Thứ Tư, 27 tháng 1, 2021

Lãng-mạn-tro-tàn

 
 
Bạn từ Đức gửi về cho một CD của Heinz Holliger và nhắn bảo “Mày nghe thử, Romancendres của cha này rất tuyệt!”. Từ trước đến giờ tôi chỉ mới được biết Holliger trong vai trò một nhà chỉ huy dàn nhạc, một tay kèn obois danh giá, còn về sáng tác chỉ nghe loáng thoáng một vài tiểu phẩm nhưng thấy không mấy ấn tượng. Thế nhưng Romancendres, đúng như lời nhắn của bạn, quả là rất tuyệt: điên rồ, lạ lẫm, đầy mê hoặc. Và cũng bởi những thứ rối rắm nhưng hấp dẫn nằm ẩn phía dưới tác phẩm ấy, tôi thấy mình phải quay lại với nhà soạn nhạc mà tôi tưởng đã nghe hết và nghe đủ cách đây đã hơn hai mươi năm: Robert Schumann. 

Tiểu sử cũng như những ghi chép, lưu trữ về Schumann cho biết căn bệnh trầm cảm có nguyên do từ cái chết của những người thân của ông trong trận đại dịch tả năm 1833, những năm cuối đời lại tái phát và tấn công ông dữ dội; nó phủ bóng mờ xuống những trang nhạc của Schumann, đẩy ông vào những cơn mê sảng đến phải tự gieo mình xuống sông Rhin băng giá và kết thúc cuộc đời bằng cái chết âm thầm trong nhà thương điên (7.1856) sau hơn hai năm tự nguyện để bị cầm tù ở đó. Dù vậy, các nhạc phẩm được sáng tác trong giai đoạn cuối cùng này, trước khi Schumann thực sự mất đi sự minh mẫn và vĩnh viễn chìm vào đêm đen của chứng loạn thần, vẫn tiếp tục lấp lánh một vẻ đẹp dị thường. Ngày nay chúng ta không hiểu được vì lẽ gì những tác phẩm ấy lại khiến Clara Schumann (1) - vợ ông, người đồng cảm và đồng hành cùng ông cả 15 năm trên hành trình nghệ thuật đến thời điểm ấy bỗng quay mặt đi, không hiểu, không cảm nhận và gán cho chúng là những biểu hiện của bệnh lý. Nhân danh tình yêu, nhân danh việc bảo vệ không để ô uế danh tiếng của chồng, Clara Schumann bất chấp lời khuyên của bạn bè đã khăng khăng không cho công bố các tác phẩm này, thậm chí nhiều chục năm sau cái chết của chồng bà còn quyết định đốt bỏ chúng. Năm khúc lãng mạn cho cello và piano mà ngày nay chúng ta chỉ được biết qua những mô tả của nghệ sĩ vĩ cầm Joseph Joachim là tác phẩm phải chịu số phận hẩm hiu đó (2).

Tên gọi Romancendres dựa trên sự việc đốt nhạc này (3). Có thể tạm xem tác phẩm gồm 6 phần soạn cho cello và piano của Holliger là một khúc tưởng niệm chứa đầy những ẩn dụ và ám chỉ liên quan đến Schumann, dành cho Schuman. Hành âm khai mở “Kondukt” (có thể dịch là đám tang) được bắt đầu với tiếng bật dây của cello và tiếng piano được gảy trực tiếp trên dây đàn (string piano). Những nốt cello chơi “sul ponticello” lạnh lẽo, thê lương, chập chờn lướt trên những âm trầm nặng nề của piano và nhanh chóng tan biến như hồi cố về cuộc đời loang loáng vút qua trong tâm trí của một người sắp chết. Phần kế tiếp có tên gọi “Rạng đông”, nhưng là thứ rạng đông mọc lên sau những bức tường của trại tâm thần, là thứ nắng lòa gở làm nền cho tiếng cửa sắt rền rĩ giọng giam cầm, những tiếng thét câm quẫy động của thần trí cố tìm lại những mảnh bản thể đã thất lạc. Hai nhạc cụ cello và piano khi thì hòa quyện vào nhau một cách ma quái, khi thì dằn dỗi xô nhau ra, vụn vỡ, một mình. Âm nhạc, trong sâu thẳm, nghe như có thấp thoáng niềm vui ngày cũ, lại có nỗi bùi ngùi tan nát không nguyên do, có lo âu giận dữ, có bình hòa thiếp ngủ, có tối ám hôn muội mà cũng có cả ánh sáng, ánh sáng của mặt trời và của lửa buổi tàn ngày thiêu nhạc ra tro...

Tiêu đề của hành âm thứ ba (R)ascheS Flügelschlagen có thể tạm dịch là “Tro tàn vỗ cánh”. Trong nhạc mục các tác phẩm soạn cho cello và piano từ trước đến nay tôi chưa từng được nghe một thứ gì tương tự như vậy. Đấy là cuộc tranh chấp căng thẳng trên nền tốc độ cao của hai nhạc cụ diễn tấu được viết bằng bút pháp hiện đại với những kỹ thuật trình diễn cực kỳ phức tạp, khai thác tối đa những cách thể hiện âm thanh mới của từng nhạc cụ. Có những đoạn người nghe không còn có thể nhận biết được thứ âm thanh mình đang nghe là âm thanh phát ra từ thứ nhạc cụ gì. Âm nhạc quẫy loạn, khi tung tóe như tàn tro theo gió, khi vụng về như chim đập cánh tập bay muốn vươn lên thành cánh phượng hoàng, dẫu vậy, chỉ là cánh phượng hoàng trong lồng tối, vùng vẫy cho tan hoang rồi hủy diệt cả chính mình. Nét nhạc lột tả cơn run rẩy của tột cùng hoảng loạn bằng tiếng gõ cán archet lập cập trên mặt đàn cello trộn tiếng rít của kim loại bén ngót cọ xát trên dây đàn piano khép lại chương nhạc ngụy dị này. Các phần tiếp theo của bản nhạc (“Der Würgengel der Gegenwart” và “Es wehet ein Schatten darin”) tiếp tục đưa người nghe đến những vùng tăm tối khác của cảm xúc, ngày càng bi thảm hơn, hoảng loạn hơn, ghê rợn hơn. Ở chốn đó, trên biên thùy giữa nhân và phi nhân, con người bị truy đuổi bởi chính mình, họ trốn chạy một cách tuyệt vọng trong cái mê cung tối đen cũng do chính tâm hồn của họ đã tạo ra.

Xem chừng mượn chuyện đốt-nhạc-phần-thư của người xưa, Holliger đã lừa đưa ta tới chốn tối ám này. Trong sâu xa, tôi luôn cảm thấy rất khó tin được việc Clara Schumann đã quyết định thiêu hủy tác phẩm của chồng trước khi mất, đặc biệt khi đã lưu giữ chúng đến 40 năm. Chỉ có thể giải thích cho hành động này dựa vào tính chất mang ý nghĩa tượng trưng của câu chuyện, đấy là mâu thuẫn bất khả hòa giải giữa cái cũ đang tồn tại trong hiện tại với những thứ mới mẻ hơn vừa manh nha xuất hiện nhựng thuộc về một tương lai bất định còn chưa đến. Nghe kỹ các tác phẩm được xem là may mắn còn tồn tại của giai đoạn này như Violin Concerto, Violin Sonata No.3, hay Ghost Variations (sáng tác được hoàn thành sau cùng nhất của Schumann), có thể nhận thấy được những dấu hiệu của sự chuyển hướng trong phong cách sáng tác, đặc biệt những thể hiện mang tính khuynh đảo các cấu trúc âm nhạc truyền thống của chủ nghĩa lãng mạn. Trong tập tiểu luận “Những di chúc bị phản bội, Milan Kundera từng cho rằng phải ở bên trong lịch sử mới có thể hiểu được cái gì là mới mẻ và cái gì là lặp lại, cái gì là khám phá và cái gì là bắt chước, đồng thời, cũng phải ở bên trong lịch sử thì một tác phẩm mới có thể tồn tại như là giá trị có thể nhận chân và đánh giá. Và như thế, không ai có thể phủ nhận tình yêu mà Clara dành cho Schumann. Bà yêu chồng, yêu những sáng tác lãng mạn của chồng, yêu cái tinh thần, cốt yếu nghệ thuật thuộc về Schumann nhưng bằng lăng kính giới hạn của tình cảm và ý thức hầu như bất biến và có vẻ đứng bên lề của mình. Nên khi nghệ thuật đó có dấu hiệu khác lạ - không phải Schumann với những cơn loạn thần, mà là nghệ thuật - bà không chấp nhận, nghệ thuật đó không phải là thứ nghệ thuật bà từng biết từng hiểu, bà buộc lòng phải đặt nó sang một bên, chỉ có vậy!

Còn Romancendres của Holliger? Một bi khúc dành riêng cho Robert Schumann, cho những kiếp tài hoa đã hóa tro tàn, hay một khải hoàn môn cho tính chất Janus hai mặt của nghệ thuật, tán dương sự đồng hiện của sáng tạo với sức mạnh hủy diệt, tỉnh táo với điên rồ, hy vọng cùng tuyệt vọng, tuyệt đỉnh hân hoan với vô tận nỗi buồn? Tôi chẳng biết. Tôi chẳng biết, bài hát tối đen lãng-mạn-tro-tàn của Holliger cũng nói như vậy. Và nó kết thúc đúng như vậy! 
Trần Thanh Sơn (1.2021)


(1) Clara Schuman, nhũ danh Clara Josephine Wieck (1819-1896): Nhà soạn nhạc, nghệ sĩ dương cầm, vợ của nhà soạn nhạc lãng mạn lừng danh người Đức Robert Schumann (1810-1856).
(2) Có ba bản nhạc vẫn may mắn tồn tại bất chấp mong muốn của Clara Schumann là Violin Concerto (được tái phát hiện năm 1933, công diễn lần đầu năm 1937), Violin Sonata No.3 và Geistervariationen (Biến tấu khúc Bóng ma) - tác phẩm cuối cùng của Schumann.
(3) Tên tác phẩm là sự chơi chữ, kết hợp của hai từ tiếng Pháp “romance” (khúc tình ca, sự lãng mạn) và “cendre(s)” (tro tàn, tro cốt, di hài). 
Trong tác phẩm Holliger thường sử dụng các âm hình motif âm nhạc mà Robert Schumann ưa sử dụng và gắn chữ viết tắt tên của Schumann (R - S) vào tên gọi của chương, điển hình như ở dưới: (R)ascheS Flügelschlagen.

Note 1: Tôi tìm thấy trên youtube clip tác phẩm Romancendres của Heinz Holliger do đúng cặp nghệ sĩ  Daniel Haefliger (cello) và Gilles Vonsattel (piano) trình tấu như trong CD của Genuin phát hành mà bạn đã gửi cho. Clip được quay đẹp và ấn tượng như chính bản thân Romancendres!


Note 2: Bản nhạc Schumann mà lần đầu tiên tôi được nghe trong đời có lẽ là Kinderszenen No.7, Op.15, được rất nhiều người biết đến qua phiên bản chuyển soạn thành ca khúc Mơ mòng của NS. Phạm Duy. Xin được chia sẻ bài hát với phần trình bày của ca sĩ Lệ Thu - giọng ca tuyệt diệu vừa từ giã chúng ta sang miền mây trắng...



Ảnh trên: From cover “Romancendres” (ECM)    




Không có nhận xét nào: