Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

Một số bài hát cho tuổi học trò...

 
 
Năm 1987, nghe theo lời “rủ rê” của Lê Quốc Thắng và Lê Vinh Phúc – hai nhạc sĩ ngày ấy đã sớm nổi tiếng với một vài ca khúc viết cho thiếu nhi - Trần Minh Phi, Nguyễn Quốc Việt, Mai Duy, Lê Minh Trung, một số nhạc sĩ trẻ nữa và tôi đã thử sức mình qua một mảng sáng tác mới mẻ khác: ca khúc viết cho thiếu nhi, cho tuổi học trò.

Các bài hát đầu tiên mang tính thử nghiệm của nhóm chúng tôi là một tập ca khúc mang chủ đề mùa hè được Nhà thiếu nhi Quận 1 TP. Hồ Chí Minh - nơi Lê Vinh Phúc đang làm việc - đặt hàng và đứng ra in ấn. Rất may, sau khi ra đời, tập bài hát mỏng đó đã tạo được một dấu ấn đáng kể, gây được tiếng vang tốt trong cộng đồng những nhạc sĩ sáng tác ca khúc cho thiếu nhi - và điều cốt lõi, quan trọng nhất - đã được các em thiếu nhi thích thú đón nhận. Với “Mùa hè” (Lê Quốc Thắng), “Giai điệu mùa hè” (Trần Minh Phi), “Khúc ca bốn mùa” (Nguyễn Hải), “Ngày hè về với em” (Nguyễn Quốc Việt), “Hè ơi, rộn vang tiếng hát” (Lê Vinh Phúc), “Mùa hạ đến đón em đi” (Trần Thanh Sơn)… các ca khúc mới này, dù có lẽ vẫn còn nhiều nhược điểm, nhưng đã mang đến một hơi thở mới cho mảng sáng tác dành cho tuổi học trò mà từ nhiều năm nay bắt đầu có dấu hiệu đi vào khô cứng, giáo điều và hô hào chính trị một cách thô thiển.

Từ thành công đầu tiên đó, nhiều nhà thiếu nhi, nhà văn hóa các quận huyện thành phố sau đấy đã thích thú mời nhóm nhạc sĩ trẻ chúng tôi cộng tác và tiếp tục cho ra đời các sáng tác mới cho các em. Một động lực và là một nguồn khích lệ đáng kể nữa, đầu năm 1988, trường Huấn luyện cán bộ Đội TP. Hồ Chí Minh chủ trương hàng tháng phát hành một số tập gấp in các bài hát phục vụ cho sinh hoạt trường lớp, sinh hoạt cộng đồng của học sinh thành phố. Cho đến thời điểm này, các tập gấp đã được phát hành trước đó chỉ gồm chủ yếu các ca khúc cũ được sưu tầm lại hoặc các ca khúc nước ngoài đặt lời Việt, số lượng sáng tác mới rất ít. Nhạc sĩ Lê Mộng Lâm (con trai Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo) lúc ấy đang công tác tại trường Đội và đang được giao phụ trách công việc này đã đánh tiếng mời nhóm chúng tôi tham gia…

Với thù lao mỗi bài hát chỉ đủ để uống vài ly cà phê vỉa hè, không phụ cấp, không quyền lợi nào khác, chỉ trong vòng gần một năm cộng tác, một số lượng rất lớn các bài hát thiếu nhi, bài hát cộng đồng do chúng tôi sáng tác từ trường Huấn luyện cán bộ Đội đã lan tỏa ra khắp các trường học ở TP. Hồ Chí Minh và cả một số lớn các tỉnh thành phía Nam. Nhiều bài hát trong số đó sau này đã trở thành những bài hát khuyết danh thường xuyên được cất lên trong các sinh hoạt học đường của nhiều thế hệ học sinh cho đến tận ngày nay.

Cuộc đời viết ca khúc của tôi sau đó còn tiếp tục có nhiều những sáng tác cho thiếu nhi, cho tuổi học trò, khi thành công - lúc thất bại, nhưng có lẽ sẽ mãi mãi đọng lại trong tôi niềm hạnh phúc xa xưa, khi lần đầu tiên được nghe các em thiếu nhi đứng trên sân khấu cất tiếng hát bài ca đầu tay mình viết cho lứa tuổi hồn nhiên trong sáng này, không mưu cầu tiền bạc, không khát thèm danh vọng, chỉ có niềm vui được sáng tạo, được cống hiến, vì âm nhạc và chỉ vì âm nhạc mà thôi… (TTS - 9.2015) 

 
Ảnh chụp năm 1988 tại trường Huấn luyện cán bộ Đội TP. Hồ Chí Minh, 21 Phạm Ngọc Thạch (nay là Đại học RMIT). Từ trái sang, hàng đứng: NS. Lê Mộng Lâm, NS. Trần Minh Phi, NS. Lê Minh Trung - hàng ngồi: NS. Nguyễn Quốc Việt, NS. Lê Quốc Thắng, NS. Trần Thanh Sơn

 

 

Mùa xuân của em (Ngọc Linh)
 
 

 
 Chiếc dù xinh màu đỏ (Tốp ca Nhà thiếu nhi Q.3 TP.HCM)
 

 
 
Ngồi chờ trăng lên (Đan Thư)
 
 
  

Lý làm quen (Thanh Ngọc & Tốp ca)
 
 

Không có nhận xét nào: