Thứ Năm, 16 tháng 12, 2021

Một hồi ức Giáng sinh



L gọi điện hỏi thăm, như vẫn làm vậy mỗi khi bắt đầu ngà ngà say, và như thể rượu là nguồn cơn, là thứ bất chợt giúp L moi được tôi lên từ thăm thẳm lãng quên, tận đáy sâu của ký ức đã bị lèn chặt bởi thời gian và bởi những lo toan của một cuộc đời vốn chẳng mấy nhẹ nhàng khiến người ta không có nhiều dịp để mà hồi cố. Những cuộc gọi năm thì mười họa của L, dù vậy, luôn làm tôi cảm động, nhớ ra rằng mình vẫn còn một người bạn - từng chung lớp chung trường suốt cả thời tiểu học, hiện có thể xem là người biết nhiều về gia đình và thời thơ ấu của mình nhất - bao năm qua vẫn sống ở chốn cũ, và thi thoảng, vẫn nhớ tới và điện thoại cho mình.

Trò chuyện với bạn bè xa cách đã mấy mươi năm là cùng thực hiện một chuyến song hành mà dù có đi đâu chăng nữa, người ta thấy mình cuối cùng lại quay về với điểm xuất phát ban đầu, quá khứ chung của hai người là cái điểm xuất phát ban đầu ấy. Cuộc đời của ta, từ khi khuất nẻo, đối với người bạn kia là một khoảng rỗng, một thứ biển cả mù mịt mà kỷ niệm là tấm phao duy nhất để họ bấu víu vào. L và tôi cũng vậy, những cuộc chuyện trò qua điện thoại của chúng tôi thường quẩn quanh với những mẩu vụn kỷ niệm vui không ra vui, buồn cũng chẳng buồn của thời niên thiếu, những mẩu vụn kỷ niệm mà khi xa cách người ta thường dễ để bị thất lạc, hoặc tệ hơn, mau chóng lãng quên, mau chóng bị thời gian thải loại. Tôi còn giữ được bức ảnh hồi tôi và L còn học lớp Nhì trường soeur cạnh nhà thờ ở gần nhà. Đấy là bức ảnh cả lớp chụp chung với cô Hiên - tập sinh nhà dòng đảm trách dạy lớp chúng tôi. Trong bức ảnh ố vàng ấy, L ngồi ở hàng đầu, nhỏ thó, dáng nghệ sĩ, vẻ mặt đăm chiêu; còn tôi đứng ở hàng thứ ba, miệng toe toét cười. Hôm lần xem lại mấy tập ảnh cũ, chính bức ảnh này (chứ không phải những cuộc điện thoại) đã khiến tôi vụt nhớ đến một kỷ niệm mà tôi, và có lẽ cả L nữa, tưởng chừng đã hoàn toàn quên lãng...

Từ bé tôi đã thích không khí Giáng sinh dù gia đình tôi chẳng ai theo đạo. Tôi thích cùng lũ bạn hàng xóm kéo nhau đi xem tượng Chúa Hài đồng bày trong máng cỏ, thích ánh sáng lấp lánh của những quả châu đủ màu gắn trên cây thông Noel, thích mùi chocolate ngọt ngào và những gói quà hình chiếc tất đựng đầy hỗn hợp các loại hạt hạnh nhân, óc chó, dẻ rang thơm bùi… Học trường soeur với đám con nít gia đình bên đạo (trong đó có L) càng khiến tôi có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với những sinh hoạt lễ hội của người Công giáo. Tôi thuộc kinh và các nghi thức thánh lễ làu làu. Ba của L, tôi không rõ có giữ một chức phẩm nào trong xứ đạo hay không, nhưng ông tỏ ra rất có uy, nghĩa là, có thể vào ra nhà thờ bất cứ lúc nào và sẵn sàng quát mắng ra hồn đứa nhóc nào dám vào đó đùa giỡn phá quấy. L cũng được ông xin cha xứ cho vào làm lễ sinh và thi thoảng (khiến tôi thời tiểu học vô cùng ganh tị!) còn được phụ kéo chuông báo lễ. Cái xứ đạo nho nhỏ mà giáo dân đến quá nửa là người tứ xứ tụ về quanh các khu phố gần nhà tôi ngày xưa có lẽ sẽ sống trong cái nhịp sinh hoạt bình lặng, yên ả của mình mãi mãi nếu như không có biến cố 1975. Năm 1975, dân chúng quanh vùng lớp di tản vì chiến cuộc, lớp dỡ nhà dỡ cửa hồi hương về cố thổ khi chiến tranh kết thúc, lớp sau đó lại dần hồi tìm đường vượt biển, giáo xứ vợi hẳn người đi lễ, sân giáo đường ngày Chủ nhật gió thổi buồn tênh...
 
Lên trung học, tôi và L không còn chung lớp chung trường nữa nhưng vẫn thường gặp nhau do có cùng một số sở thích. L chơi guitar lead và từng khiến tôi phục lăn vì đã bập bõm biết gõ trống jazz ngay từ hồi còn học lớp Nhất. Tuy vậy, sở thích đọc truyện, đặc biệt là truyện kiếm hiệp mới chính là lý do khiến chúng tôi thường hay gặp mặt. Mùa đông 1978 lạnh và dài ngoằng. Nhà ai cũng đói vêu vao. Cha xứ cho phép ba của L sử dụng mảnh đất bỏ trống phía sau nhà thờ để làm nơi trồng rau, tăng gia sản xuất. Một vài buổi chiều đi học về, tôi tạt qua, ngồi trên những bậc thềm lở lói sau nhà thờ vừa ngó L cặm cụi tưới rau vừa tán hươu tán vượn truyện kiếm hiệp Kim Dung với nó. Nắng tháng 12 nhạt nhòa trong gió lạnh hun hút thổi trên những luống rau còi. L rủ tôi đêm Giáng Sinh đến nhà thờ chơi xem lễ nửa đêm. Tôi ừ hử nhưng không quyết. Đúng đêm 24, toàn khu phố lại cúp điện. Đêm đen trùm lên mọi thứ. Dầu hỏa bán phân phối nhỏ giọt bằng tem phiếu nên đa phần các gia đình sau bữa ăn chiều quyết định ngồi thầm trong bóng tối. Càng về đêm trời càng lạnh, những vì sao chẳng biết chạy trốn đi đâu tiếp tục nhấp nháy soi thứ ánh sáng băng giá của mình xuống trần thế. Chẳng có lựa chọn nào hay hơn, tôi quyết định đến nhà thờ chơi. Tiên liệu trước việc khu phố sẽ bị cúp điện, cha xứ đã cho người thuê máy nổ để thắp sáng cho đêm thánh lễ. Sân nhà thờ vàng õng ánh sáng của những lồng đèn hình cánh sao được thắp bằng bóng dây tóc. Dù sao, so với bóng tối mịt mùng vây quanh, ngôi giáo đường trông rực rỡ và ấm áp hơn hẳn.

Thấy tôi đến, L vui ra mặt. L bảo, tao dự lễ sớm xong rồi, tối nay chẳng phải làm gì, đi tới đi lui, khỏe re! Tôi loanh quanh mấy vòng ngắm hang đá và ngó người đi lễ, xem ra cũng chẳng được bao người. Trong sân nhà thờ, L ghé tai tôi thì thầm: “Người ta không cho làm lễ đúng nửa đêm mà buộc làm lễ sớm, phải kết thúc trước 11 giờ khuya, mày thấy mấy người đứng gác chừng bên kia đường không?”. Tôi lo âu nhìn đám người mặc cảnh phục vàng đứng dưới những tán sầu đông trụi lá, lòng thấy nặng nề. L biến đi đâu một lát, khi quay lại, nó đột ngột hỏi tôi: “Mày có muốn leo lên tháp chuông chơi không?”. Muốn quá đi chớ! Đó là chuyện tôi mơ ước từ hồi còn học trường tiểu học sát bên: leo tuốt lên tận đỉnh tháp, ngó một cái ra bốn phía chân trời

L dẫn tôi lên cầu thang, rón rén băng qua tầng lửng dành cho ca đoàn rồi mở ngách cửa nhỏ dẫn lên tháp chuông. Trên những bậc thang sắt dựng đứng, L dặn: “Mày leo cẩn thận nhé!”. Gió Đông Bắc lùa qua những ô thông gió hú lên u u từng đợt, nghe như có cả âm vọng mơ hồ của tiếng sóng biển, tiếng rền rĩ của những hàng phi lao trộn lẫn tiếng kinh cầu trong lòng tháp tối. Leo đến lưng chừng tháp, chỗ giá đỡ chuông, không còn tường bọc, tôi hơi hoảng khi có cảm giác mình bị treo lơ lửng trên đầu ngọn gió mùa đông buốt cóng. Vượt lên trên quả chuông to tướng rồi chui người qua một ô vuông hẹp nữa thì mới đến nơi, chúng tôi thở dốc ngồi bệt xuống sàn bê tông lạnh toát. Vây quanh L và tôi chỉ còn có gió, gió thổi đều không dứt. Trên chóp mái xây vuông vắn, cây thập giá bằng xi măng vươn lên trắng toát giữa trời đêm. Và bên trên nữa, mắt những vì sao băng giá chòng chọc ngó xuống chúng tôi.

Dựa sát lưng vào bờ tường, tôi chầm chậm đứng lên nhìn ra tứ phía. Từ đỉnh tháp chuông, có thể nhìn thấy xa xa quầng sáng mờ mịt của một phần thành phố hực lên phía bên kia sông, còn toàn bộ khu vực xung quanh nhà thờ, khu phố tôi ở, nhà cửa, vườn tược, những con đường, những hàng cây… tất cả đều bị đêm đen nuốt chửng. Trong một chốc, tôi có cảm tưởng ngôi thánh đường mình đang đứng là thành lũy cuối cùng, nơi duy nhất còn gắng gượng giữ lại được chút ánh sáng le lói của trần gian này trước khi bị bóng tối hãi hùng chiếm lĩnh hoàn toàn. Giữa lúc trái tim tôi đang thắt lại vì nỗi lo sợ kỳ dị đó thì hồi chuông đầu tiên báo lễ Giáng sinh đột ngột được gióng lên. Thoặt đầu, tôi hoàn toàn không thể định hướng được nơi phát ra tiếng chuông vang dậy ấy. Như thể nó vọng xuống từ trời cao, từ những vì sao xa xôi, mà cũng như thể nó vọng về từ bốn phía chân trời. L nói lớn với tôi một điều gì đó, tôi nhìn thấy miệng L mấp máy nhưng hoàn toàn không thể nghe được gì cả. Tôi thấy ngộp thở. Tim tôi nhảy loạn lên trong lồng ngực. Rồi tôi nhận ra tiếng chuông ấy đang dâng lên từ ngay dưới chân mình, có cảm giác nó chạy xuyên qua người tôi, xuyên qua ngực tôi, hóa thành một tấm lưới dày từ từ nâng bỗng người tôi lên… Mọi nỗi âu lo trong tôi giây phút đó biến mất, không còn cơn đói đang cồn cào trong gan ruột, không còn sự cóng giá của thân thể dưới gió đông như cắt, cả nỗi sợ mơ hồ lỡ có ai nhìn thấy mình lén lút leo lên đỉnh tháp trong đêm thánh lễ thế này cũng không còn nữa, chỉ còn tiếng chuông, tiếng chuông, tiếng chuông...

Cuộc đời tôi cho đến tận bây giờ, nghiệm lại, mọi con đường dù chọn lựa hay không chọn lựa, dường như luôn kéo rịt tôi xuống, hướng tôi về phía thấp kém, tầm thường hơn về mặt tinh thần. Người ta bảo cuộc đời mỗi người thường chỉ có một đôi lần cái đẹp đẽ, thiêng liêng và cao cả chìa tay về phía mình. Nếu không biết nắm lấy, bàn tay ấy sẽ rụt lại. Đêm Giáng sinh năm ấy có lẽ là lần đầu tiên nhưng cũng là lần duy nhất trong đời, tôi được tiến gần đến như vậy cánh cửa của sự khai mở, hướng thượng, thứ mà lúc ấy tôi chẳng biết mô tê nó là cái gì, thứ cảm xúc hoàn toàn nằm vượt ra khỏi khả năng xét đoán và cảm nhận thông thường của tôi. Sau đêm Giáng sinh đó ít lâu, tôi nhớ loáng thoáng như vậy, L vượt biên rồi bị bắt giữ. Tôi có cùng bạn bè đến trại giam Kho Đạn thăm nó nhưng không gặp được. Rồi gia đình tôi rời miền Trung, cuộc sống chảy xiết, nhiều chục năm sau tôi mới có dịp quay trở lại. Nghe L kể, L phải đi cải tạo khá lâu vì tội danh này! Chỉ còn dăm ngày nữa là đến Giáng sinh, phải chăng vì vậy, bức ảnh thời tiểu học ở ngôi trường cạnh nhà thờ ngày cũ mới dun rủi khiến tôi nhớ lại mẩu kỷ niệm này. Bạn xưa của ta còn nhớ không nhỉ? Hay chỉ những lúc ngà ngà say, phải có rượu làm nguồn cơn mới có thể nhớ ra và moi được tôi lên từ đáy sâu nấm mồ ký ức đã hơn bốn chục năm trời?
Trần Thanh Sơn (12.2021)
 
 
Chúa Hòa bình (Phạm Duy - Duy Quang)
 

 
Note:  Nghe lại ca khúc “Chúa hòa bình” - bài hát số 9 trong tập “10 bài Bình ca” của Phạm Duy vào thời điểm này liệu có còn phù hợp? Đứng giữa hiểm họa, trong nguy nan và trên vỡ vụn của gần như mọi giá trị tinh thần từng được trân trọng và tôn vinh, âm thanh của bài hát cũ tuyệt đẹp này, than ôi, nghe xa xôi như những tiếng vọng được cất lên từ vực thẳm. Nỗi bình hòa nào mà trái tim chúng ta đang mong chờ? Và có thể phục dựng được không những gì đã bị tàn phá, bị hủy hoại? Dù vậy, Merry Christmas!
 
Ảnh trên: From “Birth of the World” ( (Joan Miro)

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Lại một mùa noel nữa đang về , không gì hơn chúc cho bạn ta một mùa giáng Sinh an lành vui và hạnh phúc