Thứ Ba, 11 tháng 1, 2022

Trích đoạn từ một tiểu thuyết bị bỏ dở (6)


…(Có hàng triệu con kiến bò trên da mi, như hàng triệu nỗi thống khổ được ngụy trang bằng hàng triệu những lời triết lý lảm nhảm mang chiếc mặt nạ suy tư để che giấu cái tình trạng thảm hại nhất của tâm hồn mi lúc này. Thật là buồn khi mi nhận ra mi khinh bỉ mi quá chừng. Sự khinh bỉ đó gặm nhấm mi, giết chết mi dần hồi. Có ngày mi không dám nhìn mặt mình trong gương. Mi sợ phải nhìn thấy vẻ u uất đó, nơi gương mặt của chính mi, đi đi lại lại dòm ngó mi, phán xét mi. Mái tóc rủ xuống trán đó, trông buồn quá, chán quá, buồn và chán đến độ làm mi không chịu được. Không thể chịu được. Một đêm mi mơ thấy P đến và nói với chị G, mới ngày hôm qua đây thôi mắt em còn xanh, tóc em còn xanh, tất cả đều còn xanh, vậy mà bây giờ… chị thấy đấy, chỉ tại hắn, hắn đi và mang bệnh dịch của hắn theo gieo rắc khắp nơi. P chỉ vào mi, cười lớn, rồi ném đá. Từng lời nói là từng viên đá sắc cạnh rơi xuống mi như mưa. Rồi đó, mi mơ thấy những hàng người mang mặt nạ lũ lượt kéo qua ra chỗ mi nằm. Đó là gương mặt của Quỳnh, của K, của H, của bạn bè mi và của nàng được vẽ trên những tấm bìa lớn bằng sắc màu rực rỡ. Không có nước mắt. Từng lời nói là từng viên đã sắc cạnh rơi xuống, rơi xuống. Mi cũng mơ thấy đám tang mi đi qua những phố rất dài độc một màu sắc xám. P, tên cao bồi vườn, trong bộ đồng phục có những tua vàng phấp phới, képi trắng, tay cầm gậy chỉ huy đang nhảy nhót bằng những điệu bộ điên khùng của một tay đội trưởng nhạc kèn tỉnh lẻ. Và như thế đám tang mi đi, đi mãi, đi mãi, như một gánh xiếc rong mà giọng hát rầu rĩ của V dẫn đường bằng một bài ca lê thê mi chưa từng nghe thấy bao giờ. Có phải trong thẳm sâu trái tim mi đã từng mơ ước như vậy, một mơ ước ẩn chứa nơi bề trái của nó cái khát khao được làm nhục chính mình, sự thất vọng mà ngày thường mi che giấu bằng giọng điệu kiêu ngạo, cố làm ra vẻ vững mạnh. V biết điều đó. Cũng như Quỳnh ngày xưa cũng lờ mờ biết được điều đó. V vì yêu quý mi nên im lặng, Quỳnh thì…). “Này bạn, hãy tạm thời quên cái tiểu hành tinh với bông hồng bé nhỏ của anh đi, chúng ta đang đi qua trái đất…”, Quỳnh đã cười và diễu anh như vậy khi đứng trên sân thượng chỗ P ở nhìn xuống đường phố dưới thấp. Chiều hôm ấy trông Quỳnh thật đẹp. Quảng trường nhà thờ với xe cộ lưu thông thành hai dòng chảy bất tận, ở đó nhô lên hai tháp nhọn xám đỏ của Vương cung thánh đường nổi bật trên nền trời hoàng hôn. Những hàng cây lớn của công viên phía xa thường có màu đen lúc chiều xuống. Khi những ngọn đèn đường được thắp lên, những tán lá dưới thấp của nó lại có màu xanh rỡ, trông tương phản một cách kỳ quặc với màn đêm tím nhạt đang bắt đầu buông xuống thành phố. Trên nắp bồn nước lớn vẫn còn hầm hập tỏa ra sức nóng ban ngày, P nói vẫn thường ngồi chơi ở đấy, uống rượu một mình hoặc ngắm sao. Quỳnh nghe P nói, lắc lắc đầu, bím tóc với chiếc nơ đỏ của Quỳnh cũng lúc lắc theo, trông ngộ nghĩnh: “Ai cũng là một Hoàng tử Bé từ xa đến ghé chơi trên trái đất, đêm đêm ngồi thương nhớ cái quê hương đã mất của mình. Còn em, em từ nơi nao tới đây?”. Giọng Huế nhẹ nhàng của Quỳnh pha lẫn với chút giọng Nam, kéo dài ở mỗi cuối câu, như hát. Và khi không anh thấy buồn cười. Giọng người là quê quán cũ. Đã có một câu hát nói về chuyện đó. Nhưng có phải cũng tan hết vào hư không tất cả mọi giọng nói? Còn lại chăng là những thanh âm ghi lại từ giấc mơ, tiếng vọng của một vài ám ảnh cũ? “...Em có tin rằng có những giọng nói, trước khi nghe thấy nó, ta đã mường tượng ra nó, chờ đợi nó từ nhiều năm trời không?”, anh đã hỏi em như vậy, cái đêm mưa tầm tã anh đưa em từ bệnh viện về nhà. Lúc đầu em nói là em không biết, nhưng rồi em kể, có lần em nghe thấy tiếng của một người bạn mới quen, ngạc nhiên nhận ra giọng nói đó mình đã nghe thấy nhiều lần trong mơ. “Em cũng yêu mến giọng nói của anh nữa”, em nói và cười khẽ, cái đêm mưa hôm ấy, khi chúng ta đang băng qua một đám cỏ ướt để trở về nhà bằng lối tắt, theo ngõ vườn sau. Đêm nay giọng nói đó của em lại tìm về với anh, cùng với gió khuya, lùa vào phòng anh mang theo mùi hương cỏ ngọt ngào. Anh run rẩy đón nhận nó, như đón nhận niềm đau khổ, không phải từ đời sống mà từ chính tâm hồn anh đang xối chảy, nhận chìm anh xuống tận căn nỗi khốn cùng: sự chiêm ngưỡng hãi hùng bài hát đưa tang chính mình mà từ cái chết anh còn có thể nghe ra được, nhận thức được. “Nhìn sương mù, em như thấy lại một cái gì đã qua…”, khi thốt lên câu nói đó bằng giọng thầm thĩ, ánh mắt em dịu lại, gần gũi nhưng ẩn chứa một niềm xao xuyến khó hiểu. Đấy là buổi chiều anh đưa anh đến thăm soeur Thérèse, người nữ tu từng chăm sóc dạy dỗ em thuở còn học ở C. Chiều mờ đục trong sương. Bên kia đường, căn nhà nguyện gỗ xám như một con tàu lặn chìm dần xuống đáy biển - sự quên lãng - nơi mặt đất bị cắt ngang và che khuất bởi màn sương màu sữa đang đều đều dâng lên. Thế giới như chỉ còn tồn tại bằng hồi tưởng, vọng về không thanh âm, bị xâm chiếm bởi một nỗi phiền muộn tôn nghiêm, trong anh, nó như là một cái gì không có thực, run rẩy, xáo động, sẵn sàng tan biến nếu anh chạm vào. Em kéo cao cổ áo len lên, rồi nói, em quên không mang theo khăn quàng, chiều nay lạnh quá. Giọng em nhỏ và buồn: “Lúc nãy soeur Thérèse bảo soeur cảm thấy sắp đến ngày Chúa gọi soeur về rồi. Những mùa hè trước em đến thăm, soeur vẫn còn mạnh. Một đời người cũng chẳng bao lâu, anh nhỉ”. Chúng ta đi xuôi theo con dốc, trên vỉa hè được lát bằng những tấm đá xanh hơi lồi lõm. Đôi lúc, một bụi hoa dại mọc lấn ra choán cả vỉa hè, em phải đi sát vào anh để tránh, và vai em khẽ chạm vào vai anh, thật khẽ, như vệt lướt của một cơn gió. Cứ như thế, chúng ta lặng lẽ đi bên nhau. Khi chúng ta đi ngang trước một tường rào cũ và mục nát, em nói: “Đây là nhà một người bạn của em. Hồi ở trung học em vẫn thường đến chơi và học bài chung với nó, bây giờ…”, tay em lướt nhẹ trên những hàng song sắt gỉ sét, “...bây giờ người khác ở đây. Chỗ ngôi nhà gỗ nhỏ kia trước là một bãi cỏ”. Em nói em khó có thể quen được với những thay đổi, những thay đổi thường làm em thấy buồn phiền và bị thương tổn, như thể nó khoét mất của em một phần nào đó đời sống. Chiều quánh lại và im lặng một cách dị thường. Như có thể nghe được tiếng từng giọt sương tịch mịch rơi trong lá. Tiếng nói của em vang lên bên trên sự im lặng đó, nghe vụn vỡ và tạo cảm giác bất an. Khi mọi cử chỉ đều biến thành thừa thãi, sự xúc phạm đến một điều gì đó linh thiêng mà dù không nói ra cả hai ta đều cho là quan trọng nhất, giữa một con người với một con người, dấy lên trong ta (anh cảm nhận điều này một cách đau đớn) không phải niềm đồng cảm mà là sự khép lại ngưỡng cửa trái tim, khước từ mọi nhu cầu thương yêu để quay về với sự trống rỗng quen thuộc của tâm hồn: niềm cô độc hãi hùng. Chiều như một bờ sông gần lại mãi. Những mảnh vườn nằm sâu trong màn sương ngã dần sang màu tím nhạt, một vài bóng tối màu chàm: những cụm tường vi ướt sũng hơi sương. Một chuyến xe lên. Lại một chuyến xe lên. Tiếng máy nghèn nghẹn, nghe như nỗi buồn lăn đều. Nhiều năm sau này, trên những con đường Sài Gòn gay gắt nắng trưa chạy dài hun hút, anh sẽ thường buồn rầu nhớ lại cảm giác sầu muộn mơ hồ của buổi chiều hôm ấy. Nó như một cơn sốt tiềm ẩn trong anh, khi ngủ yên khi thức giấc cồn cào, bắt anh phải cảm nhận một cách thấm thía sự mệt mỏi tàn tạ của tâm hồn, giữa dòng thời gian chảy xiết, đã qua đi từ lâu mùa xuân sau cùng. Sẽ không còn gì có thể bù đắp lại được những gì anh đã đánh mất, không chỉ vì em không còn hiện diện nữa bên cạnh đời sống anh, mà là vĩnh viễn rời đi tuổi thanh xuân với những niềm đam mê khốc liệt một thời… Thuốc ngủ không còn tác dụng. Sự quen thuốc giữ anh lại ngay trên ngưỡng cửa giấc ngủ mà mình mong muốn. Cảm giác bị bỏ rơi, bị phản bội bởi một thế giới được tạo dựng nên bằng sự dối trá: sự thụ độc tình nguyện. “Hệt một kẻ hấp hối, một kẻ hấp hối đã chết đến nửa mình”. Cái chết nghe gần lại, phảng phất quanh giường. Cuối phòng, vạt trăng khuya theo cửa sổ để mở đổ xuống sàn một vũng ánh sáng xanh, lạnh lẽo và ma quái như gương mặt một kẻ xa lạ đang chăm chú nhìn anh, dõi theo anh từng cử chỉ. Anh thấy lại em, dưới ánh sáng ngọn đèn nhỏ trên mặt bàn bụi ám, mắt mở lớn. Sự yên lành, anh biết không, hằng đêm em vẫn thường cầu nguyện với một đấng vô hình im lặng hiện diện trong em, cũng nhỏ bé và cô đơn như em, đó là niềm an ủi duy nhất. Giọng nói đó cất lên từ đêm tối, của những câu chuyện rời rạc nhưng dằng dặc kéo dài từ đêm này đến đêm khác từ ngày này sang ngày khác giữa anh và em, trộn lẫn vào nhau, tự xóa sạch đi mọi gốc tích của mình, đến độ bây giờ anh không còn có thể nhận biết được nó từ đâu đến, anh đã nghe thấy nó ở đâu, vào lúc nào, và liệu đó có phải là giọng nói của kỷ niệm được ký ức mang về trả lại cho anh hay chỉ là giọng nói của thuốc ngủ, giọng nói hoảng loạn của một vài giấc mơ mà trí óc điên cuồng của anh bịa đặt nên. “...Tôn giáo thật ra chỉ là một sự cải tâm hằng ngày”, “thuở bé em đã được dạy rằng cần phải yêu thương chứ không phải là căm thù”, “...bao nhiêu lần em đã tự nhủ mình là phải sống khác đi, khác hẳn với những gì mình nghĩ, mình tin, đấy cũng là sự yên ổn”, “đôi khi em không nghĩ rằng mình đang sống nữa mà là trôi đi, không dừng lại được, ngày mai, chuyện gì nữa đây, em đã mệt, mệt lắm rồi, anh hiểu không…”, “khi người ta thay đổi hình dáng bên ngoài của mình, có thể người ta sẽ đánh lừa được đời sống mình một thời gian lâu dài”, “riêng đối với anh, em biết, con người chỉ là một cái cớ”, “tại sao không, khi anh lo âu, anh cũng nói như một kẻ nhẫn tâm”. Mắt vẫn mở lớn, không nhìn anh (mà liệu vào giờ phút ấy thế giới quanh em có còn hiện tồn và mang một ý nghĩa nào không?). Dường như em khóc. Quầng sáng vàng mờ mịt của ngọn đèn nhỏ không đủ để soi rõ gương mặt em - chìm trong bóng tối - nơi đó, đời sống âm thầm của những giọt nước mắt chỉ còn được thể hiện qua sự run rẩy của đôi vai, lặng lẽ và đơn độc. Anh không biết là anh đã làm cho em phải đau khổ, nhỏ à. Người ta có thể vô tình bước ngang qua một nỗi đau nhưng không bao giờ có thể vì vô tình mà xéo dày lên một niềm tuyệt vọng đang mong chờ được an ủi. Anh có đang xéo dày lên trái tim em không? Giọng nói đó là một lời buộc tội, “anh cũng nói như một kẻ nhẫn tâm”, là lưỡi dao cay đắng, “hãy để em tự an ủi chính mình”, là lửa thiêu, là sự quay đi và bóng tối, “làm như anh nghi ngờ sự tồn tại của mình, và chỉ trên sự đau khổ của anh gây ra nơi kẻ khác anh mới có thể tìm thấy được mình”. Nhưng đó có phải là một lý do hay không? Em nói: em cũng đã cho anh hết, tất cả những gì mà giữa hai người trong tình yêu có thể trao tặng cho nhau được, cuộc đời em, và gì nữa? em không hề đòi hỏi anh phải chia sẻ cùng em những gánh nặng mà chính em, em muốn mang lấy một mình, tình yêu có thể chấp nhận được tất cả mọi sự hiện diện trừ lòng thương hại. Em nói: chính anh cũng không biết rằng anh muốn gì, anh phủ nhận sự đau khổ, và làm vậy, anh tưởng rằng anh khẳng định được sự tự do của mình, hoàn toàn không phải, hoàn toàn không phải anh biết không. Em nói: anh nói anh yêu thương anh yêu thương anh yêu thương, nhưng đối với anh, đối tượng không có ý nghĩa gì cả, chỉ có chính anh tồn tại một mình trong anh, một cách ích kỷ. Lúc ấy gương mặt em tái đi vì giận dữ. Rời khỏi ghế ngồi, như bị níu kéo về phía cửa sổ, mà vì ngạt thở, em muốn tìm thấy lại sự thăng bằng quen thuộc của mình ở đó, cảm giác bình yên nơi bầu trời lộng gió bên ngoài. Phía đầu đèo, những đám mây xám bị gió thổi dạt về, tụ lại, tối thẫm cùng cơn mưa. Và chúng ta im lặng với nỗi oán giận đó. Anh nhìn thấy đôi vai em run rẩy, cơn nức nở mà em cố kìm giữ lại bằng cách nắm chặt lấy thành cửa sổ, như người bị chóng mặt, bám víu vào đó một cách tuyệt vọng để giữ cho mình khỏi ngã. Lẻ loi và đơn độc. Bao giờ cũng có vẻ lẻ loi và đơn độc. Nhưng buổi chiều hôm ấy, chưa bao giờ anh nghĩ rằng một con người lại có thể lẻ loi và đơn độc đến độ ấy. Đôi môi khô rát vị của niềm cay đắng bất chợt, sự cóng lạnh như đang phải đối diện với một cánh cửa mở ra hư vô hun hút gió, cái khoảng trống không gì có thể lấp đầy nổi mà con người cứ cố tình không hiểu, cố tình quên đi và ngấm ngầm chống đối. “Nhỏ này, anh không hề muốn giấu em một điều gì hết, cuộc đời vốn vậy, tất cả, không thể đổi khác. Nhưng, anh không nghĩ điều đó lại có thể làm em đau khổ đến độ ấy…”. Người ta yêu và tưởng rằng chỉ có điều đó là duy nhất có nghĩa, duy nhất đáng kể đối với cuộc đời họ. Tình yêu có đã từng cứu thoát được ai ra khỏi cái vực thẳm mà họ mỗi ngày lại cố tình khoét sâu thêm hơn không? Và nữa, đối diện với sự bất hạnh, lắng nghe và cứu rỗi đâu phải là vai trò mà tình yêu phải đảm nhận? Như với một cái gì không có thật, một thứ thiên thần hộ mệnh, sự phi lý của đòi hỏi ấy cũng chẳng khác gì đòi hỏi nơi cái chết sự thể hiện trở lại những gì mà nó đã xóa nhòa. “Yêu không phải để tìm thấy lại mà là để quên lãng. Đời sống này bình thường cũng đã có quá nhiều những khổ tâm, những ràng buộc rồi…”. (Giữa những khoảng im lặng của gió, anh nghe thấy tiếng trái tim của mình đập một cách khó nhọc, cũng hổn hển như chính cơn gió lúc trỗi lên lúc tắt đi ngoài trời, tiếng va đập của cánh cửa sổ phòng bên tạo thêm cảm giác nặng nề). “Một ngày kia anh chợt chua chát nhận ra rằng đã từ lâu anh thôi không còn hay đau khổ vì những gì không toàn vẹn của cuộc đời nữa. Những thói xấu, cái ác, sự bạc lòng tồn tại như một điều tất nhiên. Khi người ta không còn bận tâm vì những gì bẩn thỉu đang diễn ra quanh mình, người ta có vẻ ích kỷ hơn, nhưng đồng thời người ta cũng thấy nhẹ lòng hơn, thanh thản hơn vì sự cách biệt đó. Anh không phải là một kẻ đứng nhìn, anh chỉ không tham dự”. Cái nhìn của em làm anh bứt rứt. Nó là sự đè nén, sự pha trộn của hàng loạt những tình cảm lẫn lộn, vẻ cay đắng, vẻ thất vọng, nhưng trên tất cả là vẻ mỉa mai của nụ cười mà em gắng gượng tạo ra để che dấu đi sự rối lòng của mình. “Em có cảm giác rằng anh cố tình làm cho em phải đau đớn, anh nói như… một kẻ tàn nhẫn, anh…” “...Phải biết rằng anh không bao giờ thừa nhận tự do như là quyền được đi gieo đau khổ cho người khác” “Chỉ với đức tính đó anh cho rằng anh đã tỏ ra hữu lý, phải vậy không?” “Ít nhất, anh cũng đã tỏ ra hữu lý đối với đời sống của mình”. “Có một sự nhẫn tâm”, em nói, “hiện diện nơi mỗi con người như là một bản năng, không phải để tự vệ mà để tìm kiếm khoái lạc”, và dằn từng tiếng một, “hành hạ người khác được xem như một nhu cầu”, sau một thoáng im lặng, “làm như người ta nghi ngờ sự tồn tại của mình, và chỉ trên sự đau khổ họ gây ra nơi kẻ khác họ mới tìm thấy được chính họ”. Im lặng. Ngọn gió thổi lên trở lại, chở đầy hơi nước. Sẽ có mưa nữa vào chiều nay không? Cái lạnh, như cùng với buổi chiều, trườn mình qua những ngọn đồi xám xịt buồn thảm đổ vào thành phố. Dường như có thêm một hố sâu ngăn cách sau những gì hai ta nói với nhau. Lúc ấy, có cảm giác anh và em như hai người mù lần đi trên hai mép của vực thẳm mà chúng ta vừa khơi gợi. Mỗi người tự chìm sâu vào chính mình, như chìm vào bóng tối lạnh lẽo của hai dòng nước trôi ngược chiều nhau, xa dần, xa mãi...

Không có nhận xét nào: