Mọi người đều bắt
đầu chết vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời trước khi thực-sự-chết, hay
như tác giả Nam Hoa nói, trước khi thực sự “tỉnh giấc chiêm bao”. Có người bắt đầu chết
từ rất sớm, có người trễ hơn. Hình như tôi bắt đầu chết khi bước vào tuổi ba
mươi. Hình như tôi không còn sống với chính tôi nữa. Từ năm ba mươi tuổi, gần
như mỗi ngày tôi đều chứng kiến nơi mình một cái chết lớn nhỏ nào đó. Tôi chết
lần hồi, mất mát tôi, thất lạc tôi lần hồi. Có ngày tôi thấy mình để tàn phế đi
một bàn tay, có ngày tôi thấy mình mù lòa đi một con mắt, có ngày tôi làm vỡ vụn
một phần trái tim mình, làm thất lạc một tiếng nói, một hơi thở, và liên tục từng
ngày từng ngày trong suốt mấy mươi năm là những mẩu bản thể, những mẩu linh hồn
bị bôi xóa, bị đổi tên và phân hủy…
Tôi có một người bạn khá thân từ thuở vừa rời khỏi trung học, chơi với nhau nhiều chục năm nhưng một ngày kia anh đột ngột nói với tôi: “Tao chơi với mày chỉ còn do thói quen mà thôi, bởi mày chỉ còn là một chiếc bóng nhạt nhòa của chính mày ngày xưa. Ngày xưa mày ngông cuồng, cố chấp, ương bướng và ngạo mạn đến đáng ghét, nhưng mày vẫn là chính mày, hấp dẫn và nhiều cá tính. Giờ đây, mày giống hệt một bản sao, không thiên kiến, không chủ kiến, không muốn làm mất lòng ai, nhắm mắt im miệng bịt tai, mày phẳng lì đáng ngán như nước ao tù!”.
Tôi về nhìn tôi trong gương. Than ôi! Lựa chọn định mệnh cho mình là một lựa chọn khó khăn, cho dù mọi định mệnh nhân loại đều có cái kết giống nhau là cái chết. Con người bị ném vào thế giới (Heiderger) và bị buộc phải lang thang đi tìm tìm ý nghĩa của việc mình bị ném vào thế giới cũng như ý nghĩa của việc mình đang hiện diện ở đây là cái gì? Thế nhưng, càng tìm thì lại càng mù mịt! Tôi thường tưởng tượng mình trong hình ảnh chàng điệp viên của serie phim truyền hình (Mission impossible?) xem thời còn bé. Phim luôn khép lại bằng cảnh chàng điệp viên đi trong một đường hầm thăm thẳm với những cánh cửa tự động liên tiếp mở ra rồi lại đóng vào ngay khi chàng vừa đi qua. Đường hầm mù mịt đó sẽ dẫn chàng tới đâu? Chàng đi tìm cái gì? Chàng sẽ gặp phải điều gì? Phải đánh đổi, phải vượt qua cái gì? Chẳng biết! Cuộc đời có lẽ cũng vậy. Mỗi ngày qua là một đoạn đường với cánh cửa tự động được mở ra và khép lại vĩnh viễn. Cứ như vậy, tiếp diễn, bắt buộc và không có lựa chọn khác!
Chúng ta luôn luôn
bước vào một ngày mới cùng với cái chết của chúng ta ngày hôm qua, dù tự giác
hay không tự giác. Từ năm ba mươi tuổi, như đã nói ở trên, hình như tôi bắt đầu
chết. Có những sớm mai thức dậy trong thấp thoáng nỗi
bùi ngùi về những giấc mộng tuổi trẻ đã mất, tôi có cảm giác từng tế bào của
mình đang tan rã, tôi tha hóa vong thân (Hegel), tôi là kẻ khác (Rimbaud), tôi
biến thành một con bọ khổng lồ vô dụng (Kafka)… Cái con mắt thường trực nghiêm
khắc nhìn sâu vào bên trong tâm hồn tôi của tôi thời tuổi trẻ bộc trực ngông
nghênh đã dần mờ mịt rồi mù lòa hẳn. Cái tiếng nói thầm thỉ của trái tim trong
sáng, bất vụ lợi cũng dần lịm tắt và bị thay bằng một thứ tử ngữ đầy toan tính và
sặc mùi trá ngụy. Đường hầm thăm thẳm nào tôi đã đi qua vậy? Hành trình khốn khổ nào đã biến tôi ra nông nỗi này? Đó là cái giá tôi phải trả cho sự thỏa hiệp
của mình?
Một đêm
khó ngủ, lần mở tệp bản thảo tổng phổ một cầm khúc mà mình đã bỏ dở từ nhiều
năm nay, tôi mở nắp đàn rồi ngồi bất lực trước dãy phím đen trắng chạy dài như
một hàng rào chắn ngang trước mặt. Trong trí tưởng tôi, cái hàng rào ấy cứ như
thể mỗi lúc một rộng dài ra mãi. Câm nín, vô thanh, nó như muốn cười nhạo những
niềm đam mê đã khô kiệt trong tôi, cười nhạo cái cõi linh hồn đã dần hóa đá đến
quá nửa của tôi, ngăn không cho tôi tìm thấy lại những khát vọng sôi nổi một thời
của tôi, ngăn không cho tôi quay trở lại, không cho tôi tìm thấy lại tôi ngày
xưa - trước khi tôi bắt-đầu-chết vào lúc vừa bước vào ngưỡng cửa tuổi ba mươi!
Nhưng liệu có ai
trong chúng ta dám mạnh mẽ khẳng định sẵn sàng “Lại bắt đầu thêm lần nữa cả cuộc
đời/ Dấn bước đi con đường cũ từ đầu/ Để những lời nói ra và tiếng lòng đau đớn/
Không hề bị tẩy xóa một câu”?(1). Trong một thế giới lúc nào như cũng đầy những
quỷ dữ vô hình, rình rập xâu xé con người, lựa chọn giữa chống lại, bị thiêu
cháy với sự thỏa hiệp và chấp nhận “mặc áo giấy” là một lựa chọn bi thảm. Không
thể có một chọn lựa trung dung cho những kẻ từ chối tham dự và tìm nơi trú ẩn,
vì nơi trú ẩn cho những kẻ chạy trốn cũng chỉ là những ảo tưởng này nọ trong trùng
trùng ảo tưởng. Trước cái “khuôn đúc khủng khiếp” (moule terrible) của cuộc đời,
Saint Exupery đã từng phải cảnh báo: Điều xui tôi bứt rứt không phải là chuyện
đói rách lồi lõm, không phải là cảnh xấu xa tồi tàn, điều xui tôi bứt rứt là
trong mỗi con người kia, có một Mozart bị giết hại!”(2). Hãy lắng nghe nỗi khắc
khoải của mình trước khi khả năng nghe của mình chết hẳn. Hãy đập gấp lên với
trái tim mẫn cảm của mình trước khi nó hoàn toàn hóa đá. Thương thay cho những
ai cảm thấy yên ổn chỉ vì tưởng mình bất tử! Nỗi chết luôn bắt đầu quanh ta…
Trần Thanh Sơn (8.2016)
(1) Thơ Olga Berggholz
(2)
Saint Exupery – Terre des Hommes (Cõi người ta, bản dịch Bùi Giáng)
Ảnh: From Three Studies of Lucian Freud (Francis Bacon)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét