Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

Chiếc khăn quàng của biển

 

Một truyện ngắn viết cho báo Tết sinh viên năm 1998, giờ đọc lại bỗng thấy nhớ những ngày xuân xa xôi... Nhân vật chính của truyện không phải là cô sinh viên tên Duyên, hay chàng người yêu, hay đám bạn bè thời thơ ấu của cô, mà là cái không khí Tết của một xóm nhỏ cao nguyên - nơi còn giữ được phần nào xuân vị ngọt ngào, đầm ấm của những ngày Tết xưa cũ, khi văn hóa và truyền thống Việt chỉ mới mấp mé đứng bên bờ vực của sự tàn phá... (TTS)


Chiếc khăn quàng của biển

Truyện ngắn Trần Thanh Sơn


Qua khỏi ngọn đồi và xuống hết một con dốc thoai thoải nữa là về đến nhà. Thật ra chỉ cần lên đến đỉnh đồi kia là Duyên có cảm giác như là mình đã về tới nhà rồi. Đứng ở đó, ngay đầu con dốc, dưới bóng râm mát của những rặng thông già gió thổi vi vu, Duyên sẽ nhìn thấy mái nhà ngói đỏ cũ kỹ quen thuộc của gia đình mình thấp thoáng ở cuối dốc, ẩn hiện sau những hàng cây ăn quả trồng quanh vườn.

Thuở nhỏ, Duyên vẫn hay cùng đám bạn bè trong xóm leo lên ngọn đồi này chơi. Là con gái nhưng ngày ấy Duyên chơi đùa phá phách cũng chẳng kém gì bọn con trai. Nhặt quả thông chia phe ném nhau, bứt cỏ gấu chơi trò đá gà, đi bẫy chim, hái trộm trái cây nhà hàng xóm… hay cũng có lúc cả bọn ngồi mơ màng dưới gốc những cây thông già nhìn mông lung xuống khu xóm nhỏ nằm dưới chân đồi. Từ đỉnh đồi nhìn xuống thì nhà cửa chỉ bé như những chiếc hộp diêm. Ngôi nhà có chiếc ống khói lò sưởi cao cao kia là nhà của Trâm. Con Trâm đỏm dáng nhất trong đám bạn gái Duyên hồi học cấp ba. Lấy chồng sớm, bây giờ theo chồng lên Đà Lạt ở. Căn nhà có căn gác xép với những ô cửa tò vò tròn xoe như chuồng chim câu kia là nhà cậu Quyết, biệt hiệu Quyết “bơ”, chuyên môn trốn học vào rừng bẫy chim lửa đem ra chợ huyện bán lấy tiền tiêu vặt, khi cô giáo hỏi đến thì mặt cứ “bơ bơ” ra, lì lợm. Chỗ có hàng thông kim xanh xanh kia là nhà Tụy “kèn”. Bạn bè đặt tên như vậy vì Tụy có chiếc kèn harmonica cũ mèm lúc nào cũng nhét trong túi quần. Tụy thổi harmonica hay ra phết. “Làng tôi có cây đa cao ngất tầng xanh…”, Tụy thường thổi khúc nhạc nghe buồn buồn ấy, rồi giải thích: đấy là bài “Làng tôi”. Toàn bộ đám trẻ xóm núi ngày ấy chẳng đứa nào biết hình thù của cây đa nó ra làm sao, thế nhưng khi nhìn Tụy “kèn” mắt lim dim thổi harmonica ra dáng rất là nghệ sĩ thì đều phục lăn và suýt xoa rằng hay thật! Chếch về phía bên trái một chút là nhà con Thủy, con Mơ, nhà thằng Cầm… Xa hơn nữa, cuối chân đồi, phía bên trái thung lũng, gần con suối nhỏ mà từ đỉnh đồi phía bên này nhìn xuống, con suối như một dải bạc lấp lánh phản chiếu ánh mặt trời. Nhà Quân ở chỗ đó. Không hiểu trường Quân đã nghỉ Tết chưa? Quân học ở Nha Trang, gần hơn nhiều so với Duyên phải xuống tận Sài Gòn học. Nghĩ đến Quân, bất chợt lòng Duyên cảm thấy nao nao…

Mẹ bảo Duyên về sao không báo cho nhà hay để mẹ bảo thằng Dũng - em Duyên - ra bến xe đón. Duyên nói không định trước sẽ về ngày nào, thi xong, mấy nhỏ bạn rủ ở lại Sài gòn phụ bán hàng hội chợ kiếm tiền, gần Tết hẵng về, thế nhưng Duyên nhớ nhà quá nên về trước. Mẹ nói để mẹ đi nấu cho nồi nước mà tắm. Trời không lạnh lắm nhưng chạm tay vào nước thì giá căm căm. Nghĩ cũng buồn cười, mới lúc sớm còn ở Sài Gòn trời nóng nực đến thế mà về đây thì phải nấu nước để tắm. Buổi sáng con Hà bạn cùng phòng ở ký túc xá đưa Duyên ra bến xe. Nó chưa lên cao nguyên mùa này bao giờ nhưng nghe Hà kể mùa này lạnh lắm, thế là nó cứ buộc Duyên phải cầm theo chiếc áo gió của nó: “Duyên cứ cầm theo cho chắc ăn, nhỡ xuống xe là lạnh rồi thì làm sao?”. Ôi trời, một con nhỏ quê Bến Tre quanh năm nắng nóng lại đi lo cho một con nhỏ chính gốc cao nguyên về khả năng chịu rét, chịu lạnh. Ấy thế nhưng nếu không cầm theo chiếc áo là nó hờn, nó giận cho mà xem.

…Chiều cao nguyên xuống rất vội. Nắng vàng trên những ngọn đồi chè mau chóng phai màu, nhòa nhạt và tan biến vào những vạt sương chiều đang chầm chậm dâng lên từ khắp những khe sâu, lũng thấp. Trời rét ngọt. Mặc một chiếc áo len cao cổ và choàng ngoài thêm một chiếc áo khoác mà Duyên vẫn cảm thấy buốt căm căm. Khí hậu nóng ấm quanh năm của Sài gòn có lẽ làm Duyên hỏng mất rồi. Bữa cơm tối đầu tiên trong gia đình ấm cúng và vui tươi. Bố hỏi thăm tình hình học tập năm nay của Duyên. Mẹ nhắc: “Chưa thấy thằng Quân về nhà ăn Tết, về thì thể nào nó cũng ghé qua chơi rồi”. Thằng Dũng ghẹo: “Anh Quân về bữa nào thì chị Duyên sẽ biết trước mà”. Duyên đỏ mặt lườm Dũng. Nó tỉnh bơ: “Dân miền núi mà không dưng xuống biển học Thủy sản, mai mốt bộ tính mang lưới đánh cá về trên này bẫy chim chắc!”. Hồi chọn trường để thi đại học Duyên cũng đã có lần hỏi Quân về chuyện này. Quân bảo: “Tại thích vậy thôi!”. Duyên nói: “Thích biển sao không chọn nghề thủy thủ?”. Quân cười: “Biển chẳng liên quan gì đến chuyện này, điều Quân thích là những con cá biển kia…”. Thích những con cá biển? Sao lại có cái yêu thích kỳ cục như vậy! Duyên thì chẳng thích cá mà cũng chẳng thích biển. Cá chỉ là một loại thực phẩm có thể ăn được, còn biển thì rộng mênh mông và có quá nhiều vẻ đe dọa. Lần đầu tiên nhìn thấy biển Duyên đã có cảm nghĩ như vậy, và ấn tượng ấy cứ theo Duyên mãi. Một lần Quân vào Sài gòn ghé ký túc xá thăm Duyên, mặt nâu hồng gió biển. Duyên hỏi: “Không lo học mà bỏ đi chơi à?”. Quân bảo tự dưng thấy nhớ Duyên nên vào Sài gòn thăm một chút. Duyên ghẹo: “Quân bỏ đi không sợ mấy con cá nó nhớ hả!”. Quân không phản ứng chỉ cười hì hì. Lúc ngồi uống cà phê với Duyên, Quân khoe về bộ sưu tập cá cảnh biển của mình, rồi nói: “…mai mốt ra trường Quân sẽ theo nghề buôn bán cá cảnh biển. Nghề đó hái ra tiền đấy…”.

Sáng ra mẹ nói Duyên đi chợ huyện sắm sửa Tết với mẹ, mẹ bảo: năm nay nhà mình được mùa cà phê, ăn Tết lớn lớn một chút. Duyên ghé nhà Thủy rủ cùng đi. Thấy Duyên con nhỏ mừng rú lên. Thủy càng lớn càng xinh, mắt to đen láy, má đỏ hồng. Duyên hỏi đùa Thủy: “Bao giờ cô lấy chồng?”. Thủy cười bảo: năm sau. Hóa ra cô nàng cũng đã hứa hôn với một anh chàng làm kế toán cho một nông trường chè và cà phê ở huyện bên. “Trước ảnh cũng học trường Kinh tế giống như Duyên đó…”, Thủy ríu rít kể chuyện về anh chàng, rồi rủ: chiều nay nếu rảnh hai tụi mình ghé nhà mấy đứa bạn học cũ chơi.

Chợ huyện ngày giáp Tết đông nghẹt người. Chợ ở đây chẳng thể sánh với chợ Sài Gòn về bất cứ phương diện nào, thế nhưng chẳng hiểu vì sao Duyên vẫn cứ thấy thích, thấy yêu cái không khí chợ nhỏ bé và đượm chất quê mùa này. Thích những gian hàng chạp phô tối tăm của những Hoa kiều mà thuở nhỏ đối với Duyên mang đầy vẻ bí ẩn và quyến rũ. Thích những gian hàng vải lòe loẹt, những gánh hàng xén bán toàn những vật dụng xanh đỏ rẻ tiền, những hàng gạo đong bằng lon sữa bò, hàng thịt cá, hàng rau… những hàng quán mà Duyên có cảm tưởng chỉ để dành riêng cho người nghèo, những người có cuộc đời giống và gần gũi với gia đình Duyên. Còn hình ảnh những người Thượng hiền lành địu con đi chợ nữa chứ. Ngày xưa mẹ chỉ tay về phía chân trời xa xa rồi bảo: “Họ từ trong núi ra đấy”. Câu nói ấy mãi đến bây giờ vẫn cứ còn gợi lên trong Duyên bao nhiêu là tưởng tượng, là ước đoán… Thủy sà vào một gian hàng bán đủ loại trang sức, mỹ phẩm. Những món đồ tầm tầm không quá đắt so với túi tiền người dân miền núi. Thủy chọn cái này, ngắm nghía món kia, vẻ mặt say sưa và hạnh phúc. Duyên cũng chọn cho mình một chiếc kẹp tóc nhỏ, không xấu, không đẹp. Thầm mong trên gương mặt mình cũng có được vẻ hạnh phúc giản dị kia như Thủy. Thủy bình yên. Thủy không phải nghĩ ngợi nhiều. Cứ sống mãi nơi cái xóm núi bình dị này mà đâm ra hạnh phúc… Mẹ đi một vòng chợ rồi quay lại với hai giỏ xách nặng. “Mình thật là đoảng vị…”, Duyên nghĩ vậy khi giành xách cho mẹ hai chiếc giỏ. Thủy cũng giằng xách hộ Duyên một chiếc. Mẹ hỏi Thủy: “Nhà con đã sắm Tết chưa?”. Thủy cười: “Mẹ với chị Hai con đi chợ hôm qua rồi”. Đã gần xế trưa nhưng trời vẫn dịu mát. Những cánh hoa sao nhái trắng hồng đong đưa trong gió. Bên kia đường, một khóm trạng nguyên với những chiếc lá đỏ rực như son.

Duyên với bố đi thăm mộ ông bà nội và chú Tư. Thằng Dũng đã đạp xe đi trước từ sớm. Khi Duyên với bố ra đến nơi thì Dũng đã nhổ cỏ trên mộ và dọn dẹp gần xong. Nắng sớm mai rắc một lớp phấn vàng óng ánh lên những vạt cỏ xanh ven đồi. Sương vẫn chưa tan hết, chập chùng phủ kín những cánh rừng, những ngọn đồi thấp ở phía xa xa. Duyên phụ Dũng nhổ hết chỗ cỏ còn lại sau đó phụ bố bày mấy món đồ cúng rồi thắp thương. Trong khí lạnh buổi sáng, mùi khói hương nghe ấm áp, dịu buồn. Lẽ ra ngày này Quân đã phải về nhà rồi. Mọi năm Quân cũng hay cùng đi tảo mộ với Duyên. Quân lôi chiếc xe Simson cũ nổ ầm ầm như xe tăng của mình ra chở Duyên. Còn bố thì chở Dũng. Có lần cúng viếng xong cả bốn người còn rong xe vào sâu tận mấy buôn làng của người Thượng chơi nữa. Quân mua một ché rượu cần mang về và bảo để đêm 28 Tết thức canh nồi bánh chưng mấy bác cháu sẽ cùng uống cho vui. Chiều qua Duyên với Thủy ghé chơi nhà Tụy “kèn”. Tụy theo học mỹ thuật ở tận Hà Nội. Thấy Duyên, Tụy nói: “Lâu quá mới gặp”, rồi cười nhăn nhở: “Duyên càng ngày càng đẹp, thằng Quân “dân chài” thế mà tốt số, bữa nào phải xin phép nó vẽ chân dung Duyên mới được”. Thủy bảo Tụy đi học xa về chỉ giỏi hơn được ở cái lắm lời. Duyên cười: “Tụy còn chơi harmonica không?” Tụy lắc đầu: “Lâu quá rồi!…”. Thủy nói: “Ngày xưa ông thổi kèn hay ghê, bài gì há… bài gì có cây đa ấy…”. Ừ, “làng tôi có cây đa cao ngất tầng xanh…”, cái cây đa mà ngày đó chẳng đứa nào trong đám biết hình thù nó ra làm sao. Thế mà vẫn cứ khen hay! Sáng nay đi với bố ngang nhà Tụy, gặp anh chàng đang đứng thơ thẩn trong sân. Thấy Duyên, Tụy đưa tay vẫy vẫy rồi gọi với theo: “Hôm nào Quân về tụi mình họp nhau lại đi chơi một bữa…”. Bình thường như mọi năm, khoảng ngày này Quân phải rời trường về nhà rồi…

Duyên phụ mẹ giã đậu cho bố gói bánh. Bố gói bánh chưng khéo tay vào hạng nhất xóm. Không cần dùng khuôn nhưng bánh chưng bố gói rất bén góc và chặt tay. Mẹ bảo đấy là bố học được nghề của ông nội, thằng Dũng thì lại vụng về quá chẳng học được chút gì của bố. Nhà Duyên chỉ có mấy người, ăn chẳng là bao nhưng năm nào cũng gói bánh. Gọi đó là thói quen hay là truyền thống gia đình từ thời ông nội còn sống để lại đều được. Thật ra trời cuối năm rét căm căm được ngồi quây quần với gia đình bên nồi bánh chưng lửa ấm bập bùng thì cũng thú vị. Với Duyên điều này còn gợi lên biết bao nỗi ấm áp, biết bao nhiêu kỷ niệm và ký ức tuổi thơ ngọt ngào. Mẹ nói: “Năm nay chẳng thấy chú Ba xuống chơi”. Bố bảo: “Cuối năm chắc bận bịu nhiều…”. Mẹ buồn buồn: “Chẳng biết vườn tược chú ấy năm nay thu hoạch khá không?”. Ngày xưa chú Ba ở với gia đình Duyên. Ông nội có ba người con trai. Bố là con đầu, rồi tới chú Ba, chú Tư thì chết trẻ. Chú Ba vui tính và rất hay chuyện. Mẹ quý chú lắm. Mẹ giới thiệu cho chú một cô ở ngoài chợ huyện. Hai người yêu nhau cũng lâu nhưng chẳng hiểu vì sao chuyện không thành. Chú buồn bỏ lên Đà Lạt sang một mảnh vườn rồi sống luôn trên ấy. Ngày trước khi chú còn ở nhà mỗi dịp thức canh bánh chưng đối với Duyên là cả một ngày hội. Vui lắm. Chú Ba gói cho cho chị em Duyên những chiếc bánh chưng nhỏ xinh xinh. Chú Ba kể chuyện cổ tích, và thú nhất là chuyện ngày xưa về chính cái vùng đất mà gia đình Duyên đang sống này. Toàn những chuyện rợn tóc gáy nhưng nghe vẫn thấy thích. Chuyện thời ông nội mới vào đây làm rẫy rừng còn đầy cọp, beo, rắn rít… Chuyện có con cọp ăn thịt người lâu năm tu luyện thành tinh có thể biến hóa để gạt bắt người. Dân làng phải về tận miệt U Minh rước thầy săn cọp về đây. Đêm trăng, đám thợ săn ngồi rình trên cây thì thấy có bốn người mặc đồ trắng khiêng một chiếc quan tài trắng đi ngang, ở đầu quan tài thắp hai ngọn nến sáng quắc. Thấy lạ, một chàng trai trẻ định leo xuống chặn hỏi thì ông thầy săn cọp kịp thời ngăn lại; chẳng nói chẳng rằng ông đưa súng nhắm thẳng vào giữa hai ngọn nến và bóp cò. Một tiếng gầm long trời lở đất vang lên. Nhìn kỹ lại chẳng thấy người, chẳng thấy quan tài với nến đâu cả mà chỉ thấy một con cọp trắng khổng lồ đang lăn lộn giãy chết. Chú Ba còn kể về một con cọp tinh quái biết đánh lừa người đi săn đêm bằng cách nheo một mắt lại. Người đi săn chẳng còn biết nhắm bắn vào đâu khi chỉ thấy một đốm xanh lè mắt cọp chiếu sáng trong đêm. Sau này, khi Duyên kể lại cho Quân nghe chuyện này, Quân cười bảo đó là chuyện xạo một trăm phần trăm. Mà những chuyện xạo về cọp ở vùng này thì Quân biết ối chuyện còn hay hơn thế nữa. Cái giọng của Quân làm Duyên bực mình: “…Chẳng phải chính Quân thuở bé cũng đã từng tròn xoe mắt nghe chú Ba kể chuyện hay sao?”. Quân cười hì hì. Lúc nào cũng vậy… Năm nay chú Ba không xuống chơi mà Quân thì mãi vẫn chưa thấy về. Mấy thanh củi ướt ngún khói làm mắt Duyên cay cay…

Duyên mơ thấy biển. Chưa bao giờ Duyên mơ thấy biển, vậy mà đêm qua Duyên mơ thấy những con cá của Quân bơi trong thứ chất lỏng có màu biêng biếc ấy. Quân nói với Duyên: “Cá cũng thiên cư giống như chim vậy. Có những loài cá đến một mùa nào đó phải bơi cả nhiều ngàn cây số để quay lại với vùng biển mà năm rồi từ đó cá đã ra đi”. Trong mơ Quân nói phải ở lại để chờ xem những con cá ấy trở về vào đúng mùa xuân này, và Quân sẽ không cùng thức đón giao thừa với Duyên được. Duyên dỗi: “Vậy là Quân xem trọng những con cá ấy hơn Duyên”. Quân im lặng. Duyên quay về một mình trên con dốc gió thổi ngược hun hút lạnh. Đứng trên đỉnh đồi, Duyên nhìn thấy bầu trời xanh trên đầu cũng đã biến thành một thứ chất lỏng có màu biêng biếc của biển, và những con cá có sắc vàng rực rỡ như nắng bơi lội, vẫy vùng trong vùng biển kỳ lạ đó. Duyên khóc. Buổi sáng nhớ lại giấc mơ đẹp và buồn bã ấy Duyên thấy lòng mình trống vắng ghê gớm. Chị Phiên - chị thứ ba của Quân - đã xuống Nha trang hôm hăm tám Tết. Nhà Quân cũng thấy lo vì không thấy Quân về. Thủy ghé bảo: “Chắc Quân bận chuyện gì đó thôi”. Duyên định kể cho Thủy nghe giấc mơ lạ lùng đêm qua, nhưng nghĩ sao lại thôi. Buổi trưa, Tụy “kèn” vác đồ lề giá vẽ đi ngang nhà Duyên. Tụy hỏi có muốn đi chơi và xem Tụy vẽ không? Việc sửa soạn, dọn dẹp chuẩn bị đón Tết chỉ bận bù đầu vào những ngày hăm bảy, hăm tám, hăm chín, ngày ba mươi Tết hóa ra lại là ngày rảnh rỗi nhất. Duyên theo Tụy lên đồi. Tụy bảo muốn vẽ một bức tranh về cái xóm núi này “để sau Tết mang ra Hà nội, thỉnh thoảng nhìn cũng đỡ nhớ quê”. Duyên nói: “Mang máy ảnh ra chụp một cái là xong”. Tụy cười: “Thế thì mất mặt họa sĩ quá!”. Tụy vẽ khá đẹp. Những vệt màu, những vệt màu, những vệt màu… Thế mà lại nhìn ra hình dáng của cái xóm núi quen thuộc này: những mái nhà, những rặng thông, con dốc rải đá nằm xuôi xuôi và những vườn cà phê, những đồi chè xanh mơn mởn xa xa… Tụy bảo để Tụy vẽ cho Duyên một bức chân dung chì. Duyên đùa: “Thế không đợi Quân về để xin phép à!”. Tụy cười: “Thôi, để xin phép sau”. Tụy vẽ Duyên với mái tóc thả về một bên vai, ánh mắt nhìn xa và buồn. Duyên nói: “Mặt Duyên làm gì buồn dữ vậy!”. Tụy bảo: “Thôi đi cô, đến bữa nay mà chưa thấy Quân về nên mặt cô buồn thỉu buồn thiu”. Tụy cuốn bức họa lại rồi đưa cho Duyên: “Tặng Duyên, giữ làm kỷ niệm”.

Chiều ba mươi Tết trời đột ngột rét trở lại. Bố nhìn trời rồi bảo: “Trời trong thế này thì đêm nay rét lắm đây”. Mẹ đưa cho Duyên chiếc mũ len bảo trùm vào cho ấm. Nhìn mình trong gương Duyên thấy buồn cười: mũ mão, áo choàng, khăn len quấn kín cổ… chỉ để hở ra đôi mắt, và đôi mắt ấy đang nhìn Duyên ngơ ngác. Nếu đi ngoài đường với bộ vó này thì chắc chắn cả Quân cũng không nhận ra Duyên là ai. Duyên bước ra vườn. Không gian chiều ba mươi Tết yên tĩnh lạ lùng. Không một hơi gió. Những bông hoa, những cành lá, những hàng cây trong vườn… dường như cũng nín thở. Đám khói đốt lá cuối vườn nhè nhẹ lan tỏa, thấm dần vào những tàng cây đang ngã dần sang màu bóng tối. Quân rất thích cùng Duyên gom lá trong vườn để đốt vào buổi chiều cuối năm, Quân bảo cái mùi khói này thường làm điếng lòng những kẻ xa nhà. Giờ đây Quân đang làm gì? Có phải Quân đang trên đường về không? Chẳng hiểu vì sao Duyên cứ tin chắc rằng Quân sẽ về vào buổi chiều giao thừa này cùng với chị Phiên. Quân sẽ sang nhà và nói với Duyên rằng mùi khói đốt lá đã gọi Quân về… Duyên vào nhà khi bắt đầu cảm thấy thấm lạnh. Toàn bộ khu vườn đang chìm ngập dần trong bóng tối…

Quân đã không về như Duyên dự đoán. Chị Phiên ghé nhà đưa cho Duyên lá thư của Quân và một chiếc hộp nhỏ. “Người bạn ở cùng phòng với Quân phải vào bệnh viện cấp cứu và mổ ruột thừa vào đúng buổi sáng Quân đã chuẩn bị xong hành lý để về nhà. Quân không thể để anh bạn không có người chăm sóc nằm bệnh viện một mình. Duyên đừng buồn. Chúc Duyên một năm mới tràn đầy hạnh phúc. Mùa này xóm núi của mình lạnh lắm phải không? Gởi tặng Duyên món quà nhỏ: một chiếc khăn quàng cho những buổi sáng sương mù. Hãy xem nó như là một món quà của biển. Chiếc khăn quàng của biển”. Duyên quàng thử chiếc khăn vào cổ. Chiếc khăn có màu biêng biếc của biển với những bông hoa nhỏ màu trắng. Đấy có phải là hoa sóng không? Ngày mai, không, ngoài Tết kia! Duyên sẽ mang bức chân dung hồi sáng Tụy vẽ sang bắt Tụy phải vẽ thêm vào cho Duyên chiếc khăn quàng cổ này. Đấy là món quà của biển. Món quà mùa xuân mà Duyên sẽ quàng trên cổ để đón giao thừa.
Sài Gòn, tháng 1.1998
Ảnh trên: Tranh Đinh Cường



Không có nhận xét nào: