Gần trường cấp 3 tôi học thuở nhỏ có một con đường trồng rất nhiều sầu đông. Tan học, từ cổng trường ra, nếu rẽ trái tôi chỉ cần đi thẳng một mạch cho đến khi gặp một ngã ba thì rẽ trái lần nữa là về đến nhà. Thế nhưng thời ấy tôi hay thích rẽ phải, làm một vòng xa hơn xuyên qua con đường rợp bóng sầu đông đó rồi mới men theo bờ tường đầy cỏ dại và muống biển chạy dọc con đường vắng vẻ sau lưng tu viện Thánh Phaolô để về nhà. Tuổi học sinh đa phần cảm nhận dòng trôi của thời gian thông qua các kỳ thi và những tháng hè, nhưng với tôi, tôi lại cảm thấy rõ nhất sự cuộn chảy của thời gian thông qua bóng rợp của hàng cây sầu đông rọi xuống bờ dậu những ngôi nhà nhỏ, những khoảnh sân và những vườn rau nằm im lặng trên con đường mình tan học về… Đường-sầu-đông (tôi đặt tên cho nó như vậy) rực rỡ hoa tím vào mùa xuân, rợp bóng mát mùa hè và trơ cành trụi lá vào mùa đông.
Những năm trung học của tôi chiếm đến quá 2/3 thập niên 1970 – một thập niên với đầy rẫy những đổi thay và biến cố lớn của lịch sử đất nước. Thế nhưng, hằn lại trong trí nhớ tôi lại chỉ là ký ức về những mùa đông, đặc biệt là mùa đông của những năm cuối thập niên 1970: giá lạnh, buồn bã và tuyền một màu xám tro. Từ năm 1977, bóng ma của đói rét và thiếu thốn thời hậu chiến bắt đầu xuất hiện, chờn vờn trong tâm trí mọi người, phả hơi thở tăm tối của nó vào mọi ngôi nhà, mọi gia đình. Chế độ tem phiếu, những dòng người xếp hàng dài dằng dặc trong gió bấc, cúp điện, bo bo sắn lát thay cơm… Bạn bè cùng lớp, bạn bè cùng trường, bạn bè cùng phố, đứa nào mặt mũi cũng vêu vao vì đói, và thỉnh thoảng trong đám đó lại biến mất một đứa với những lý do không rõ, nhưng bọn chúng tôi ai cũng thầm hiểu: đứa đó hẳn đã theo gia đình vượt biên. Rồi những đồn thổi. Rồi những vụ bắt bớ. Rồi những ly tán và những cuộc mít tinh. Một cô giáo trường tôi bị buộc nghỉ dạy, bị réo tên trong buổi chào cờ đầu tuần vì có chồng dính líu tới một tổ chức chính trị. Không khí nặng nề bao trùm lên lũ học trò chúng tôi, bao trùm lên cả không khí trên sân trường, trong lớp học, trừ những thoáng chúng tôi quên đi được nhờ vào những trò vui, trò bốc đồng thuần túy do khí chất của tuổi mới lớn. Riêng tôi, tôi nhớ ngày ấy mình đã không ngừng lầm bầm rủa xả giá rét, rủa xả mùa đông sao lại có thể buồn đến thế và dài đến thế!... Và một trong những buổi chiều mùa đông dài thăm thẳm đại loại như vậy (có lẽ là năm tôi học lớp 11), không nhớ rằng tôi đã đi đâu về, trên con-đường-sầu-đông đầy những cây cành trụi lá xương xẩu in hình trên nền trời xám ngoét, lần đầu tiên trong đời tôi đã được nghe Sombre Dimanche.
Thoạt đầu tôi ngỡ là gió - gió mùa đông lạnh căm đang rền rĩ thổi qua những rặng sầu đông trơ trụi, tiếng xào xạc của đám lá chết trên đường, tiếng của ảo giác khi ta đói quay đói quắt… Nhưng không phải, mơ hồ nghe như có tiếng thở than. Tôi dừng lại bên bờ dậu căn nhà nhỏ bên đường rồi đột ngột nhận ra tiếng nhạc. Lúc rõ ràng lúc lại nhòe đi vì gió bạt, một giai điệu đồng ca như tiếng cầu kinh trên nền những hợp âm dương cầm buồn bã, “Sombre dimanche les bras tout chargés de fleurs”, hòa cùng tiếng than vãn của clarinet, giọng nữ trầm rời rạc và tăm tối cất lên một giai điệu ảo não... Cho đến bây giờ, đã trôi qua biết bao nhiêu là năm là tháng, tôi vẫn nhớ rõ như in cái cảm giác như vừa bị thụi cho một quả vào tim, như vừa có một cái gì đó tan vỡ trong lồng ngực. Tôi vịn tay vào tường rào, và dù biết làm như vậy là hơi tọc mạch, nhưng không kìm được, tôi nhìn chăm chăm vào căn nhà mà từ đó tiếng nhạc phát ra, có lẽ từ một chiếc máy hát cũ, những lời ca u ám, “je suis resté tout seul et j'ai pleuré”, và nhìn thấy bên khung cửa sổ, “je mourrai un dimanche”, một thiếu phụ đang đứng bên song mắt đăm đắm dõi ra đường, “sombre dimanche, sombre dimanche…”. Đó là một quả phụ của chiến tranh, một người mẹ mong con hay một người vợ đang mong chồng biền biệt phương xa? Bà ta có nhìn thấy tôi không? Tôi không biết. Bài hát đã kết thúc lúc nào? Tôi cũng không nhớ. Hình như tôi còn đứng lại một lúc lâu bên bờ dậu căn nhà trên đường-sầu-đông đó, cả khi máy hát đã chuyển sang một bài hát khác. “Sombre dimanche, sombre dimanche…”. Trên đường về tôi nghe trái tim mình trĩu nặng, ánh mắt tuyệt vọng của người thiếu phụ cùng giai điệu đầy ám ảnh của bài hát mà lời ca tôi chỉ nghe được lỏm bỏm đôi câu và không hiểu được hết ý nghĩa sẽ còn đi theo tôi rất lâu, rất lâu…
Nhưng có gì bí ẩn không trong cái giai điệu và tiết tấu đều đều đến đơn điệu của Sombre Dimanche? Có gì mới lạ không trong cái thủ pháp mô tiến trần trụi và nặng nề của Sombre Dimanche? Sức hút ma mị của bài hát đến từ đâu? Hay chỉ vì bài hát đã đến với tôi vào đúng lúc lòng tôi đang ảo não, cuộc sống quanh tôi đang trì đọng và trùng trùng bế tắt? Mãi nhiều năm về sau khi thông tin rộng mở, có điều kiện tìm hiểu, tôi mới được biết khúc sầu ca của Rezso Seress này - còn có mệnh danh là “Le morceau suicidaire hongrois”, từng khiến biết bao nam thanh nữ tú nghe xong rồi dẫn nhau quyên sinh - hóa ra được viết bên bờ vực của chiến tranh, trên cái nền tan hoang của cuộc khủng hoảng kinh tế Châu Âu. Cái thế giới đói khát và đầy âu lo của những năm 1935-1936 đó, giống gì không với tâm cảm của tôi vào cái buổi chiều mùa đông xa xôi khi tôi nghe Sombre Dimanche - không phải với ý thức thưởng lãm một khúc tuyệt tình ca của lứa đôi mà là một khúc ai ca cho thân phận con người và cho chính tuổi trẻ của tôi – tuổi trẻ của một thế hệ đã sớm mất mát? Người ta bảo có những người yêu nhau sau khi nghe Sombre Dimanche đã gieo mình xuống dòng Danube. Tôi chẳng mấy tin vào những huyền thoại phố phường kiểu như vậy, tuy nhiên, hình như Sombre Dimanche đã cắt đôi tuổi học trò của tôi ra làm hai nửa, trước và sau khi nghe ca khúc này: nửa trước hồn nhiên, trong sáng - nửa sau chớm già nua và sớm pha mùi chán chường.
Cuộc đời tôi sau này còn rất nhiều những dịp khác nhau được nghe Sombre Dimanche, nhưng mãi mãi là như vậy, khi những dòng thanh âm tăm tối của bài hát cất lên, tôi lại thấy tôi ở cái ngày mười bảy tuổi xanh xao năm xưa đứng bên bờ dậu căn nhà xa lạ bất chợt nhìn ra những niềm thống khổ bất tận của con người được phong kín trong đôi mắt tuyệt vọng của người thiếu phụ đang đứng một mình – chỉ một mình và mang nặng một mình – với bài ca ảo não Sombre Dimanche.@
Note: Khoảng năm 1989, tôi quen thân với một nhà sưu tập đĩa hát. Khi nghe tôi kể về ca khúc này, anh đã khẳng định version tôi được nghe năm xưa chắc chắn là do ca sĩ Damia thể hiện, được ghi âm từ năm 1936. Anh lấy ra một bộ đĩa đôi do hãng Pathé in lại sau này có tên “Damia – Un Souvenir” và mở cho tôi nghe thử. Đúng là bài hát đó.
Sombre Dimanche... Les bras tout chargés de fleurs
Je suis entré dans notre chambre le cœur las
Car je savais déjà que tu ne viendrais pas
Et j'ai chanté des mots d'amour et de douleur
Je suis resté tout seul et j'ai pleuré tout bas
En écoutant hurler la plainte des frimas...
Sombre Dimanche...
Je mourrai un dimanche où j'aurai trop souffert
Alors tu reviendras, mais je serai parti
Des cierges brûleront comme un ardent espoir
Et pour toi, sans effort, mes yeux seront ouverts
N'aie pas peur, mon amour, s'ils ne peuvent te voir
Ils te diront que je t'aimais plus que ma vie
Sombre Dimanche...
Ảnh: Mlle A (La Bokoff)
Ảnh: Mlle A (La Bokoff)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét