…Căn nhà lạnh lẽo. Buổi tối. Mưa rơi không dứt từ
lúc chiều. Nơi khung cửa kính sũng nước, ánh sáng xanh của những ngọn đèn đường
hắt vào nhòe nhoẹt. Chìm trong bóng tối, lạnh và ẩm, đồ vật trong phòng như
cũng bị lây lan vẻ mệt mỏi của ngọn đèn được thắp lên nơi tận cùng gian nhà -
chiếc chụp đèn cũ với những nét hoa văn cầu kỳ - ở đó, bóng tối đông lại quanh
một quầng sáng vàng nhạt đổ trên sàn. Em lặng lẽ nhóm bếp. Củi ngo chẻ nhỏ
bắt lửa cháy hồng lên trong lò. Mùi khói nhựa thông thoang thoảng thơm, vây phủ
lấy anh - tựa như một giấc mơ với tất cả những gì sương khói nhất của nó - tiếng
nước từng giọt rơi từ mái dột xuống chiếc chậu nhỏ đặt ở góc phòng, mùi hương uể
oải của bó hoa dại trong chiếc độc bình bằng sứ trắng, những bức ảnh ố vàng
trong chiếc khung ám bụi treo trên tường, cùng tiếng bước chân của em, nhẹ
nhàng khỏa xuống sự im lặng. Bên ngoài, có thể mưa đã ngừng rơi, những giọt nước
đã thôi không còn nhỏ xuống chiếc chậu nữa. Chỉ còn lại tiếng nổ lách tách của
những thanh củi đang cháy trong lò, và bóng em, nhỏ nhắn, khẽ lay động trên tường,
nơi ánh sáng mềm mại của ngọn lửa đang không ngừng nhảy múa, hắt lên gương mặt ửng
hồng của em một thoáng gì như là niềm vui, vẻ bình yên, cũng như sự ấm áp đang
xua đi dần bóng tối, xua đi cảm giác lạnh lẽo và u ám của căn nhà. Trải lên bàn
một tờ báo cũ, đặt túi bánh kẹp mà chúng ta mua lúc chiều trên phố xuống, em
rót trà ra tách; những chiếc tách nhỏ in hình những đóa huệ mỏng mảnh, dưới ánh
sáng mù mịt tỏa ra từ chiếc chụp đèn đặt ở cuối phòng, chúng gợi lên hình dạng
những ký tự bí ẩn của một thứ ngôn ngữ đã chết nào đó. Anh có muốn uống một
tách trà với gừng không, em nói, em thấy bố em vẫn thường làm vậy những lúc đi
ngoài mưa về, bố bảo: cho nó ấm và ngừa cảm cúm. Đẩy tách trà về phía anh, đôi
mắt em long lanh, anh uống đi, trà pha theo kiểu của bố em đấy, nếu anh thích,
anh có thể uống cùng với đường. Hơi nóng của tách trà dịu dàng loang ra trong
lòng bàn tay anh. Đấy là hương vị lễ tết, hương vị nồng nàn của những lát mứt gừng
gói trong giấy vở học trò, mà thuở còn đi học, cô bé thắt bím ngồi bàn trên vẫn
thường dúi cho anh vào những sớm mai tháng Chạp giáp Tết trời se sắt lạnh. Đấy
cũng là hương vị của thứ rượu gừng kỳ quặc ông thầy già dạy đàn của Ch. vẫn thường
uống vào những đêm tối trời biển động gào thét, căn nhà gạch cũ nằm trên đồi
phi lao như một con tàu chìm lỉm giữa đại dương mịt mù tiếng động, mà dưới đáy
sâu của xoáy nước đen ngòm đó, những khúc sonata điên cuồng của Prokofiev bốc
lên cùng với thứ rượu gừng cay xé họng, như một ngọn lửa đỏ lập lòe đánh đi những
tín hiệu cầu cứu. Nơi đêm tối thăm thẳm này của ký ức, mà ở đó, những lời nói
thoát ra khỏi môi em cũng mờ ảo và sương khói như làn hơi bốc lên từ tách trà
có mùi gừng cay nồng, lập tức tiêu tán vào không khí, như thể ngay từ khởi thủy
nó đã mang sắc điệu của quá khứ, hương vị của kỷ niệm, chỉ để gợi lại từng thời
khắc vừa tan biến, vừa tàn rữa, mà cũng vậy, những gì chúng ta đang nhìn thấy,
bên ngoài, một thành phố dưới thấp tắt nghẹn trong sương mù, những đốm tròn trắng
đục là những ngọn đèn bị sương mù bóp bẹp, như chính lời nói của em vừa bị thời
gian phân hủy làm méo tiếng đi, nghèn nghẹn, thứ tiếng động phát ra từ đáy nước,
khi gần khi xa, dù vậy, mang nặng vẻ ưu phiền… “Những lúc mệt mỏi em lại thường
không ngủ được, anh bảo sao kia, không, không phải vậy, đấy không phải là lý
do, nhưng mà, tại sao anh lại nghĩ vậy, em cũng thường sống với cảm giác ấy mặc
dù chẳng hiểu nổi mình đang chờ đợi cái gì, đôi khi, em tuyệt vọng, anh cười em
đấy sao, nhưng buổi sáng thứ hai, em không nghĩ vậy, giống như có một cái gì đè
nặng nơi ngực, gần như vậy, anh vẫn đang nghe em nói đấy chứ, dù sao, đó cũng
là những lúc em nhìn thấy rõ mình nhất, như nhìn một cái gì ở bên ngoài mình
qua trung gian của nỗi khổ tâm kia, và thình lình em nhìn thấy chính mình”. Đôi
mắt em mở lớn, bàn tay hờ hững xoay xoay tách nước có lẽ đã nguội lạnh, đầu hơi
cuối xuống, mái tóc mềm rủ bên má và nụ cười nửa miệng. Trong những giấc mơ ngắn
dài của anh nhiều năm sau này, anh sẽ thường nhìn thấy lại em cũng vẫn ở dáng
ngồi buồn bã đó, trong ánh sáng mù mịt tỏa ra từ chiếc chụp đèn cũ kỹ đặt ở cuối
phòng, vệt hồng của bếp lửa còn âm ỉ cháy in lên tường một mảng đỏ như một
thoáng hoàng hôn rơi rớt. Giờ đây, ngồi đối diện với anh - cách một mặt bàn rộng
xếp đầy những ly tách, những dĩa bánh ngọt, những chai rượu mùi - em, đằng sau
lọ hoa hồng đỏ rực kia, ánh mắt cười, cử chỉ vén tóc quen thuộc đó, “…sao em
không nói gì đi em?”. Bao giờ anh cũng có vẻ buồn bã như thế này sao? Quỳnh đã
hỏi anh như vậy khi anh đưa cô ta về sau buổi tiệc sinh nhật, giọng nói thầm
thĩ, như nói với anh, mà cũng có thể là nói với riêng mình. “Có những con người
đến với đám đông chỉ để tìm kiếm một người vắng mặt nào đó, anh có đang tìm cái
người vắng mặt ấy không?”, “…thật là lạ lùng, tại sao chúng ta không hề thử tự
hỏi mình lấy một lần…”, và ngập ngừng, nhưng rồi bỏ dở câu nói đó. “Bạn cũng biết
đấy, đôi khi ta cảm thấy ngạc nhiên về mình. Tôi không thường uống nhiều rượu
như hôm nay, dù vậy, khi tôi buồn, không phải bao giờ tôi cũng cần đến rượu”.
Nghĩa là anh đang buồn à, Quỳnh hỏi, rồi nhìn anh với vẻ ái ngại, đàn ông tìm
thấy gì ở rượu, để trải mình ra trước mọi người hay khép kín mình lại hơn nữa
trong nhu cầu tự an ủi? Anh trả lời rằng anh không biết. Từ đó cho
đến lúc về tới nhà, anh và cô ta không trao đổi thêm với nhau một câu nào nữa cả.
Trước cổng, dưới vòm hoa giấy tối, đưa tay cho anh bắt, Quỳnh bảo rất mong được
gặp lại anh, “bất cứ lúc nào, nếu như anh muốn, hãy ghé nhà em chơi: uống một
tách trà hoặc xem tranh…”. Anh hơi ngạc nhiên khi nghe Quỳnh nói
đang học năm cuối trường mỹ thuật. Anh vẫn còn giữ bức chân dung tự họa bằng
thuốc nước của cô ta tặng anh, ở đó, anh như tìm thấy lại nét cười quen thuộc của
em ngày nào: đôi môi tròn hé mở, đầy biểu cảm, trên gương mặt thấm đượm một nỗi
buồn dịu dàng, mắt mở lớn, mà nơi đáy sâu của nó (bao giờ cũng làm anh nghĩ đến
em) ẩn chứa một vẻ gì cay đắng. Cô bé họa sĩ, sau này, mất tích trong một chuyến
vượt biển. Sẽ không bao giờ anh có thể tha thứ cho mình vì đã để nước mưa làm hỏng
mất bức tranh thuốc nước đó. Chỉ còn lại đôi mắt cười - không bị nước mưa làm
hoen ố - nhìn đăm đăm mãi vào đời sống anh như ánh sáng của một vì sao đã vỡ, hằng
đêm vẫn còn phóng mãi vào khoảng không gian vô tận thứ ánh sáng đã mất đi nguồn
cội, dù vậy, vĩnh hằng đối với một kiếp người. Kỷ niệm cũng là thứ ánh sáng của
những vì sao đã tan vỡ đó. Kỷ niệm không có tuổi, trẻ mãi như gương mặt của một
người bạn đã chết lúc thanh xuân, đối với ta, cả khi ta đã già, cùng ta, trong
giây phút nhắm mắt, kỷ niệm vẫn bằng đôi chân trẻ thơ đó sẽ lại quay về vuốt mắt
cho ta… Nơi đêm này, ngoại ô, tiếng xào xạc của một vài loài chim đêm nơi những
vòm cây dại tối đen cuối vườn. Giấc ngủ đêm nay là một sự hành hạ, một cơn ác mộng.
“Giá có thể được nghe một khúc hát ru, cho riêng ta, vào lúc này, đấy là sự
thanh tĩnh, nơi sau cùng… như ước mong tìm thấy lại tuổi thơ hồn nhiên sau biết
bao nhiêu những xáo động, những đổi thay…”. Và chẳng hiểu vì sao anh nhớ lại một
buổi chiều xa xăm trong quá khứ. Thuở còn ở trung học những chiều rảnh rỗi anh
vẫn thường thích đến ngồi chơi hàng giờ trong khu vườn rộng của một tu viện ở gần
nhà. Ngồi đọc sách hay nằm mơ mộng vẩn vơ trên cỏ, trong bóng trùm mát rượi của
những cây ngọc lan tán xòa rộng, tiếng ríu rít của bầy chim sẻ đang đùa giỡn
trên bệ bức tượng Maria bằng đá xám đặt giữa vườn. Một lần, anh đã ngủ thiếp đi
với bóng chiều thanh tĩnh đó. Khi cơn mưa nhẹ nhàng đánh thức anh dậy, trong
bóng tối, vây phủ anh là tiếng cầu kinh vọng lại từ ngôi nhà nguyện cuối vườn,
ánh vàng của những ngọn nến hắt lên khung cửa kính mờ đục, qua màn mưa mỏng,
soi vào đêm tối những quầng sáng run rẩy, anh chợt kinh hoàng với ý nghĩ rằng
mình đã chết, một mình ở đấy, trên cỏ ướt, mà những ngọn nến lập lòe kia, bài
hát kinh rền rĩ lê thê kia chính là những nghi thức sau cùng mọi người dành cho
anh, riêng một mình anh, trước khi chôn vùi anh vĩnh viễn vào lòng đất lạnh.
Hai tay bấu chặt lấy những nhánh cỏ ướt, tim đập thình thịch, anh đã ngồi như vậy
rất lâu, dưới cơn mưa nhẹ, cho đến khi nhớ ra được rằng mình đang ở đâu. Khi anh kể cho
em nghe chuyện này em nhăn mặt bảo rằng em không thích không khí tu viện, gần
suốt tuổi nhỏ em đã phải sống trong không khí kiểu đó, đối với em như thế đã là
quá đủ, “...có những người tự hành hạ mình vì những lý do chẳng ra làm sao cả,
thật buồn cười khi bảo sinh ra đời là một tội lỗi, tốt nhất là chết đi khi thấy
mình không còn có thể chịu đựng nổi nữa”. Anh không nghĩ rằng em thật sự tin
vào những điều mình đang nói, tuy nhiên lúc ấy anh vẫn cứ hỏi lại, thuận miệng
mà hỏi nhiều hơn là để xác nhận lại một lần nữa ý nghĩ ấy trong đầu mình: “Có
phải em đã từng tin rằng ông ấy có mặt ở khắp mọi nơi, em nói khi em đau khổ,
em yếu lòng, em thường nghĩ đến điều đó và cảm thấy được an ủi?”. Không vội trả
lời anh, im lặng vân vê những lọn tóc mềm bên má, sau đó, một cách diễu
cợt, nơi đáy mắt thấp thoáng một chút gì như là sự đắc thắng, hơi trẻ con, em
cười, nhưng tránh nhìn vào mắt anh: “Bạn ơi, bạn lầm rồi. Thượng đế của em
khác”. (Trong cuốn sổ tay của Quỳnh ở những trang cuối, cạnh bức vẽ bút sắt thể
hiện dáng vẻ co quắp của Christ trên thập tự giá: “Tôn giáo là một cố gắng tuyệt
vọng của con người hòng thông qua Thượng đế tạo nên một cầu nối giữa những ốc
đảo tâm linh”, “Trút bỏ gánh nặng cô đơn của mình lên kẻ khác là ước vọng đầu
tiên và sau cùng của những kẻ tòng giáo. Kẻ khác: đó chính là Thượng đế”,
“Thượng đế trong ta là ai? là chính mình không phải là ai khác khác. Cái vòng
luẩn quẩn: chỉ có ta có thể thông cảm lấy ta mà thôi…”). Trở dậy, đau đớn với cảm
giác một kẻ bị tra tấn bằng cách treo mình trên một sợi dây xa cách với mặt đất
trong gang tấc; giấc ngủ là mặt đất, sự quên lãng mà anh muốn chui vào để trốn
tránh. Đốt lên một ngọn đèn. Mò tìm lọ thuốc ngủ trong ánh chập chờn đó.
“Trả giá giấc ngủ bằng sự thụ độc, trong khi nằm chờ giấc ngủ cũng là sự thụ độc.
Đêm nay, giấc ngủ được đánh đổi bằng một giá quá đắt…”. Khi nói rằng sự bình an
sẽ đến sau những viên thuốc trắng vô nghĩa này, mi đã thôi không còn tin tưởng
lắm vào điều đó, Nhưng vì thói quen hơn là vì sự xác tín, như người ta vẫn
thường nhờ đến rượu để trốn chạy nỗi cô đơn mặc dù biết rõ rằng chẳng bao giờ
người ta tìm thấy điều mà mình trông chờ. Thế giới của mi cũng vậy, cũng chỉ là
những ảo giác (đúng ra phải nói là ảo tưởng!) do mi bịa đặt nên và chung sống với
nó. Mi không ngớt nghĩ rằng nó bền vững, cái thế giới ấy, trong tâm hồn mi, niềm
cô đơn của mi, gói tròn lại một cách ngoan cố, cho dù những xô đẩy của thực tế
đôi lúc tưởng chừng đã có thể phá tan nó ra từng mảnh. “Không ai dám quả quyết
rằng mình không từng sống với một ảo tưởng - cái giọng của K lúc say rượu, rin
rít một cách khó chịu - biết rằng, ảo tưởng chỉ là ảo tưởng, không hơn không
kém. Mày là một con đà điểu, tao là một con đà điểu, chúng ta là một bầy đà
điểu, một bầy đà điểu ngu đần khốn kiếp”. Đấy là một sự thật, mi biết vậy,
Nhưng cách nói sống sượng của K làm mi và khó chịu. Có những thực tế mỗi con
người chỉ nên ngấm ngầm thừa nhận nó trong lòng mà không nên nói toạc ra
chăng? Mi ích kỷ và yếu hèn. Ích kỷ nên yếu hèn, nói như thế mới đúng!
“Cháu là một kẻ chỉ sống bằng mộng tưởng với cái thế giới không thực mà cháu
đã tạo dựng nên cho riêng mình. Ích kỷ, như hầu hết những kẻ chỉ sống bằng mộng
tưởng khác, cố làm ra vẻ chỉ với chừng ấy cháu đã đủ vững mạnh để sống mà không
cần phải nghĩ đến ai khác, trong khi, chính cháu cũng biết rõ rằng càng ngày
mình lại càng chìm sâu vào sự bất lực trong cái thế giới của ảo tưởng mà cháu cố
bám víu vào như là một khả năng tự vệ. Con gái tôi cũng giống hệt như cháu,
tôi nói thật, cháu đừng buồn, đó quả là một điều bất hạnh cho cháu và cho cả
nó…”. Cái ngày mi nói chuyện mà như gây gổ với người đàn ông ấy, mi như một thằng
bé bị bắt gặp quả tang đang ăn vụng hay đang thực hiện một hành vi càn rỡ nào
đó, cũng với cảm giác khó chịu như vậy, mi đã nhe răng ra như một con chó nhỏ nổi
cáu tìm cách thoát ra khỏi một tình thế mà nó không thích một cách lì lợm và
không kém phần ngang ngược. Thế nhưng, giọng nói ấy vẫn đuổi theo mi, không
khoan nhượng, không thương xót. “...Thêm nữa, nếu như cháu biết rằng tôi đã phải
trả giá đắt như thế nào cho những ảo tưởng của mình. Không ai muốn nhìn thấy
con mình lại gặp phải những điều bất hạnh, dù rằng, làm người đã là một điều
bất hạnh. Qua khỏi tuổi thơ, một đứa trẻ bị bắt buộc phải nhìn thấy những điều
mà cha mẹ nó không bao giờ muốn nó phải nhìn thấy. Làm người là một gánh nặng,
quá nặng, để một người đàn ông ngoài năm mươi như tôi quay đầu nhìn lại và bảo
rằng: tốt nhất, nếu có thể vĩnh viễn chỉ là một đứa trẻ, và tốt hơn nữa, hãy
chết đi ngay lúc chưa kịp trở thành người”. Rơi xuống gương mặt tái xanh đó,
ánh đèn néon tạo thành những vệt tối nơi hai hốc mắt, dưới mũi; nụ cười mỉa
mai nơi khóe môi mỏng gây nên một cảm giác kỳ quặc: người đàn ông đang ngã người
tựa vào những chiếc gối xếp chồng lên nhau ở đầu giường kia là một người đã chết.
Móng tay mọc dài, những ngón gầy và mảnh. Đôi bàn tay xếp vào nhau trên tấm
chăn mỏng đắp ngang người, và chúng ve vuốt lấy nhau, tay này như muốn tìm lấy
hơi ấm tỏa ra từ tay kia, sự tự an ủi đầy vẻ thảm thiết toát ra từ cử chỉ buồn
bã đó. “Mỗi người chỉ có thể thông hiểu được niềm đau khổ của chính mình”.
“Cháu nói vậy vì cháu chưa từng làm cha. Cháu còn quá trẻ, mà tuổi trẻ vốn kiêu
ngạo và ích kỷ. Cần phải biết rằng con người đã chấp nhận đến với cuộc đời
không phải chỉ để chiêm nghiệm niềm đau khổ của chính mình”. “Cháu chưa từng chấp
nhận…”. “ Nhưng tôi tin rằng cháu không dám rời bỏ”. “Cái chết có phải là một
lối thoát không?”. Người đàn ông lãng tránh câu trả lời. Kéo tấm chăn lên tận
cổ như bị lạnh và gương mặt bỗng hóa thẫn thờ: “Tạo ra con người đã là một sai
lầm của Thượng đế, nhưng sai lầm lớn nhất là ban phát cho họ cái quyền được tự
do quyết định lấy đời mình”. Im lặng, sau đó, tiếng bước chân của một người
hộ lý lướt qua trên hành lang vắng. “Ngày kia cháu phải về lại Sài Gòn”. “Ngày
mốt?”. “Không. Ngày kia”. Nhìn anh, một bóng mờ thoáng qua trong đôi mắt ấy.
Dường như ông muốn nói với anh một điều gì nữa, nhưng rồi khước từ đòi hỏi ấy,
một cách khó khăn, cũng khó khăn như cử chỉ đưa tay ra cho anh bắt: “Chúc cháu
đi đường bình an”. Đôi mắt đó vẫn còn tiếp tục nhìn anh, nhưng đã dần xóa bỏ tất
cả những gì đang vây quanh mình, có thể, cả thế giới. Đấy là lần sau cùng anh
nói chuyện với bố em, khoảng mười ngày trước khi ông mất… Đêm nay, mọi hồi tưởng
đều là sự khốn cùng, từ khởi thủy. Điều cần thiết lúc này, hơn cả giấc ngủ, là
sự bình tâm. “Phải bình tâm, phải bình tâm, nếu như không muốn hóa điên”. Ng.
khuyên, hãy giở một trang Thánh kinh bất kỳ. Marc-13:33: “Hãy coi chừng, thức
canh và cầu nguyện; vì các ngươi chẳng biết thì giờ đó là lúc nào…”, “...điều
ta nói cùng các ngươi ta cũng nói cho hết thảy: hãy thức canh”. Vất mạnh cuốn
sách vào tường. Trở lại giường nằm. “Kể từ ngày mất đi mối tình đầu tiên, em
khám phá ra rằng người ta thật ra chỉ yêu thương chính mình, những gì của mình
hiện diện trên kẻ khác. Ai cũng mang một chút Narcisse trong mình mà không biết.
Đối tượng, một thực thể, nhưng cũng chẳng khác cái bóng nước kia là bao
nhiêu…”. Một lần, từ Huế, Quỳnh nửa đùa nửa thật đã viết về cho anh như vậy.
Đột ngột anh chợt hiểu ra vì sao suốt cả buổi chiều, sau khi từ nhà người bạn
ra về, anh bị ám ảnh dữ dội bởi câu nói: tình yêu cũng chỉ là một phương tiện để
nhận biết mình, qua tha nhân, người ta tìm thấy mình ở đó. Một cách nói khác
trên cùng một ý nghĩa, một bản cáo trạng: “...Yêu là chiêm ngưỡng cái tôi đã
được tách ra độc lập với bản thân mình. Khác với sự đau khổ, bởi vì chẳng ai có
thể ngắm nghía nỗi đau khổ của chính mình như ngắm nghía một kẻ xa lạ”…
Trần Thanh Sơn
Ảnh trên: Variation from “Lost Languages” (Connie Rohman)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét