Thứ Tư, 4 tháng 5, 2022

Chó sủa trăng

 
Tôi không thích những giấc mơ về sáng. Đấy thường là những giấc mơ xấu, kết quả của một đêm trằn trọc nằm dỗ hoài giấc ngủ không chịu đến, khi ta đã tuyệt vọng cùng tiếng tích tắc của đồng hồ cứ trêu ngươi gieo mãi sự trống rỗng vào trái tim ta lạnh toát, ta bất chợt thấy mình bị dìm vào một thứ giấc ngủ ngắn, nông choèn, đầy những hình ảnh quái dị và tối ám. Đêm qua tôi mơ thấy mình quay lại khu phố thời thơ ấu. Tôi thấy tôi đứng trên con lộ vắng dẫn xuống phía biển mà một bên xanh lè ánh sáng đèn cao áp của khu quân sự và một bên là những khu phố đổ nát, điêu tàn, nằm chìm trong bóng tối. Không một ai. Không cả tiếng người. Chỉ thỉnh thoảng nghe vọng từ đâu đó tiếng chó tru thảm thiết, như thể chúng là những đại diện duy nhất còn tồn tại trong cõi tha ma tịch mịch ấy.
 
Ngăn cách giữa ánh sáng vào bóng tối chẳng hiểu sao lại có một lớp màng mỏng trông giống màng bong bóng xà phòng. Lớp màng ấy cứ phập phều theo những luồng dịch chuyển của không khí khiến đêm tối trông như đáy nước bị bao phủ bởi một lớp dầu nhờn nổi lềnh bềnh phía trên. Tôi bước xuyên qua lớp màng xà phòng kỳ dị ấy, dấn về phía bóng tối. Con đường trước mặt là một lối mòn chạy luồn qua những căn nhà đổ nát chỉ còn trơ lại những khung tường loang lổ vết đập phá. Lối mòn dẫn tôi khi thì băng ngang một mảnh vườn bỏ hoang um tùm cỏ mọc, khi thì gần như xuyên thẳng từ trước ra sau một căn nhà vô chủ với những ô cửa sổ trống rỗng, đôi lúc nó dắt tôi chui qua một cánh cổng xiêu vẹo bị trùm kín bởi đám dây leo rậm rịt trông như một thứ cổng chào rầu rĩ của sự điêu tàn, rồi bất chợt, tôi thấy mình đang đứng trong phòng mình, bên khung cửa sổ căn nhà thời thơ ấu. Đấy là buổi chiều, nắng nhạt và lạnh trên những rặng nhãn. Có tiếng nói cười huyên náo của một đám trẻ vọng lại từ góc vườn. Tôi ghé đầu ngó ra ngoài. Góc nhìn từ cửa sổ rất hẹp nên tôi chỉ có thể loáng thoáng thấy khoảng 5, 6 đứa trẻ đang ngồi quay lưng về phía tôi trên đống gạch cũ xếp bên hông nhà. Dù không thấy mặt nhưng trong mơ tôi vẫn nhận ra được từng đứa bạn lối xóm thuở nhỏ; riêng đứa ngồi ở góc khuất với cửa sổ tôi không rõ là ai và chỉ biết được sự hiện diện của nó qua cử chỉ của đám trẻ khi chúng thỉnh thoảng xoay người sang phía ấy trò chuyện. Đứa nào vậy nhỉ? Tôi áp má thật sát vào song cửa sổ, cố nhìn. Một cảm giác bồn chồn lo lắng không duyên cớ bất chợt tràn đến, trong một thoáng, tôi nghĩ đến V - đứa bạn nhà ở khu gia binh bị xe đụng chết trong những ngày loạn lạc tháng 3.1975, nghĩ đến Ng - bặt tích ngoài biển tối 1977, nghĩ đến những bạn bè tuổi nhỏ mà tôi không còn nhớ mặt nhớ tên được nữa, rồi choàng thức...
 
Làm thế nào để dẫn tâm trí ta ra khỏi những ký ức điêu tàn? Đôi khi, tôi tự hỏi mình như vậy. Cớ chi tôi cứ hay mơ về những người bạn ấu thời đã mất dấu, đã phiêu tán mà cuộc đời tôi có lẽ chẳng khi nào còn gặp lại? Cớ chi tôi cứ để lòng mình quẩn quanh mãi với những kỷ niệm đã bị thời gian và cả con người muốn vùi chôn, tẩy xóa? Cách đây ít hôm, scan lại rồi chuyển cho người bạn tấm ảnh chụp chung cả lớp thời tiểu học mà tôi đã hứa sẽ gửi cho anh từ hồi đầu năm. Ngồi nhìn bức ảnh ố vàng chụp cách đây gần nửa thế kỷ với những gương mặt bạn bè mà đa phần tôi cho rằng mình đã hoàn toàn không còn khả năng nhớ ra được tên của họ, vậy mà, không thể giải thích được, như có một ánh chớp lóe lên từ thăm thẳm lãng quên, hàng loạt những tên tuổi bạn bè tôi tưởng đã tuyệt mù đã bất ngờ quay trở lại với trí nhớ tôi. Người ta bảo ký ức là tài sản và cũng là một thứ án chung thân sẽ bám riết lấy con người cho đến giờ tận chung dù ta có muốn hay là không muốn. Cuộc sống thì cứ băng băng tiến về phía trước, những mối quan hệ chất chồng lên trên những mối quan hệ. Có ai từng sực tự hỏi mình: cuộc đời ta, ta đã gặp gỡ, đã tiếp xúc, quen biết và thực sự kết giao bằng hữu với bao nhiêu con người?
 
Giới hạn kết bạn Facebook dành cho mỗi tài khoản cá nhân là 5.000 người. Đối với tôi, đó là một con số lớn kinh dị. Theo Robin Dunbar (1) - nhà nhân chủng học người Anh nổi tiếng với số Dunbar nghiên cứu sự tương quan giữa não bộ con người với quy mô mối quan hệ xã hội mà con người có thể có - thì số lượng bạn bè tối đa của một người trong một thời điểm chỉ nằm trong khoảng từ 100 đến 250 người, lấy trung bình là 148 và thường được làm tròn thành 150. Đây được xem là giới hạn nhận thức cho số người mà một cá nhân có thể duy trì các mối quan hệ xã hội ổn định, trong đó, một cá nhân biết mỗi người là ai và mỗi người có quan hệ như thế nào với mọi người khác. Tuy vậy, nếu dựa trên định nghĩa bạn bè phải là sự thiết lập mối quan hệ xã hội gần gũi, tương thân tương ái, đặc biệt là giữa những con người ấy, họ phải hiểu nhau, đồng cảm và sẵn sàng chia sẻ hỗ trợ cho nhau khi cần, thì trong cái thế giới mà con người ngày càng cô đơn, ngày càng ích kỷ và xa lánh đồng loại của mình như hôm nay, đừng nói tới 5.000, chỉ con số 150 khiêm tốn kia thôi, tôi e rằng vẫn đã là quá lớn!
 
Những năm 80, tôi có ông bạn vong niên tính tình khá cổ quái sống một mình trong căn nhà nhỏ tận xó rừng ở Đồng Nai. Tôi nhớ một lần, khi được hỏi vì sao chẳng khi nào thấy có người nhà hay bạn bè bằng hữu gì của ông thời còn đi học đến chơi bao giờ cả, ông thản nhiên bảo, ông đã cắt ngang đời mình làm hai nửa, nếu tạm lấy năm 75 làm mốc, thì với phần trước đó, ông đã đoạn tuyệt và quên sạch những gì liên quan tới nó; còn phần còn lại, ông phẩy tay: “Là đây nè, những-buổi-chiều-dài-mướt-lê-thê của đời mình!”. Kiểu nói hí lộng của ông, phần nhiều là “rượu nói”, nghe chơi vậy thôi, chớ làm quái gì có thể dùng ý chí để tự quyết chặt phăng một phát rồi quên sạch hơn nửa cuộc đời mình với biết bao nhiêu là dây mơ rễ má giăng mắc dằng dặc từ tít mù quá khứ! Chỉ có điều, thực tế cuộc đời ông bạn vong niên của tôi cho thấy ông đã dám sống đúng với những gì mình nói và (có lẽ) ép mình phải khứng theo. Tôi thì duy cảm. Duy cảm đến thành ủy mị. Tôi mang toàn bộ quá khứ đi theo mình, chẳng chịu vất bỏ thứ gì, dẫu lắm khi đó chỉ là những kỷ niệm chẳng ra làm sao, những thứ lẽ ra càng quên sớm được thì càng tốt. Như chuyện này chẳng hạn, cứ ám tôi hoài. Năm lớp Bảy - năm học đầu tiên sau giải phóng, do thiếu giáo viên Pháp văn, tôi phải chuyển trường và bị dồn vào một lớp gồm các nhóm học sinh học tiếng Pháp từ nhiều trường khác nhau trên địa bàn. Trong một buổi sinh hoạt lớp, tôi nhớ loáng thoáng như vậy, một đứa nào đó đã tình nguyện lên giúp vui văn nghệ bằng bài hát mà rất nhiều năm sau này tôi mới biết đó là một sáng tác của nhạc sĩ Vũ Thanh. Bài hát có câu hát nghe rất nhập tâm, nên khi tan học, vừa túa khỏi lớp, vui miệng, mấy thằng (trong đó có tôi) cùng hát tướng lên: “Nguyễn Văn Trôi Nguyễn Văn Trôi, người công nhân thành phố Sài Gòn” (2). Vừa mở miệng hát chưa hết câu thì nghe ngay sau lưng tiếng quát: “Ê, mấy đứa con nhà Ngụy! Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi chứ Nguyễn Văn Trôi Nguyễn Văn Trôi cái chi! Hát rứa là phản động hiểu chưa? Muốn bị còng đầu không?”. Cái thằng ranh vừa quát chúng tôi hóa ra cũng bạn cùng lớp. Để ý mới biết hắn có hẳn một nhóm luôn đi học chung, chơi chung với nhau và thường cùng vênh vênh tự đắc xưng là “con em của làng M.” - một ngôi làng có truyền thống cách mạng lâu đời và cũng là quê hương của một anh hùng. Sự việc chỉ vậy. Đôi bên sửng cồ với nhau tí chút rồi sau đó quên ngay, trẻ con mà! Thế nhưng khổ thay, ba từ “con-nhà-Ngụy” thì tôi lại không quên ngay được! Nhưng làm sao quên được. Đấy chỉ là một mở màn nho nhỏ báo hiệu cho tấn bi kịch lớn hơn có tên gọi là “chủ nghĩa lý lịch” nặng nề đầy ám ảnh mà tôi và rất nhiều bạn bè cùng thế hệ sẽ phải chứng kiến và trực tiếp (hoặc gián tiếp) chịu ảnh hưởng trong suốt cả cuộc đời mình. Tệ hơn, ba từ đầy vẻ miệt thị đó, chúng giống như cú va đập đầu tiên khởi động cho một lực ly tâm nội tại trong tâm lý của chính tôi, khiến nhiều năm sau, cộng dồn với một số những biến cố khác của cuộc đời, sẽ hất văng tôi ra khỏi guồng quay của đời sống bình thường, khiến tôi cứ mãi mang suy nghĩ mình là một kẻ đứng bên lề, một người ngoại cuộc. 
 
Tôi thường nhớ về bạn bè tuổi nhỏ của mình trên khúc ngoặt kinh hoàng chung đó bằng nỗi u hoài khôn xiết. Nỗi u hoài của một mầm cây sống sót sau trận lũ quét, nó ngơ ngác đâm chiếc rễ đầu tiên của mình vào những tan hoang vụn vỡ, hút lấy mật đắng của mất mát và chia ly để mà trưởng thành. Có một buổi chiều (có lẽ của năm nào đó cũng của thời vừa sau giải phóng), chẳng biết nghĩ gì, tôi leo rào lẻn vào vườn nhà đứa bạn cùng xóm đã di tản với gia đình từ dạo tháng Ba. Căn nhà đã bị chính quyền mới niêm phong, cửa im ỉm khóa, thềm cỏ dại mọc cao tới gối. Lang thang trong vườn, nhìn qua những khung kính rạn vỡ ngó vào những căn phòng hoang phế đầy mạng nhện và bóng tối, tôi bất chợt rùng mình khi thấy trên sàn nhà, chỗ ô thông gió đã bị ai đó đập bể, một khung ảnh nằm trong vũng nước mưa với chân dung một người phụ nữ đang phóng cái nhìn sũng ướt, nhòe nhoẹt của mình vào vô định. Trong căn nhà đóng kín đó, hòa với tiếng gió lùa trên mái dột, như vẫn loáng thoáng nghe được tiếng cười dòn tan của thằng bạn cũ. Tôi rời khỏi đó như bị ma đuổi, lòng buồn rượi. Buổi chiều ấy, trí óc thơ ngây của tôi dường như mới bắt đầu cảm nhận được sức tàn phá ghê gớm của mất mát và ly tán. Những ngôi nhà bạn bè im lìm khóa kín kia, những mảnh vườn bỏ phế kia, những dãy phố hoang vu chỉ còn trơ lại những khung tường đổ và tiếng rền rĩ của gió mùa đông không ngớt khóc lóc trên đường, tất cả những thứ đó, như nói với tôi rằng, sẽ không còn một thứ gì có thể trở lại như xưa được nữa, rằng tất cả đã thay đổi, rằng cuộc đời tôi cũng như của tất cả bạn bè ngày thơ của tôi cũng sẽ như vậy!
 
“Dù gì thì chúng ta cũng đã sống sót và vượt qua được hết thảy”. Bạn bè, những người cùng thế hệ với tôi, khi ngồi lại bên nhau thường tự an ủi, tự khích lệ mình bằng những câu nói kiểu như vậy. Người ta đâu thể suốt đời đi vật lộn với số phận của mình? Có một đêm nhiều chục năm sau đứng trên sân thượng một khách sạn nằm ngay trên khu vực mình ở ngày xa xưa đó nhìn xuống. Những phố nhà cùng những khu dân cư mới mọc lên san sát, đèn đuốc sáng trưng. Biển êm ả rì rào ngoài xa. Như không hề có những đêm hoang vu lịm tắt trên vùng đất này. Như không hề có những mất mát ly tán. Không hề có những thân phận đắm chìm, những con hải âu bị sóng lừng vồ lấy nhấn xuống lòng biển tối… Chẳng ai hay biết gì cả. Không một ai. Tôi đứng trên đó rất lâu, như một con sói độc, tận đến khi trăng lên. Trăng vàng óng soi xuống con đường mà một đêm hậu chiến nào đó xa tít mù trong quá khứ tôi còn là một cậu thiếu niên sững sờ nơi biên giới giữa những điều có thể lý giải được và không thể lý giải được, bắt đầu lờ mờ cảm nhận được bất lực của con người trước lịch sử, trước số phận của mình, một mình run rẩy băng qua những khu phố sụp đổ điêu tàn để trở về nhà mình, căn phòng mình với cảm giác u sầu vô cùng tận! Ôi, bạn bè và những ngày thơ ấu xa xôi của tôi! Những gì chúng ta tưởng là quan trọng, nghĩ là có ý nghĩa, trong trí nhớ ngắn hạn và rất đỗi lạnh lùng của nhân gian chỉ là những vệt mờ, những vệt rất mờ trên cát biển thời gian lộng gió chiều...
 
Tôi không thích những giấc mơ về sáng, thật vậy, hoàn toàn không thích!   
Trần Thanh Sơn (5.2022) 
 
 
(1) Robin Dunbar (1947-): Nhà nhân chủng học và tâm lý học tiến hóa người Anh; hiện là trưởng nhóm Nghiên cứu Khoa học Thần kinh Tiến hóa và Xã hội tại Khoa Tâm lý thực nghiệm tại Đại học Oxford
(2) “…Sự xuất hiện cái tên đẹp đẽ và quang vinh: Nguyễn Văn Trỗi” (trong những ngày đầu vẫn gọi là Nguyễn Văn Trôi, về sau mới được đính chính lại là Nguyễn Văn Trỗi) - Dương Viết Á, “Các phương pháp xây dựng hình tượng ca từ”. Nghiên cứu Nghệ thuật, số 6 - 1979. Tôi cũng nghĩ vậy! Vì không lý gì có đến 2 nhạc sĩ chuyên nghiệp và rất tài năng là Vũ Thanh và Nguyễn Đức Toàn khi viết về liệt sĩ này đều hát tên người cưỡng âm hoàn toàn so âm nhạc của mình như thế! Xem chừng tôi đã bị “quát” oan nhỉ? (TTS)
 

 Ảnh trên: From “Dog Barking in the Moon” (Joan Miro)

Không có nhận xét nào: