Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

Vài suy nghĩ về ca khúc phổ thơ Thanh Tâm Tuyền


 
Là một trong số ít những nhà thơ lớn có tầm ảnh hưởng sâu rộng không chỉ ở miền Nam giai đoạn 1954-1975 mà còn của cả nước thời kỳ hậu chiến, Thanh Tâm Tuyền được xem là ngọn cờ đầu của thơ tự do Việt Nam, người làm mới thi ca với nhiều cách tân táo bạo. Một số bài thơ của Thanh Tâm Tuyền trước đây đã được nhạc sĩ Phạm Đình Chương và Cung Tiến phổ thành những nhạc phẩm nổi tiếng như: Bài ngợi ca tình yêu, Dạ tâm khúc, Đêm màu hồng, Lệ đá xanh, Đêm… Gần đây, một số nhạc sĩ hải ngoại như Hoàng Ngọc Tuấn, Phạm Quang Tuấn cũng đã chọn thơ Thanh Tâm Tuyền để phổ nhạc. 
 
Thơ Thanh Tâm Tuyền là loại thơ… đọc thì hay nhưng phổ nhạc thì lại… cực kỳ khó, đặc biệt khó là làm sao giữ được hồn vía cũng như tính chất độc sáng kiểu Thanh Tâm Tuyền trong thơ của ông. Với cấu trúc thơ đa chiều đa tầng, đầy những cách tân về nhịp điệu, giàu nhạc âm nhưng trúc trắc không vần, đặc biệt tính chất siêu thực trong việc phối ghép dày đặc các hình ảnh trong thơ như những bức tranh cắt dán ngẫu nhiên đầy mộng mị – song song với những thứ đó là các trạng thái ý thức đứt đoạn, xen kẻ, những liên tưởng bất chợt từ vô thức như chẳng ăn nhập gì với nhau – tất cả đã tạo nên một thi quyển độc đáo và đặc quánh phong cách Thanh Tâm Tuyền. Thế nhưng, cũng cái thi quyển độc đáo và đặc quánh phong cách Thanh Tâm Tuyền đó lại đồng thời trở thành một thách thức lớn cho những ai muốn mang thơ ông ra phổ nhạc.

Trong số những nhạc sỹ đã từng phổ nhạc thơ Thanh Tâm Tuyền mà tôi vừa nêu ở trên, tôi e rằng chỉ có Cung Tiến trong ca khúc “Đêm” và “Lệ đá xanh” là đến được gần nhất bến bờ của sự thành công, nghĩa là giữ được hồn vía cũng như tính chất độc sáng của thơ Thanh Tâm Tuyền, nhưng đồng thời tác phẩm vẫn tràn đầy nhạc cảm, ngôn ngữ âm nhạc tương hợp, được phát triển một cách tự nhiên không gợn chút gượng gạo. Còn thì đa phần các nhạc sỹ nằm ở hai thái cực đối nghịch: một là chiều theo nhạc cảm bỏ quên cấu trúc, khí chất của thơ (như nhạc sỹ Phạm Đình Chương); hai là ở phía cực kia, gắng sức giữ lấy hồn vía của thơ nhưng tác phẩm chỉ còn lại kỹ thuật, khô khan, duy lý, hoặc nhạt nhẽo hát theo thơ… (như một vài nhạc sỹ hải ngoại gần đây).

(Tôi từng có hơn một năm trời lao đầu vào phổ thơ Thanh Tâm Tuyền đến… bươu đầu sứt trán, nhưng hầu hết các ca khúc phổ thơ này đều rơi vào trường hợp “ở hai đầu thái cực” và sau đó đều cùng chịu chung số phận là bị ném vào sọt rác hay bị tôi đốt bỏ sau đó không lâu).

Như chúng ta biết, sự khác biệt lớn nhất giữa một bài thơ (poem) với khi nó đã biến thành lời của một ca khúc (lyrics), đó chính là sự thay đổi hoàn toàn cách thức tiếp cận của các đối tượng thụ hưởng chúng. Thơ được dùng để đọc. Các đối tượng thụ hưởng thơ chính là người đọc. Người đọc tiếp cận với thơ thông qua các thủ bản hoặc ấn bản trên giấy (1), họ đọc thơ và cũng có thể xem thơ, ngắm nghía thơ – các bức thư pháp Trung Hoa, thơ trong Calligrammes của Apollinaire là một vài ví dụ (2). Để cảm nhận một bài thơ, người đọc có thể đọc nhanh hay đọc chậm nó tùy ý; dừng ở câu này, nấn ná ở câu kia, lướt nhanh hay đôi khi đọc đi đọc lại chỉ một vài dòng nếu cảm thấy thích thú hoặc cảm thấy chúng khó hiểu. Và cũng trên chỉ trên bản giấy (đặc biệt là với thơ hiện đại), người đọc mới có thể cảm nhận được những hàm ẩn khác ngoài nội dung bài thơ thông qua hình thức trình bày của nó, những chữ in hoa dị biệt, những câu chữ xuống dòng ngoài thông lệ hoặc những ngắt đoạn khác thường… chứa những thông điệp mà tác giả bài thơ muốn gửi gắm.

Khác với khi còn là một bài thơ, trở thành lời của một ca khúc thì các đối tượng thụ hưởng bài thơ đã biến từ người đọc trở thành người nghe. Lời thơ được dùng để nghe, mà người nghe thì khác hẳn với người đọc, không có một văn bản giấy nào kèm theo để theo dõi cả. Trở thành lời của một ca khúc, lời thơ còn bị buộc phải gắn liền với một giai điệu âm nhạc và hiếm khi chúng còn có thể tồn tại độc lập (dù một số ca khúc, chẳng hạn như của Bob Dylan, Trịnh Công Sơn có thể có phần lời đẹp như một bài thơ). Một ca khúc có thể được diễn tấu chỉ riêng phần giai điệu mà không cần thể hiện phần lời ca, nhưng sẽ là kỳ dị và vô vị nếu chỉ được trình diễn (đọc) riêng phần lời ca mà không đi kèm theo phần giai điệu của nó. Và như vậy, rõ ràng lời của một ca khúc chỉ thật sự có được đời sống của mình khi ca khúc đó được cất lên, lời và nhạc cùng đồng hiện với nhau và cùng trôi đi trong những thời khắc lung linh được dành cho chúng. Khi ca khúc ngừng diễn tấu, ngay lập tức lời ca lại trở về với trạng thái tiềm sinh của chúng, đời sống của một văn bản bị khuất lấp bên dưới những nốt nhạc. Nhưng như ta đã nói ở trên, người ta không nghe ca khúc với một văn bản cầm trên tay. Trong dòng chảy của quá trình diễn tấu một ca khúc, nội dung của lời ca không ngưng đọng một chỗ để người nghe chủ động tìm hiểu, cảm thụ chúng, mà không ngừng trôi đi theo dòng giai điệu âm nhạc, hình ảnh nối tiếp hình ảnh, ngữ nghĩa nối tiếp ngữ nghĩa tuôn vào trí óc người nghe bất kể khả năng thu nạp, khả năng cảm thụ và thẩm thấu…

Chính những sự khác biệt vừa nêu giữa một bài thơ với lời thơ (là ca từ của một ca khúc) sẽ ấn định cách thức sáng tạo cũng như hình thức thể hiện như thế nào cho phù hợp và tạo được hiệu quả thẩm mỹ cao nhất.

Trở lại với thơ Thanh Tâm Tuyền. Như đã nêu trên, với cấu trúc thơ đa chiều đa tầng, trong thơ dầy đặc những hình ảnh mới lạ phi logic nằm chen lẫn với các trạng thái ý thức đứt đoạn, lửng lơ, những liên tưởng ngẫu nhiên mang màu sắc siêu thực…, khi chuyển sang âm nhạc, thứ thơ này rõ ràng thách thức cách đặt vấn đề và phát triển chúng theo lối tư duy âm nhạc kinh viện truyền thống, đặc biệt là trong một thể loại khá nhỏ như là ca khúc. Thử tưởng tượng phổ nhạc các đoạn thơ sau:

“Ðêm giao thừa thế kỷ mưa rơi sao
Mái sáng đường nằm chiêm bao biển giận dỗi
Bàn tay mây mắt trăng môi nhiệt đới
Chiến tranh còn những khoảng đất hoang
Cửa sổ đập lên cao cánh chim én mùa xuân
Ôm vào lòng bãi cỏ vườn hoa bầy sao rụng…
                            (Chim – Thanh Tâm Tuyền)

hay:

“Cửa sổ trời những mắt chưa quen
Trán hoang đồng cỏ
Run đường môi kỷ niệm
Đi qua những thành phố đầy tim
Cười đổ mưa một mình”
                          (Của em – Thanh Tâm Tuyền)

và:

“Người đau bằng mầu bằng âm thanh
Những ngày nghèo đói ăn mày
Cố rúc tiếng cười lên cổ nõn
Tóc mai
Phố ngõ lên chiều mãi nhớ thương
Người nhổ muôn ngàn vết máu ra khỏi lồng ngực”
                               (Tĩnh vật – Thanh Tâm Tuyền)

Với những hình ảnh, trạng thái, cảm xúc đứt đoạn, bất chợt và thay đổi liên tục như vậy, có thể nói mọi nhạc đề được hình thành chưa kịp xây dựng và triển khai cho hoàn chỉnh đã phải thay đổi để theo kịp những chuyển hướng đột ngột và liên tục của thơ. Các thủ pháp mô phỏng phát triển quen thuộc trong âm nhạc hầu như cũng rất khó có thể đem ra áp dụng được trong trường hợp này, bố cục tác phẩm sẽ bị băm nát bởi các motif âm nhạc mới liên tục xuất hiện nếu người soạn nhạc vô tình chạy theo những chuyển động đầy tính ngẫu nhiên của các hình tượng thơ ca. Song song đó, sự xuất hiện dày đặc các hình ảnh trên từng câu thơ cũng khiến cho câu nhạc phải liên tục bị chia cắt trong lúc triển khai nhằm đạt được sự khúc chiết, giúp người nghe dễ nắm bắt được mạch ý nghĩa của ca từ hơn, tuy nhiên làm như vậy cũng chẳng khác gì giết chết thơ Thanh Tâm Tuyền rồi!…

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi câu thơ của Thanh Tâm Tuyền đều được xây dựng nên bởi cách thức và bút pháp bạo liệt như trên. Chen vào giữa những đoạn thơ có hòa âm nhọn sắc đột ngột là những đoạn thơ, câu thơ mềm mại đầy lãng mạn trôi trong thời gian tuyến tính thông thường; với những đoạn thơ này, khi phổ nhạc chỉ cần bỏ bớt một vài hình ảnh nào có vẻ thô ráp quá, thêm vào một chút hương hoa kiểu cũ là chúng ta có ngay một ca khúc ngọt ngào dễ nghe.

Sau gần một năm trời vật lộn với việc phổ thơ Thanh Tâm Tuyền mà kết quả không mấy khả quan như tôi đã nêu ở trên, tôi đành dừng bước và quyết định hủy bỏ toàn bộ bản thảo các ca khúc mà mình đã hoàn thành cũng như đang soạn dở dang, đồng thời tự rút ra một kết luận với mục đích để an ủi mình là chính: Có những bài thơ tuyệt tác chỉ dành để đọc chứ không để ca hát, và thơ Thanh Tâm Tuyền là một trong số thơ đó. “Một câu thơ hay tự nhiên như lời nói/ Bài thơ hay là cái chết cuối cùng” (Định nghĩa một bài thơ hay – Thanh Tâm Tuyền).

Cách đây gần tuần lễ, trong khi sắp xếp lại đống báo cũ lưu các bài viết mà tôi quan tâm, tôi không tin vào mắt mình khi tìm thấy một bản thảo ca khúc tôi phổ thơ Thanh Tâm Tuyền ngày xưa còn sót lại, kẹp giữa một cuốn tạp chí – đó là một thủ bản được chép nắn nót có kèm theo tranh minh họa do chính tay tôi thực hiện, ghi rõ năm sáng tác: 1993. Lý do nào ca khúc này thoát khỏi sự tiêu hủy, tôi không nhớ nổi và cũng không thể lý giải được. Nhưng cũng vui. Tôi  xem như đây như chút duyên còn lại của tuổi trẻ tôi một thời với thơ Thanh Tâm Tuyền, và cũng là lý do mà tôi thực hiện bài viết này.
Sài Gòn, tháng 10.2015
Trần Thanh Sơn

Sau đây là nguyên bản bài thơ ngắn có tên Bài thơ vui nằm trong phần Đoản khúc tập thơ “Liên – Đêm – Mặt trời tìm thấy” của Thanh Tâm Tuyền mà tôi phổ nhạc:

Bài thơ vui

Một người treo cổ trên cành cây
Trong công viên giữa thành phố
Nhìn một phút cuối cùng
Ðôi tình nhân hôn nhau
Xong
Thiếu nữ cười tinh nghịch như hòn sỏi
Ném lăn theo triền mái ngói.



(1) Ở đây chúng ta loại trừ thơ ca dân gian, hay như Truyện Kiều của Nguyễn Du – có thể tồn tại song song giữa ấn bản và truyền khẩu.
(2) Trong Calligrammes, Apollinaire tạo ra các bài thơ mà các câu, chữ, dòng thơ được sắp xếp tạo thành những bức vẽ – một kết hợp độc đáo giữa thơ ca và hội họa.

Ảnh: Thanh Tâm Tuyền qua nét vẽ Đinh Cường

Không có nhận xét nào: