Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

Sứ mệnh thật sự của một nghệ sĩ là cái quái gì?

 
Sau cùng thì sứ mệnh và cứu cánh thật sự của một nghệ sĩ là cái quái gì? Đôi lúc chạnh lòng tôi vẫn thường băn khoăn tự hỏi mình như vậy khi được nghe ở đâu đó những tuyên bố rổn rảng nhân danh đủ các loại nghệ thuật ở trên đời của những-nhân-vật-của-công-chúng. Trong cái chợ văn nghệ nhiễu loạn, đầy hỏa mù, giả chân lẫn lộn và hoàn toàn mất phương hướng như hôm nay, làm nghệ thuật là một khó khăn và đặc biệt thách thức để có thể kiên định giữ vững được cho riêng mình một con đường…
 
Hôm rồi, đọc truyện ngắn của nhà văn Trung Hoa (có cái tên khá xa lạ: An Dũng) trong một tuyển tập, bất ngờ và thú vị bởi cách đặt vấn đề của ông về sứ mệnh và cứu cánh của người nghệ sĩ, tôi cứ thích thú ngồi ngẫm nghĩ xa gần mãi. Ướm thử truyện vào mình, vào người, vào anh A, vào chị Z, rồi lại tủm tỉm cười. Than ôi, tôi ngờ rằng nền văn nghệ chúng ta đang có, đang tung hô, đa phần khởi xuất từ mục đích như chàng A Mộc trong truyện, chỉ có điều, không có được một phần nhỏ cái công, cái tâm như chàng ta. Chỉ mới võ vẽ vo ve đã vội muốn… ra đường! (TTS)

 

 

 

 

Quá trình

 
Một thằng ngốc ở phố bắc Thạch Thành tên là A Mộc. Sau một buổi sáng tinh mơ tỉnh dậy, trong lòng cậu đột nhiên có một lý tưởng lạ hoắc không biết ai bày cho - Cậu dự định ra phố làm một người ăn xin.
 
Mười tám năm trước, luôn luôn có người hỏi A Mộc một câu giống nhau: “Lý tưởng của cậu là gì?”, hoặc: “Sau này, cậu làm việc gì?”. Câu trả lời mọi lần của A Mộc đều giống nhau: Trợn mắt lên, rồi cười nhăn nhở ngốc nghếch. Thế là, mọi người bèn cho rằng A Mộc là một thằng ngốc. Mấy ngày trước, trong một đêm, cha mẹ cậu từ trần cả đôi, trong người cậu không có một xu dính túi, không thể không nghĩ đến vấn đề sinh kế. Rất tự nhiên, A Mộc nghĩ đến chuyện đi ăn xin.
 
Nhưng cách nghĩ này nghĩ kỹ lại cũng có những điểm khó, A Mộc không muốn vô nguyên vô cớ mà chìa tay ra xin người khác. Cậu nghĩ, tối thiểu ta cũng phải giống những người ăn xin diễn tấu nhạc cụ cơ! Thế thì, phải diễn tấu nhạc cụ gì đây? Trời mà biết tại sao, đầu tiên cậu ta nghĩ đến lại là nhị. Song, trong nhà cậu đâu có nhị. Vậy thì ra tay làm một cái đi! Cách nghĩ này thật đáng cười, bởi vì cậu không biết phương pháp chế tác nhị. Thế là, cậu đến một công xưởng chế tạo nhạc cụ làm việc, học tập thục mạng cách làm các loại nhạc cụ, đặc biệt là nhị mà cậu chuẩn bị sử dụng.
 
Sau 5 năm, cậu trở thành một kỹ sư chế tạo nhạc cụ có kỹ thuật tốt nhất của cả công xưởng này. Một buổi sáng tinh mơ, A Mộc nói với xưởng trưởng: “Cảm ơn ngài đã chiếu cố tôi trong mấy năm qua, tôi cần ra đi rồi!”. Xưởng trưởng hỏi cậu muốn đi đâu, cậu cười nói: “Tôi muốn về nhà, làm một cây nhị của mình, sau đó ra phố đi ăn xin!”.
 
A Mộc rất hài lòng thỏa chí từ chức công tác tại công xưởng, đồng thời rất nhanh làm ra một cây nhị rất xinh đẹp. Nhưng, khi cậu cầm cây nhị được chế tác tinh xảo trên tay, lúc ấy mới đột nhiên phát hiện ra, thì ra mình còn chưa biết diễn tấu một bản nhạc dành riêng cho nhạc cụ này. Khi chế tác đàn ở trong công xưởng, chỉ cần phân biệt rõ âm giai là được.
 
Xem ra, cách xa ngày đi ăn xin còn một khoảng thời gian nữa! Cậu dùng tiền kiếm được trong thời gian làm việc ở công xưởng, đi khắp nơi thỉnh cầu các nhà diễn tấu nhị, khiêm tốn học tập kỹ xảo diễn tấu của họ. Khát vọng trong lòng đã khơi dậy toàn bộ nhiệt tình của cậu, cậu vô cùng khắc khổ học hành. Chỉ có một điều làm cho cậu cảm thấy kỳ lạ là, mỗi khi cậu trả lời câu hỏi rằng: Cậu học kéo nhị là muốn ra đường phố ăn xin, thì mọi người đều cảm thấy vô cùng kinh ngạc.
 
Trong những ngày học kéo nhị, có lúc A Mộc nghĩ, chỉ có nhị liệu có thể khiến cho mọi người cảm thấy đơn điệu không? Thế là, cậu đồng thời học mấy chục loại nhạc cụ khác như: tiêu, địch, kèn… Sau đó, cậu lại nghĩ, chỉ có biểu diễn nhạc cụ dân tộc thì hầu như chưa đủ. Như vậy là, cậu lại học tập mấy chục loại nhạc cụ phương Tây như: dương cầm, phong cầm, vĩ cầm…
 
Học tất cả những nhạc cụ ấy đã ngốn đi của cậu thời gian ba mươi năm. Trong ba mươi năm, chỉ cần vừa mở mắt ra, là cậu bắt đầu diễn tấu đi diễn tấu lại nhiều lần các loại nhạc cụ của cậu. Nhằm chế tác và mua sắm những nhạc cụ ấy, cậu bán mất cả nhà cửa, chỉ ở trong một cái lều rách nát, lại tiếp tục tìm rất nhiều công việc để làm.
 
Một buổi sáng tinh mơ sau ba mươi năm, A Mộc cho rằng, cuối cùng mình có thể hoàn toàn an tâm đắc ý đi ra đường phố ăn xin rồi.
 
Cậu và nhạc cụ của cậu cùng đón ánh sáng mặt trời, bước khỏi cổng nhà, ra đến đường phố lớn. Cuối cùng, cậu đứng ở cổng lớn Nhạc viện của thành phố Đá. Sau khi nhìn xung quanh một lượt, A Mộc bắt đầu triển khai giá nhạc và tư thế, diễn tấu khúc nhạc dành riêng cho nhị.
 
Tiếp theo, cậu còn biến hóa kiểu thức diễn tấu mấy loại nhạc cụ khác mang theo bên mình. Đúng lúc cậu ngẩng cao đầu, chuẩn bị tiếp nhận những đồng tiền lẻ của khách qua đường, cậu nhìn thấy chung quanh không biết từ lúc nào đã đứng rất nhiều người, mọi người đều nhìn cậu với ánh mắt kinh ngạc.
 
Cậu vẫn còn chưa biết, những khán giả vừa rồi còn xem diễn xuất trong Nhạc viện, bây giờ đã vây quanh cậu. Bao gồm cả những nhạc công nổi tiếng diễn tấu trong Nhạc viện, cũng bước đến, kinh ngạc nhìn cậu. A Mộc cảm thấy rất kỳ quái, trong đám đông người vây quanh xem, mà không có một người nào cho cậu tiền, măc dầu chỉ là một đồng xu cạch.
 
A Mộc vốn là một người không thích tìm hiểu người khác, cậu chỉ chú ý đến mình, diễn tấu hết bản nhạc này đến bản nhạc khác của mình. Diễn tấu hết những nhạc cụ mang theo bên mình, lại có người đưa đến cho cậu thứ nhạc cụ khác. Bất luận là nhạc cụ nào, A Mộc cũng diễn tấu một bản nhạc rất chi là thục luyện. Sau khi âm nhạc kết thúc, mọi người nhiệt liệt vỗ tay. A Mộc cười cười đáp lại những tràng pháo tay, chờ đợi một lát, lại không thấy một người nào có ý định cho tiền, cậu đành phải lách khỏi đám đông, trở về ngôi lều rách nát, nơi tạm trú của mình.
 
Ngày hôm sau, báo chí toàn thành phố đều đăng một bản tin kinh người: Một chàng trai thần bí ngẫu hứng diễn tấu trước cửa Nhạc viện, điều khiến mọi người kinh ngạc bàn tán là cơ hồ anh ta tinh thông mọi loại nhạc cụ mà con người có thể nghĩ ra. Tuy nhiên, không một người nào biết tên anh ta, nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, anh ta là một nhà diễn tấu vĩ đại nhất của thế kỷ này. Cũng đúng vào lúc ấy, A Mộc đang nằm khoèo trong ngôi lều rách nát của mình, nhìn chăm chú, nhìn một cách xuất thần những hạt bụi từ trên nóc lều rơi xuống. Cậu không hiểu rõ, vì làm sao những người ấy nghe nhạc xong, còn vỗ tay, mà trái lại không chịu cho cậu tiền chứ?
Vũ Phong Tạo dịch
 
Ảnh: Từ tranh "Danseurs et musicien" (Pablo Picasso)
 
 
 


Không có nhận xét nào: