…đơn điệu. Những đường phố kéo dài vô tận. Phố nối
phố. Hết con phố này lại đến một con phố khác, những ngã tư, những thân cầu bắc
ngang những con kênh ngập ngụa bùn đen và rác rưởi. Lại một con phố nữa,
cũng thảm não và điêu tàn như những con phố kia, một đường cống lộ thiên nằm
trơ mình dưới nắng. Thành phố, nghe chìm xuống, tất cả những gì cuối cùng còn
sót lại của một đời sống ồn ào đang lịm dần vào giấc ngủ ban trưa: những bóng
người chập chờn qua lại trên các vỉa hè lát đá bụi bặm, mà lát nữa đây, sẽ
thình lình chìm lỉm vào một ngõ hẻm bẩn thỉu nào đó của thành phố, mắt lóa nắng,
bước vào bóng tối căn nhà mình như những người mù sờ soạng tìm một chỗ nằm
trong mỏi mòn. Vẫn đang còn là mùa xuân, những đám mây trắng xóa lờ lững trôi
trên nền trời xanh chói gắt. Cao hơn nữa, bên trên những đảo mây bồng bềnh kia,
một làn mây mỏng đang nhẹ nhàng tan biến vào bầu trời. Đã quá ngọ. Có lẽ đã quá
ngọ! Hơi nóng bốc lên từ mặt đường nhựa cháy bỏng, xoáy tròn, đậm đặc như có thể
sờ nắm được. Không dưng anh thấy thèm một cốc kem lạnh, từng muỗng nhỏ để tan dần
trên đầu lưỡi. Em nói em thích ngắm nghía một cốc kem hơn là ăn nó, những cốc
kem luôn tạo cho em cảm giác vui vẻ và bình yên. Có lần em còn quả quyết với
anh rằng nếu hạnh phúc có thật, hạnh phúc sẽ phải có dáng hình của những cốc
kem. Nắng như đổ lửa. Bóng rọi của những thân cây trồng dọc vỉa hè khoét xuống
mặt đường những hõm bóng râm sâu hoắm. Trên nền vàng của nắng, chúng không khiến
cho người đi đường cảm thấy mát mẻ dễ chịu mà tạo cảm giác đó là những vết bỏng,
lở loét và ung thối trên thân thể của phố xá. Nơi em ở mùa này vẫn còn những sớm
trời đột ngột trở rét, cái lạnh dai dẳng kéo dài suốt ngày. Những làn mây xám
sà xuống, nặng nề đè lên những ngọn đồi xanh u, buồn thảm. Đôi khi trời đổ mưa.
Anh nhớ bàn tay buốt cóng của em đặt trong tay anh, khẽ run rẩy. Có chút gì yếu
đuối và tội nghiệp. Một nụ cười mơ hồ thoáng qua trên môi, đôi môi hồng với
khóe môi hơi trĩu xuống: sự mệt mỏi không cần giấu diếm, và đôi khi, mang một vẻ
mai mỉa, ơ thờ. “Đã bao giờ anh tự hỏi, với một niềm tuyệt vọng, con người có
thể chịu đựng được nó trong bao lâu?”. Giọng nói thầm thĩ của em, giống như
đang tự vấn mình hơn là trò chuyện với anh, “...những kẻ khôn ngoan thường tự
nguyện chung sống với nó, nhưng cũng có những kẻ cứ khăng khăng muốn chống lại,
em chẳng hạn...”. Mắt loáng ánh nước, em nhìn anh: “Chẳng ích gì, phải vậy
không?”, em hỏi, rồi lại tự trả lời mình, “khi chống lại một thứ vô hình như vậy,
vô hình chung là ta đã thừa nhận khả năng sẽ xuất hiện một niềm tuyệt vọng mới”.
Anh bảo: “Vậy tốt hơn hết, nếu có thể, hãy truyền giao nó”. “Đó là một cách giải
thoát khủng khiếp”, em nói, và mỉm cười với anh, nhưng môi em run lên như phải
vất vả lắm em mới mỉm cười được. Rồi khẽ lắc đầu, như để xua đuổi những ý nghĩ tối
ám vừa chợt đến trong tâm tưởng, môi em mím lại, đôi gò má đỏ ửng lên. Anh có cảm
tưởng là em sắp sửa òa khóc. Cầm lấy đôi tay buốt cóng của em, đưa lên môi, cay
đắng cảm nhận sự bất lực đến tột cùng của mình, anh kéo em vào lòng. Hoàn toàn
phó thác, dúi đầu vào ngực anh, em như muốn tìm ở đấy một chốn nương náu, giấu
mình khỏi những đợt sóng thường trực của niềm lo âu. Trong cơn nức nở, anh nghe
thấy tiếng em thì thầm: “Em sợ quá, tất cả những điều này, tất cả…”. Đơn điệu,
phố nối phố thăm thẳm. Phố nối phố tít tắp. Những khối nhà đứng lặng câm trong
bóng nắng im lìm. Có tiếng vỗ bờ rào rạt của dòng sông xa mù trong ký ức tuổi
thơ. Đám trẻ đu người trên những thân cây mù u nghiêng cành trên mặt nước xanh
biếc. Hãy thả mình xuống đó một lần nữa để nghe tiếng nước mở ra hòa với tiếng
cười xáo động khoảng sông trưa. Kỷ niệm: căn nhà ven sông những xế chiều nước
xuống nằm ngửa mặt nhìn đăm đăm lên mái dột nơi những vết ố vàng nước mưa trên
tấm plafond đang tự do biến hình trong trí tưởng, những đóa hoa Nolde, cảnh
quan Frankenthaler, cũng có thể là gương mặt một người quen cũ, một người bạn
đã chết. Giọng hát mỏi mệt, sombre dimanche les bras tout chargés de fleurs, tiếng
guitare quyện lấy làn môi xanh xao ấy, je suis rentré dans notre chambres le
coeur las, và lồng ngực yếu phập phồng theo khúc hát, en écoutant hurler la
plainte des frimas, như một chiếc bọt nước của đêm đen tù đọng, je mourais un
dimanche, buồn phiền, alors tu reviendras, chẳng bao giờ nữa, chẳng bao giờ nữa…
Lại một con phố dài hun hút. Những chuyến xe buýt bụi bặm như bị hút về phía
trước, đằng xa kia, nơi sức nóng mặt trời hắt xuống mặt đường nhựa cháy bỏng tạo
thành những vũng ảo ảnh chói lóa; ở đó, con đường bỗng hóa thành trong suốt, hụt
hẫng, như lao thẳng vào hư không. “Một thế giới chết. Không. Một thế giới lụi
tàn. Nói một cách chính xác hơn: một thế giới đang lụi tàn đi trong chính tâm hồn
ta!”. Nỗi buồn là một vòng bánh xe quay tròn, một vòng bánh xe không dẫn ta về
đâu cả, tự xoay quanh mình như một vòng đĩa hát, không lan tỏa mà thấm ngược
vào trong, nén chặt, hóa băng và tự xiết cổ mình cho đến khi ngộp thở. Tình yêu
chính là lần chiêm nghiệm nỗi buồn đó. Một lần chiêm nghiệm đầy cay đắng. Anh
không mấy tin nơi những niềm vui mà từ đó tình yêu chứng tỏ sự hiện diện của
mình. Cũng như những hình ảnh về thiên đường dưới mắt một kẻ vô tín ngưỡng,
không phải là mặc cảm về sự tự nhận thấy không xứng đáng của mình, mà là sự
hoài nghi, diễu cợt cái biểu tượng làm người ta liên tưởng đến Thượng để ấy.
Thông qua nỗi buồn, anh cảm nhận được rõ ràng hơn niềm cô độc của mình, và cũng
vậy, tình yêu đến giữa hai ta chỉ là một ngọn đèn mờ đục thắp lên cho ta thấy
rõ hơn trong bóng tối những niềm riêng muôn đời của mỗi người. Dọc theo bức tường
cũ vây quanh một tòa nhà lớn trước kia là trụ sở bưu điện, thấp hơn nhiều so với
mặt đường, con hẻm lượn vòng theo bức tường đó, được dẫn đi bởi một đường cống
lộ thiên hôi hám và ngập rác. Từ chỗ này, thành phố được lộn trái. Những mái
nhà lụp xụp chồng chất lên nhau dọc theo con hẻm, sâu hút, mở ra thêm trăm ngàn
những mê cung khác kéo dài cho đến tận bờ sông. Hàng vạn kiếp người ẩn náu ở
đây, sau lưng những cao ốc, đám đông của đói nghèo, kiệt sức, sống lay lắt như
những bóng ma của một mồ chôn tập thể đang lịm dần theo cái chết chầm chậm, từng
ngày. Dữ dội, nắng đổ xuống trên bối cảnh những ngôi nhà quặt quẹo lờ mờ trong
làn hơi nóng, một giấc mơ khủng khiếp mà bóng râm của những áng mây âm thầm lướt
qua chỉ làm tăng thêm cảm giác ngột ngạt. K ra mở cửa. Mắt ngầu đục, tóc tai bù
xù như vừa ốm dậy. “Mày bệnh à?”. “Bệnh hoạn gì, vào đi”. “Nóng điên người”. “Ừ,
nóng điên người”. Cánh cửa nhỏ mở ra phía dòng kênh đen ngòm. Ánh sáng từ đó hắt
vào không đủ để soi sáng toàn bộ gian nhà, chiếc cầu thang ọp ẹp dẫn lên căn
gác gỗ cắt ngang gian nhà như một tấm bình phong ngăn làn ánh sáng đó lại, một
nửa gian nhà với những tủ kệ, những đống sách vở, áo quần giăng mắc chìm trong
bóng tối. Uống liền một lúc hai cốc nước lớn, nằm dài xuống tấm chiếu cói trải
xộc xệch trên sàn nhà, anh thấy buồn ngủ. Có tiếng gà trưa cất tiếng gáy khan,
tiếng mọt nghiến răng đều đều trong gỗ. K hỏi còn tiền không mua rượu về uống.
Anh hỏi lại, giữa trưa nắng khét nghẹt như thế này? K gật, anh bảo, mày điên rồi.
Cái đêm mưa lạnh ngồi với em trong hóc quán cà phê đầu dốc chợ nhìn ra phố xá mịt
mù. Anh đề nghị: một tách chanh rhum nóng nhé? Em lắc đầu, bảo: em chưa từng uống
rượu bao giờ. Anh nói: một cốc rượu đôi khi có thể đem lại cho ta sự tự tin, với
cái lạnh, nó đem lại sự ấm áp. Em bảo: anh cứ gọi rượu cho mình đi, rồi gọi
giúp em một tách cà phê nóng. Nhìn anh nhấm nháp cốc rượu, em nói với vẻ diễu cợt:
“Anh hay thích làm ra vẻ một con người từng trải, trong khi anh uống rượu và
nhăn nhó như một đứa bé bị buộc phải uống thuốc”. Anh đùa: “Vậy mà anh cứ tưởng
anh lừa được em”. Em bỉu môi, nụ cười lấp lánh sau hàng mi. Anh buột miệng: “Trời,
giá như em biết được khi em cười trông em đáng yêu đến như thế nào!”. Em
nghiêng nghiêng đầu, hỏi lại: “Còn khi không cười?”. Anh bảo: “Anh yêu mến tất
cả những gì thuộc về em”. Em phì cười: “Bạn ơi, anh thật khéo nịnh”. Rồi em cười
nữa. Tiếng cười làm anh liên tưởng đến một muỗng đường trắng tinh vừa được thả
vào cốc nước, ngọt ngào tan ra trong anh, trong tiếng mưa đêm đang thì thầm rơi
ngoài phố, xa xa kia, những con dốc nhòe nhoẹt ánh đèn đang chìm đắm trong màn
mưa tím ngát. Nóng. Mồ hôi chảy thành dòng, bò trên cổ, trên ngực, trên lưng.
Ly rượu trắng rẻ tiền uống vào như xé cổ họng, nhộn nhạo trong bao tử. Anh vẫn
chỉ là một đứa bé đang bị buộc phải uống thuốc, không chỉ vì rượu, anh nhăn nhó
vì bị buộc phải uống đủ mọi thứ vị đắng của cuộc đời (vị đắng của cuộc đời -
nghe mới khoa trương và kệch cỡm làm sao!). Đêm hôm ấy chúng ta đã lan man với
nhau đủ thứ chuyện trên trên đời, những ý nghĩ không đầu không đũa chợt đến,
nói chỉ để mà nói. Những thành phố anh đã đi qua. Cơn mưa biển. Chim hải âu. Những
người bạn cũ. Môn tiếng Nga em đang theo học. Eugène Onéguine, thơ Essenine và
cả Tchaikovsky. Chiếc đèn chụp hắt xuống mặt bàn chỗ chúng ta ngồi một quầng
ánh sáng nhỏ, nửa người chìm trong bóng tối, trông em bé nhỏ và có vẻ dễ thương
tổn. Đầu hơi cúi xuống, tay vân vê đùa với những lọn tóc lòa xòa bên má, đôi
khi em rời bỏ cuộc trò chuyện, im lặng nhìn mông lung ra đường. Mưa, mưa hoài…
“Et remue les violons du souvenirs”. “Thơ ai vậy?”. “Chẳng rõ! Buột miệng vậy
thôi”. “Uống nữa đi!”. Nước bắt đầu lên, chầm chậm. Đám rác rến dưới con kinh
bùn đen đùn vào nhau, xoay tròn, từ từ trôi ngược trở lại. Gió yếu ớt lay cửa.
Cái nóng bức ban trưa cũng đang dần dịu xuống: chiều. Chiều, trong hồn ta như bụi
ám, trên mái những căn nhà sàn nhấp nhô bên kia dòng kinh, trên nền trời hướng
Đông ngồn ngộn mây đang đùn lên như một nấm mộ khổng lồ trắng xóa, gay gắt phản
chiếu ánh mặt trời. “Đối với tao, mày biết không, tao uống rượu nhưng chẳng mấy
thích nhấm nháp thưởng thức nó như phần lớn những kẻ uống rượu khác, tao thích
những gì sau đó nó mang lại cho tao kia. Rượu giúp tao nhận ra tao, giúp tao
nhìn thấy thế giới sống động và đỡ chết chóc hơn”. Anh bảo K là tất cả những kẻ
nghiện rượu đều có ít nhất một lý do tầm phào nào đó để biện hộ cho chứng bệnh
của mình. K cười: “Mày lầm! Tao có thể bỏ rượu một cách dễ dàng, nhưng để làm
gì? Rượu, tao coi nó như một phương tiện để tìm kiếm mình, cũng như một số kẻ
khác lao đầu vào truy cầu danh vọng, hiến mình cho tôn giáo, hoặc đắm chìm vào
với sắc dục, với tình yêu”. Anh hơi ngạc nhiên, hỏi: “Tình yêu?”, và hỏi lại K
một lần nữa, “sao lại có tình yêu ở đây?”. K trả lời, giọng thản nhiên, hoàn
toàn không hề có chút đùa cợt: “Tình yêu cũng chỉ là một phương tiện để nhận biết
mình, qua tha nhân người ta tìm thấy mình ở đó, như là một thứ gương soi”. Tiếng
lao xao của khu xóm bắt đầu thức lại sau giấc ngủ nặng nề ban trưa. Tiếng trẻ
con khóc, tiếng chửi rủa của người mẹ, chợt chìm xuống, để trở lại bằng tiếng
guốc gỗ ai đó khua trên những thân cầu lát ván ọp ẹp dẫn ra tận mép kinh: một bến
đò nhỏ, bẩn thỉu và đầy ruồi nhặng. Đấy là đời sống thật. Những kiếp người mòn
mỏi kéo lê đi trong âu lo. Một cơn hấp hối kéo dài từ đời này sang đời khác. Những
đứa trẻ được sinh ra trong cơn hấp hối đó, lớn lên trong cơn hấp hối đó, rồi
truyền giao nó cho đời sau. K hỏi: mày uống nữa không? Anh trả lời: không, tao
mệt rồi. K nói: chiều nay tao muốn say, say khướt kia. Gương mặt đó quay về
phía anh, bị cắt đôi bởi bóng tối trông như được ghép lại từ hai nửa khuôn mặt
khác nhau, xa lạ và kỳ dị. Ở đó, vầng trán cao bị lấp dưới mái tóc bù xù để xòa
xuống ngang mày, con mắt ở phía được rọi sáng ẩn chứa một vẻ gì như là nỗi thống
khổ, nỗi dày vò, và nỗi thống khổ dày vò đó loang ra, khuếch đại lên, khiến phần
gương mặt nằm trong bóng tối như bị bóp méo, biến dạng đi. “Cô đơn là phần số của
nhân loại. Mỗi con người đều chọn cho mình một cái giếng tối tăm để náu mình, một
cái giếng mà ở đó nước sẽ hóa băng thành một vòng đai giam cứng hắn lại. Từ cái
lỗ cô quạnh đó, hắn nhìn ra đời sống vắng tanh tịnh không một bóng người, bởi
vì đồng loại của hắn, mỗi người cũng đều đã tìm thấy cho mình một cái giếng để
chui vào. Nhân loại, sống cũng như chết, từ ngôi nhà đến nấm mồ, có gì khác
nhau?”. Anh đứng dậy, lảo đảo với cơn say. Chia tay, không ai nói với ai một lời.
Cánh cửa khép lại, cũng giống như cánh cửa chiều nào em khép lại giữa đời anh,
tiếng động cuối cùng đã rơi xuống, mà anh, anh vẫn còn tiếp tục lắng nghe, như
thế chờ đợi đến lượt tiếng vọng dội lại từ chính trái tim mình, bàng hoàng đau
đớn. Chiều xuống thấp. Con hẻm chỉ còn được soi rọi bằng ánh phản chiếu từ bầu
trời vàng đục những đám mây, len qua những tàng me già, hắt thứ ánh sáng cũng xấu
xí và bẩn thỉu như những khoảnh sân nhỏ được che chắn sơ sài bằng những mảnh
tôn vụn dọc lối dẫn trở ra đại lộ. Tiếng vọng của đường phố, nghe xa xôi như tiếng
côn trùng. Về thôi, về thôi!… Cái lòng giếng cô tịch của ta, chiếc vỏ ốc bên
rìa đại dương đời sống của ta! Chúng ta đã đến từ đêm đen để rồi sẽ lại trở về
với đêm đen sao dày. Giọng nói của em trồi lên từ đám sương mù ký ức: “Thật ra
em biết mà, đối với anh, con người chỉ là một cái cớ”. Em có làn môi ấm áp để
thốt những lời yêu thương và cũng có một làn môi khác cay nghiệt và tàn nhẫn để
kết tội: “Tôi thù ghét con người, trong đó có anh, trong đó có cả tôi”, đứng
bên thềm cửa em hét lên, “đừng đến gần tôi, anh đi đi, đi đi, hãy để cho tôi được
yên ổn một mình, chỉ một mình!”. Đó là lúc con người cô độc trong mỗi chúng ta
thức dậy, muốn quay về với cái lòng giếng tối tăm hiu quạnh của mình, như một
thứ bản năng, đòi trả lại cho nó thói quen và đời sống ban đầu. (Ghi chép ngày
17.9: Những kẻ bị ám ảnh bởi niềm cô đơn đều có cảm giác mình đến gần Thượng đế
hơn một chút, so với những người khác. Vả chăng, Thượng đế cũng chính là một nỗi
cô đơn, một nỗi cô đơn khổng lồ. Đã có những lúc anh và em đến gần với Thượng đế
đến như vậy sao?)...
Trần Thanh Sơn
Ảnh trên: Variation from “Lost Languages” (Connie Rohman)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét