Tôi chưa bao giờ
là một fan của ban nhạc Beatles. Dù từng biết và thuộc rất nhiều bản hit của họ,
nhưng hình như tôi chưa bao giờ có ý định nghe và tìm hiểu về nhóm rock “nổi tiếng
hơn cả Chúa Jesus” này một cách nghiêm chỉnh, toàn thể, như thường làm vậy với
những nhà soạn nhạc mà mình yêu thích. Có nhiều lý do khiến tôi đã không trở
thành một Beatlemania (1). Trước tiên, có lẽ là do “thể trạng”. Ngay từ khi mới bắt
đầu bị âm nhạc quyến rũ, xu hướng nghe của tôi có vẻ đã lập tức thiên về phía nhạc
cổ điển, cho dù, như tất cả những tay amateur khác, tôi cũng chơi và nghe pop,
rock, jazz bừa phứa, chẳng nệ đó là loại nhạc gì. Beatles, vì vậy, lưu lại
trong lòng tôi cũng chẳng sâu đậm gì hơn so với những ban nhạc rock’n’ roll
danh tiếng khác mà tôi từng được nghe thời tuổi trẻ, chúng trôi ngang qua, và chỉ vậy. Lý do nữa,
thứ yếu hơn, có lẽ do là thế hệ sinh sau, khi tôi lớn thì nhóm Beatles đã rã
đám, thời đại hoàng kim của họ cũng đã đi qua, chưa kể ngay sau đó, 1975 - âm
nhạc Beatles tại Việt Nam bị liệt chung vào thứ âm nhạc được gọi là “giật gân,
đồi trụy”, hoàn toàn bị cấm phổ biến.
Nhưng nói như ở trên, không có nghĩa là tôi không có một kỷ niệm sâu sắc nào với những bài hát của Beatles. Ký ức gần giống với một nhà kho cất giữ hằm bà lằn những thứ bỏ thì thương vương thì tội của đời sống quá khứ, nơi những kỷ niệm dù tuyệt đẹp hay xấu xí đều trở thành đồ tập tàng chồng chất lên nhau cùng bụi bặm hệt số phận của những vật dụng ta thường gặp trong những kho chứa đồ cũ gia đình, chỉ khi vì một nguyên do tình cờ nào đó, ta vô tình chạm vào nó, xới nó lên, đám bụi mù hòm xiểng ấy mới bất ngờ phơi lộ lại cho ta một mảnh cuộc đời ở tận đâu đâu mà ta tưởng đã lãng quên, đã vĩnh viễn bị thất lạc. Tôi còn giữ được một cuốn sổ dày ghép từ giấy vở học trò, bản chép tay gần như toàn bộ các ca khúc của Phạm Duy cả nhạc lẫn lời. Đó là kết quả của bốn năm hôm liền, bữa nào cũng phải thức đến tận nửa đêm ngồi cắm cúi chép lại những tập nhạc được in trước 1975 mà thằng bạn cùng lớp năm 12 tuyên bố một cách đanh thép chỉ cho tôi mượn đúng một tuần lễ! Thế nhưng thật lạ, cuốn sổ chép tay bằng thứ mực tím lem nhem ấy lại chẳng gợi cho tôi một kỷ niệm rõ ràng nào về cái thằng đã từng cho tôi mượn nhạc (thậm chí tôi còn quên luôn cả tên, cả gương mặt) mà chỉ khiến tôi nhớ đến P. - một tay trong đám bạn bè “dắt dây” của thời mụ mị lãng quên này. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được diện kiến với niềm si mê lớn đến cỡ vậy dành cho một ban nhạc khi được trố mắt nhìn cuốn sổ to dày cộp đóng bằng giấy croquis của tay này, thật khủng khiếp, được kẻ bằng mực Pelikan đẹp như in, chép lại toàn bộ cuốn “152 ca khúc để đời của Tứ quái Beatles” với phần lời bằng tiếng Anh bao gồm cả những hình vẽ nhỏ lít nhít chỉ dẫn thế bấm hợp âm guitar đi kèm trên các khuôn nhạc! Tập thủ bản này nếu còn lưu giữ được, tôi nghĩ nó sẽ là một vật phẩm trưng bày đáng tự hào cho bất cứ nhà lưu niệm nào về ban nhạc The Beatles.
Cũng sẽ rất khó tin nếu tôi thú nhận, cũng là một người yêu thích guitar, nhưng rời khỏi trung học nhiều năm về sau tôi mới biết rằng có một thứ gọi là Beatlemania cùng những cơn bão mà bốn chàng trai nước Anh từng quét qua địa cầu. Beatles là hợp âm đầu tiên vang trên môi mọi tay chơi guitar mà tôi có cơ hội tiếp xúc. Beatles là tiếng vang tuyệt diệu trong ký ức của rất nhiều nhạc sĩ thuộc thế hệ trưởng thượng ở Sài Gòn. Beatles là âm nhạc, là nhịp điệu, tuổi thanh xuân, là “yeah yeah yeah” và là tất cả… Hồi ức về tập nhạc Beatles chép tay tuyệt đẹp này cũng bất giác đưa tôi về với những đêm tối mịt mùng những năm đầu thập niên 1980, những đêm tôi đạp xe lên chơi với Tín, người bạn cùng trường, quen nhau vì có cùng niềm yêu thích dành cho guitar cổ điển. Tín cũng là một tín đồ nhiệt thành của Beatles. Tôi nhớ những đêm triền miên cúp điện ngày ấy, bên thềm nhà Tín, chúng tôi thường bắt ghế ngồi trò chuyện và song tấu guitar cùng nhau. Khi đã chơi đến chán nhạc cổ điển, thể nào Tín cũng đề nghị chuyển sang Beatles. Michelle, Let It Be, Yellow Submarine, rồi thì Here, There and Everywhere, Lucy in the Sky with Diamonds hoặc Yesterday, hết bài này đến bài khác. Trong bóng tối như hũ nút vây quanh, trong nỗi sầu u của chúng tôi trước cuộc đời bế tắt và vô phương hướng, tiếng guitar bập bùng với những câu hát kiểu “Picture yourself in a boat on a river, with tangerine trees and marmalade skies” hay “We all live in a yellow submarine, yellow submarine, yellow submarine... As we live a life of ease…”(2) vang lên nghe mới lạc lõng và kỳ dị làm sao! Đôi khi chúng tôi kéo nhau ra quán cà phê cóc gần đó, có cả Thành, anh của Tín - một kiến trúc sư (sau này tôi chơi thân với anh nhiều hơn với Tín, nhưng đó đã là chuyện khác) ngồi tào lao đến tận nửa khuya. Đôi khi tôi ngủ lại nhà Tín, trong căn phòng bừa bộn toàn sách là sách chất đầy đến tận nóc. Tôi được đọc Kim Định, Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, đọc Kant, Sartre, Schopenhauer, Heiderger, Marcel, Jaspers… loạn xị đến “tẩu hỏa nhập ma” cũng ở đống sách này. Và cũng nhà Tín, tôi được nhìn thấy, không phải bản chép tay, cuốn “152 ca khúc để đời của Tứ quái Beatles” bằng xương bằng thịt của NXB Sống!
(Cách đây dăm bảy năm, người bạn họa sĩ phố núi VĐĐ một lần ghé nhà chơi cũng mang tặng tôi một bản in gần như còn mới tinh của cuốn sách này. Than ôi, gươm báu xem ra đã trao không đúng tay cho kẻ anh hùng! Bạn ta muốn nhắn nhủ gì chăng?).
Rồi đến thời mở cửa. Giữa dòng lũ ào ạt của âm nhạc pop, rock đủ loại tràn vào, những năm 90, phong trào nghe và hát lại Beatles có rộ lên một thời gian ở Hà Nội rồi Sài Gòn, tôi nhớ loáng thoáng như vậy. Báo chí đăng tin sinh viên học sinh lũ lượt kéo nhau đến sân trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM để nghe và hát theo những bài ca của ban nhạc huyền thoại một thời này. Không rõ những Beatlemania ngày nào nay đã tóc bạc có đến hòa ca cùng những Beatlemania tóc xanh vừa mới hay chăng? Nhìn bức chụp đi kèm với bản tin, những gương mặt trẻ lung linh trong niềm cảm xúc chung dành cho âm nhạc của Beatles, có một thoáng tôi đã tiếc rằng phải chi mình cũng là một Beatlemania để có thể lao mình vào đám đông tươi vui và cuồng nhiệt đó, nghe, hát và nhảy múa theo những niềm hy vọng mà bốn chàng trai xứ sương mù ngày nào từng nhen nhóm và thắp sáng.
Mới đây, tình cờ xem được một cuốn phim giả tưởng khá lạ về ban nhạc Beatles (tôi không nhớ rõ trên kênh Star Movies hay HBO): phim Yesterday. Lấy bối cảnh thời điểm hiện tại, nhân vật chính trong phim là một chàng nhạc sĩ người Mỹ gốc Pakistan tên Jack Malik. Bị tai nạn giao thông trong một sự cố gây cúp điện toàn cầu, Jack ngất đi. Tỉnh lại, ở buổi liên hoan cùng bạn bè mừng anh vừa được xuất viện trở về, khi ôm đàn hát bài Yesterday, anh vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện rằng chẳng có ai trong đám bạn bè biết và nhớ đến ban nhạc lừng danh The Beatles. Về nhà, kiểm tra thử trên mạng internet, anh sững sờ khi nhận ra tất cả mọi thông tin liên quan đến ban nhạc cũng như các bài hát của The Beatles đều đã biến mất! Đây là thế giới mà ban nhạc Beatles chưa từng xuất hiện cũng chưa từng hiện hữu! Dù bối rối trước tình huống mình trở thành người duy nhất còn nhớ được âm nhạc Beatles, chàng nhạc sĩ đã láu cá nhận vơ đó là sáng tạo âm nhạc của mình và đem phổ biến cho toàn thế giới. Jack mau chóng trở thành một hiện tượng âm nhạc và bước lên đỉnh cao của danh vọng. Mọi người đều xem Jack là một nhạc sĩ vĩ đại với khả năng sáng tác thiên tài liên tục cho ra đời những bài hát tuyệt diệu. Đâu biết cái oái oăm của một kẻ luôn phải che giấu sự dối trá của mình, đồng thời tiến thoái lưỡng nan giữa danh tiếng và sự hoài nghi, kể cả sự đánh giá bằng thang đo dựa trên hệ quy chiếu của một thời đại chưa từng biết gì về The Beatles. Xuyên suốt cuốn phim, thông qua trí nhớ Jack Malik là những đoạn cover hoàn hảo hầu như tất cả những bài hát nổi tiếng nhất của The Beatles. Kết cục phim... Còn kết cục của phim? Có lẽ nên để dành cho những bạn chưa xem bộ phim này!
Theo cái mệnh đề ẩn phía sau cuốn phim vừa kể ở trên, phải chăng tất cả những gì tươi đẹp và rực rỡ nhất của nền văn minh nhân loại, nếu thuộc về vật chất, đều có thể đứng trước nguy cơ tiêu vong và biến mất mà chẳng vì nguyên cớ gì, cái còn lại cuối cùng là cái phải nằm trong thẳm sâu tâm hồn và ký ức của con người? Khi gõ phím viết những dòng chữ này, tôi cứ tự hỏi mình: nhưng trí nhớ vốn mong manh và lầm lạc, có đáng tin không ký ức của cá nhân về những ngày hôm qua của chúng ta? Và nữa, cho dẫu đó là ký ức của tập thể, lấy gì để đoan chắc rằng, cái được lưu giữ đó chưa bị sự dối trá và lừa mị chen vào? Than ôi, còn bài hát của Beatles nữa, “Now I need a place to hide away. Oh, I believe in yesterday…”(3), lẽ nào quá khứ chỉ đơn thuần là một chỗ để trốn chạy?
Nhưng nói như ở trên, không có nghĩa là tôi không có một kỷ niệm sâu sắc nào với những bài hát của Beatles. Ký ức gần giống với một nhà kho cất giữ hằm bà lằn những thứ bỏ thì thương vương thì tội của đời sống quá khứ, nơi những kỷ niệm dù tuyệt đẹp hay xấu xí đều trở thành đồ tập tàng chồng chất lên nhau cùng bụi bặm hệt số phận của những vật dụng ta thường gặp trong những kho chứa đồ cũ gia đình, chỉ khi vì một nguyên do tình cờ nào đó, ta vô tình chạm vào nó, xới nó lên, đám bụi mù hòm xiểng ấy mới bất ngờ phơi lộ lại cho ta một mảnh cuộc đời ở tận đâu đâu mà ta tưởng đã lãng quên, đã vĩnh viễn bị thất lạc. Tôi còn giữ được một cuốn sổ dày ghép từ giấy vở học trò, bản chép tay gần như toàn bộ các ca khúc của Phạm Duy cả nhạc lẫn lời. Đó là kết quả của bốn năm hôm liền, bữa nào cũng phải thức đến tận nửa đêm ngồi cắm cúi chép lại những tập nhạc được in trước 1975 mà thằng bạn cùng lớp năm 12 tuyên bố một cách đanh thép chỉ cho tôi mượn đúng một tuần lễ! Thế nhưng thật lạ, cuốn sổ chép tay bằng thứ mực tím lem nhem ấy lại chẳng gợi cho tôi một kỷ niệm rõ ràng nào về cái thằng đã từng cho tôi mượn nhạc (thậm chí tôi còn quên luôn cả tên, cả gương mặt) mà chỉ khiến tôi nhớ đến P. - một tay trong đám bạn bè “dắt dây” của thời mụ mị lãng quên này. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được diện kiến với niềm si mê lớn đến cỡ vậy dành cho một ban nhạc khi được trố mắt nhìn cuốn sổ to dày cộp đóng bằng giấy croquis của tay này, thật khủng khiếp, được kẻ bằng mực Pelikan đẹp như in, chép lại toàn bộ cuốn “152 ca khúc để đời của Tứ quái Beatles” với phần lời bằng tiếng Anh bao gồm cả những hình vẽ nhỏ lít nhít chỉ dẫn thế bấm hợp âm guitar đi kèm trên các khuôn nhạc! Tập thủ bản này nếu còn lưu giữ được, tôi nghĩ nó sẽ là một vật phẩm trưng bày đáng tự hào cho bất cứ nhà lưu niệm nào về ban nhạc The Beatles.
Cũng sẽ rất khó tin nếu tôi thú nhận, cũng là một người yêu thích guitar, nhưng rời khỏi trung học nhiều năm về sau tôi mới biết rằng có một thứ gọi là Beatlemania cùng những cơn bão mà bốn chàng trai nước Anh từng quét qua địa cầu. Beatles là hợp âm đầu tiên vang trên môi mọi tay chơi guitar mà tôi có cơ hội tiếp xúc. Beatles là tiếng vang tuyệt diệu trong ký ức của rất nhiều nhạc sĩ thuộc thế hệ trưởng thượng ở Sài Gòn. Beatles là âm nhạc, là nhịp điệu, tuổi thanh xuân, là “yeah yeah yeah” và là tất cả… Hồi ức về tập nhạc Beatles chép tay tuyệt đẹp này cũng bất giác đưa tôi về với những đêm tối mịt mùng những năm đầu thập niên 1980, những đêm tôi đạp xe lên chơi với Tín, người bạn cùng trường, quen nhau vì có cùng niềm yêu thích dành cho guitar cổ điển. Tín cũng là một tín đồ nhiệt thành của Beatles. Tôi nhớ những đêm triền miên cúp điện ngày ấy, bên thềm nhà Tín, chúng tôi thường bắt ghế ngồi trò chuyện và song tấu guitar cùng nhau. Khi đã chơi đến chán nhạc cổ điển, thể nào Tín cũng đề nghị chuyển sang Beatles. Michelle, Let It Be, Yellow Submarine, rồi thì Here, There and Everywhere, Lucy in the Sky with Diamonds hoặc Yesterday, hết bài này đến bài khác. Trong bóng tối như hũ nút vây quanh, trong nỗi sầu u của chúng tôi trước cuộc đời bế tắt và vô phương hướng, tiếng guitar bập bùng với những câu hát kiểu “Picture yourself in a boat on a river, with tangerine trees and marmalade skies” hay “We all live in a yellow submarine, yellow submarine, yellow submarine... As we live a life of ease…”(2) vang lên nghe mới lạc lõng và kỳ dị làm sao! Đôi khi chúng tôi kéo nhau ra quán cà phê cóc gần đó, có cả Thành, anh của Tín - một kiến trúc sư (sau này tôi chơi thân với anh nhiều hơn với Tín, nhưng đó đã là chuyện khác) ngồi tào lao đến tận nửa khuya. Đôi khi tôi ngủ lại nhà Tín, trong căn phòng bừa bộn toàn sách là sách chất đầy đến tận nóc. Tôi được đọc Kim Định, Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, đọc Kant, Sartre, Schopenhauer, Heiderger, Marcel, Jaspers… loạn xị đến “tẩu hỏa nhập ma” cũng ở đống sách này. Và cũng nhà Tín, tôi được nhìn thấy, không phải bản chép tay, cuốn “152 ca khúc để đời của Tứ quái Beatles” bằng xương bằng thịt của NXB Sống!
(Cách đây dăm bảy năm, người bạn họa sĩ phố núi VĐĐ một lần ghé nhà chơi cũng mang tặng tôi một bản in gần như còn mới tinh của cuốn sách này. Than ôi, gươm báu xem ra đã trao không đúng tay cho kẻ anh hùng! Bạn ta muốn nhắn nhủ gì chăng?).
Rồi đến thời mở cửa. Giữa dòng lũ ào ạt của âm nhạc pop, rock đủ loại tràn vào, những năm 90, phong trào nghe và hát lại Beatles có rộ lên một thời gian ở Hà Nội rồi Sài Gòn, tôi nhớ loáng thoáng như vậy. Báo chí đăng tin sinh viên học sinh lũ lượt kéo nhau đến sân trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM để nghe và hát theo những bài ca của ban nhạc huyền thoại một thời này. Không rõ những Beatlemania ngày nào nay đã tóc bạc có đến hòa ca cùng những Beatlemania tóc xanh vừa mới hay chăng? Nhìn bức chụp đi kèm với bản tin, những gương mặt trẻ lung linh trong niềm cảm xúc chung dành cho âm nhạc của Beatles, có một thoáng tôi đã tiếc rằng phải chi mình cũng là một Beatlemania để có thể lao mình vào đám đông tươi vui và cuồng nhiệt đó, nghe, hát và nhảy múa theo những niềm hy vọng mà bốn chàng trai xứ sương mù ngày nào từng nhen nhóm và thắp sáng.
Mới đây, tình cờ xem được một cuốn phim giả tưởng khá lạ về ban nhạc Beatles (tôi không nhớ rõ trên kênh Star Movies hay HBO): phim Yesterday. Lấy bối cảnh thời điểm hiện tại, nhân vật chính trong phim là một chàng nhạc sĩ người Mỹ gốc Pakistan tên Jack Malik. Bị tai nạn giao thông trong một sự cố gây cúp điện toàn cầu, Jack ngất đi. Tỉnh lại, ở buổi liên hoan cùng bạn bè mừng anh vừa được xuất viện trở về, khi ôm đàn hát bài Yesterday, anh vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện rằng chẳng có ai trong đám bạn bè biết và nhớ đến ban nhạc lừng danh The Beatles. Về nhà, kiểm tra thử trên mạng internet, anh sững sờ khi nhận ra tất cả mọi thông tin liên quan đến ban nhạc cũng như các bài hát của The Beatles đều đã biến mất! Đây là thế giới mà ban nhạc Beatles chưa từng xuất hiện cũng chưa từng hiện hữu! Dù bối rối trước tình huống mình trở thành người duy nhất còn nhớ được âm nhạc Beatles, chàng nhạc sĩ đã láu cá nhận vơ đó là sáng tạo âm nhạc của mình và đem phổ biến cho toàn thế giới. Jack mau chóng trở thành một hiện tượng âm nhạc và bước lên đỉnh cao của danh vọng. Mọi người đều xem Jack là một nhạc sĩ vĩ đại với khả năng sáng tác thiên tài liên tục cho ra đời những bài hát tuyệt diệu. Đâu biết cái oái oăm của một kẻ luôn phải che giấu sự dối trá của mình, đồng thời tiến thoái lưỡng nan giữa danh tiếng và sự hoài nghi, kể cả sự đánh giá bằng thang đo dựa trên hệ quy chiếu của một thời đại chưa từng biết gì về The Beatles. Xuyên suốt cuốn phim, thông qua trí nhớ Jack Malik là những đoạn cover hoàn hảo hầu như tất cả những bài hát nổi tiếng nhất của The Beatles. Kết cục phim... Còn kết cục của phim? Có lẽ nên để dành cho những bạn chưa xem bộ phim này!
Theo cái mệnh đề ẩn phía sau cuốn phim vừa kể ở trên, phải chăng tất cả những gì tươi đẹp và rực rỡ nhất của nền văn minh nhân loại, nếu thuộc về vật chất, đều có thể đứng trước nguy cơ tiêu vong và biến mất mà chẳng vì nguyên cớ gì, cái còn lại cuối cùng là cái phải nằm trong thẳm sâu tâm hồn và ký ức của con người? Khi gõ phím viết những dòng chữ này, tôi cứ tự hỏi mình: nhưng trí nhớ vốn mong manh và lầm lạc, có đáng tin không ký ức của cá nhân về những ngày hôm qua của chúng ta? Và nữa, cho dẫu đó là ký ức của tập thể, lấy gì để đoan chắc rằng, cái được lưu giữ đó chưa bị sự dối trá và lừa mị chen vào? Than ôi, còn bài hát của Beatles nữa, “Now I need a place to hide away. Oh, I believe in yesterday…”(3), lẽ nào quá khứ chỉ đơn thuần là một chỗ để trốn chạy?
Trần Thanh
Sơn (10.2020)
(2) Lời ca khúc Lucy in the Sky with Diamonds và Yellow Submarine của Beatles.
(3) Lời ca khúc Yesterday của Beatles.
Ảnh trên: From a cover art graphic poster
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét