Nghe Françoise Hardy hát về lá úa, về những cuộc hẹn hò buồn bã mùa thu giữa oi nồng chiều hè Sài Gòn là một trải nghiệm dị thường. Trong cái nóng váng vất khiến tâm trí và thể xác như cũng muốn bốc hơi theo, giọng ca Françoise là một giòng suối mát, vừa thầm thĩ như tình gần vừa xa xôi như ảo ảnh, cái cõi miền mà người bộ hành trong sa mạc cứ ngỡ đã trong tầm tay nhưng mãi mãi chẳng bao giờ có thể đặt chân tới được…
Giọng của nàng là mây trôi, “comme s'en vont les nuages sur le gris bleu de la mer”, là những cánh lá mềm run trong gió, “toutes les feuilles frissonnent et s'envolent à jamais”, là một thoáng mưa, “ce n'est rien qu'un peu de pluie", cuốn ta bay theo những lời hò hẹn hư không, “par ce rendez-vous d'automne où tu n'es jamais venu”(1). Nghe nàng hát... Không còn nữa mùa hè cháy đỏ ngoài khung cửa sổ, không còn nữa mồ hôi trên lưng và hơi thở nặng nhọc buổi chiều. Tôi thấy lại mình những ngày hai mươi tuổi. Tôi thấy lại mình ngồi bên chiếc máy hát đĩa 33 tours cũ mèm nghe cô sinh viên năm nhất Đại học Sorbonne Françoise khẽ khàng tâm sự về ngôi nhà, khu phố nơi nàng đã lớn lên” (La maison où j'ai grandi), về cái chết của đóa hồng bạn nàng (Mon amie la rose), về mặt trời (Le soleil), về những vòng tròn loang trong nước (Des ronds dans l'eau), về bạn bè đồng lứa và những khao khát được yêu thương (Tous les garcons et les filles), về một cuộc hẹn hò đơn phương buồn bã (Rendez-vous d’automne) hay chỉ đơn thuần là nỗi hoài nghi có chăng tình yêu hạnh phúc? (Il n'y a pas d'amour heureux) (2)...
Thuộc thế hệ “yé-yé”, nhưng Françoise Hardy khác biệt hẳn với những ca sĩ cùng thời với mình. Bố mẹ ly thân, từ bé nàng đã phải vào học nội trú trường dòng, thiếu vắng hơi thở yêu thương của gia đình. Trong bầu không khí trống trải và buồn tẻ ấy, cô gái nhút nhát sống thiên về nội tâm, thích mộng mơ, viết nhật ký, nghe nhạc, chơi đàn... dù lãng mạn đến đâu có lẽ cũng chẳng bao giờ dám nghĩ rằng một ngày nào đó, những tình cờ ngẫu nhĩ sẽ đưa nàng trở thành một trong những ngôi sao âm nhạc Pháp nổi tiếng nhất của thập niên 1960.
Ngây thơ, bản năng, mong manh và ngẫu hứng là những cặp tính từ báo chí thường dùng để viết về nàng. Trong khi những ca sĩ cùng thời cứ mãi chạy theo những vũ điệu pop ồn ào, thời thượng, ngay từ lúc khởi đầu sự nghiệp ca hát và sáng tác, Francoise đã chọn con đường thể hiện những ca khúc tự sự giàu tính triết lý bằng chất giọng êm ái rất đặc trưng của mình. Trong những khúc ballade với nền guitar acoustic réo rắt như ôm lấy giọng hát ấy, người nghe cảm nhận ở đó một nỗi buồn dịu dàng xa xăm và luôn gợi lên những câu hỏi day dứt khôn nguôi về phận người… Năm 2011, tên tuổi Françoise Hardy được đưa vào tự điển Larousse. Đối với một nghệ sĩ còn sống, sự kiện này tương đương với giải thưởng về thành tựu sự nghiệp. So với nhiều nghệ sĩ cùng thời, có thể xem nàng là một trong số ít những người đã thực hiện được chuyến hành trình dài và xa nhất trên con đường nghệ thuật đầy chông gai…
...Giữa cơn sốt 380C bỏng rát của chiều hè Sài Gòn, tôi muốn được đằm mình thật lâu trong dòng suối mát nhuốm nỗi buồn dịu dàng xa xăm của giọng hát Françoise Hardy. Để, một lần nữa thấy mình trẻ dại, và một lần nữa, dù đã trải qua bao khổ đau cay đắng của kiếp người, dù trái tim đã cằn khô trước mọi tín điều mọi chủ nghĩa, tôi sẽ vẫn tin vào những lời nàng hát, rằng: dẫu một chân đã đứng trong mồ, dẫu không còn hiện hữu và trở thành cát bụi vĩnh viễn ngày mai (j’ai le pied dans la tombe, déjà je ne suis plus… et je serai poussière pour toujours demain), ta vẫn có thể nói: Chúng ta vẫn cần hy vọng, vì nếu không, chúng ta sẽ chẳng còn lý do gì để tồn tại nữa! Chẳng còn gì nữa! (Crois celui qui peut croire, moi j’ai besoin d’espoir sinon je ne suis rien) (3).
Trần Thanh Sơn (5.2016)
(1) Lời ca khúc Cuộc hẹn hò mùa thu (Rendez-vous d’automne)
(2) Tên một số ca khúc nổi tiếng qua giọng hát Françoise Hardy
(2) Tên một số ca khúc nổi tiếng qua giọng hát Françoise Hardy
(3) Lời ca khúc Bạn tôi đóa hồng (Mon amie la rose)
Ảnh: Françoise Hardy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét