Thứ Hai, 21 tháng 11, 2022

Trong cơn mưa sớm mai

 
Những cơn mưa sớm mai tháng 11 Sài Gòn giai đoạn chuyển mùa thường làm tôi nghĩ đến những nỗi niềm dang dở, những điều người ta định thổ lộ, định giãi bày nhưng cứ đắn đo dằng dưa mãi rồi lại chọn lấy sự im lặng. Nền trời xám nhẹ. Mưa hạt nhỏ. Phân vân rơi giữa ngơi tạnh và mịt mù. Như thể nó là lát cắt mỏng của một ngày mưa nào đó đã xa, không nằm trong thời gian, không cả trong không gian, nó là thứ mưa của ký ức, vô sắc và vô thanh.

Không có chiếc cầu nối nào giữa sáng sớm và xế trưa, buổi sáng như thể cứ kéo dài mãi mãi.
 
Ngày nghỉ cuối tuần. Tôi cho phép mình được ngủ muộn và dậy muộn. Đêm nằm nghe bằng hết 2 đĩa nhạc cũ của Takemitsu, nghe lại những “I Hear the Water Dreaming”, “Rain Spell”, “From Far beyond Chrysanthemums and November Fog”, thấy mình như một cánh phù du vướng vào mê cung những lưới nhện dày dặc và đầy dụ hoặc của ký ức, vùng vẫy cỡ nào cũng không thoát ra được. Ở đó, không phải âm nhạc Takemitsu mà chính lòng mình là tiếng vang, là những khoảng lặng, là hồi âm của giọt sương rơi không bao giờ chạm đất, là tiếng sao băng, tiếng sỏi vườn thu và cũng là mộng mị - giăng mắc. Nửa khuya mà bỗng dưng thèm rượu! Tưởng tượng được ngồi trong một khu vườn yên tịnh nào đó lúc chiều muộn cùng đôi người bạn cố tri, nghe xa xôi phía ngoài dậu cúc và sương mù tháng 11 tiếng mùa đi trong xào xạc muôn trùng...
 
Tuần rồi hay tin một người quen biết cũ vừa mất đột ngột. Tôi không giao du thân thiết với anh, chỉ biết nhau qua một đôi lần chung bàn trong tiệc rượu đông người. Chẳng trò chuyện gì nhiều. Chẳng trao đổi cho nhau số điện thoại. Và đương nhiên, chẳng biết gì về cuộc sống của nhau. Người cho biết tin anh mất cũng giọng bàng quan: “Chẳng rõ có bệnh gì không, mới gặp ổng đây thôi!...”. Tâm trí tôi bất giác nhớ lại cái dáng ngồi rúm ró đầy vẻ cô đơn của anh trong bàn rượu và cái thói quen kỳ lạ cứ lấy ngón tay vẽ vẽ xóa xóa những nét vô nghĩa lên thành cốc bia lạnh của mình. Hình như đó là toàn bộ ký ức của tôi về anh. “Chúng ta đi qua phố xá, đi qua con người/ Chúng ta đi qua chính mình, và kết thúc” (thơ Fernando Pessoa). Cái vô nghĩa kinh khủng của một kiếp người cũng nằm ở chỗ đó. Chúng ta băng qua hàng vạn những ngày giờ, đi hàng vạn những dặm đường của cuộc đời như chỉ nhằm để đến gặp gỡ một con người nào đó vào một thời điểm đã định nào đó, mà than ôi, có khi chỉ là một cuộc gặp gỡ nhạt nhẽo thoáng qua, một điểm giao ngắn ngủi giữa hai con đường sẽ chẳng bao giờ còn gặp lại một lần nữa. Hành trình vô nghĩa đó cứ lặp đi lặp lại, lặp đi lặp lại mãi cho đến khi ngón-tay-bự của kẻ-vô-hình xuất hiện, xóa một phát hết sạch mọi dấu tích trên thành cốc bia lạnh của đời người!
 
Thức dậy với cơn mưa sớm mai. Nằm nghe mưa. Hơn tháng nay tôi thấy mình lười biếng quá. Hàng ngày, tròn phận sự của một viên-chức-bàn-giấy ở cơ quan về đến nhà là tôi rũ ra như tàu chuối héo, chẳng muốn làm gì, chẳng viết lách suy nghĩ được gì. Gắng gượng đọc được vài trang sách, nghe ít nhạc nhẽo vẩn vơ rồi lại nằm khoèo ra. Cái ca khúc đang viết dở gần 3 tuần nay vẫn dừng nguyên đó. Năm sắp tận, đã tháng 11. Đời cũng tháng-mười-một lâu rồi. Vậy mà ngó lại mình chỉ thấy một vùng lơ lơ lửng lửng, toàn những mảnh vụn, những chắp vá, những dở dang bấy chầy, chẳng thực hiện được đến một phần những khát vọng, những ước ao, dự tính mình từng đề ra cho đời mình! Lực bất tòng tâm, mộng sự nghiệp xem ra chỉ toàn mộng hão! 
 
Nghe mưa, cũng chợt nhớ lần theo Bình Hippy nhảy tàu về nhà dì nó ở Xuân Lộc chơi. Tàu chợ, chạy cà rịch cà tang gần suốt buổi sáng. Xuống ga Gia Ray men theo đường tàu ngược về lại hướng Long Khánh khoảng gần cây số là tới. Vùng Gia Ray - Gia Lào những năm 1980 còn hoang sơ vắng vẻ, ngoài rìa thị trấn một chút là đã trảng hoang rừng rú chập chùng. Đang có bão rớt, mưa lép nhép trên con đường đất đỏ đầy lau lách dẫn vào nhà dì Bình. “Ở đây chơi, chừng nào thấy chán thì về”, Bình bảo tôi vậy, nhưng chỉ được hai ngày là chính nó nằng nặc đòi về. Mưa suốt. Nắng chỉ hửng lên một chút vào buổi sáng. Hai thằng kéo nhau ra rẫy đứng ngó trời ngó đất một hồi rồi lại về nhà nằm gác chân lên cửa sổ nhìn về hướng núi Chứa Chan mù mịt mưa trò chuyện tào lao. Bình tâm sự gia đình nó đang chờ xuất cảnh. Nó bảo, cũng chẳng muốn đi, nhưng ở lại với cái lý lịch sĩ quan cải tạo của ba nó thì tương lai là con số không. Rồi Bình cười hề hề: “Để mày ở đây làm nghệ sỹ lớn!”. Đó là những tháng ngày vụn mủn, buồn bã và bế tắt; không có âm nhạc cùng những mộng tưởng về thế giới nghệ thuật thì có lẽ bọn chúng tôi khó lòng có thể vượt qua nổi. Ở nhà dì Bình tôi có viết một bài hát ngắn. Bài hát một đoạn đơn giản, sầu u tí chút, có câu kết thế này: “Nằm xuống bóng tối, quên đời phù vân cùng cỏ cây hát âm thầm”. Không có guitar, tôi hát suông cho Bình nghe thử, nó bảo, bài được đấy, rồi đề nghị tôi đặt tựa bài hát là “Hát cùng cỏ cây”. Nghĩ lại, tuổi mới ngoài đôi mươi mà đã bày đặt giở giọng phiêu hoắc vị Thiền như thế thì có sớm quá chăng?

Chúng ta sống lắm khi như kẻ lạc rừng, phát cỏ chặt cây đinh ninh tưởng đã tìm được đường đi, đâu biết mình vẫn mụ mị loanh quanh hoài một chỗ. Cánh rừng của sự tưởng ấy hút kiệt sức lực, đam mê và cả tuổi trẻ của chúng ta, đưa chúng ta vào những vũng lầy không lối thoát. Tôi thường u sầu nghĩ về những người từng đồng hành trên con đường rừng mù mịt mà thế hệ tôi đột ngột bị ném vào và mỗi người bị buộc phải tự tìm lấy lối ra cho mình. Bao nhiêu người đã gục ngã và vĩnh viễn bị giam cầm trong những đầm lầy không lối thoát bi thảm ấy? Bao nhiêu người may mắn tìm được lối ra? Cuộc đời tôi, ngó lại, dường cũng chỉ là một tập hợp rối loạn của những đường dích dắc ngẫu nhiên, bị động và vô chủ đích, một bóng dáng diễu nhại của Candide trong rừng rậm số phận. Phải chăng, nói theo kiểu nào đó, đi tới hay đi lui, đi xa hay đi gần, dẫu là lựa chọn của chính bản thân mình, trong sự đúng - sai luôn thấp thoáng bóng dáng của định mệnh? Buổi sáng này, cùng với cơn mưa hạt nhỏ vô sắc vô thanh bên trời xám, một lần nữa tôi lại có cảm giác mình vẫn dọ dẫm đâu đó trong những cánh rừng mịt mùng của số phận, mà như Hansel, trong túi áo, sỏi dùng để đánh dấu đường đi đã cạn. Có lẽ, đã đến lúc phó mặc cho vô định. Đã đến lúc ném bỏ hết số sỏi ít ỏi còn lại trong túi áo mình và phó mặc tất cả cho vô định. Nên vậy! Vì làm gì có nẻo về.   
Trần Thanh Sơn (11.2022)
 

Ảnh trên: From “Climax - Stringendo No.2” (Hideaki Yamanobe)

Không có nhận xét nào: