Thứ Tư, 23 tháng 3, 2022

Thử một lần để nàng dắt tay bạn đi

 
Đẹp, nhưng điềm đạm, chân phương, đầy đỉnh đạc, âm nhạc cũng như giọng hát của cô ca sĩ sinh năm 1980 này đã gây kinh ngạc cho người nghe khắp Châu Âu ngay khi phát hành album đầu tiên vào năm 2010, tiếp tục khuynh đảo trái tim giới mộ điệu trong suốt một thập niên sau đó bằng 3 album đều đặn ra đời nối tiếp nhau (album gần đây nhất, tháng 2.2020), và cho đến nay vẫn là một trong những nghệ sĩ mà sáng tác mới được người yêu nhạc bốn phương mong ngóng trông chờ nhiều nhất, trong đó có tôi!
 
Sinh ở Copenhagen, Đan Mạch, lập nghiệp ở Berlin, ba mươi tuổi Agnes Obel mới cho ra đời đĩa nhạc đầu tay: Philharmonics, nhưng lập tức thành công vang dội. Kể từ đó, Obel mau chóng trở thành một biểu tượng có tầm ảnh hưởng lớn của âm nhạc đương đại, các đĩa nhạc của cô liên tục đứng đầu các bảng xếp hạng, giành được nhiều giải thưởng, danh hiệu danh giá cùng sự khen ngợi từ giới phê bình trên khắp Châu Âu, Anh, Canada và kể cả Hoa Kỳ. Là ca sĩ sở hữu một giọng hát độc đáo trời cho, Obel còn là nhà soạn nhạc tài năng, tự viết lời cho ca khúc của mình, là nghệ sĩ dương cầm có thể chơi nhiều loại nhạc cụ, đồng thời cũng là nhà sản xuất, tự thu âm các tác phẩm âm nhạc của chính mình tại phòng thu riêng của mình. Có lẽ vì thế, các sản phẩm âm nhạc của Obel thuần nhất và mang đậm dấu ấn cá nhân. Hầu như mọi bài hát trong các album của cô đều đạt đến một sự hoàn hảo kỳ lạ, mới mẽ trong từng nhịp phách, tinh tế trong từng hợp âm, tao nhã trong từng đường nét giai điệu và hấp dẫn đầy dụ hoặc đến độ có nhà phê bình còn gán cho cô danh xưng “kiến trúc sư của thứ âm nhạc thuộc về thế giới khác” (1), cái thế giới âm nhạc không còn ranh giới, là tổng hòa của pop thính phòng, của jazz, của nhạc điện tử đã tiệm cận sát sạt với cổ điển và (theo tôi) bắt đầu thoát thai thành một thứ tạo vật mới, một tạo vật mỹ lệ của nền âm nhạc hiện đại thế kỷ 21.
 
Không xuất thân từ trường lớp âm nhạc kinh viện, trừ ảnh hưởng từ gia đình với người cha là một tay chơi nhạc jazz nghiệp dư có sở thích sưu tầm nhạc cụ và mẹ là một nghệ sĩ dương cầm: Agnes Obel được học piano và tiếp cận với nhạc cổ điển từ bé, nhưng chỉ có vậy, cô chơi lung tung đủ mọi loại nhạc theo sở thích riêng đầy tính cá nhân của mình, từ Bartok đến jazz, từ Debussy đến Beatles! Hơn 10 tuổi cô tham gia một ban nhạc nhỏ với tư cách người hát, rồi người chơi guitar bass, 14 tuổi tham gia đóng phim. 17 tuổi, theo chương trình đào tạo được chính phủ Đan Mạch tài trợ miễn phí cho tất cả học sinh sau khi xong trung học, Obel chọn học sản xuất âm nhạc, kỹ thuật phòng thu. Bước đường đưa Obel trở thành một hiện tượng của làng nhạc đương đại bắt đầu từ những quanh co chẳng mấy đặc biệt như vậy! Thế nhưng âm nhạc của Obel thì lại đặc biệt, hết sức đặc biệt!
 
Trong một chia sẻ với báo giới, Obel cho biết trước khi cùng chồng chuyển đến Berlin vào năm 2006 cô đã viết nhạc và có ý tưởng sẽ thực hiện một album cho mình, nên khi thiết lập được một studio nhỏ tại nhà riêng ở Berlin, Obel bắt đầu chuyên tâm vào sáng tác và tiến hành ghi âm thử nghiệm các bài hát của mình. Những tiến bộ của công nghệ làm nhạc điện tử có thể giúp người nhạc sĩ chỉ ngồi một chỗ và tạo ra mọi thứ, họ có thể kiểm soát mọi khía cạnh của quá trình sáng tạo, vừa là người trực tiếp hòa âm phối khí, vừa là ban nhạc thực hiện, lại vừa là kỹ sư âm thanh điều khiển công nghệ phòng thu… những công việc mà nếu với công nghệ cũ, họ phải phụ thuộc hoàn toàn hoặc bị chi phối không ít bởi những người khác - những thứ là nguồn gốc có thể gây ra sự sai biệt, bóp méo hoặc phá vỡ hoàn toàn ý tưởng ban đầu của người nhạc sĩ. Kinh nghiệm khi thực hiện album đầu tay “Philharmonics” của Obel đã cho thấy rõ điều đó. Do chưa tự tin lắm vào khả năng giám sát toàn bộ quá trình thu và phối âm, để bảo đảm an toàn, bản ghi “Philharmonics” ban đầu của Obel đã được cô gửi tới một số bạn bè cũ là nhà sản xuất để nhờ “gia cố” và mixed sao cho có vẻ chuyên nghiệp hơn. Sản phẩm nhận lại làm Obel hoàn toàn thất vọng. Những ý tưởng mới, những bè vocal tâm đắc nhất của cô đều bị loại bỏ, bản mixed bị nén chặt, bao trùm lên đó là tiếng electric guitar chát chúa! Sự việc khiến Obel đành phải hủy bỏ bản mixed đã thuê làm và quyết tâm tự thực hiện tất cả cho mình (2). Linh cảm và bản lĩnh sáng tạo đã giúp cô lựa chọn đúng và giúp người nghe có được một “Philharmonics” tuyệt đẹp đúng như ý tưởng khởi nguồn; đĩa hát đã dành được vị trí số một ở Đan Mạch và Bỉ, lọt vào top 10 ở Pháp và Hà Lan, và theo một thống kê, chỉ tính đến năm 2013 đã bán được hơn 450.000 bản ở Châu Âu. Tuần tự sau “Philharmonics” (2010) là “Aventine” (2013), Citizen of Glass (2016) và “Miopia” (2020), mỗi album mới của Obel khi xuất hiện đều nhận được sự khen ngợi và hưởng ứng rất lớn từ người nghe và các nhà phê bình âm nhạc uy tín của tất cả các tờ báo lớn trên thế giới; người ta cũng bắt đầu dùng đến cụm từ “Phong cách Obel” (Obel-esque) khi nhắc đến âm nhạc của cô.
 
Tôi không nhớ mình biết và bắt đầu nghe Obel từ lúc nào, nhưng có lẽ khoảng 2014 - 2015, do tình cờ, khởi từ album “Aventine”. Thoạt đầu, tôi chỉ định lướt qua nghe thử một đôi bài, nhưng rồi đã không thể ngừng lại được nữa! Những khúc hát nhuốm vẻ sầu muộn của Obel đã giữ tôi ở lại, bấu lấy tay và dắt tôi lang thang đến những chốn xa lạ của giấc mơ cứ chực chờ biến thành mộng dữ, cúi nhìn xuống những hố sâu thăm thẳm nơi nỗi buồn đã gieo mình và trầm tích thành kỷ niệm; đấy cũng là những chuyến trở về với một nơi yên tĩnh và khuất nẻo của tâm hồn, ngồi đối diện với một cơn mất ngủ, nghe giọng nói miên man nhưng đồng loạt và đồng hiện của ký ức, của ngã và phi ngã, đăm chiêu kể lể về mất mát, về chia ly, chập chờn tự thắp lên cho mình một ngọn nến hy vọng trên mặt đất tối ám chỉ toàn những linh hồn tuyệt vọng lang thang… Đã lâu lắm rồi, kể từ lần nghe Judy hát “Wildflowers” đầu tiên trên chiếc đĩa nhựa trầy xước thời còn xanh tóc, đến nay, đối với riêng tôi, mới lại có một giọng hát cùng những bài ca bất chợt gây ám ảnh và thảng thốt cho tôi nhiều đến vậy! Chẳng có mấy sự gần gũi trong phong cách âm nhạc của Judy và Agnes, và tôi nghĩ, cũng như vậy, chẳng còn mấy sự gần gũi giữa lòng tôi những ngày hai mươi xanh tóc và bạc trắng tâm hồn tôi bây giờ, thế nhưng không hiểu vì sao, tôi cứ như mơ hồ tìm thấy lại ở đấy một nỗi niềm mà tôi cũng chẳng rõ là nỗi niềm gì, không sắc màu, không danh tính, một thứ của cải vô hình mà tôi đã đánh mất hoặc để thất lạc từ lâu...
 
Khi tôi đang viết những dòng chữ này, trang web của Trung tâm hòa nhạc Vicar Street nổi tiếng ở Dublin vừa thông báo vé bán trước cho buổi biểu diễn của Obel tại đây vào ngày 6.9.2022 đã hết vé. Thông tin về liveshow sẽ thực hiện vào thời gian này cũng cho biết ngoài những bài hát nổi tiếng trong các album đạt chứng nhận Bạch kim của Obel như “Philharmonics”, “Aventine”, “Citizen of Glass”, khán giả hứa hẹn sẽ được nghe những ca khúc mới nhất của cô! Từ những bài tình ca u sầu phảng phất nét đăm chiêu của mười năm trước đến những dụ ngôn chính trị xã hội đầy ám ảnh trong các ca khúc ở 2 album phát hành thời gian gần đây, Agnes Obel lần này sẽ đưa người nghe âm nhạc của mình đi đâu? Than ôi, cái thế giới u ám đầy nhiễu loạn bên bờ vực của sự tan vỡ này, còn có gì quan trọng nhỉ? Dịch bệnh, chiến tranh, đói nghèo, tham nhũng, bất công và những gì gì nữa? Cái Đẹp sau cùng không cứu rỗi được thế giới, bạo chúa vẫn sẽ khát máu, cái ác vẫn hả hê ăn mừng chiến thắng với sự ngô nghê muôn thuở! Một người bạn nhỏ của tôi từng viết một câu đại ý như vậy, rồi tự an ủi: Nhưng cái Đẹp sẽ cứu rỗi được những kẻ tôn thờ nhiệt thành nó, những kẻ từ chối thoả hiệp với sự đèm đẹp nhạt nhẽo, mầm mống của tội ác. Vậy thì, tôi ơi, quan tâm làm chi những bài hát mới Obel sẽ đưa ta đi đâu, cứ mở tim ra như bao lần trước. Còn bạn nữa, nếu chưa bao giờ đến với Obel, sao không thử một lần để nàng dắt tay bạn đi?
Trần Thanh Sơn (3.2022) 
 
 
(1) Lauren Murphy, “Agnes Obel: Architect of eerie, otherworldy music”, The Irish Times,  14.3.2020
(2) Tom Doyle, “Agnes Obel - Producing Citizen Of Glass”, www.newsound.org 
(3) Agnes Obel, Aventine release 30 September, MT Promotion, MyPressWire, Retrieved 22.6.2013
 
Agnes Obel - The Curse (Aventine)

 

 Ảnh trên: From “Orpheus and Euridice” (Catharina de Rijke)

Không có nhận xét nào: