Chẳng còn gì để
mà chờ đợi, đôi khi tôi nhủ với lòng mình như vậy. Ngoài kia, mùa thu đang cần
mẫn vặt lá những hàng cây. Mưa suốt nhiều buổi sáng nhiều buổi chiều liên tục rồi
trời hửng lên tí chút. Có sương mù. Báo chí đua nhau gào lên thành phố đang bị
ô nhiễm nghiêm trọng, lớp khói xám xịt và nhầy nhụa bẩn bao phủ khắp nơi từ
sáng đến chiều ấy có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Đi trong sương độc,
bất giác nhớ thoáng sương mù phố núi bên tách cà phê sớm cùng người bạn sau
đêm rượu mù mịt thuở nào…
Chẳng còn gì để
mà chờ đợi có đồng nghĩa với chẳng còn hy vọng gì nữa không? Người ta bảo khi
đánh mất niềm tin vào mọi sự, ta sẽ không còn thấy phải chờ đợi bất cứ điều
gì từ bất cứ sự gì nữa, những sự mà vốn từ đó niềm hy vọng của ta sẽ được hiện
thực hóa. Không mong chờ thì sẽ không phải thất vọng, vậy thôi! Không mong chờ
sự nhân ái độ lượng thì sẽ không phải thất vọng trước những vị kỷ, ti tiện và
hẹp hòi; không mong chờ một xã hội sẽ ngày càng tốt đẹp hơn, an lành hơn thì sẽ
không phải thất vọng trước những xấu xa, tha hóa và nát tan đang ngày càng
biểu lộ nhiều hơn ở mọi góc cạnh. Cái thiên đường mộng tưởng đẹp đẽ nhất và có
lẽ cũng nhuốm vị chua chát nhất là đợi chờ và đặt niềm tin vào một thứ thế
giới của-ngày-mai!
Vở kịch nổi tiếng
“En attendant Godot” của Samuel Beckett miêu tả hai người đàn ông (Vladimir và
Estragon) dành cả đời để chờ đợi một nhân vật không quen biết tên là Godot
(1). Toàn bộ vở kịch là sự chờ đợi. Người xem có thể bật cười vì những
câu thoại, những tình tiết nhuốm màu
hài hước rải rác đây đó, nhưng bao trùm lên tất cả vẫn là không khí chờ đợi đầy khắc khoải của vở kịch.
Kết thúc, Godot không đến. Chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Godot là ai,
cớ chi Godot không đến, và mắc mớ chi phải đợi Godot, chẳng ai biết và
cũng chẳng cần biết. Đời thực cũng vậy, hệt một sự thụ độc tình
nguyện, người ta dựng lên những ảo tưởng để rồi lại bị mê hoặc, bị
giằng trói bởi chính những ảo tưởng ấy. Ta lừa mị ta, tự đẩy ta
vào mọi trạng huống nực cười, tiến thoái lưỡng nan dường như chỉ để
quên đi một điều, tất cả chúng ta sẽ đều phải… ngỏm!
Nhưng, không chờ
đợi nữa, không tin vào thế giới của-ngày-mai nữa, con người tất phải lựa chọn một
trong hai con đường: sống vị kỷ trơ tráo bất chấp như rất nhiều con người trong
xã hội hôm nay hoặc can đảm nhảy xuống khỏi đoàn tàu lầm lũi tự tìm kiếm cho
mình một giá đỡ đạo đức mới - thứ đạo đức không có mặt ông Trời và cũng chưa bị
bôi bẩn bởi những chủ thuyết mị dân láo toét. Bức tranh tượng trưng có tên “Hy
vọng” rất phổ biến của George Watts (2) hình như miêu tả con người dám “nhảy xuống
khỏi đoàn tàu” đó. Người phụ nữ (tượng trưng cho hy vọng) với đôi mắt băng kín
đơn độc ngồi trên quả địa cầu u tối, cô ghì ôm trong tay cây đàn lire hỏng chỉ
còn một dây và chỉ lắng nghe những thanh âm do chính mình đang tạo ra. Không chờ đợi
điều gì, chẳng trông đợi vào ai, mù lòa, lẻ loi và đơn độc, đó là chân dung niềm
hy vọng của chúng ta ư?
Ngoài kia, mùa
thu vẫn đang không ngừng vặt lá những hàng cây, vẫn làn sương độc cùng bụi mịn
như dâng lên từ địa ngục, sáng trưa chiều. Nói kiểu sao nhỉ? Dù Godot sẽ không
bao giờ đến, nhưng Vladimir và Estragon vẫn phải chờ đợi! Còn tôi thì sao, tiếp
tục chờ đợi chăng, dù chẳng còn cái quái gì để mà chờ đợi?
Trần Thanh Sơn (10.2019)
(1) “Trong khi chờ Godot” của Samuel Beckett (1906-1989), Nobel Văn chương 1969. Một số luận
giải cho rằng tên gọi Godot trong vở kịch là cách gọi trại đi của từ God, là
ông Trời, là Thượng đế
(2) George
Frederic Watts (1817-1904): Họa sĩ, điêu khắc gia nổi tiếng người Anh
Ảnh
trên:
From “Black Rain” (Tom Birkner)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét