Thứ Tư, 15 tháng 8, 2018

Trích đoạn từ một tiểu thuyết bị bỏ dở (2)

 
 
Tôi tiếp tục chọn theo kiểu ngẫu nhiên một trích đoạn nữa của “Khúc luyện tập ký ức”, tuy có theo tiêu chí đoạn bản thảo nào ít bị sửa chữa, tẩy xóa, thêm thắt và chen ngang nhất, nhưng chủ yếu là để mình dễ nhìn dễ đọc lúc gõ phím nhập liệu. Chao ôi, cái thứ giấy đánh máy vàng ủng, xấu xí của những năm 1990 đúng là một thách thức cho mắt nhìn hôm nay. Dù vậy, bên dưới những ký tự nhòe nhoẹt mịt mù ấy, tôi như thấy lại một phần tuổi trẻ của mình, những đêm rượu muộn với bè bạn rồi một mình phóng xe về Thủ Đức, con đường ngoại ô hoang vắng, khu vườn nhà với những rặng cây tối đen nửa thức nửa ngủ xào xạc trong gió khuya, tiếng gõ lách cách như tiếng thạch sùng tắc lưỡi của chiếc máy đánh chữ Remington cũ mèm, và trò chơi chữ nghĩa…
Trần Thanh Sơn (8.2018) 

 
Trích đoạn từ “Khúc luyện tập hồi ức” (2)
 


...Mưa đầy trời mưa đầy trời mưa đầy trời. Mưa đầy trời Sài gòn bão rớt. Điếu thuốc lá ẩm sì cháy khét nghẹt trong bàn tay mi run rẩy vì lạnh. Mi đã đốt hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác để cố xua đuổi cái lạnh theo nước mưa đang thấm vào dần vào tận xương tận tủy tận đáy trái tim mi. Cổ họng đắng ngắt, mắt mở lớn, mi đã nhìn đăm đăm vào đôi môi người phụ nữ bán vé xe để cố đoán xem bà ta đang nói gì với mi giữa những tiếng ồn ào của đám đông vây quanh. Mi rất mệt, ta biết, đến độ mi chỉ còn đủ sức để sau đó leo lên xe, buông mình xuống ghế mà không buồn thốt một lời cảm ơn với người đàn ông đã chỉ dùm mi chuyến xe sắp sửa khởi hành. Mưa đầy trời mưa đầy trời... Mưa vẫn rơi trên những mái nhà hiu quạnh, như đã rơi từ ngày hôm kia, suốt ngày hôm qua và cho đến sáng nay không hề dứt đoạn. Những đám mây sà xuống thấp, kéo lê tấm thân nặng nề của chúng trên những tòa cao ốc, những mái nhà với ống khói - bị xé rách, đổ xuống, không một tiếng động - từng đợt mưa từng đợt mưa, cũng tái nhợt và ảm đạm như chính gương mặt mi trong tấm kính chiếu hậu kia, đang nhìn mi đăm đăm... Anh nhớ lại điều này, không hẳn là một câu chuyện, không hẳn là một hồi ức, mà chỉ là giọng nói lê thê của rất nhiều người hòa lẫn vào nhau tạo thành một dòng sông miên man, một bài hát kinh thì thào rơi xuống những nấm mồ. Trời nặng nề quá, trời ạ, trái tim em sẽ vỡ ra vỡ ra, em vừa bảo gì, anh tưởng rằng em cần anh tới đây để tỏ ra tội nghiệp cho em sao, chán quá là chán mưa gì mà mưa hoài K lại không về nhà đúng giờ được rồi, nghe đây, thế ra người ta sẽ tin vào những điều anh nói đấy, không, mặc kệ hắn, hắn sẽ không say đâu, hôm qua tao gặp Quỳnh ở nhà chị T, áo dài trắng bandeau hồng, ôi trời, em làm sao vậy tại sao anh cứ nghĩ là em phải làm sao mà làm sao là làm sao, trời có sẽ tạnh mưa một lát không, nửa tiếng thôi mười lăm phút thôi mười phút thôi năm phút thôi một phút thôi, đồ ngu, nếu như có một trận hồng thủy mới mày sẽ mang theo những gì nếu mày là Noé, câm miệng lại, tất cả, trừ tao... Em vẫn nằm và nhìn rất lâu vào ô cửa kính hình vuông nhỏ phía trên đầu. Nơi ấy, ánh sáng mù mịt của buổi chiều tháng mười hai đang vội vàng buông xuống, không còn đủ để soi sáng căn phòng với những thứ đồ đạc chất đầy bóng tối đang dâng lên, dâng lên, nhận chìm cả em, nhận chìm cả anh trong sự mỏi mệt và biếng lười. Thôi đấy, em đã nói với anh rồi. Tại sao em lại cứ phải tự làm khổ mình vì những dằng co kỳ cục như vậy. Anh biết mà. Anh không biết. Không, anh biết, này em, anh xin thề với em, đừng thề, nhưng mà, thật là vô nghĩa phải không, em không định nói rằng em đã lầm lẫn đấy chứ, những điều gì cần nói em đã nói hết với anh rồi, anh xin thề, em đã nói là anh đừng thề, làm sao anh lại không hề biết một chút gì cả, thôi mà, xem dùm em trời còn mưa không, nhưng mà, Chúa ơi em xin anh... Đã buông xuống hết, nơi ô cửa kính hình vuông nhỏ phía trên đầu, thứ ánh sáng mù mịt của buổi chiều tháng mười hai. Những đồ đạc đầy bóng tối trong phòng chỉ còn có thể phân biệt được nhờ những đường viền lạnh lẽo của chính chúng, như thể chúng tự tỏa sáng, tự trồi lên để cố thoát ra khỏi vũng lầy đen kịt đang không ngừng dâng lên trong phòng. Và em chậm rãi mặc lại quần áo trong bóng tối ấy. Trên những bậc thang tối ẩm của căn gác trọ, chúng ta im lặng lắng nghe tiếng bước chân của chính mình rơi xuống từng bước một, đứt đoạn và nặng nề, cũng như hơi thở của em, khi gần gũi, khi xa xôi, cùng mái tóc ngắn đôi vai nhỏ đang nhòe nhoẹt dần vào không gian trĩu nặng của ngày đã tàn. Rất nhiều năm sau này, một lần tình cờ nhìn thấy em thoáng qua trên hè phố Sài Gòn - từ khung cửa chuyến xe buýt buổi chiều ồn ào, vội vã - vẫn với mái tóc ngắn đó, gương mặt đó, đôi vai nhỏ lạc lõng giữa dòng người đang hối hả qua phố, tất cả sẽ sống lại trong anh, lay động trở lại trong anh cái khúc hát tưởng chừng đã quên khuấy: tuổi thanh xuân với những niềm đam mê khốc liệt một thời. Năm tháng chất chồng lên trái tim như những đám rêu mờ phủ lên phế tích, vẫn còn ẩn dấu mùi hương, một dòng sông vô hình đã hóa băng mà bên dưới vẫn còn thao thức mãi, một niềm đau ngỡ đã qua rồi vẫn run rẩy sống còn trong sự bình yên tạm bợ, chưa một lần chợp mắt. Chiều vàng rực qua khung cửa xe ố vàng, cáu bẩn. Hình ảnh những phố phường nhợt nhạt chạy thụt lùi trong bóng tối màu lục, bị che khuất bởi những khối nhà bê tông xám xịt như bóng những ngọn núi đang đè nặng xuống một dòng sông chảy xiết, cuốn theo nó là hàng vạn những kiếp người rác rưởi, lam lũ và hư phù. Vẫn chỉ là một giấc mơ. Một giấc mơ huyên náo mà từ đó tiếng cuộc đời vọng lại, gần như hấp hối, sự hồi phản của những thanh âm hiện diện ở đấy như vừa được nối kết vào anh một lần nữa, cũng như buổi sáng mai này, âm thanh của đời sống đường phố vọng đến chỗ anh ngồi, nhưng, một cách dửng dưng hơn, gần gũi với tiếng động của côn trùng nhiều hơn là tiếng người. Những trạm xe buýt nối dài. Ở mỗi trạm lên xuống, hình thù đám đông lại thay đổi: vợi đi hoặc dày đặc thêm, dưới ánh vàng phản chiếu của trời chiều thỉnh thoảng lại chớp lên qua khung cửa hẹp, một mái nhà thấp xuống để lộ ra một khoảnh trời phía tây chói sáng, hình thù của chúng trong giây phút đó hệt như những hóa thạch dưới ánh chớp của thời gian tàn nhẫn bỗng khoác lên một vẻ gì khác thường, khêu gợi cảm giác bị tàn phá, một cái gì đã mờ xóa khỏi đời sống hiện tại. “Hầu hết những con người này có hề cảm thấy đời sống của họ đang bị đe dọa hay không? Sự cô đơn, cái nhìn sững sờ kia lên bóng ma của chính đời sống họ mà vòng tay ôm của định mệnh đang ghì giữ lại bên bờ vực hư vô...”. Cái buổi chiều trên chuyến xe buýt không ngớt bị dồn lắc bởi những cú tăng tốc, những cú dừng đột ngột, tay bám chặt lấy thanh vịn bằng thép trơn tuột để giữ cho mình khỏi ngã, anh đã đột ngột bị ám ảnh bởi những ý nghĩ điên khùng như vậy. Cố gắng để đừng bị dằn vặt vì câu hỏi: sống là một chuyến độc hành dài hạn trong sương mù, nhưng về đâu? Có phải tất cả mọi người đều đã có lúc tự hỏi mình như vậy? Vẫn cái giọng nhiễu sự của K, chẳng có ai đến đích, nhưng làm quái gì có đích, họa chăng cái chết, ừ, cái chết, chết thẳng cẳng... Cơn mệt mỏi bất ngờ vây phủ lấy anh, cùng với sự nóng bức, ngột ngạt - hơi người từ đám đông chen chúc nhau trên xe, tiếng la hét chưởi rủa - cũng nặng nề như buổi chiều đang trĩu xuống đằng sau những mái nhà phía bên kia thành phố, nơi mặt trời đang cố cháy lên những giọt nắng sau cùng. Ngoại ô phía bên trái, cách một dòng sông. Bầu trời mở ra, màu tím nhạt, in hình những dãy nhà ổ chuột nằm san sát dọc theo bờ sông. Bóng tối đang ùn lên từ một nơi nào đó xa xôi, vẫn còn một thoáng vàng nhạt của nắng soi lên nơi tận cùng một thân cầu mà bên dưới đã tràn ngập bóng tối. Một chuyến phà đang qua sông. Tiếng còi vỡ ra trải rộng trên mặt nước lấp lánh. Em còn nhớ những buổi chiều chúng ta đến chơi với Ng. không? Sài Gòn nhìn từ phía bên kia sông đỡ bẩn thỉu và đẹp hơn nhiều, em nói trong lúc chỉ cho anh xem những đường viền ngũ sắc của một đám mây đang trôi lơ lửng trên đầu thành phố, và cười, gió làm em cay xè cả mắt. Mà gió mới dữ chứ! Cả tiếng cười của em cũng bị gió làm nhòe đi, như thể nó chỉ là một tiếng vang, xáo động và không thực, em còn nhớ không? Bây giờ anh cũng có thể qua sông để được nhìn lại thành phố từ trên chuyến phà đang nặng nề rẽ sóng kia. Nhưng để làm gì? Thư của Ng. kể rằng những chiếc du thuyền trên sông Seine đẹp đến mê hồn, dù vậy, chỉ càng làm Ng. điên cuồng nhớ đến những chuyến phà nheo nhóc ở quê nhà ngày hai buổi Ng. vẫn đi về. Ng. bảo từ ngày Ng. đi chắc chẳng bao giờ anh và em còn có dịp xuống phà sang sông nữa. Mà thật vậy, chẳng còn dịp nào nữa. Mãi mãi chẳng còn dịp nào nữa. Đoạn bờ sông gần bến phà đó bây giờ mỗi lần có dịp đi ngang anh vẫn ngạt thở bởi cảm giác em vẫn còn hiện diện đâu đó bên cạnh đời sống anh như những buổi chiều ngày xưa kia: môi cười, mắt cười, tóc rối bời vì gió, như thể chúng ta vừa theo chuyến phà ngang từ nhà Ng. trở về, và em vừa cười và nói với anh rằng, anh phải đợi em sửa sang lại mái tóc một chút đã, em nghiêng nghiêng đầu, nhìn anh, mũi chun lại. Sáng nay, hơi thở của ngày chuyển thu làm lay động những hàng cây xanh già ngoài ô cửa nhỏ. Ngọn gió này còn có thể làm cay mắt, làm rối bời tóc của em được nữa không? Gió đập liên hồi. Gió đập liên hồi. Như muốn thổi tung những con chim sắc tím vây quanh giường anh trong giấc mộng đêm qua. Như muốn thổi tắt một vài kỷ niệm. Như muốn làm anh rối lòng. Có bao nhiêu ngọn gió như vậy từng thổi qua đời sống anh? ...Em đứng trên đầu dốc. Có chuyện gì vui mà em cười tít mắt vậy? Con đường ban trưa từ phố lên Saint Domain không một bóng người. Gió thổi mạnh. Từ những bậc đá xám xây quanh ngôi nhà nguyện màu hồng nằm trên đồi, có thể nhìn thấy một phần thành phố dưới thấp thấp thoáng sau những rặng thông già xanh thẫm. Em đứng ở đó, áo len xanh, khăn quàng cổ trắng, mặt hướng về phía sườn đồi đối diện, trên bờ hữu ngạn của thung lũng mà ở đấy những thửa vườn rau xanh mơn mởn lấp lánh dưới nắng trưa. Có chuyện gì vui mà em cười tít mắt vậy? Không trả lời anh, nhưng gương mặt em vẫn còn giữ nguyên nét cười đó, em bảo, gió mạnh quá chừng, anh há, gió làm rối hết tóc em rồi. Mà gió mạnh thật. Những rặng thông không ngớt gào réo trên cao. Từ phía những ngọn đồi trống trải hướng tây, nơi mà những triền đồi phủ cỏ rải rác những gốc thông già đơn độc thoai thoải đổ dài xuống một thung lũng dày đặc những mái nhà nằm nhấp nhô dọc theo một con suối nhỏ, gió từ đó tràn về, như một dòng thác lớn làm náo động cả không gian ban trưa tràn ngập nắng. Em yêu lắm những buổi trưa như thế này, nắng sưởi ấm em còn gió thì muốn mang em bay lên. Như tranh Chagall vậy? Chagall? Ừ, Chagall. Anh có yêu em không? Có. Nhiều không? Nhiều. Nhiều là chừng nào? Chừng này. Ít. Vậy thì chừng này. Vẫn ít. Bằng... cả Mozart và Beethoven cộng lại vậy! Chúng ta còn trẻ lắm, cái buổi trưa hôm ấy. Ngồi tựa vào nhau dưới cái nắng và gió trưa lồng lộng, trên những bậc đá xám vụn vỡ mà giữa những khe nứt mọc chen đầy những bụi cỏ với hoa vàng lấm tấm, chúng ta còn trẻ lắm, trẻ đến độ như thể chẳng có gì là quan trọng cả đối với chúng ta, ngoại trừ, tình yêu mà chúng ta dành cho nhau. Em có yêu anh không? Có. Nhiều không? Nhiều. Nhiều là chừng nào? Là chừng này, chừng này, và chừng này. Em cười, dụi dụi đầu vào vai anh như một con mèo nhỏ. Một con mèo nhỏ với mái tóc cắt ngắn, áo len xanh và khăn quàng cổ trắng phất phơ vì gió. Nhưng có thật chẳng có gì là quan trọng cả đối với chúng ta ngoại trừ tình yêu mà chúng ta dành cho nhau không? Chỉ có Thượng đế mới đủ sức mang nổi tình yêu của con người, giọng nói của Quỳnh, một ngày kia anh đột ngột nhớ lại, hầu như cùng một lúc với mẩu đối thoại mà chúng ta đã dành cho nhau, một cách tàn nhẫn, một cách phi lý, và cũng không kém phần buồn bã: “...chỉ vì em không tin rằng giữa hai con người lại có thể có được sự cộng thông toàn vẹn mà chúng ta vẫn quen gọi là tình yêu, lẽ ra... với một đòi hỏi như vậy, chúng ta nên chọn lấy một cái gì khác, một cái gì đó... không phải để dành cho con người”. Tựa người vào thành cửa sổ, gương mặt phảng phất vẻ khinh mạn, một cách cố ý, bàn tay em mệt mỏi vuốt ve những cánh hoa thạch thảo trồng trong chiếc chậu nhỏ đặt trên bệ cửa. Bên ngoài, mưa, từ đó có thể nhìn thấy một phần thành phố mờ khuất trong làn mưa mỏng sớm, những ngọn đồi xa như những vệt thủy mặc trên nền trời gần. “Đúng ra, anh không cần phải nói ra điều này. Chúng ta đều ích kỷ như nhau, cũng vì vậy, chúng ta đều đã lầm lỡ bằng nhau...” “em chưa từng yêu ai bao giờ, một tình yêu như vậy, liệu có thực không?” “...thế nhưng, anh sẽ không biết đến điều đó, anh cũng chẳng cần phải biết đến điều đó!”, gương mặt em tái xanh, nụ cười gượng gạo mở trên đôi môi run, “...chỉ mong rằng sau này, sau khi chúng ta chia tay, sau khi chúng ta chia tay…”. Im lặng. Nơi khung cửa sổ, ánh sáng lạnh lẽo của cơn mưa mùa đông hắt vào, gương mặt em trông nghiêng như bị chiếu rọi bởi băng giá, vẻ ngăn cách của giấc mơ, đôi bờ vai nhỏ khép kín… (TTS)


Note: Trích đoạn từ một tiểu thuyết bị bỏ dở (1)

Bản thảo gõ bằng chiếc máy đánh chữ Remington... đã tuyệt tích giang hồ! J
 


Ảnh trên: Variation from “Lost Languages” (Connie Rohman)



Không có nhận xét nào: