Năm tôi đậu vào đệ thất, bố tôi hỏi tôi: Thế con định chọn học sinh ngữ Anh hay Pháp? Tôi trả lời: Con cũng chưa biết, nhưng có lẽ là Pháp văn. Bố tôi không nói gì, ông vốn khá “dân chủ” trong các lựa chọn của con cái ngay từ khi anh em tôi còn bé, nhưng tôi đoán chừng ông biết tôi đã tham khảo trước ý kiến của mẹ tôi. Mẹ tôi vốn dân Tây học, yêu văn hóa Pháp, có thể đọc được Alphonse Daudet, Anatole France ngay trong nguyên bản, thế nên mẹ tôi nghiêng về tư vấn cho tôi chọn Pháp văn là lẽ đương nhiên. Phần nữa, xơ Marcel - người dạy tôi nhiều năm thời tiểu học trường dòng - rất yêu quý tôi, cũng khuyên tôi nên học Pháp văn, bà bảo: “Tiếng Pháp là mẹ của các ngôn ngữ”.
Thế nên tôi chọn Pháp văn: thứ ngôn ngữ mẹ tôi yêu mến, xơ dạy học cho tôi trọng thị, và bản thân tôi cũng thấy gần gũi và thân thuộc – sự gần gũi và thân thuộc chủ yếu do cảm tính. Đó là thứ ngôn ngữ của giọng hát Edith Piaf, Françoise Hardy hay Sylvie Vartan thường vang lên trong máy hát nhà tôi ngày tôi còn bé vào những sáng Chủ nhật. Đó là thứ ngôn ngữ của Tintin, của Spirou và Gaston Lagaffe trong các tạp chí truyện tranh đáng yêu và hấp dẫn của cậu tôi…
Thế nên tôi chọn Pháp văn: thứ ngôn ngữ mẹ tôi yêu mến, xơ dạy học cho tôi trọng thị, và bản thân tôi cũng thấy gần gũi và thân thuộc – sự gần gũi và thân thuộc chủ yếu do cảm tính. Đó là thứ ngôn ngữ của giọng hát Edith Piaf, Françoise Hardy hay Sylvie Vartan thường vang lên trong máy hát nhà tôi ngày tôi còn bé vào những sáng Chủ nhật. Đó là thứ ngôn ngữ của Tintin, của Spirou và Gaston Lagaffe trong các tạp chí truyện tranh đáng yêu và hấp dẫn của cậu tôi…
Tiếng Pháp đến với tôi thoạt đầu chỉ vậy. Hoàn toàn cảm tính và hoàn toàn có vẻ ngược với xu thế chung của thời đại. Tôi nói như thế vì tôi còn nhớ rõ, ngôi trường trung học Đông Giang năm tôi vào học, khối lớp 6 có hơn 10 lớp mà chỉ có 3 lớp tiếng Pháp, tôi học lớp 6/3. Tính thiểu số và tính ngược xu hướng càng hiện lên rõ hơn vào các năm học sau.
Sau biến cố 1975, khi nhập học lại vào đầu tháng 9, trường thông báo do có ít học sinh và không còn giáo viên đứng lớp nên học sinh các lớp tiếng Pháp phải chuyển trường. Đám học sinh lớp 7 (Ban D) tiếng Pháp chúng tôi phải xách cặp sang trường khác học, và việc phải chuyển trường này còn xảy ra thêm một lần nữa vào năm lớp 8. Mọi chuyện còn tệ hơn vào những năm cấp 3, lớp 10 (Ban D) tiếng Pháp tôi học chỉ còn khoảng hơn chục học sinh. Vào giờ học, bọn Pháp văn từ các lớp khác nhau phải lích kích xách cặp dồn vào một phòng để học chung vì số học sinh theo học sinh ngữ này còn lại quá ít.
Thế nhưng tôi yêu tiếng Pháp. Yêu sự rõ ràng đến phức tạp, sự trong sáng đến cầu kỳ của tiếng Pháp, yêu thứ ngôn ngữ có lối phát âm êm tai như những lời thầm thỉ của tình yêu này, dù rằng những giáo trình tôi học trước kia như Élémentaire, Cours de langue sau 1975 đã bị thay thế bằng các giáo trình tiếng Pháp “giả cầy” khô khan và mang nặng tính chính trị. Qua tiếng Pháp, nhịp cầu dẫn tôi đến với một nền văn hóa khổng lồ mang đầy tính nhân văn đã được bắc lên, và cũng qua tiếng Pháp, những chuyển động lớn của mọi trào lưu văn học nghệ thuật hiện đại của cả thế giới trong gần suốt cả thế kỷ XX đã đến được với tôi, vượt qua mọi rào cản bít bùng của các cuộc chiến nhân danh ý thức hệ đầy khắc nghiệt.
Giữa thập niên 1980, khi người ta ùn ùn kéo nhau đi học Anh văn tại các lớp đêm, tôi cũng đi học, nhưng như một con đà điểu ương bướng, tôi vẫn cứ tiếp tục ghi danh học thêm tiếng Pháp. Qua H. - một người bạn có mẹ từng đi du học ở Pháp về - tôi có nguồn sách văn chương Pháp khá dồi dào để đọc ngoài những ấn bản Livres de poche tìm được trong các hiệu sách cũ và các sạp sách vỉa hè bày trên đường Lê Lợi. Tôi bắt đầu được biết đến Apollinaire, Valéry, Éluard, Saint Éxupery, Malraux, Prévert… Với vốn tiếng Pháp 12 cùng cuốn từ điển kè kè bên cạnh, tôi vật lộn một cách khó khăn với Terre des hommes, Vol de nuit, Pilote de guerre của Saint Ex, với Les Conquérants, La Condition humaine, L’espoir… của Malraux, và đặc biệt là với thơ của Apollinaire. Thơ Apollinaire đã mở ra cho tôi một chân trời nghệ thuật mới đầy mê hoặc mà đi kèm theo nó là đời sống nghệ thuật Paris đầu thế kỷ XX sôi sục những cách tân, khai phá. Qua tiếp cận với nền nghệ thuật Pháp, đã hình thành dần trong tôi một tình yêu sâu đậm với những tâm hồn và phong cách Pháp, tình yêu với kinh-thành-ánh-sáng, với Paris-qua-khung-cửa-sổ (1) xiết bao lãng mạn với đồi Montmartre, khu Latin, với Saint-Germain-des-Prés, Montparnasse, vườn Lục Xâm Bảo, cầu Mirabeau... dù tôi chưa một lần được bước chân đến đó. Và cứ thế, tiếng Pháp đã đi cùng tôi, giúp đỡ tôi tìm kiếm một lối đi khả dĩ cho riêng mình trên hành trình sáng tạo nghệ thuật đầy khó khăn mà tôi lỡ trót đâm đầu vào.
Cách đây mấy ngày đọc thấy tin khủng bố ở Pháp. Paris cuối tuần rung chuyển bởi hàng loạt vụ đánh bom và xả súng bởi những kẻ nhân danh cho một niềm tin tôn giáo ác độc và man rợ. 129 người dân vô tội đã bị giết cùng hàng trăm người khác bị thương. Tôi bàng hoàng. Paris-qua-khung-cửa-sổ của tôi đã bị gây thương tổn. Những tâm hồn Pháp tinh tế, những Petit-Prince trong sáng mong manh đã bị nhuộm máu. Có thể nào như vậy? Có thể nào cái ác ngày nay được quyền tồn tại một cách trân tráo đến như vậy? Có thế nào ngăn chặn được những mầm cây baobab hung hiểm (2) đang âm thầm được gieo rắc khắp nơi trên trái đất này dưới lốt những mầm cỏ hiền lành?
“Khi người ta buồn bã, người ta thường thích cảnh mặt trời lặn…”, Hoàng tử bé trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Pháp Saint Exupery đã nói như vậy. Nhưng không, hôm nay, để cầu nguyện cho Paris, để tưởng nhớ tới những nạn nhân xấu số, tôi muốn được ngắm cảnh mặt trời mọc trên kinh thành được mệnh danh là kinh-đô-ánh-sáng này. Ánh sáng sẽ mãi mãi thuộc về Paris. Ánh sáng phải mãi mãi thuộc về Paris. Mãi mãi!
Tháng 11.2015
Trần Thanh Sơn
(1) Paris par la fenêtre: Tên một bức tranh nổi tiếng của Marc Chagall
(2) Trong tác phẩm Hoàng tử bé của Saint Ex có chi tiết cậu bé hoàng tử kể cho tác giả nghe về một tiểu hành tinh có những mầm baobab mọc lên dưới lốt những mầm cỏ vô hại, do không bị phát hiện sớm để tiêu diệt, những mầm baobab đã phát triển và hủy diệt tiểu hành tinh này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét