Từ lối sau khu vườn nhà cũ của bố mẹ tôi ngày xưa chỉ cần băng qua một cánh đồng hẹp là ra đến sông Sài Gòn. Đầu những năm 80, vùng tả ngạn con sông đoạn chảy qua Thủ Đức còn vắng vẻ hoang sơ và hoàn toàn chưa bị chút ô nhiễm nào của quá trình đô thị hóa chạm đến. Khúc sông phía ngoài cánh đồng ấy, thời mới xong trung học, chiều chiều tôi vẫn hay lội bộ ra đó chơi, bơi một vài vòng hoặc ngồi mơ mòng hóng gió. Có một con lộ đất đỏ dẫn vào khoảnh đất hẹp bỏ hoang cặp sát theo mí sông, nơi này nghe nói trước đây người ta định mở một nhà hàng nổi nhưng rồi dự án không thành. Ở đó, rất ít người biết, ẩn bên ngoài đám dừa nước và lau sậy um tùm vẫn còn lại một dãy hơn chục cọc gỗ tẩm hắc ín đường kính bằng cả vòng tay người ôm đóng dọc theo bờ nước - dấu vết của công trình bị bỏ dở. Đỉnh của những chiếc cọc khá bằng phẳng và rộng cỡ một chiếc ghế đẩu nhỏ. Lúc nước ròng, những chiếc cọc này nhô cao khỏi bãi bùn đến gần hai thước, nhưng khi triều cường nước mấp mé tận đỉnh cọc, có thể bơi ra rồi đu người lên ngồi chơi trên đó, rất thú!
B là dân cố cựu ở đây. Nó hay rủ tôi đi bơi và cũng chính là người đã chỉ cho tôi biết cái bãi cọc độc đáo này. Tôi thích mê. Chẳng gì thú vị bằng những ngày mùa hè sau những vòng bơi mát rượi leo lên đó ngồi phơi nắng và nhìn buổi chiều chầm chậm xuống bên kia dòng sông. B bơi khá giỏi, nhiều lần nó và tôi còn liều lĩnh rủ nhau bơi vượt sông dù đoạn này sông Sài Gòn phình ra rất to. Tôi cũng hay ra đó một mình. Không tắm, chỉ ngồi chơi. Nhảy chuyền từ cọc gỗ này sang cọc gỗ kia ra đến tận cái nằm ở rìa xa nhất phía bờ nước. Ngồi ở đó, chẳng còn ai, chỉ có sông nước, mây trời, những đám lục bình trôi, một mình lắng nghe tiếng hát câm của chính lòng mình. Trên quãng sông hoang vắng đó, trên những cọc gỗ phế tích sừng sững trồi lên giữa dòng nước đó, tôi đã viết khá nhiều bài hát liên quan đến dòng sông cũng như chẳng liên quan gì đến dòng sông, đồng thời, học được những bài học sơ đẳng đầu tiên về mối giao hòa giữa con người với thiên nhiên nơi dòng chảy tưởng chừng bất biến, vô thủy vô chung của con sông, “cái này sinh thì cái kia sinh, cái này không có thì cái kia không có”, kiểu như vậy!...
Hôm rồi đưa gia đình đi ăn ở một nhà hàng nằm trên bờ đối diện khúc sông gần ngôi nhà cũ, tôi đã không thể nhận ra được đoạn bờ sông mà ngày xưa thời vừa thôi học, chiều chiều tôi vẫn thường ra đó ngồi chơi. Chẳng còn tìm thấy đâu những ruộng mía, những đồng lúa xanh mơn ngày cũ. Chẳng còn tìm thấy đâu những rừng dừa nước, những bờ lau lách nhòa nhạt nắng chiều... Thay vào đó là những khối chung cư vuông chằn chặn mở hàng ngàn những mắt cửa sổ kính chòng chọc nhìn xuống dòng sông, nhà nối liền nhà san sát. Xem ra, biển chưa hóa nương dâu mà mọi dấu vết cũ đã hoàn toàn biến mất. Tôi ra đứng dựa vào thành lan can nhìn xuống dòng sông tối đen. Không có gió, nước sông nghe toàn mùi cống rãnh. Người ta không thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông, câu nói cũ mèm của Heraclitus bảo ta như vậy. Bờ sông xưa trong ký ức giờ xa lắc như chuyện của một kiếp khác. Người bạn hay cùng tắm sông sau đó ít lâu bị gọi lính. Gia đình tôi cũng chuyển nhà đi nơi khác, mọi liên lạc đứt dần. Tuy vậy, nhiều năm sau, một lần tôi loáng thoáng nghe người quen biết kể, chiến trường K ác liệt không làm gì được B vậy mà về phép chơi ít ngày B lại bị tai nạn giao thông chấn thương não, mất sạch trí nhớ, chẳng còn nhận biết được ai vào với ai, trở thành một người tàng tàng, một kẻ vô tri!
Kinh Phật dạy, hãy nhìn như bọt nước, hãy nhìn như cảnh huyễn! Thoắt một cái, từ bờ sông những chiều hoang vắng năm xưa tôi thấy mình trong đêm tối bốn chục năm sau cúi nhìn mặt nước im trôi ở bờ đối ngạn với phía dòng sông quá khứ. Cuộc đời bé mọn của tôi, đến giờ phút này, còn mong nhìn thấy lại điều gì? Những mùa tóc xanh, những buồn vui khát vọng, những chán chường với hân hoan cũ? Hay thấy lại chỉ để mà giũ bỏ như Đường Tam Tạng của Ngô Thừa Ân trên bến Lăng Vân chờ nhìn thấy xác của chính mình trôi qua? Sông muôn đời im lặng, mãi mãi như vậy, có chăng là tiếng dội câu hát câm của cõi lòng tôi chiều nào xa tuyệt mù một mình bên bờ lau lách hát: “Đã vắng thuyền về, cũng vắng người về...”. Mà thật vậy, đã vắng người về.
Trần Thanh Sơn (1.2021)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét