…Đừng bao giờ tin vào kỷ niệm, đấy có phải là
câu nói sau cùng Quỳnh nói với tôi, hai mươi ngày trước khi Quỳnh ra đi và vĩnh
viễn tan vào lòng biển? Những cây cườm thảo rải đầy hoa vàng xuống con đường nhỏ
dẫn ra cổng. Không có gió, thế nhưng những chùm hoa nắng cứ đong đưa đong đưa,
và tấm thảm hoa trên mặt đất như cũng chao đảo theo, lung linh hơn, chói gắt
hơn, thứ màu vàng buồn bã và day dứt. “Con ngõ thật là
dễ thương”, Quỳnh nói, nhưng rồi ngập ngừng, “vậy mà chẳng hiểu tại sao em lại
không thích màu vàng?”. Chúng ta đã bước đi trên tấm thảm hoa có sắc màu mà bạn
không thích đó, bằng những bước chân thật nhẹ, thật chậm, tựa như chúng ta muốn
đo lường sức nặng của chính mình, sức chịu đựng của tấm thảm hoa kia, như thể
nó có thể bị xé rách, bị thương tổn, và chúng ta có thể chới với ngã xuống một
vực thẳm vô hình nào đó sẽ mở ra bên dưới. Có tiếng chim sẻ ríu rít, dù vậy, chỉ
có thể nghe thấy tiếng kêu mà không hề nhìn thấy chúng. Sau cùng, ngay đầu ngõ,
bạn nghiêng nghiêng đầu nhìn tôi rồi bỗng bật cười. Giọng cười dòn tan. Người
ta bảo những người có giọng cười như vậy không bao giờ chết yểu. “Em không muốn
tin vào kỷ niệm”, bạn đã nói như vậy rồi ra về, khoảng hai mươi ngày trước khi
bạn ra đi, bạn còn nhớ không? “...Đôi khi anh nói với Quỳnh như thể cô ta còn sống,
như thể cô ta không từng ra đi và chưa hề tan vào lòng biển, như thể linh hồn
cô ta vừa quay về và còn lẫn quất đâu đây, như thể nói với em, mà quên rằng, thật
ra chỉ có chính anh nói chuyện với một mình anh”. Bây giờ chắc chẳng còn dịp
nào để Quỳnh nhớ lại được nữa. Em không muốn tin vào kỷ niệm, Quỳnh nói như vậy,
rồi im lặng, một mình mình tự xóa đi hết trí nhớ mình, cuộc đời mình. “Sauve
qui peut!”, cái giọng nhạo báng đầy nước mắt của K. Nhưng nói vậy thì tàn nhẫn
quá! Phải không Quỳnh đáng yêu, Quỳnh tội nghiệp? Con người khi lắng nghe mình,
thì cũng chính là lúc hắn nghe thấy tiếng nói của muôn nghìn con người từng đi
qua cuộc đời hắn, những lời đối thoại hỗn loạn, va đập vào nhau, như những cánh
chim xáo xác va đập vào nhau trên vòm mái của thánh đường ký ức, nơi mà phần lớn
mọi gương mặt đều bị mờ xóa, nhòe nhoẹt, trộn lẫn vào nhau để tạo thành một
gương mặt duy nhất, gương mặt có tên gọi là kỷ niệm. Như vậy Quỳnh đã nói, em không
muốn tin vào kỷ niệm, như có thể cũng chính Quỳnh đã nói, em chỉ muốn tin vào kỷ
niệm. Chẳng ý nghĩa gì, việc gán ghép một lời nói vào với một gương mặt. Câu
nói này rời đi từ môi K chạm vào môi H, cũng như giọng hát bơ phờ của V mà mi lặp
đi lặp lại mỗi ngày như một ám ảnh, có thể được truyền giao từ P - tên cao bồi
vườn - với ít nhiều sự pha tạp sắc điệu của một vài nỗi thống khổ vô nghĩa nào
đó, trọ trẹ bằng giọng Trung bộ của Th những mẩu chuyện vỉa hè đầy vẻ phù phiếm,
nhưng cũng rất đỗi ngọt ngào rất đỗi ấu thơ, cô bé hàng xóm mà không bao giờ mi
nhớ nổi tên, và tại sao không là giọng nói của những sớm mai Sài Gòn se lạnh,
Quỳnh môi đỏ mắt trong gởi đến mi lời chào sớm mai và giọng nói thì thầm của những
đêm sương mù cao nguyên nàng đánh thức mi dậy và bảo rằng: hãy yêu em? Hãy yêu
em, hãy yêu em, hãy yêu em... Những câu nói vô chủ đi lang thang trong ký ức
mi, không đầu không đũa, trượt từ đôi môi người này đến đôi môi người khác, từ
ánh mắt người này đến ánh mắt người khác, trong một chừng mực mà trí nhớ khốn
khổ của mi có thể khơi gợi lại được, sau cùng, lại có thể chỉ chính là giọng
nói của những ước vọng thầm kín của mi, nơi sâu thẳm, mà mi gán cho là của kỷ
niệm. “Em không muốn tin vào kỷ niệm”, Quỳnh nói, nghiêng nghiêng đầu nhìn mi,
những chùm hoa nắng rơi trên tóc, trên áo và rơi cả vào trong ánh mắt cười lấp
lánh của Quỳnh nữa. Nhưng tại sao đột ngột Quỳnh lại nói với mi như vậy? Em
không muốn tin vào kỷ niệm. Nghĩa là gì? Quỳnh muốn bảo gì với mi, phía sau câu
nói như là một nhắn gửi, một lời trăn trối đó? Nhưng có thật chính Quỳnh đã thốt
ra câu nói ấy? Mi điên rồi. Mi chẳng còn nhớ được gì hết. Trái tim mi lạnh buốt,
trống rỗng, mệt nhoài. Cũng lạnh buốt, trống rỗng, mệt nhoài như cái buổi sáng
mi rời Sài Gòn trên chuyến xe tốc hành sớm mai dưới cơn mưa tầm tã. Mưa đầy trời
mưa đầy trời mưa đầy trời Sài Gòn bão rớt. Hai tay lạnh cóng dấu trong túi áo
khoác, chiếc túi xách nhỏ ôm trong lòng, mi đã nhìn đăm đăm vào ô cửa kính xe
nhòe nhoẹt nước mưa, như thể nhìn lại toàn bộ những ước mơ tuổi trẻ của mình
nơi dáng hình những giọt mưa theo gió đang không ngớt đập vào khung cửa kính, vụn
vỡ, tan tác, chảy dài xuống như nước mắt. Và trên suốt đoạn đường ba trăm cây số
cạnh những dòng nước mắt của ước mơ mi tan vỡ đó, trên khung cửa kính, khi ràn
rụa, khi ráo tạnh, để lộ những khoảng núi đồi buồn phiền chập chùng mây phủ, kỷ
niệm lại ùa về với mi bằng những tiếng nói xôn xao, nối tiếp nhau vô cùng tận,
không âm sắc, không nguồn cội, dù vậy, gắn liền với tuổi trẻ mi biết bao nhiêu.
Từ nhiều ngày nay anh đã không đến, H không đến mà P cũng không đến, mưa hoài,
anh thấy không, ngõ vào nhà K bùn bắn lên tới cổ, mỗi bận tới em phải xắn gấu quần
lên như đi chợ, K bảo vào mùa mưa đến nhà K chơi mọi người cứ mặc short là tốt
nhất, đó là K muốn diễu em đấy thôi, nhỏ à, nhưng bây giờ là tháng mười một rồi,
ở quê tau giờ này gió thổi u u suốt ngày, ngồi hơ tay trên bếp lửa, uống một
chút rượu quế, người ta có thể vượt qua được những buổi chiều mùa đông dài thăm
thẳm, mà Quỳnh cười gì vậy, anh nói như là một thi sĩ, bao giờ Quỳnh cũng vậy,
vậy là sao, chẳng sao, thôi mà, Ng nói gì cho anh nghe về thành phố của em đi,
…chỉ có có sóng là thao thức suốt đêm, đôi khi em thức giấc, có cảm giác tiếng
sóng than vãn ngay trên gối của mình, nhưng tại sao anh lại không đến, hoa quỳ
đã nở vàng hết cả trên những sườn đồi phía sau nhà em, những hôm trời lạnh, em
không xuống phố nữa, ở ngoài hồ gió thổi lạnh lắm, anh có muốn uống một tách
trà với gừng không, em thấy bố vẫn thường làm vậy, bố bảo: cho nó ấm, Ng sắp đi
rồi, Th sẽ buồn, buồn lắm, mà này, Th lúc nào cũng gạ gẫm, một ly nhỏ nữa nhé,
mà chẳng bao giờ thèm đợi người khác đồng ý, hắn chỉ dừng lại khi nào hắn không
thể đứng dậy nổi nữa, phải chừng mực, cái giọng trịnh trọng của P, nhưng câu
lên lớp đó hắn chỉ dành cho người khác, trừ hắn, đã có lần hắn ngã lộn cổ từ
trên gác xuống đến tận chân cầu thang cũng chỉ vì rượu, may mà không sao cả,
xem K kìa, khi anh cười, anh thật là dễ thương, bạn ạ, đừng như S lúc nào cũng
khó đăm đăm, thôi mà, Quỳnh, đâu phải vậy, tại sao đột nhiên em lại muốn gây sự
với anh, tất cả cùng về chứ, sao, chẳng quán cà phê nào còn mở cửa vào giờ này
đâu, vẫn còn mưa kìa, mưa-mưa-mưa, chán ghê. Mưa cũng rơi vào cái ngày anh một
mình trở lại cao nguyên, như đã rơi không ngớt ngoài khung cửa kính xe, trên những
rừng cây, những ngọn đồi hiu quạnh, trên suốt đoạn đường ba trăm cây số mịt mù
trải dài ra trước mắt, cái ngày mà từ cơn mưa tầm tã của Sài Gòn bão rớt - hai
tay lạnh cóng dấu trong túi áo khoác, chiếc túi xách nhỏ móc bên vai - anh đến
với em. Như vẫn còn nghe thấy tiếng rào rạt của cơn mưa ấy, vẫn còn tiếp tục
rơi rớt đâu đó trong những ngóc ngách muộn phiền của ký ức anh, như một bài ca
thảm thiết, mà hòa lẫn trong đó, giọng nói u uất của tuổi trẻ với những bóng
hình của ước mơ bị bào mòn, bị băng hoại, đòi tìm lại bằng được sắc điệu cũ của
mình, không thể nín lặng, không thể ngừng nghỉ - những lời, những ý, những
thanh âm - cứ phải tiếp tục mãi, cứ phải tuôn trào mãi, cho dù, nó trở thành
vô nghĩa, một hình thức khổ sai đối với người nghe và cả người phát biểu. Rồi
thời gian sẽ bỏ em lại nơi đây một mình, H à, trong khi mùa xuân vẫn cứ đến,
những mùa xuân xanh như tóc em vậy, mà mỗi tiếng chim là một lưỡi dao đâm suốt
vào lồng ngực anh, trái tim anh, những sớm mai trong khu vườn nhỏ, những buổi
chiều, và con đường lặng lẽ đi về chân núi kia nữa, trời ơi, Th có thấy nắng
trên đồi kia không, làm sao giữ được ngày ở lại, Quỳnh sẽ không khóc nữa Quỳnh
nhé, chúng ta sẽ về nhà, sẽ cùng ngồi với nhau đến tận khuya, tối nay có trăng,
Quỳnh sẽ được nghe V hát, không phải sombre dimanche nữa mà là một bài gì thật
vui, trois-cent-soixante-cinq-dimanches chẳng hạn, mà thôi, có chuyện gì buồn vậy,
đủ rồi đủ rồi, K đứng trên ghế múa may, những điệu bộ múa may của chàng điên
Hamlet: hãy để quỷ dữ mặc áo tang đen, còn tôi, tôi sẽ mặc bộ đồ màu sặc sỡ
và… Th có muốn uống nữa không, thôi mà, anh không thấy anh ấy mệt lắm
rồi sao, Th săm soi chiếc ly trong tay như ngắm nhìn những bợn rượu cặn,
ngày xưa, có lần H đánh vỡ một chiếc cốc thủy tinh trong ngày sinh
nhật mình, đó có phải là một điềm gở, rồi đấy, trăng lên kìa, những
cốc rượu có màu lửa, il est un jardin, giọng hát của V mà có lần anh nói với
em, enfoui au creux de ma mémoire, gợi cho anh nghĩ đến những buổi trưa bơ phờ
nắng, tiếng than vãn của con sói độc trên đồi trăng, un jardin où j'ai tant
pleuré, o qu'un jour je puisse y entrer me reposer à tout jamais, nhưng em
khóc đấy sao, thôi nào, thôi nào, à tout jamais près de la tombe
abandonnée de Lara, hãy nắm lấy tay anh, chúng ta có đến hai mươi năm tuổi trẻ
kia đấy, hai mươi năm tuổi trẻ, hai mươi năm tuổi trẻ, ôi trời. Những đóa hoa
cẩm chướng hồng nhỏ nhoi như ước mơ của Quỳnh cũng đã héo hết, như nắng với gió
trưa trên đồi cao kia chưa từng một lần mang em bay lên. Tuổi trẻ cũng đi qua.
Vậy đó. Còn lại gì? Chẳng còn lại gì hết. Tiếng nói đó vang lên rồi tắt
đi. Mọi người đã ra về. Đèn đã tắt. Tiệc cũng tàn. Sao ta còn cứ mãi nấn
ná lại nơi này? Làm chi cho thảm. Làm chi cho thảm, phải không Quỳnh? Nhớ
lần bạn kể với tôi một khuya không ngủ được, nghĩ đến câu thơ nửa đêm mọi người
thức giấc và ôm lấy mình, thấy buồn quá, buồn đến phát khóc, bạn cười
cười, đôi môi đỏ, thật đỏ, “cũng giống như khi chỉ còn lại mỗi mình mình với
bữa tiệc tàn, ngồi nhìn những chiếc ghế trống bạn bè để lại, tiệc trần gian rồi
cũng kết thúc như vậy thôi S nhỉ”. Đôi môi ấy lại thấp thoáng nét cười, bạn
lúc lắc đầu, nhưng chẳng vui vẻ gì, mái tóc mềm nhè nhẹ đong đưa. Tôi đùa:
này em, đừng rũ nỗi buồn của em sang tôi. Bạn cười: phải biết san sẻ.
Tôi nói: tiền tốt hơn. Bạn nói: trái tim cũng tốt. Tôi nói: không. Bạn
nói: có. Tôi lại nói: không. Bạn bĩu môi. Chúng ta ngồi nhìn nhau. Và chẳng
hiểu làm sao, thoặt đầu là bạn, sau đó đến tôi, kỳ dị và vô vọng, chúng ta
cùng bật phá lên cười, cười ngặt nghẽo, cười thỏa thích, cười đến chảy nước
mắt. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in cái ngày buồn bã ấy, cái ngày mà
tôi và bạn, như hai đứa điên, chúng ta cười, cười, cười... nhưng quả thật là
chẳng vui vẻ gì. (...Nắng rút lại, nắng rút lại). Đã trưa lắm chưa? U
uất tiếng đồng hồ tích tắc. U uất tiếng xào xạc của lá. U uất tiếng
gió trưa vào lay cửa hẹp (thổi mà như thế thổi cho lần cuối cùng). Gió à,
khi vào lay cửa hẹp, gương mặt buồn nản của mày làm tao nghĩ đến một tấm gương
cũ, ố vàng và hoang vắng, chẳng giữ lại gì cả cuộc đời đi qua, thế mà cũng có
một đời sống riêng, những hồi ức riêng, tâm hồn riêng của mình. Đập vỡ mày ra
như đập vỡ gương ra như đập vỡ tất cả những gì thuộc về kỷ niệm. Cuộc đời là một
chuỗi những trò hư ảo. Mỗi sáng người ta ngắm nghía cái bóng hư ảo của mình
trong gương, tưởng mình có thật. Chỉ có gió biết rõ chuyện này. Gió thổi qua vườn,
trên cỏ, qua những rặng cây; và chúng cùng nhau ca hát, cùng nhau cười cợt.
(...Thôi thế em sẽ cắt tóc ngắn theo kiểu Sylvie anh nhé em thích như vậy à anh
không thích sao anh nghĩ nếu như em thích nó sẽ ngắn đến đây như vậy có ngắn
quá không bạn này hay em sẽ cắt như thế này như thế này như thế này trời đất
như vậy trông em sẽ giống như một rặng cây một cây liễu thì đẹp chứ sao không
ý anh nói là những cây me vừa bị cắt ngọn ở đường Nguyễn Du, em cười, thật
xinh, gương mặt mờ ảo được tóc đóng khuôn trong cái nền mờ ảo của tấm gương lớn,
ở đó, nơi góc trái tấm gương, khung cửa sổ lấp lánh phản chiếu bóng cây vườn
trưa im lìm, một khoảng trời cao lóa nắng, và chúng hòa vào nhau tạo thành một
mảng màu xanh chói gắt, thứ màu xanh làm người ta khát nước, làm người ta
nhói lòng, cây trong vườn như đang thở anh có thấy như vậy không buổi trưa
chúng ngủ yên và thở chỉ thở thôi đến chiều khi gió đến chúng mới thức dậy và
trò chuyện một vài buổi tối em còn nghe thấy chúng ca hát nữa khi người ta còn
bé người ta có thể nhìn thấy cả những rặng cây bước đi trong đêm tối thế em đã
nhìn thấy bao giờ chưa lúc em còn bé những rặng thông phía sau nhà em ở xa mãi
trên đồi bây giờ chúng đã tiến đến gần những chiếc bóng của chúng buổi trưa thường
ngã vào cửa sổ phòng em nhỏ này người ta lớn những khoảng đường xa thường ngắn
lại cũng như mắt nhìn cũng hóa hẹp hòi đi nhưng tại sao con người lại không thể
bao dung như cỏ như gió như cây có những trưa nằm dưới bóng mát rặng thông
sau nhà em đã nghĩ vậy cây chẳng xua đuổi ai đến trú mình dưới bóng mát của nó
bao giờ, mắt em trong gương nhìn anh đăm đăm, đôi môi thì bĩu ra như là hờn dỗi,có
một điều gì đó buồn lắm dâng lên trong trái tim anh, không biết là điều gì, anh
choàng ôm lấy vai em rồi siết chặt, tóc em tỏa hương dìu dịu, dìu dịu và buồn
bã như cỏ, như đêm mưa, nhỏ à rồi thời gian sẽ cuốn trôi đi tất cả những gì
hôm nay làm chúng ta khăng khăng cố chấp rồi thời gian sẽ dạy cho chúng ta bao
dung anh và em chúng ta sẽ quên đi có những lúc con người đối xử với nhau tàn
nhẫn và hẹn hòi đến như thế nào chỉ có thể sống nổi nếu tin rằng một ngày nào
đó tất cả những thứ đó rồi cũng phải mệt mỏi những nỗi oán giận mệt mỏi những
trái tim đa nghi mệt mỏi và đến cả niềm đau khổ, trưa xanh và lặng lẽ theo bóng
râm của một áng mây bất chợt vừa kéo ngang qua vòm trời, những tàng cây thẫm
lại, qua khung cửa sổ phản chiếu trong gương, chúng như vừa nhẹ nhàng lùi ra
xa, nhẹ nhàng trở mình khỏi giấc ngủ mê mệt mà nắng trưa phù phép lên chúng,
những cành lá bắt đầu rì rào thức lại, bên kia thung lũng, nơi sườn đồi ẩn hiện
những mái nhà nằm im lặng dưới những cành thông rực rỡ nắng, xao xác tiếng gà
trưa…).
Trần Thanh Sơn
Ảnh trên: Variation from “Lost Languages” (Connie Rohman)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét