…Em đứng nói chuyện với
người bạn ở đầu phố, trên những bậc thang đá nối liền hai con dốc, một hướng ra
phố chính, một đổ xuống phía bờ hồ. Trông thấy anh, em cười và đưa tay vẫy.
Chiều có nắng nhưng không khí lạnh buốt. Gió thổi mạnh. Trên những mái phố cũ
kỹ, nắng chiều nghiêng nghiêng rọi trên những viên ngói đỏ đầy rêu thứ ánh
sáng vàng nhạt nhòa của những chiều cuối năm giáp Tết, lòng không buồn không
vui nhưng da diết nhớ đến một điều gì đã mất, đã tàn phai, một điều mà chính
mình cũng không biết là điều gì. Dọc theo phố chính, trong vùng bóng râm của
hè phố với những cửa hiệu đầy người qua lại, những chiếc áo len xanh đỏ đủ màu
sắc trộn lẫn vào nhau, chập chờn như những hình ảnh của một chiếc kính vạn
hoa buồn bã mà bóng tối của trời chiều đang chầm chậm dâng lên cố bôi xóa đi tất
cả. Gió cũng dự phần vào đó. Gió thổi mãi, không ngừng làm xáo động toàn bộ bầu
không khí giá lạnh có màu lam nhạt như màu thủy tinh ấy; những mái nhà với phố
xá như cũng run rẩy, chao đảo theo, cảnh tượng của một màn ảnh lớn bị rung, bị
xô đẩy, khiến tất cả mọi hình thể đều mất đi những đường viền bên ngoài của
mình, nhòe nhoẹt như thế chính chúng cũng là không khí, thứ không khí của bức
tường gió luôn luôn chuyển động, rên rỉ và buốt căm căm. Em bảo: “Lúc nãy là
người bạn cùng lớp với em hồi ở trung học”, rồi hỏi, “bây giờ chúng ta đi
đâu?”. Anh đề nghị: “Mình đi kiếm cái gì uống đi”. Em lắc đầu: “Anh lại muốn
uống rượu rồi phải không?”. Anh nói: “Trời lạnh quá mà”. Em cười: “Anh bao giờ
cũng chỉ có một lý do đó thôi”. Nhưng mà trời lạnh thật! Gió từ phía bờ hồ thổi
lên không ngớt. Trên con dốc ngược về hướng nhà thờ, gió lùa vào lưng chúng ta.
Có cảm giác đó là một thứ dung dịch vô hình xuyên thấm qua quần áo, qua da thịt
lọt vào đến tận xương. Em đi sát vào anh, hai tay giấu trong túi áo manteau,
chiếc xắc tay nhỏ đong đưa theo nhịp bước. Khi đến đầu dốc, em đi chậm lại và
ngước mắt nhìn vòm tháp nhà thờ cao vút nằm ngay phía bên kia đường. Chiều xuống
thấp. Ngôi nhà thờ nằm quay lưng về phía những ngọn đồi hướng tây đang sẫm lại
thành những vệt đen khi mặt trời vừa khuất dạng. Vẫn còn một thoáng gì nhạt
nhòa như nắng ở tít trên cao nơi đỉnh tháp. Và toàn bộ cái khối đồ sộ của tòa
thánh điện với những đường kỷ hà khắc khổ hướng thẳng lên vòm trời đang ngã sang
màu phớt tím ấy chập chờn trong gió, khi chúng ta vừa đi vừa ngước nhìn nó, có
cảm tưởng nó đang chới với đổ sập xuống đầu chúng ta. Tiếng hát và tiếng cầu
kinh từ đó vọng ra, bị gió xẻ tơi thành từng mảnh vụn, như bị hụt hơi, vọng đến
tai chỉ còn là những tiếng động vô nghĩa, tiếng rì rào của lá hay tiếng dội của
thanh âm va đập vào vách đá, bí hiểm nhưng không kém phần buồn thảm. Anh nói
anh không thích vào trong đó nhưng thích đứng bên ngoài lắng nghe tiếng hát, tiếng
cầu kinh ấy vọng ra. Em bảo: “Đấy là anh biết khôn”, rồi cười, “Chúa chẳng
thích thú gì khi nhìn thấy anh bước vào trong đó đâu”. Anh cũng cười: “Có lẽ
em đúng, Chúa sợ anh lại rủ rê và dẫn đi đâu mất của ông một vài con chiên…”.
“Ai mà thèm đi theo anh”, em bĩu môi, mắt em nhìn anh nghiêng nghiêng, tóc
xõa ra, đôi gò má đỏ bừng vì gió. Hình như gió càng lộng hơn khi bóng chiều
xuống thấp. Con đường chạy ngang qua trước mặt nhà thờ rộng và bằng phẳng. Gió
hung hãn chạy dọc theo con đường cho đến khi hẫng chân ngã xuống con dốc nằm ở
cuối phố. Khi chúng ta đi cách ngôi giáo đường một quãng xa, tiếng hát và tiếng
cầu kinh nghe lại rõ hơn khi ở gần, dù vậy, vẫn mang một vẻ gì xa xôi và
không thực. Những âm thanh ấy, như thế trong lúc cuốn nó theo đến, gió đã làm
biến dạng chúng đi, trộn thêm vào đấy một chút gì hư ảo, một chút gì phiêu bồng
của chính bản thân mình, và chúng cũng đã biến thành gió, thứ gió rền rĩ, buốt
căm, chập chờn thổi đi cùng buổi chiều tàn. “Bài hát buồn bài hát buồn bài
hát buồn” “em nói…” “bài hát buồn, anh không thấy vậy sao” “...như một khúc
gregorian” “gregorian?” “ừ!” “sao anh biết?” “anh có người bạn có thể ngồi cả
ngày với chiếc máy hát đĩa cũ của mình để nghe những bài hát kiểu như vậy” “anh
có thích chúng không?” “anh không biết, nhưng có lẽ thích” “sao lại có lẽ?”
“lúc này lúc khác, vì đôi khi chúng làm anh mệt” “mẹ em cũng yêu nhạc lắm, mẹ
đàn giỏi, bố bảo vậy, Chopin, Listz…” “vậy cây đàn ở nhà là của mẹ em?” “dạ!
nhưng chẳng mấy khi em ngồi vào đàn, em không thích làm cái gì giống mẹ em”
“à!...”. Bức ảnh đen trắng chụp em năm chín tuổi treo ở góc phòng khách phía
trên cây đàn dương cầm của mẹ. Đôi mắt mở lớn. Chẳng có vẻ gì bướng bỉnh kiểu của
em bây giờ trên gương mặt buồn thỉu đó. Một bó hoa ôm trong tay, chẳng
biết là hoa gì, nhưng màu sắc chắc là rực rỡ. Em bảo: hoa của dì Tâm
mang đến, rồi giải thích, đó là một người bạn của bố, sau này dì ấy chết trong
một tai nạn xe hơi. Anh bảo: sinh nhật gì là mặt em buồn thỉu buồn thiu. Em
im lặng, nhưng rồi nói: chẳng có gì đáng để vui, vả lại, anh thử tưởng
tượng một bữa tiệc sinh nhật chỉ có ba người. Một bữa tiệc sinh nhật mà chỉ có
ba người thì quả thật là chẳng có gì đáng để mà vui. Hoàn toàn chẳng có gì đáng
để mà vui! Đôi mắt em thoáng buồn. Đấy là ánh mắt của cô bé chín tuổi ngày xưa
đang nhìn anh đăm đăm, nhìn anh đăm đăm. “Tuổi nhỏ của em cũng vậy nữa…”, em
nói, giọng bình thản, nhưng nơi khóe môi thấp thoáng một vẻ gì cay đắng, “mẹ
em bỏ đi năm em lên bốn, bố em đã nuôi em lớn lên bằng niềm tuyệt vọng mà ông dồn
vào sự chờ đợi, lòng mong mỏi tìm thấy là nơi em những nét hình hài của người
phụ nữ mà ông yêu quý nhất trên đời: mẹ em, cộng với tình phụ tử, ông thương
em như ít có người cha nào thương con mình bằng. Anh nhớ lại gương mặt em,
dáng vẻ của em, bên cạnh anh (trong cái buổi chiều bệnh viện buồn bã ngày ấy)
trên băng ghế, những chiếc ghế đá để dọc theo lối đi rải sỏi viền quanh một vườn
hoa nhỏ. Đối diện với chúng ta, những dãy hành lang chạy dài hun hút, sáng mờ
dưới nắng chiều vàng úa; những vạt nắng đó khoác lấy vẻ lạnh lẽo của mùa thu,
rơi phủ xuống, để bóng trắng của những người hộ lý qua lại trên hành lang cũng
bị nhuộm vàng, run rẩy và mờ đục như đang lội trong sương mù. Vườn hoa còi cọc
và ít được chăm sóc. Những khóm cúc đại đóa xơ xác đổ dài xuống chân những vệt
bóng tối, loang đến tận những chiếc ghế đá nơi một vài bệnh nhân đang ngồi im lặng
sưởi nắng. Em cười, vẻ gượng gạo, rồi theo thói quen chìm vào im lặng, rất lâu,
trước khi lên tiếng trở lại. “Một ngày kia, em hỏi bố và xiết bao kinh ngạc
khi nghe ông trả lời: bố tin, một ngày nào đó khi mỏi chân mẹ con sẽ lại quay về.
Có lẽ ông đã trở nên lẩm cẩm…”. Cánh cửa mở ra. Anh như thấy lại gương mặt
người đàn ông đó dưới ánh sáng ngọn đèn néon xanh yếu. Một gương mặt thanh tú
với vầng trán cao, đôi mắt sáng (mặc dù đã phai lợt đi nhiều vì những cơn đau đớn
kéo dài), nụ cười nửa miệng đổ dồn về một bên, làn môi mỏng hơi nhếch lên như
để cố giấu đi sự đau đớn, nhiều hơn là giấu đi sự lo âu mà cái chết cận kề đã
khoác lên cho gương mặt đó: sự bất hạnh mà ông ta không muốn chấp nhận. Em ngồi
xuống giường cạnh bố em và bảo anh hãy ngồi xuống ghế, chiếc ghế nhỏ đặt ở đầu
giường người bệnh. Một vài cuốn sách vương vãi. Một tập thơ Milton. Tiểu
thuyết Gide. Những lọ thuốc và mùi bệnh viện. “Lâu lắm rồi tôi mới lại gặp
cháu”, bàn tay đưa ra cho anh bắt lạnh và khô. Có cảm tưởng nó là một chiếc lá
đang héo hắt dần, run rẩy và thất thoát không ngừng nghỉ ra ngoài những dòng
sinh lực cuối. Mười bảy năm chờ đợi điên rồ, vẻ đau đớn tự nguyện ấy đang dồn
vào cơn đau chót. Vầng trán đó, của em, trên gương mặt người đàn ông mà dấu ấn
nặng nề của thời gian khắc sâu vào nơi khóe mắt, hoàn toàn tương phản với cái
nhìn thất lạc, đôi khi, giống như sự tủi thân của một đứa trẻ con. “Sài Gòn
cũng đang mưa…” “dạ” “lúc tôi còn trẻ tôi không thích những cơn mưa Sài Gòn,
nó gợi cho tôi nghĩ đến những người đàn bà bẳn tính, dù vậy…” “có lẽ…”
“cháu nói sao kia?” “ồ, không, không có gì cả” “...dù vậy, dù vậy tôi cũng
đã yêu mến Sài Gòn, nó cũng là một phần tuổi trẻ của tôi” “lúc ấy bác…” “lúc
ấy tôi sống và tôi viết, rượu và bạn bè, tại sao khi người ta sắp sửa rời bỏ cuộc
đời người ta lại thường chỉ mơ thấy tuổi trẻ của mình” “bố, bố mệt rồi bố
à!” “không, bố sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi được trò chuyện” “nhưng…” “cho đến
ngày cô ấy đến, ồ, tôi thường cố nhớ lại, cho đến ngày cô ấy đến” “bố ơi…” “lẽ
ra chúng tôi đã phải cảm thấy hạnh phúc, lẽ ra phải như vậy, nhưng... chuyện
gì đã xảy ra? tôi không biết, tôi không biết, tôi tưởng rằng tôi đã bỏ lại tất
cả ở đằng sau…”. Im lặng. Và vẫn giọng nói ấy: “cháu à, tôi thường tự hỏi
mình, một tình yêu như thế nào là đủ, và liệu những gì chiếm hữu được nơi một
con người có đủ để lấp đầy sự cô đơn mà người ấy tạo ra nơi mình không?”. Ánh
mắt nhìn thất lạc. Cũng buồn và bơ vơ như chính câu hỏi và người đàn ông vừa
đặt ra cho mình. Đó có phải là sự thừa nhận thất bại của mình trước hư vô? Cuối
cùng là vậy. Bao giờ cũng là vậy cả. Kết thúc có hậu chỉ có trong truyện cổ
tích. Hãy sống trong cô đơn và lúc chết hãy tự đưa tay lên vuốt lấy mắt mình. K
nói, cần phải sửa lại Sáng thế ký, Đức Chúa Trời phán rằng: cùng với nỗi cô
đơn, hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, và rồi Ngài dựng
nên người nam cùng người nữ; hãy sinh sản thêm nhiều, Ngài bảo, cho đầy dẫy
cõi trần gian lố bịch này và, khốn kiếp, hãy cô đơn - ấy là ngày thứ Sáu. K,
cái giọng hài hước đầy đi thảm đó, mày không ưa, không ưa một chút nào hết, thế
nhưng mày không thể chối cãi được rằng mày đã không bị giày vò dữ dội bởi những
suy nghĩ hắc ám mà hắn khơi gợi ra nơi mày. Một đôi lần giữa phố xá nhộn nhịp
người qua lại, bất chợt mày cảm thấy sức nặng của lời nguyền tưởng chừng hài hước
đó. Nó đè nặng trong tim mày, siết chặt lấy cổ họng mày đến độ làm mày nghẹt thở.
Cuộc đời đó không còn thuộc về mày nữa, không phải của mày và không dành cho
mày: một kẻ ngoại cuộc. Hãy cô đơn, hãy cô đơn, cái giọng chó má đó, mày sẽ chửi
thề, để rồi bắt gặp quả tang sự thảng thốt của chính mình trước sự trống rỗng
của đời sống ấy. Bên trong tâm hồn đám đông này là cái gì? Một lỗ hổng mênh
mông của niềm cô đơn không thể nào khuây khỏa được hay là một cái gì khác nữa?
Dù sao, chịu đựng sự cô đơn của chính mình cũng dễ dàng hơn là chịu đựng vẻ cô
đơn của kẻ khác - đám đông nhân loại đang vây quanh mình - hay nói đúng hơn, vẻ
bất lực tập thể nặng nề bóng dáng định mệnh. Thế nhưng người ta thường cố làm
ra vẻ không biết đến điều đó, cố làm ra vẻ dừng dưng hoặc tự mê hoặc mình bằng
những mối ràng buộc giao kết làm bợ. Con người, ai cũng ích kỷ như nhau. Càng
ích kỷ họ lại càng cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Để trốn chạy ý thức đau đáu
về nỗi cô đơn của mình, họ phải chui đầu vào sự dối trá của đời sống đám đông,
mặc dù biết rõ rằng, vô ích! Bên dưới những mối tương giao không thực đó là một
đáy sâu mà chính họ cũng cảm thấy xa lạ, một đời sống khác, tách biệt và không
mấy mang tính người. Một chiều mưa trên chuyến phà vượt sông, anh nhớ lại, cũng
cái vẻ xa lạ đó trong ánh mắt của đám hành khách đang ngồi bất động quanh anh.
Dưới những tấm áo che mưa, họ trông giống một đám côn trùng đang trầm ngâm thu
người vào trong kén, vẻ cô độc đè nặng lên từng ý nghĩ riêng tư của mà những
câu chuyện phiếm, những nụ cười đãi bôi kia không thể che lấp đi được. Đói
nghèo, bệnh tật, sự giận dữ, sự bất lực, có thể cột chung họ lại trong niềm đồng
cảm thoáng chốc, dù vậy, chỉ để cuối cùng đột ngột gửi trả họ về lại với chính họ,
mỗi người là một vũ trụ riêng lẻ, một nấm mồ tăm tối và khép kín. Có những linh
hồn đang kêu khóc ở đây. Có những linh hồn đang kêu khóc một nơi nào đó trên khắp
cùng thế giới mà chúng ta chưa bao giờ thèm biết tới. Chúng ta có cuộc đời của
chúng ta, niềm đau nỗi buồn của chúng ta, chỉ mình ta hay biết. Ta giấu kín, mọi
người giấu kín, như giấu kín một thứ của cải - một cách kiêu ngạo. Loài người
phần lớn đều còn giữ lại một thoáng bản năng cầm thú của mình: khi trái tim
thương tổn, họ chui vào chính mình như một con thú chui vào hang sâu liếm láp vết
thương của mình một mình. Sau này anh kể với em rằng, chưa bao giờ như buổi chiều
hôm ấy, thế giới lại có thể hiện diện một cách bàng quan đến như vậy trong anh.
Tưởng chừng không còn một đời sống nào, một dấu hiệu nào gần gũi với tính người
nữa, mất vào trong mưa, thế giới như những lớp phông màn của một vở kịch vừa
khép lại, cả những con người ấy, trên chuyến phà kia, mà sự hiện diện của họ dường
như càng tách anh ra thêm nữa cái thế giới mà anh đang sống. (...Một vài đêm tối
từ phố cùng với cơn say quay lại về nhà. Bước qua những vũng nước đọng lại từ
cơn mưa ban chiều lấp lánh phản chiếu ánh vàng của những ngọn đèn đường tù mù,
bẩn thỉu - bóng những khối nhà đen thẫm in trên nền trời đêm thăm thẳm không một
vì sao. Chỉ nghe thấy tiếng bước chân của chính mình nặng nề rơi xuống, tiếng đập
của trái tim hổn hển, và cái cảm giác đó: nỗi buồn dưới hình thức một cơn đau
loang rộng trong lồng ngực, không dứt, như đang phải đối diện với một nỗi khốn
cùng. Anh có cảm giác là mình sắp sửa òa khóc, không tin lắm vào điều đó, “tác
động của rượu, mình sắp phá lên cười, phá lên cười”, đứng lại trên vỉa hè trong
vùng ánh sáng của ngọn đèn đường đầy những cánh phù du bay loạn, anh chợt kinh
hoàng khi nhận ra nước mắt mình chảy thành dòng trên má)...
Trần Thanh Sơn
Ảnh trên: Variation from “Lost Languages” (Connie Rohman)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét