá, hoặc giả, âm vang của khe vực, cũng làm tôi thao thức. Cố tật này khiến mỗi lần vào chơi vùng núi tôi cứ phải mượn rượu bia để chuốc say cái lỗ tai có vẻ nhạy cảm trên mức cần thiết của mình! Nói chuyện khó ngủ, chuyện núi, bỗng dưng lại nhớ một kỷ niệm ở Hà Giang.

Thị xã Hà Giang bé xíu nằm chen giữa những dải núi lô nhô vây bọc xung quanh. Nhà nghỉ tôi ở trong chuyến đi ấy cũng vậy, dựa hẳn lưng vào một vạt núi. Với nỗi lo lắng cố hữu về sự khó ngủ của mình, khuya đầu tiên ở đó tôi nốc cả đống rượu ngô nặng khé cổ với hy vọng mình sẽ dễ dàng ru được giấc nồng. Vậy mà chịu chết, đến gần nửa đêm mắt tôi vẫn mở thao láo! Vật vã chán, tôi đành mò dậy lần ra ban công hóng gió. Đứng đó, ngó những phố nhà lịm ngủ trong sương núi, một hồi lâu tôi mới chợt phát hiện ra rằng: hóa ra không phải những tiếng động của núi đang làm tôi mất ngủ, mà là sự im lặng! Đấy là một sự im lặng kỳ cục. Như thể cái rẻo núi nơi cực cùng biên cương ấy vừa bất chợt bị xô lệch vào một chiều không gian khác, và cùng với nó, toàn bộ cái thị xã đang nép mình trong những khe núi hẹp tí này cũng đột ngột hóa đá. Sự nín bặt bất ngờ làm tai ta ù đi, thân thể và tâm trí như cũng mất cả phương hướng. Lòng tràn sợ hãi, tôi trở lại giường nằm với đôi tai điếc đặc, rồi cứ nằm mãi, nằm mãi, chỉ thiếp ngủ được khi rất lâu sau đó nghe thấy tiếng gió núi trỗi lên trở lại, và rì rầm, dòng Lô giang lại tiếp tục uốn ngang thị xã cuộn chảy về xuôi...
 
Trong suy nghĩ của con người, từ xa xưa, núi luôn được coi là biểu tượng của chốn tận cùng thế giới, là nơi trời đất gặp nhau, biên giới giữa thế giới hữu hình với cõi vô hình. Huyền thoại từ Đông sang Tây đều có một điểm khá giống nhau là thánh thần, ma quỷ hay những đấng hiền nhân hiệt kiệt đa phần đều từ trong núi mà ra; núi là nơi xuất thân, là nhà của họ, núi cũng là nơi khi tận chung họ sẽ quay về. Mẹ tôi lúc sinh thời chẳng hiểu sao cũng răm rắp tin vào quan niệm ấy. Tôi nhớ lúc tôi còn nhỏ, rất nhiều lần bà bảo tôi, đừng vào chơi núi, còn nếu đi, con nhớ đừng lấy bất cứ thứ gì mang về nhà, vì từng ngọn cỏ lá cây ở đó đều thuộc sở hữu của những kẻ khuất mày khuất mặt. Tôi nghe vậy, cũng chẳng suy nghĩ sâu xa gì. Lớn lên, hiểu biết hơn được tí thì cho rằng mẹ tôi bị ám ảnh bởi những câu chuyện đường rừng của Thế Lữ, Lan Khai, Tchya mà bà đọc thời thơ ấu, hơn là thực sự tin vào những quan niệm duy linh về rừng rú núi non kiểu như vậy. Thuở bé tôi thích núi. Đứng trong phố nhìn về phía những rặng núi thời chiến đêm đêm lập lòe ánh hỏa châu và tiếng ì ầm đại bác, tôi thường ước có ngày mình sẽ được leo lên đó, ngồi nơi chót vót đỉnh trời nhìn xuống căn nhà mình đang ở coi thử nó như thế nào. Cái đêm khó ngủ trong khu nghỉ dưỡng trên ngọn Bà Nà nhiều chục năm sau này nhìn xuống thành phố Đà Nẵng rực rỡ ánh sáng nằm xa xa phía dưới chân mình, tôi sẽ nhớ lại cái ước ao thời thơ ấu ấy, nhớ căn nhà xưa đã biệt dấu, những chốn và người của muôn năm cũ, những bạn bè mất còn, đặc biệt nhớ tới mẹ tôi, nhớ những lời dặn dò mơ hồ hàm chứa quan niệm vạn vật hữu linh của bà. Cũng có một đêm khác, nằm trong tiếng gầm gừ của núi khi kẹt lại Sơn La vì mưa lũ sạt lở chặn mất đường về, tôi sẽ bất chợt hiểu ra câu dặn dò ngày nào của mẹ từ một hướng tiếp cận khác. Chẳng phải tín ngưỡng, chẳng phải duy vật duy linh gì cả, thấy tôi mê thích núi, mẹ tôi lo trước cho tôi những ẩn họa ở chốn rừng thiêng nước độc; lời dặn dò để cho mai hậu đó, nơi cốt tủy chính là tình yêu mẹ dành cho tôi, chỉ là tình yêu mà thôi!

Xưa có lần chuyện trò với người bạn, tôi nói lắm khi muốn rũ tay buông bỏ tất cả lên núi tìm một cái am nào đó mà quy ẩn. Bạn tôi cười ha ha, bảo tôi mà tu được quá ba ngày thì chắc là trời sụp! Ai cũng kiểu lúc danh vọng lợi quyền đầy ắp thì vẫy vùng hồ hởi còn lúc gặp chuyện buồn rầu bất như ý lập tức muốn quay về “nằm ẩn bên núi Chung Nam” thì lấy núi đâu mà chứa chấp cho hết cõi người! Bạn tôi cà rỡn lấy Vương Duy ra “kê” tôi một cú rõ đau! Nhưng nghĩ lại ở khía cạnh nào đó thì cũng đúng. Gần giống nhau ở nghĩa biểu tượng, những truyền kỳ về núi, nhưng nét dị biệt trong tâm hồn con người Đông - Tây cũng thể hiện rõ ở chỗ này. Núi đối với người phương Tây đại diện cho những gì kỳ vĩ, khắc nghiệt của thiên nhiên; con người đối mặt với thiên nhiên luôn trong tư cách đối kháng, tư cách kẻ chinh phục, muốn vượt lên và chiến thắng. Phương Đông thì ngược lại. Núi non là biểu trưng cho những gì sạch sẽ, thanh cao. Núi nuôi dưỡng tâm hồn khí chất cho con người, là nơi những hiền giả xuất thế và cũng là nơi khi mệt mỏi chán cường họ chọn để quay về, trốn tránh, quy ẩn, xa lánh cuộc đời ô trọc. Núi và con người có thể hòa làm một, chết chính là về núi. Nghe nhạc viết về núi non của các nhạc sĩ cổ điển phương Tây cũng có thể thấy được sự khác biệt này. Listz, Berlioz, Mussorgsky, Smetana, hay Strauss, Delius, d’Indy, Hindemith… đều có những trang nhạc tuyệt đẹp lấy cảm hứng trực tiếp từ cảnh núi xanh rừng thẳm, tuy nhiên, dù ở hình thức lớn hay nhỏ, dài hay ngắn, ấn tượng cuối cùng mà những tác phẩm này để lại cho tâm trí người nghe chủ đạo vẫn chỉ là cái hùng vĩ bạo liệt của núi, con người và núi non là hai thế lực luôn cạnh tranh và mãi mãi tồn tại đối lập với nhau. Trái lại, núi trong cảm thức của các nhà soạn nhạc phương Đông, đặc biệt là Á Đông, hiện ra trong một tâm thế khác hẳn. Núi là người và người cũng là núi. Mọi chuyển động, mọi vang âm của núi cũng chính là những chuyển động và vang âm của tâm hồn con người. Chúng hòa quyện, bổ trợ cho nhau trên tinh thần vạn vật đồng nhất. Vì thế, âm nhạc dù có cuồng phong dịch chuyển đến thế nào, nơi sâu thẳm vẫn là sự điềm tĩnh, an nhiên tự tại - như núi! Hãy nghe gió thổi trong “Windswept Peaks”, tiếng đá lăn trong “Echoes from the Gorge” của Chou Wen-Chung (1), hoặc chập chờn tiếng vỗ ngàn cánh hạc trong núi thủy mặc của Toshio Hosokawa (2), khác biệt biết bao nhiêu với thứ bão tố trong “Eine Alpensinfonie” của Strauss hay sức mạnh kinh hồn của núi trong các bản giao hưởng của Hovhaness. Mà ngẫm lại cũng kỳ, với riêng tôi, trong nhạc mục khá nhiều những tác phẩm lớn, nổi tiếng, liên quan đến núi non của các nhà soạn nhạc cả Tây lẫn Đông mình từng được nghe, hợp tạng với tôi nhất lại chỉ là 2 khúc hát giản đơn viết cho dương cầm có tổng thời lượng dài chưa tới 5 phút: “Singing in the Mountains” của Chen Yi, và “Evening in the Mountains” - một đoản khúc nằm trong tuyển tập Lyric Pieces (Book IX) chẳng mấy quan trọng của Grieg. Phải chăng 2 khúc nhạc đó gần gũi với những giấc mộng về núi của tôi hơn cả? Đồng khí tương cầu xem ra là vậy!

“Tùng hạ vấn đồng tử
Ngôn sư thái dược khứ
Chỉ tại thử sơn trung
Vân thâm bất tri xứ” (2)
Bài thơ của Giả Đảo trong trí nhớ bất chợt sáng nay cùng những hình ảnh chắp nối ngẫu nhiên từ cõi mộng mị khiến tôi bỗng điên cuồng nhớ núi. Muốn được phóng xe, vất bỏ hết mọi vướng bận, âu lo và nhiễu phiền sau lưng, đi một mạch đến nơi chỉ còn chập chùng mây phủ, ngồi xuống một phiến đá ướt sương nào đó, một mình ú ớ một khúc bất kỳ rồi đợi nghe tiếng dội của núi đồi khe vực vọng về như phủ dụ. Tiếng người có lẽ là vô nghĩa, đặc biệt vô nghĩa trên biên giới ấy, khi ta ngồi cùng những đám mây, giữa những những đền đài cao vút đã được tạo dựng từ trước cả khi con người đầu tiên xuất hiện. Không đặt tên gọi tên, không định nghĩa cắt nghĩa, không đồng thuận hay tranh biện, vì không thể đặt tên hay gọi tên, định nghĩa cắt nghĩa đồng thuận hay tranh biện với những thứ không thể nhìn thấy, không thể nghe thấy và không thể biểu lộ đồng thuận hay tranh biện. Mặc nhiên, hãy cùng núi thì thầm!
 
Tôi mở cửa và bước vào phòng làm việc ở cơ quan lúc 6h45, như mọi ngày.
Trần Thanh Sơn (11.2021)
 
 
 
(1) Chou Wen-Chung (1923-2019): Nhà soạn nhạc đương đại người Mỹ gốc Hoa.
(2) Toshio Korosawa (1955-): Nhà soạn nhạc hiện đại Nhật Bản.
(3) “Tầm ẩn giả bất ngộ” (Tìm người ở ẩn, không gặp) - Thơ của Giả Đảo (779-843): Nhà thơ Trung Hoa, thời Trung Đường, tiêu biểu của trường phái “Khổ ngâm”.
 

 
 
 Edvard Grieg - Evening in the Mountains (Lyric Pieces, Book IX, No.4)

 
Ảnh trên: From “At the End of the Day” (Cao Hành Kiện)

Không có nhận xét nào: