Tôi không nhớ chính xác mình bắt đầu đặt bút viết những dòng đầu tiên của thiên truyện này vào lúc nào, cuối năm 1987 hay
1988? Thoặt kỳ thủy tác phẩm dự định sẽ là một truyện vừa với tên gọi “Estudio Remembranza” (Khúc luyện tập hồi ức). Đây là tên một étude khá nổi tiếng soạn
cho guitar của Andres Segovia mà ngày xưa tôi đặc biệt yêu thích và thường
dành rất nhiều buổi chiều rảnh rỗi để ngồi chơi đi chơi lại nó trên cây
đàn cũ của mình (*). Có thể xem “Estudio Remembranza” là một gợi hứng, một khởi
điểm. Trừ những chệch choạc ban đầu để tìm kiếm
giọng điệu chung cho tác phẩm, phần đầu được tôi viết
khá nhanh, gần trăm trang đánh máy chỉ trong vòng mấy tháng. Với đà viết đó, tôi nhớ rằng
mình đã áng chừng, chỉ khoảng trên dưới một năm là tôi sẽ hoàn thành được cuốn
“tiểu thuyết” đầu tiên của mình. Thế nhưng, mọi sự bắt đầu chệch khỏi dự tính. Cái
truyện “vừa vừa” ấy cứ kéo dài ra mãi, mở rộng ra mãi, nó như một sinh thể - một con
quái vật thì đúng hơn - ngày một phình ra, lớn lên, không chịu khứng theo sự
sắp đặt của tôi nữa, không chịu “nghe lời” tôi nữa, và hoàn toàn vượt khỏi tầm kiểm
soát của tôi. Tôi mất dần phương hướng trong cái mê cung do chính mình tạo dựng rồi lại bủa vây bịt lối chính mình. Những tình tiết mới, những nội dung mới, những ý tưởng mới cứ liên tục chen ngang vào những trang bản thảo đã viết. Sửa chữa - thêm thắt - mở rộng, rồi lại sửa chữa - thêm thắt - mở rộng, khoảng năm 1994, khi chán nản bỏ cuộc và dẹp “Estudio Remembranza” sang một bên, tập bản thảo của tôi đã dày cộp lên gấp ba, bốn
lần so với dự tính ban đầu, đồng thời cũng đã biến thành... một đống rác, một mớ rối nùi không còn biết đâu là đầu dây mối nhợ nữa!
Vừa rồi, thổi bụi, mở lại gói bản thảo ngày xưa, tôi chọn ngẫu nhiên một vài đoạn từ tác phẩm đang viết dở dang này đăng lên blog xem như một hồi nhớ, và cũng là để, biết đâu sẽ tìm lại được niềm hứng khởi giúp mình tiếp tục hoàn thành tác phẩm đã được bắt đầu cách đây 30 năm và bị bỏ dở nửa chừng gần 25 năm nay. Thế mới biết, muốn trở thành nhà-văn-nhà-viết chẳng phải là chuyện dễ dàng giỡn chơi! J
Trần Thanh Sơn (8.2018)
(*) “Estudio Remembranza” là phần II tác phẩm “Estudios
Diarios” của Andres Segovia, bao gồm 3 phần: Oracion, Remembranza và
Divertimento
Bản thảo gõ bằng chiếc máy đánh chữ Remington... đã tuyệt tích giang hồ! J
Trích đoạn từ “Khúc luyện tập hồi ức” (1)
…Buổi sáng đập vào khung cửa. Giấc mộng đêm qua là tiếng ríu rít của bầy chim đến hót quanh giường, những con chim sắc lạ, không tên, đến hót rồi chết, xác phủ thành một tấm thảm mềm tím ngát. Huyền thoại cũ nhắc đến loài chim đêm đêm bay ra tìm ăn những giấc mộng để sống. Nơi khung cửa sổ này, nơi mà những đường viền mờ mịt của một rạng đông không quen bắt đầu soi rọi, như vẫn còn tiếp tục bay đến, những cánh chim của mộng dữ, của điềm bất tường. Bạn ạ, có lần bạn nửa đùa nửa thật nói với tôi là tiếng chim hót đôi khi trở thành một hình phạt đối với ta, cũng như thế giới con người nhiều lúc trong ta bỗng mất đi ý nghĩa - cái ý nghĩa mà nó vốn thường có - và lúc ấy, làm người là một công việc quá nặng nề. Cắm những đóa cẩm chướng hồng vào chiếc lọ thủy tinh nhỏ, không nhìn tôi, bạn bảo, lúc này nó làm ta vui, lúc kia nó lại làm cho ta buồn, cả những đóa hoa bé bỏng này nữa, sự hoán chuyển, giống như những dự báo mơ hồ về một niềm tuyệt vọng vừa được khơi gợi. Lúc ấy, tôi đã nghe bạn nói một cách lơ đãng. Rồi thôi. Thế nhưng không ngờ lại bị ám ảnh dữ dội bởi câu chuyện về tiếng chim hót đó. Giấc mộng đêm qua là bầy chim lạ đến quanh giường anh cất lên tiếng hót sau cùng. Cái biểu tượng vui tươi mà loài người ưa nói tới, thay đổi hình dạng, để lại dưới chân nó là cảm giác bị lừa dối, bị mê hoặc, một sự hoán đổi tín ngưỡng. Một con chim tím rượi đến đậu trên thành chiếc cốc pha lê trong vắt, trơ trọi và đơn độc trong cái nền màu lục lạnh lẽo vây quanh. Quỳnh mang bức tranh cô vừa vẽ xong đến nhà rồi loay hoay tự đóng đinh treo nó lên trong phòng làm việc của anh, bên cạnh bàn viết. Buổi chiều, hình như chỉ vào mùa đông, ánh nắng theo cửa sổ để ngỏ thường rọi đúng vào một góc phía bên trên bức tranh. Và bức tranh như đang bốc cháy. Tất cả sự im lìm tịch lặng ấy như đang sắp sửa bị hủy hoại, linh động hẳn lên nhưng cũng mang đầy vẻ hấp hối. Anh biết không, em vẽ bức tranh này để tặng chính mình. Bây giờ cô ta đã chết. Không bốc cháy nhưng như một cánh hải âu vô định bị những làn sóng lừng nhận chìm vào lòng biển vĩnh viễn. Buổi sáng đập vào khung cửa. Không có xác một con chim nào cả, quanh đây. Chỉ có chính anh một mình với nỗi vắng lặng này. Giấc ngủ chập chờn đứt quãng để lại cảm giác rã rời như bị vắt kiệt sức lực. “...Thức giấc, rời bỏ ác mộng, tìm lấy sự yên ổn, nhưng đồng thời cũng là chấp nhận trở lại với một thực tại bấp bênh khác, cũng ảm đạm không kém gì những cơn ác mộng kia: thế giới chung quanh”. Anh nhớ lại nét bình yên khôn tả nơi gương mặt em lúc ngủ yên. Mái tóc mềm rủ bên má, hơi thở đều đặn, gương mặt em không còn nữa vẻ đau đớn mà định mệnh tàn nhẫn muốn in dấu, như giấc ngủ và đôi môi thanh thoảng kia đưa em vào một cõi khác, che chở cho em và chối từ mọi dấu hiệu thăng trầm của kiếp người. Đấy là một đêm tháng chín. Sự im lặng mênh mông mà đêm cao nguyên phả lên khung cửa kính hơi thở ẩm lạnh của mình: mùi nước mưa, mùi cỏ mục, mùi lá thông non nhẹ nhàng lan tỏa. Anh thấy lại mình ngồi đối diện với bóng tối xanh mờ của ánh đêm đầy hơi nước đó, trong mùi khói nhựa thông thoang thoảng thơm tỏa ra từ bếp lò còn âm ỉ cháy. Giấc ngủ em, bờ vai tròn mềm mại của em, hơi thở em, vây bọc anh bằng tất cả những gì sầu muộn của nó (như thể hạnh phúc cũng có cả hương vị của sự sầu muộn). Và ngày ấy chúng ta yêu nhau biết bao. Yêu điên rồ. Yêu nhắm mắt. Yêu như những kẻ cùng đường chạy trốn một niềm tuyệt vọng đeo đuổi sau lưng. Đêm ấy, em đã mang theo những gì vào cùng giấc ngủ? Hạnh phúc có thật không? Anh vuốt ve mái tóc mềm này, trong suốt và không thật, như sương khói mong manh chực hờ tan biến mất. Anh và em, chúng ta, đôi bờ của hai thế giới cận kề bên nhau nơi biên thùy giữa giấc ngủ và sự tỉnh thức, như cận kề với ước mơ, với sự xóa bỏ những gì là quen thuộc đã giam giữ chúng ta trong sự cách biệt với vũ trụ, một điệu thức cổ xưa đang êm đềm vang lên từ những cây thụ cầm trong tưởng tượng. Và anh lắng nghe niềm cô đơn của chính mình, của em - nơi đêm mà thời gian đi lặng lẽ bên ngoài như chẳng còn liên quan gì đến con người - đã tan biến để đọng thành mật. Có phải lúc ấy anh và em đã đi sát đến bến bờ của tình yêu nhất mà không hay biết? Khẽ trở mình như va chạm phải điểm khởi đầu của một cơn ác mộng nào đó vừa thành hình, mà để thoát khỏi nó, vai em thoáng run rẩy như muốn choàng dậy. Khi anh nắm lấy tay em, em lại nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ; tưởng chừng qua cử chỉ cầm tay đó, em cảm thấy được sự hiện diện của anh bên cạnh, dù mơ hồ, nhưng em yên tâm và không thức giấc. Ngủ ngon, hãy ngủ ngon! Có một khúc hát ru về những vì sao mà thuở nhỏ anh vẫn thường được nghe mẹ hát. Sao tua chín cái nằm kề. Em là vì sao nào của chùm sao mộng cũ ấy?... Cho đến sáng hôm nay, cùng với cơn mệt mỏi, tất cả những kỷ niệm đó lại quay về với anh, dù vậy, bỗng khoác lên một vẻ gì không thực nữa: sự nghi hoặc, như muốn đồng hóa nó vào giấc mộng đêm qua. (Buổi sáng đập vào khung cửa. Không có xác một con chim nào cả, quanh đây). Thức dậy, thức dậy, Frère Jacques! Chú nhỏ gầy ốm của những đồi cát cũ miền Trung, harmonica trong túi quần nằm lơ mơ tưởng hồn thủy thủ. Tám giờ hai mươi lăm phút. Ánh nắng tăng cường thêm sắc độ, qua khe hở cánh cửa sổ vừa khép lại, chúng rọi thành một đường gươm ánh sáng chói lóa. Ở đó, vô số những hạt bụi nhỏ lơ lửng, không ngớt quay cuồng (cũng như nhân loại đa mang!). Từ hóc tối căn phòng này, mi đã nhìn không chớp mắt vào vùng ánh sáng trước mặt - như thể trông thấy những quầng bán ảnh ở gần giấc mơ mình - trong đó có một sáng mùa thu rực rỡ nàng hiện ra cùng với bầu trời và những đám mây bay thanh thản phía sau, đi xuyên qua thế giới, qua bụi bặm, qua những nhỏ nhen vô nghĩa của kiếp người. (Ghi chép ngày hai mươi sáu: Ngủ là thực thi cái quyền được quên khuấy những gì khi thức người ta không được quyền quên. H bảo, cũng vẫn chỉ là sự lừa dối. Cá nhân bị lừa và cá nhân tự lừa mình. Cái vòng lẩn quẩn chỉ kết thúc khi chúng ta nằm xuống. Dù vậy, không phải ai ai cũng đều có thể thích nghi dễ dàng với ý nghĩ là mình sẽ phải chết. Một ngày, khi con người thình lình hiểu ra hắn sẽ phải đi mãi trong con đường mà hai bên là hai bức tường cao đóng khung của định mệnh. Chỉ có một đích đến dành cho hắn, dù nhanh hay chậm nhưng không thể khác: đó là cái chết, hắn có sẽ thấy là hắn phi lý không khi đã phải sống và chờ đợi đến từng ấy năm? Luôn luôn có những thứ được đưa ra trưng bày nhưng không phải để được quyền lựa chọn. Giọng cằn nhằn của H, thế đấy, chẳng ra cái quái gì! Nhớ đến bức tranh được xem hôm ở nhà Quỳnh. Một tiếng kêu thất thanh trên sườn núi tím. Tưởng có thể nghe thấy được tiếng đá lăn trong bóng tối màu huyết dụ ấy. Cùng quẫn khiếp lên được!) ...Quỳnh có giọng cười nghe dòn tan. Người ta bảo những người có giọng cười như vậy không bao giờ chết yểu. Đấy là sự hồn nhiên của tiếng chim sẻ ríu rít, tiếng chuông, tiếng reo cười của đứa trẻ vô tư giữa vườn chơi cuộc đời. Có lần anh nói đùa với Quỳnh là đôi khi cô ta gợi cho anh cái ý nghĩ cô ta chính là một biến thân của em, trong một không gian khác, một chiều thời gian khác, dù đối nghịch nhưng cũng đều để diễn tả sự lạc lõng đơn độc của con người giữa thế giới. Lúc ấy Quỳnh đã bật cười, “anh thật giỏi tưởng tượng”, nhưng rồi với một chút gì hiu quạnh, nơi giọng nói, Quỳnh bảo: “bên ngoài chúng ta, kẻ khác, bao giờ cũng gây cho ta cái cảm giác sợ hãi, giống như mỗi khi ta nhìn ra vũ trụ mịt mù”. Người ta có khi nào nghĩ rằng mỗi con người đều có thể có một hình ảnh đối xứng toàn hảo với mình ngay trong thế giới này không? Tâm hồn chúng ta là một lăng kính đa diện, nó không ngớt tiếp nhận rồi phản chiếu trở lại những tín hiệu tâm linh đến từ kẻ khác, từ cái không gian đang sống tán loạn và dày đặc những luồng sóng ánh sáng vô hình. Rồi, tựa những tiểu hành tinh mù lòa, cô độc, chúng ta trôi dạt đi đây đó, tích tụ dần trong im lìm những mảnh tâm linh có thể đã từng xuất phát từ một nguồn, từng bị phân tán trong vũ trụ, bị xô đẩy qua vô vàn những cá thể trung gian khác để sau cùng hội tụ trở lại trên một con người, như là ngẫu nhiên, kết thúc một vòng hóa thân. “...Cùng với lời nói, con người phải khoác vào mình cả những cử động vô nghĩa nhất để thỏa mãn nhu cầu được tương giao, được tự biểu lộ. Thế nhưng, con người chế phục được gì nơi tính hư ảo của một thế giới như vậy?”. Anh nhìn đôi vai thanh mảnh kia. Quỳnh chỉ lắng nghe anh nói phần nào, quá thông minh để hiểu rằng không cần phải tỏ ra đồng cảm. Rồi với một chút lơ đãng nơi cử chỉ vuốt tóc, nụ cười nhẹ nhàng quay lại trên đôi môi êm dịu, cho dù mang nặng vẻ mệt nhọc như chính sự im lặng mà cô ta đang tiếp tục duy trì cho mình. “Cuối cùng còn lại lòng xót thương, cho mỗi con người, để chính họ phải mang ra san sẻ hết cho mình, như đã từng phải mang nặng cái gánh hành trang ấy một mình đi qua cuộc đời...”. Nơi sắc điệu ấy, sự hiện diện thấp thoáng của một nỗi niềm gì như là đau đớn, như là buồn bã, mà trong thẳm sâu trái tim, nó chính là lời xúi dục trở về với một đời sống khác: đã từng đến, từng trôi qua và vĩnh viễn bị thất lạc. “Anh biết không, đôi khi ta bị dày vò bởi ý nghĩ thế giới này chỉ thực sự hiện tồn mỗi khi ta cần đến nó, nhìn nó và tưởng rằng nó có thật. Một sự trì kéo khó chịu!”... (TTS)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét