Thứ Năm, 9 tháng 9, 2021

Lang thang trong phòng



Chẳng có gì mới trong buổi chiều này. Tôi thấy mình đang lẩm nhẩm một bài hát cũ của Từ Huy. Bài hát ít phổ biến và có lẽ không được nhiều người biết tới, dù vậy tương hợp một cách lạ lùng với tình cảnh hiện tại: “Tôi bước đi âm thầm mà lang thang mãi trong căn phòng quạnh hiu…”. Gió tháng Chín rào rạt thổi ngoài cửa sổ, một cơn giông đang hình thành đâu đó phía chân trời. “Tôi bước trong căn phòng, ngồi bên tôi những đôi mắt buồn vời vợi”, bài hát ấy, bóng tối bất chợt ấy, những nỗi lo âu vô hình này. Không dưng tôi nhớ tới ông Huy.
 
Tôi gặp nhạc sĩ Từ Huy năm 1989, hoặc có thể sớm hơn một chút, 1988, nhưng không trễ hơn. Cùng là thế hệ nhạc sĩ trưởng thành từ phong trào âm nhạc sinh viên sau 1975, ông Huy và các anh Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên, Vy Nhật Tảo, Vũ Hoàng… thời điểm ấy đều đã là những nhạc sĩ rất nổi tiếng; tuy vậy, trừ Nguyễn Văn Hiên tôi hay được gặp mặt do anh là chủ nhiệm CLB Sáng tác trẻ (nơi tôi đang tham gia sinh hoạt), còn hết thảy tôi chỉ mới được nghe danh. Năm đó, Hội quán Sinh viên khai trương quán cà phê trong khuôn viên Nhà văn hóa Thanh niên (ngay góc ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai - Hai Bà Trưng bây giờ). Để thu hút giới trẻ, hội quán đã nhờ CLB Sáng tác trẻ phối hợp thực hiện các chương trình giới thiệu ca khúc mới vào những tối cuối tuần tại đấy. Đêm nhạc đầu tiên, như tôi nhớ, chỉ gồm các tác giả đã có tên tuổi (khách mời có cả nhạc sĩ Thanh Tùng), chẳng hiểu sao tôi lại được nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên ưu ái cho tham gia bằng cách ôm guitar đến tự trình bày 2 bài hát của mình. Hãnh diện nhưng cũng là một thách thức kinh hoàng đối với một tay viết nhạc vô danh, chưa bao giờ ôm đàn hát trước cử tọa vượt quá con số chục của phạm vi bạn bè!
 
Đêm nhạc đông nghịt. Khán giả vỗ tay ào ào nhưng tôi chẳng rõ mình hát hò có ra cái gì không? Khuya về, chen trong đám đông ở cổng bỗng có một người tóc để dài tận vai, kính tròn trắng, mắt lấp lánh ánh cười đến chặn trước đầu xe của tôi. “Mình là Từ Huy!”, người đàn ông tự giới thiệu. Rồi không rào trước đón sau gì cả, ông tuôn liền một tràng: “Lúc nãy anh có nghe mấy bài hát của em, em viết được lắm!”, ông hỏi tôi viết nhạc lâu chưa, còn đi học hay đã đi làm, nhà ở đâu, hí hoáy ghi gì đấy vào một mẩu giấy nhỏ, đưa cho tôi, rồi bảo: “Anh làm ở báo Phụ nữ Thành phố, sáng mai tới chơi uống cà phê với anh, đây là địa chỉ”. Ông cười hà hà, quay đi còn dặn vói lại: “Ở tòa soạn có sẵn guitar và cả đàn dương cầm. Nhớ tới đó!.
 
Vậy là tôi quen ông Huy. Nếu tính liền mạch từ đêm ấy cho đến ngày ông đột ngột mất vào năm 2006, quãng thời gian tôi được biết ông là khoảng trên dưới 18 năm. Dù đã không trở nên thật thân thiết với ông (như với nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên), không thường xuyên tiếp xúc, nhưng mỗi lần gặp mặt, dù có việc hay chỉ là vui chơi tình cờ, tôi luôn cảm nhận được sự quý mến không hề thay đổi mà ông dành cho tôi - một đàn em nhỏ tuổi, tiếng tăm bèo bọt chẳng là gì so với sự cống hiến, gia tài và sự nghiệp âm nhạc rất lớn của ông. Người ta bảo, chẳng thấy nhạc sĩ Từ Huy buồn bã bao giờ. Hồn nhiên, phóng khoáng, thấp thoáng chút kiêu bạt, những khí chất đó đi vào các bài hát của ông một cách nhẹ nhàng, ẩn hiện giữa những giai điệu và lời ca rất mực tài hoa. “Cuộc đời như biển lớn/ Ai không bơi sẽ chìm”, tôi nhớ câu thơ như một châm ngôn sống mà Từ Huy hay nói với đám trẻ chúng tôi những lúc ngà ngà say. Có cảm tưởng tất cả mọi sáng tác của ông đều toát ra vẻ tươi tắn, trẻ trung, thấm đẫm niềm yêu, niềm đam mê và khát vọng dành cho cuộc sống. Dẫu vậy, với riêng tôi, cạnh những bài hát nổi tiếng và gần như được hầu hết mọi người yêu thích, tôi dành tình cảm nhiều hơn cho những bài hát mà chẳng hiểu vì sao ít khi thấy ông mang chúng ra dàn dựng, phổ biến. Những bài hát ấy, như thể chúng là những phút yếu lòng ông vô tình để lộ một góc khuất sầu u nào đó của tâm hồn, và dù không chối bỏ, ông ít muốn mang chúng ra ngoài ánh sáng, ông giữ chúng cho bóng tối của tim mình.

Có thời gian gần như tuần nào cũng vậy, sau trận bia la đà lúc chiều tối là tôi ghé sang sân khấu Quán Nhạc sĩ (số 9 Nguyễn Văn Chiêm) của ông Huy chơi. Khi thì đi với nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, khi thì với các bạn nhạc sĩ đồng lứa, lắm khi chỉ một mình. Quen mặt đến độ bọn giữ xe của quán cứ thấy tôi đến là chạy ra dắt giúp xe vào bãi mà chẳng cần xé vé; có lần họ còn hỏi tôi có phải công an văn hóa bên PA.83 cử qua giám sát hay không, ha ha!... Quán có khu vực nằm gần phía cửa ra vào chỉ dành riêng cho bạn bè, thân hữu. Các anh trong nhóm Những người bạn: Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn... thường ngồi chơi uống rượu ở đấy. Khi có thêm chúng tôi, thể nào đêm đó ông Huy cũng phải tốn thêm một vài chai Chivas nữa. Nhưng mà ông rất vui. Có bữa cao hứng, chương trình ca nhạc của quán kết thúc ông còn giữ chúng tôi lại uống và trò chuyện với ông đến tận nửa đêm. Những lúc đó, và chỉ những lúc đó, trong cơn say, ông mới lôi nhạc của mình ra hát. Giọng hát của Từ Huy khào khào, dở ẹt, nhưng thật lạ, như thể những khúc hát riêng tư đầy vẻ hiu quạnh mà ông viết chỉ để mình hát đó, trong khuya vắng, giữa cơn say mụ mị, ông đã phù phép thổi lên chúng một vẻ gì quyến rũ rất khó tả, biến chúng thành những lời bùa chú đầy dụ hoặc! Một vài ca khúc trong số đó sau này được mang ra ghi âm, tôi có tìm nghe thử, chúng vẫn hay, vẫn rất Từ Huy, nhưng không còn nữa vẻ lạ lùng bùa chú như khi ông cất giọng khào khào dở ẹt của mình hát cho chúng tôi nghe trong những đêm xa xưa thuở nào, chúng trở lại là những ca khúc bình thường!
 
Tôi vẫn lưu giữ và cất ở nơi trang trọng nhất trong tủ sách của mình tập ca khúc và tập thơ “Hình như là hình như” của ông Huy với lời đề tặng rất thân tình. Tập nhạc tôi được ông tặng trong chuyến ôm guitar tháp tùng ông cùng một số nhạc sĩ đàn anh lưu diễn tại Đại học Cần Thơ. Còn tập thơ, trong một lần tôi ghé chỗ ông làm việc uống cà phê tán chuyện với ông. Thơ của Từ Huy đẹp, nhuốm hương vị thiền; ở thời điểm năm 1993, đó là tập thơ được in ấn sang trọng và lộng lẫy nhất mà tôi từng được nhìn thấy. Cũng chẳng lạ, ông vốn học mỹ thuật và là họa sĩ thiết kế của báo Phụ nữ Thành phố mà! Hồi cuối năm rồi, khi thu dọn đống sách vở, giấy tờ trong bàn giấy ở cơ quan để chuyển sang chỗ làm việc mới, tôi tình cờ tìm thấy bức ảnh tôi chụp với ông Huy ở sảnh trước Nhà hát lớn Hà Nội dịp Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2005. Bao lâu nay tôi không nhớ mình có bức ảnh và cũng chẳng nhớ ai đã chụp nó cho mình. Ông Huy trong ảnh mắt nhìn hơi có vẻ tư lự; tôi cũng vậy, thoáng chút đăm chiêu, không toe toét cười như những bức ảnh tôi chụp sau này. Bức ảnh ở Hà Nội ấy, có lẽ là bức ảnh cuối cùng tôi được chụp chung với nhạc sĩ Từ Huy

Chiều nay, lang thang trong phòng cùng bài hát cũ của ông, bất chợt một vài kỷ niệm ùa về. Tiểu sử Từ Huy trên trang wikipedia cho biết ông mất ngày 10.9.2006. Thoắt đó mà đã 15 năm. Bài viết không đầu không đũa này xin được xem như một nén nhang sớm, gửi đến ông - một trong những nhạc sĩ đàn anh mà tôi luôn quý mến và trân trọng - nhân kỷ niệm 15 năm ngày mất.
Trần Thanh Sơn (9.2021) 

(1) Lời ca khúc “Lang thang trong phòng” của NS. Từ Huy

Ảnh trên: From “Home” (Barbara Kroll)
 

Không có nhận xét nào: