Tôi
thích nghe trumpet và có nỗi ám ảnh kỳ lạ với loại nhạc cụ này. Mỗi khi
trumpet cất tiếng, tôi luôn cảm giác tiếng kèn vừa bất chợt mở ra cho tôi cánh
cửa dẫn vào thế giới khác, một thế giới đã bị bôi xóa và phong yểm bởi sự
lãng quên mà tiếng kèn chính là ánh chớp lóe, là câu thần chú hóa giải niêm ấn
giúp tôi trong thoáng chốc nhìn thấy được những góc khuất sầu thảm nhất của tâm
hồn con người với những niềm đau cổ xưa, những khát vọng, những hân hoan từ lâu đã hóa điêu tàn. Có
những cõi miền chúng ta chỉ có thể bước vào chiêm bái trong giấc mộng. Trumpet
dựng lên những cõi miền này cho tôi khi tôi đang thức giấc, và giữa những phế
tích ảo ảnh mà nó tạo dựng, đôi khi tôi thấy cả những vụn vỡ của chính cuộc đời
mình.
Nhà
tôi những năm 60-70 nằm gần như đối diện với một căn cứ hậu cần của quân đội Mỹ
ở Đà Nẵng. Chênh chếch bên kia đường, ngay sau lớp hàng rào kẽm gai um tùm cỏ
ống là chỗ ở của đội lính tuần tra bảo vệ căn cứ - một căn nhà tiền chế với mái
vòm theo kiểu các hangar chứa máy bay ở phi trường. Có một dạo, cứ đến giấc
chiều là lại nghe từ đấy vẳng ra tiếng nhạc kèn. Mấy thanh niên trong phố tỏ vẻ
rành rẽ bảo đó là tiếng trumpet của một anh lính da đen mới vừa chuyển tới. Tôi
chưa được tận mắt nhìn thấy người lính này thổi kèn bao giờ nhưng thích mê âm
thanh của thứ nhạc cụ có cái tên gợi thanh đầy thú vị ấy. Trong bóng chiều
muộn, tiếng trumpet thoảng nghe vừa hùng tráng lại vừa bi thiết, rất khó tả! Mẹ
tôi bảo: ông lính này chắc ổng nhớ nhà! Một bữa lên sân thượng thả diều, ngó
sang phía căn cứ Mỹ, tôi bất ngờ nhìn thấy một người da đen đang ngồi chơi trên
mấy bậc thang gỗ của căn doanh trại. Trông thấy tôi, anh ta thân thiện đưa tay
chào theo lối nhà binh rồi nhe răng cười. Tôi cũng vẫy tay chào lại mà lòng
nghĩ, có khi nào đây là ông lính thổi kèn mà mấy anh xóm trên đã nói? Nhưng hôm
ấy chẳng thấy anh ta chơi kèn gì cả, chỉ ngồi im lặng ngó trời xanh. Thắc mắc
vậy, nhưng với trẻ con thì còn biết bao điều cuốn hút khác. Tiếng
kèn của người lính chưa biết mặt như lệ thường vẫn cứ tiếp tục vang lên mỗi chiều,
khi rộn rã, khi trầm ngâm, buồn vui tùy tâm trạng, cũng như tôi, khi bình thường vẫn thích ngồi nghe, nhưng lúc ham chơi quá thì thôi! Cho đến lần bị cảm cúm
phải nghỉ học ở nhà đến mấy bữa, đi ra đi vào mãi cũng chán, nghe tiếng kèn, tôi mới trèo lên sân thượng dòm qua. Và quả như tôi nghĩ, người thổi trumpet chính là anh
lính da đen bữa trước. Thấy tôi xuất hiện, làm như có khán giả khiến anh thêm phần phấn khích,
giọng kèn của anh sôi nổi hẳn lên. Anh hướng loa kèn về phía tôi, say mê chơi hết bài này tới bài khác...
Sách
Khải huyền trao cho trumpet sứ vụ báo hiệu tận thế. Theo đó, bảy hồi kèn sẽ đem
tới mưa lửa, máu tanh, thiên tai, chiến tranh và dịch họa. Tôi nhớ bức tranh
từng làm tôi sợ chết khiếp trong kho chứa đồ cũ của ngôi nhà thờ ở gần nhà khi tôi
theo thằng bạn trong đội phụ lễ vào đó chơi. Đấy là tranh vẽ một thiên sứ có
gương mặt lạnh băng đang dõng dạc thổi kèn, một quả núi với những lưỡi lửa ngùn
ngụt tóe ra như cái đầu rắn của Méduse từ trời cao lao thẳng xuống mặt biển mà
nửa phần đã biến thành máu đỏ, trong làn nước kinh dị đó ngoi ngóp những hình
nhân cùng tàu bè lớn nhỏ bị đánh chìm. Thằng bạn cắt nghĩa đó là cảnh kèn báo
ngày phán xử cuối cùng! Thật khó có thể hình dung ra mối liên hệ gần gũi nào
giữa cây kèn đồng hung tợn trong bức tranh thánh kia với tiếng trumpet mà tôi
được nghe trong buổi chiều êm ả đến kỳ cục giữa cái thành phố sắp sửa bị
xáo tung lên vì chiến cuộc sẽ diễn ra vào đúng mùa hè năm ấy: mùa hè đỏ lửa
1972. Cho đến tận bây giờ, đã gần nửa thế kỷ trôi qua, thỉnh thoảng nghe thấy
tiếng trumpet tình cờ trỗi lên đâu đó, ký ức mông lung vẫn dẫn tôi về với buổi
diễn kèn tuyệt thú thuở nào mà tôi may mắn được làm khán giả. Chiều hôm ấy tôi
đã được nghe những bản nhạc gì, tôi chẳng biết và cũng chẳng còn nhớ nữa. Trong
ráng chiều mùa hè mà ánh phản chiếu trên dáng ngồi của người lính đang mải
mê chìm vào dòng âm thanh do chính mình tạo dựng, những đường viền của nắng bao
quanh tạo ảo giác anh đang bốc cháy. Ở đó, tiếng kèn là cơn lốc xoáy, là thế giới biệt lập của nỗi buồn mà người lính Mỹ nhớ nhà vừa mở ra bằng cây trumpet của mình. Mọi
thứ xung quanh tôi như đang bốc hơi. Bay lơ lửng trong không trung những trại lính
xám tro, những lô cốt phòng ngự tối ám, những rào kẽm gai chằng chịt biển báo
mìn với hình sọ người xương đan chéo, con đường dẫn ra biển, những bụi xương rồng, vạt dứa dại, những
cồn cát vàng sầu dáng phi lao, và cả tôi nữa...
Hồi
học trường nhạc một bạn đồng môn có lần hỏi tôi, trong các bộ nhạc cụ của dàn
nhạc bạn thích dùng loại nào nhất? Tôi trả lời là đàn dây (trên nghĩa đa năng
hữu dụng), nhưng lòng thì cứ âm thầm nghĩ đến bộ đồng, đến tiếng kèn trumpet. Hình ảnh xa xưa nhất của cây kèn trumpet được mô tả trong nghệ thuật Ai Cập cổ
đại thường đi cùng với những người lính đang hành quân hoặc các nghi thức tôn giáo.
Người Assyria, người Do Thái, rồi Hy Lạp, La Mã cũng cứ lối ấy tiếp tục sử dụng kèn
làm công cụ báo hiệu trong chiến tranh, trong sinh hoạt tôn giáo, các đám rước
hoàng gia và những cuộc săn bắn. Kèn trumpet được cho là biến mất khỏi châu Âu
một thời gian khá dài sau sự sụp đổ của La Mã, và chỉ đến khi diễn ra các cuộc
thập tự chinh ở cuối thế kỷ XI mới rải rác xuất hiện trở lại nhưng vẫn với
chức năng xưa cũ là công cụ phục vụ cho vương quyền, thần quyền, và là hiệu lệnh
cho những cuộc chém giết đẫm máu. Theo từ điển Grove, mãi đến năm 1610 trumpet
mới rũ bỏ được phần nào các chức năng cũ để bước vào thế giới huy hoàng của
nhạc nghệ thuật cùng tác phẩm của các nghệ sĩ cung đình như Reimundo Ballestra,
Giovanni Valentini, Christoph Straus, sau đó là hàng loạt các nhà soạn nhạc
của thời kỳ baroque như Biber, Scheidt, Schütz, hay Franceschini, Gabrielli,
Torelli, Purcell, Telemann và Bach vĩ đại. Tuy nhiên, từ thế kỷ XVIII, sự thống trị
của giai điệu trong xu thế âm nhạc thời kỳ cổ điển đã khiến kèn trumpet - với những
hạn chế trong cấu tạo tự nhiên của mình cùng âm sắc bị cho là quá chói
sáng - suýt bị loại ra khỏi biến chế dàn nhạc và thường chỉ được dùng để lấp đầy trong những
đoạn tutti toàn dàn nhạc khi miêu tả tính chất anh hùng, không khí hội hè chiến
thắng. Cách
nhìn nhận có phần cực đoạn đó bắt đầu thay đổi khi trumpet liên tục có được những cải tiến lớn về kỹ thuật trong suốt thế kỷ
XIX, đặc biệt là hệ thống van và
rãnh trượt của cây kèn hiện đại. Nhạc jazz cùng những nghệ sĩ trumpet tuyệt vời của
nó trong nửa đầu thế kỷ XX là cú hích sau chót cho chuyển biến này, dù vậy, cũng phải đến sau Thế chiến II kèn
trumpet mới thật sự được công nhận trở lại như một nhạc cụ độc tấu trong âm nhạc
dàn nhạc.
Tâm
thức thính giả Việt nhìn chung cũng chẳng mấy ai yêu thích trumpet. Đặc tính ưa
ca hát, ưa những giai điệu ngọt ngào thường dẫn số đông người nghe đến với
saxophone, thứ kèn có ưu thế hơn hẳn trumpet về cấu tạo kỹ thuật, có âm sắc mềm
mại ấm áp gần với giọng hát, dễ dàng nức nở những bài ca mà người ta quen
nghe và nhẩm theo đến thuộc lòng được phát hàng ngày trên sóng phát thanh và
truyền hình. Tôi cũng không thoát khỏi khẩu vị số đông đó, dẫu riêng biết chẳng
thứ nhạc cụ nào có thể mang đến cho mình những xúc cảm kỳ lạ như trumpet đã
từng. Chỉ trumpet mới gợi cho tôi nỗi hoài nhớ, cảm giác trống vắng siêu hình
về cả những thứ mình chưa từng nhìn thấy, chưa từng nghĩ đến, chưa từng sở hữu; nó cho tôi thấy được
sự bất lực và hữu hạn của mình trong cõi nhân sinh; thương xót phủ dụ tôi nhưng
cũng đồng thời lạnh nhạt cười cợt chế diễu tôi… Bí mật nào ẩn dấu trong tiếng
kèn kỳ lạ đó? Có một trưa tình cờ dừng xe trước ngã tư dưới cơn mưa nặng hạt
chờ một đám tang đi qua. Đi diễu ngay sau di ảnh của người quá cố là đội kèn đồng
phố huyện quần áo mũ mão lướt thướt ướt. Giữa hàng người nhốn nháo, giữa bầu âm
thanh như cũng nhòe nhoẹt vì mưa của những clarinet, saxophone, trombone đầy nghiệp dư, tôi
bỗng nghe thấy tiếng trumpet như kim châm nhói lên một giai điệu đẹp nhưng lạc lõng và chẳng
chút liên quan gì đến những âu sầu huyên náo vây quanh; tiếng kèn nghe như lời
than vãn của một anh hùng nay đã sa cơ thất thế, một kiếm khách lỡ thời lây
lất sống chuỗi ngày tàn giữa đám giá áo túi cơm hèn mọn. Nhìn cây trumpet loáng
ánh mưa trên tay người đàn ông dáng còm nhom thảm hại của đội kèn đưa đám, tôi
như bất giác trông thấy phía sau đó là thẳm thẳm những ngàn năm trôi nổi thăng
trầm của tiếng kèn. Trumpet mang trong giọng hát của nó máu và nước mắt của
gần như toàn bộ lịch sử nhân loài. Nó là nhạc cụ duy nhất từng nhìn thấy
máu chảy thành sông thây chất thành núi trên những cánh đồng chiến trận; là
chứng nhân cho những thành trì bốc cháy, những tượng thần đổ sụm, những vương
triều, bá nghiệp tan hoang… Nghe trumpet là nghe sự đồng vọng của tiếng kèn
chiến thắng Aeschylus từng nghe rền vang trên eo biển Salamis ngập xác quân Ba
Tư, tiếng kèn cay đắng đi cùng Seneca trong đám tang Claudius, tiếng kèn trong
đại mộng của Joan trên đảo Patmos lưu đày, trong thời đại tăm tối nhiễu nhương
của chàng điên Hamlet và trong tâm tưởng của người nhạc sĩ xứ Eisenach trên
bản thảo Brandenburg Concerto No.2 rực rỡ huy hoàng… Bí ẩn của tiếng kèn trumpet phải chăng nằm ở chỗ đó?
...Thành
phố mùa hè 1972 ngập người di tản từ bên kia đèo Hải Vân đổ về. Những đêm hỏa
châu rì rầm giọng đại bác. Tiếng kèn quen thuộc của người lính da
đen cũng bặt, chỉ còn tiếng còi báo động nối tiếp còi báo yên, luân phiên nhau. Vẫn
mấy thanh niên trong phố, họ nói đám lính Mỹ ưa la cà các bar rượu quanh căn
cứ cho biết anh lính đen hay chơi trumpet đã hết hạn nghĩa vụ và được xuất ngũ về
nước; nhưng cũng kể, có khi lè nhè say lại bảo anh ta vướng mìn trong một
cuộc tuần tra tầm phào nào đó gần Chu Lai, chết tan xác rồi! Tôi về nhà thuật lại cho mẹ
nghe, mẹ tôi chẳng nói gì, chỉ im lặng, lắc đầu. Tôi không biết phải tin vào lời kể nào. Nhưng có một đêm, tôi mơ thấy cây kèn trumpet của người lính da đen bị trúng
mìn méo mó nằm vướng trên ngọn cây, người ta phải lấy cù nèo móc nó xuống như móc
một thứ trái chín, máu tươi từ thân kèn nhỏ ra ròng ròng như mật. Tôi vẫn thích nghe
trumpet, gần như suốt từ những ngày tháng xa xôi thơ ấu ấy cho đến bây giờ. Chỉ có điều, chưa
một lần nào tôi chạm tay vào cây trumpet và cũng chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ trở
thành một người chơi kèn. Với tôi, dường như trumpet đã biến thành một thứ nhạc
cụ linh thiêng chỉ dành cho những người được chọn, tiếng kèn của những sứ giả mượn âm nhạc để dự báo niềm vui cũng như hiểm họa. Khi
những hân hoan, những mơ ước và khát vọng của con người đã tàn lụi, tiếng
trumpet sẽ khải thị những miền hy vọng mới. Khi những xấu xa, ác độc, những tham vọng tăm tối trong nhân gian bắt đầu vượt ngưỡng, trumpet sẽ trở thành điềm gở, nó dự báo cho con người những sụp đổ tan hoang.
Đêm mưa nhẹ, chỉ thoáng chốc khiến không khí càng thêm oi nồng bức bối. Nằm nghe
lại một lần nữa “Quiet City” của Copland. Nghe bước chân của chính mình vang vọng trong ký ức, đi ngược con đường mình vẫn thường đi, về phía cánh cửa mà tiếng trumpet khắc khoải của bản nhạc vừa mở ra. Ở đó có một hoàng hôn vĩnh cửu, một người lính vĩnh cửu đang say sưa thổi trumpet cho một đứa bé vĩnh cửu ngồi nghe. Mặc cho những mất mát, mặc cho những âu lo, những nát tan vụn vỡ, chỉ có tiếng kèn khi chói sáng khi mờ tối dắt tôi đi. Trong lòng giếng đêm sâu hoắm này, trong hơi thở bất an mà dịch bệnh vừa trói chung tất cả lại trong gọng kìm hắc ám của nó, giống hệt âm nhạc Copland, sự nín bặt của thành phố đã bắt đầu quen với sự cách ly khoác lên mình nó vẻ ảm đạm của một mộ địa, có cảm tưởng mỗi cá nhân dường đang đều tự thu mình lại trong chiếc hố đơn độc cùng một tiếng kèn tăm tối nào đó của riêng mình. Trumpet, giọng kèn của thiên sứ, giọng kèn của người được chọn, người báo tin, ngươi muốn báo gì với ta đêm nay?
Trần Thanh Sơn (6.2021)
* “Nằm nghe giữa trời, giòn vang tiếng cười, điệu kèn ai buốt trong tôi...”(Chiếc lá thu phai - Trịnh Công Sơn)
-Aeschylus (khoảng 525 - 456 TCN): Nhà soạn kịch Hy Lạp cổ đại, nổi tiếng với vở kịch “Người Ba Tư”.
-Luciua Annaeus Seneca (4 TCN - 65): Triết gia người La Mã thuộc trường phái khắc kỷ, là chính khách, nhà biên kịch, nghệ sĩ hài, một tên tuổi lớn của văn học La Mã.
-Joan of Patmos: Còn gọi là Joan - người mặc khải hay Joan - nhà thần học. Được xem là tác giả của sách Khải huyền, cuốn sách cuối cùng của Tân Ước.
-Aaron Copland (1900 - 1990): Nhà soạn nhạc hiện đại người Mỹ.
Ảnh trên: From “Red Trumpet” (Mitko Zhelezarov)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét