Thứ Tư, 15 tháng 4, 2020

Vùng mất tích


Đêm qua tôi mơ thấy K - người bạn thời thơ ấu. Tôi mơ thấy mình đạp xe với K trên con đường nhỏ, quanh co, bên phải chúng tôi là những triền đồi với dăm vạt sắn còi cọc chen giữa những đám cỏ ống um tùm và bên trái là dòng sông hẹp chảy len qua những bãi bồi cát trắng lấp lóa dưới nắng trưa, xa nữa là bóng núi tối thẫm. Có một cơn mưa đang hình thành ở góc trời, những đám mây đùn lên đe dọa, đen kịt như khói của một đám cháy lớn. Nếu chạy không thoát khỏi cơn mưa này, mình sẽ không kịp qua sông được, tôi nghe tiếng K nói văng vẳng bên tai, rồi thấy nó vun vút đạp xe vượt qua tôi, thật nhanh. Trong mơ, tôi nhớ mình rất mệt, dù đã gắng hết sức nhưng tôi vẫn không thể theo kịp K. Tôi thấy tôi đứng lại giữa đường, lạc lối, một mình giữa chiều tối cùng cơn giông đang ào ào đuổi đến sau lưng.

Những hình ảnh trong giấc mơ này có lẽ trồi lên từ ký ức của chuyến đi về quê ngoại với K. Đó là năm tôi học lớp 8, mà cũng có thể, lớp 9, tôi không nhớ rõ. K học cùng lớp với tôi. Ba nó mất sớm, mẹ mở tiệm may một mình xoay xở nuôi bốn đứa con mà K là anh đầu. Nhà K đang đói. Những năm sau chiến tranh thiếu thốn kinh khủng, nhà ai cũng đói cũng nghèo. Chẳng còn vải đâu để người ta may mặc, tiệm may nhà K trở thành tiệm sửa vá quần áo cũ là chính, và với nguồn thu nhập đương nhiên ít ỏi đó, dăm bữa nửa tháng K phải đạp xe về quê xin viện trợ từ họ hàng bên ngoại, lúc là túm khoai lúc là bao sắn. Một lần cao hứng, K rủ tôi cùng đi.

Với chuyến đi về quê ngoại của K, có thể xem đó là chuyến đi bằng xe đạp xa nhất mà tôi từng thực hiện trong đời. Chúng tôi đạp xe gần suốt một ngày, đi qua những cánh đồng hẹp nằm ép giữa những khúc lượn vòng của dòng sông, đi qua những xóm thôn nghèo nàn buồn thỉu của miền Trung dưới nắng trưa, những lô cốt còn đen ngòm dấu tích lửa đạn, những hố bom cũ, những bãi hoang, những thân cầu gãy gục, chiến tranh chỉ mới vừa kết thúc được vài năm, dấu vết khắc nghiệt của nó còn vương vãi khắp nơi. Xuyên qua cơn mưa giông buổi chiều, ướt như chuột lột, đến tận chiều tối K và tôi mới đến được bến sông quê nó và may mắn lên kịp chuyến đò ngang cuối cùng. Sau này K mới cười hề hề tiết lộ với tôi một điều mà lúc đó tôi không hề hay biết, rằng nếu trễ chuyến đò ấy, có thể hai đứa sẽ phải ôm bụng đói suốt đêm ngủ vật vạ ngoài đường!

Quê ngoại của K nằm bên kia sông, trên cánh đồng hẹp có hình dạng một tam giác, cạnh đáy chạy suốt theo triền sông khá dốc, đặc trưng của miền trung du, xóm làng cũng tập trung ở đấy, còn hai cạnh kia được bọc kín bởi hai dãy núi cao, và nếu không kể lối đi hẹp men theo con sông xuôi về hướng hạ lưu, chúng gần như ngăn cách hẳn cánh đồng nhỏ tủn ấy với thế giới bên ngoài, Trong ký ức tôi, quê ngoại của K gợi tưởng đến một thứ u cốc trong tiểu thuyết kiếm hiệp nằm tách biệt khỏi thế giới con người, hoặc giả, một thiên thai của Lưu Nguyễn từng có thật trên cõi trần.

Tôi theo K “nhập u cốc” trong cảnh ngày tàn nhập nhoạng. Đường đất dẫn vào thôn mát lạnh hơi mưa, xóm làng nhiều nhà đã lác đác lên đèn, thấp thoáng bóng người, tiếng cười nói lao xao sau bờ dậu và hương thơm rất nhẹ của một loài hoa mà tôi chẳng biết là hoa gì. Nhà ngoại K nằm khoảng giữa thôn, hai gian nhà vách ván, nhỏ hẹp. Mệt nhoài và đói meo sau gần một ngày đạp xe mà chỉ có khoanh cơm nắm muối mè ăn từ xế trưa, sau khi tắm rửa, tôi và K được “chiêu đãi” món bánh bèo trong gian bếp nhỏ dưới ánh sáng tù mù của ngọn bấc thắp trên đĩa đèn dầu phộng. Bánh bèo ở quê K những năm đói kém ấy chỉ đơn thuần là những chén bánh to tú hụ được hấp từ gạo đỏ xay nhuyển, khi ăn ta rắc đậu phộng rang giã dập kèm hành phi cũng với dầu phộng rồi chan thêm chút nước muối pha màu nước nắm. Thế nhưng, cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in hương vị ngon lành và cảm giác sung sướng hạnh phúc của mình khi được ngồi trong chái bếp cay mù củi ướt đó ngốn ngấu ăn liền một lúc gần nửa chục chén bánh quê nghèo!

Thói lãng mạn, thi vị hóa đời sống nông thôn thường là tật của những người vốn chỉ sống và lớn lên ở thành thị, đặc biệt là với một thằng bé chưa bao giờ được thực sự có một quê nhà như tôi ngày ấy. Hôm sau, dù ánh sáng ban ngày đã lột bỏ chiếc áo ảo diệu của đêm huyền để phơi bày toàn thể bộ dạng nghèo khó xác xơ của ngôi làng, thế nhưng cảm quan của tôi vẫn cứ khăng khăng nghiêng về phía nhìn cuộc sống những người dân ở đây bằng đôi mắt thưởng ngoạn nhàn du! Công bằng mà nói, phong cảnh quê ngoại của K tuyệt đẹp. Buổi sáng hôm ấy, K đưa tôi vào chân núi chơi. Hai đứa leo lên tận chỗ con suối đang tung bọt nước trắng xóa trên vách núi để tắm rồi ngồi hàng giờ ngắm cảnh, ngắm ngôi làng nhỏ nằm trên khúc lượn vòng của dòng sông lấp lánh nắng bên dưới. K chỉ một ô vuông xám nằm trong đám nhà cửa nhỏ xíu ấy rồi hào hứng bảo: Nhà ngoại mình kìa! Giọng nói đầy tự hào của K làm tôi bỗng dưng thấy ghen tị với nó.

Nhiều chục năm sau này, một lần bất chợt nhớ lại chuyến đi ngày cũ, tôi đã vào google-map lần mò tìm lại hành trình và nơi chốn mình đã từng đi và từng đến, nhưng chịu chết! Thời gian thăm thẳm chẳng để lại nhiều dấu vết, nhưng tệ nhất, ngày xưa ấy, tôi đã quên không hỏi K tên ngôi làng quê ngoại của nó. Thế gian biến cải, vật đổi sao dời, với những gì còn sót lại của ký ức, kèm với bản đồ, tôi chỉ có thể cho rằng, quê ngoại của K nằm đâu đó trong vùng thượng của sông Vu Gia.

Chuyến đi chơi với K có thể đã là một trong số ít ỏi những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu của tôi ví như nó đừng có một kết thúc không mấy mỹ mãn. Đêm trước khi về lại thành phố, tôi và K ngồi chơi với ngoại và dì dượng của nó ngoài hiên cho đến tận khuya. Khi chuyện đã vãn, cả nhà đang chuẩn bị đi ngủ thì có tiếng ồn ào quát tháo, tiếng khóc, tiếng chó sủa rộ lên ở phía cuối thôn. Kế đó là tiếng súng nổ chát chúa mấy phát liền, tiếng chân chạy huỳnh huỵch, rồi tiếng hò hét túa ra phía cánh đồng. Một người đàn ông cầm súng chạy ngang hàng dậu trước nhà giọng bực tức “Thằng ngụy ác ôn chạy thoát mất rồi”. Dượng của K sợ hãi đóng cửa hối mọi người đi ngủ rồi vội vã tắt đèn. Đêm đó tôi khó ngủ quá. K lên giường là ngáy pho pho, còn tôi, một cảm giác thắc thỏm vô hình cứ đè nặng trong lòng, đến gần nửa đêm mà thi thoảng vẫn còn nghe có tiếng người la ó quát gọi nhau ngoài đồng. Tôi nhìn qua liếp cửa sổ, mây từ đỉnh núi như một khối dung nham xám ngoét, hung hiểm, đang chầm chậm chảy xuống lấp đầy các khe hẹp, lũng sâu. Với nỗi khắc khoải trong lòng, tôi tưởng chừng nó sẽ tràn qua cánh đồng, lấp kín cả sông suối, lấp luôn thôn làng lặng câm như đang nín thở phập phồng ngóng tin. Tôi đếm từ một đến một trăm, rồi từ một trăm đến một nghìn, cố ru mình ngủ...

Buổi sáng chuẩn bị lên đường về, khi giúp K ràng kỹ bao khoai và đậu vào sau yên xe, tôi nghe dượng của K nói người bị công an và xã đội xuống vây bắt đêm qua là con trai một bà cụ ở trong thôn, họ bảo anh ta làm cảnh sát ở Đà Nẵng nhưng khai gian là đi học, hơn năm nay chạy về đây lẩn trốn cải tạo. Tôi chưa kịp hỏi gì thì dượng đã nói thêm, họ vẫn chưa bắt được, chắc anh ta đã kịp chạy tót lên núi hoặc giả đã thoát được ra sông. Rồi dượng thở dài, mấy tay xã đội bảo có dấu máu, chắc anh ta bị thương, nghĩ cũng tội, nhưng biết làm sao… Tôi và K qua đò. Tôi ngoái nhìn ngôi làng nhỏ lại phô bày vẻ xác xơ khốn khó của nó ra dưới nắng mai, tư dưng thấy buồn buồn...

Đêm qua tôi mơ thấy K - người bạn thời thơ ấu, mơ thấy tôi đạp xe với K trên con đường nhỏ có lẽ hướng về quê ngoại của nó. Nghe bảo sau này K chết vì ung thư vòm họng. Người chết đi sẽ kéo theo toàn bộ dĩ vãng của họ xuống mồ, và đồng thời cũng kéo luôn những câu trả lời cho những câu hỏi mà có thể một ngày xưa nào đó ta chưa kịp nêu lên với họ. Cái vùng quê nhỏ xíu mà tôi từng có lần đến với K nhưng quên không chịu hỏi tên đối với tôi sẽ mãi mãi trở thành một vùng đất vô danh tính, một vùng mất tích trong vô vàn những vùng mất tích của ký ức ta. Cũng đành vậy. Còn một câu hỏi tôi tưởng đã khuất lấp, đã vĩnh viễn lãng quên, hôm rồi khi đọc cuốn sử liệu ngắn “Một khoảnh…” của Tạ Chí Đại Trường, nay bất giác lại trở về bám riết lấy tôi: người đàn ông bị truy đuổi năm xưa, anh xui rủi bị bắt lại hay đã may mắn thoát được về phía tự do?
Trần Thanh Sơn (4.2020)   

Ảnh trên: From Cover From The Elephant's Back

Không có nhận xét nào: