Thứ Hai, 15 tháng 2, 2016

Những cuộc rượu...

 
Một trong những lần hiếm hoi được ngồi đối ẩm với dịch giả Phạm Viêm Phương, lúc ngà ngà say và vui chuyện – vẫn cái cách xưng hô ông-ông-tôi-tôi kiểu của anh, dù tôi nhỏ thua anh cả chục tuổi - anh bảo tôi: “Ông biết không, cái ngày tôi bất chợt nhận biết được thế nào là một ly rượu ngon, tôi mới sực nhớ ra rằng cả một quãng thời gian dài trước đó, mình đã phá hoại không biết bao nhiêu là mỹ tửu của cuộc đời…”, anh nói về rượu bằng cái giọng người ta hay dùng để nói về tuổi trẻ hay về thời gian, về những hoài phí và nông nổi mà người ta thường mắc phải khi còn trẻ, còn thiếu kinh nghiệm, dù theo như tôi biết, Phạm Viêm Phương chưa bao giờ là một con sâu rượu!...

Con người thường lưu giữ ký ức khá sâu đậm về những thứ đại loại như mối tình đầu tiên hay nụ hôn đầu đời của mình, thế nhưng dường như chẳng mấy ai nhớ được ngụm rượu đầu tiên, ly rượu đầu tiên mình uống là vào lúc nào, khi mình bao tuổi, và ly rượu được gọi là đầu tiên đó đã mang đến cho mình cảm xúc ra sao? Có lẽ tôi nằm trong số đông chẳng-mấy-ai-nhớ-được đó, tôi thực sự chẳng có kỷ niệm sâu sắc nào về ly rượu đầu tiên của mình. Nó có thể là ngụm whisky cay xè như thuốc đắng mà thuở bé có lần tôi uống trộm thử của bố tôi; cũng có thể nó là ngụm rượu chanh ngọt gắt khó chịu từ chai rượu quốc doanh mẹ tôi được mua để tiếp khách theo tiêu chuẩn Tết thời bao cấp; hay cũng có thể đó là những ly rượu cồn thực phẩm rẻ tiền được gọi chung là rượu “hương brandy, hương rivalet” uống dọc theo những đám giỗ tiệc ở nhà họ hàng, bè bạn… thời đất nước còn chìm trong nền kinh tế đóng cửa tự cung tự cấp!... Tất cả những ly rượu đó hình như đều đắng ngắt như nhau, và tôi đã nhăn nhó như “Phan Thanh Giản uống thuốc độc” mụ mị thực hiện hành trình phá-hoại-mỹ-tửu-của-cuộc-đời mà dịch giả Phạm Viêm Phương có lần đã nói đùa như kể ở trên.

Rồi tôi tập tễnh bước vào con đường hoạt động âm nhạc, tập tễnh bước vào sân chơi rộng lớn và phức tạp hơn của cuộc đời, được tiếp xúc với vô số những nhân vật lớn-nhỏ, vô số những kiểu người của thế giới nghệ thuật thật giả lẫn lộn, mà đa phần thường gặp gỡ nhau qua “những chén rượu giang hồ”. Rồi chẳng nhớ từ khi nào tôi cũng biết uống rượu, cũng dần dà biết cách cảm nhận ngon dở cái thứ chất lỏng đầy cay đắng đó. Thông qua rượu, tôi đã được gặp nhiều người thầy, nhiều đàn anh và rất nhiều bạn bè bằng hữu; có những người dù chỉ lướt ngang đời sống tôi, ngồi cạnh tôi một lần, uống với tôi chỉ vài ba cốc rượu, nhưng cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ về họ với sự quý mến và trân trọng. Nhưng cũng qua rượu, tôi đã gặp không ít những con người bị rượu lộn trái, những ngụy trá bị rượu lật mặt, những bóng bẩy bề ngoài bị rượu xé tung ra, và vô số những chiếc bóng mờ của cái từng-là-một-con-người nhưng nay đã bị rượu tàn phá! Nhiều người cho rằng rượu là một thứ thuốc thử tốt nhất để phần nào có thể biết được tính cách, nhân cách cũng như cốt cách của một con người. Rượu là thánh thủy mà cũng là độc dược, một kiểu Janus hai mặt, của sự bắt đầu và cũng là của kết thúc.
 
Tôi không thích phán xét ai qua rượu. Mà thật ra cũng chẳng ai có cái quyền phán xét ấy. Tuy vậy, tôi nghĩ chúng ta có quyền được thích uống rượu với một vài con người nào đó. Một vài. Tôi nghĩ vậy.
 
Dằng dặc đời tôi chẳng thể nhớ nổi đã có bao nhiêu cuộc rượu, “chén rượu giang hồ”; bao nhiêu anh em bằng hữu thân thiết cũng như sơ giao trong và ngoài giới mà tôi đã từng được kề vai chạm cốc; có người mất, có người còn, có người biền biệt ngoài chân trời xa, cũng có người tuy còn đó nhưng giờ đây chỉ còn là chiếc bóng của chính mình ngày xưa… Người ta bảo tình bạn nảy sinh qua chén rượu sẽ mau chóng phai tàn như hơi men, như một cơn say. Có thật như vậy chăng? Tôi chẳng biết… Nhưng có những chiều như buổi chiều đầu xuân này, ngồi một mình trước ly rượu nhỏ, ký ức bỗng trả về tôi không biết bao nhiêu là kỷ niệm…
 
Tôi sẽ nhớ mãi cuộc rượu trong đêm giao thừa dương lịch một năm nào đó xa lắc của tuổi trẻ ngông nghênh. Sau khi ngồi giám khảo một cuộc thi văn nghệ sinh viên - Thảo Linh (con trai vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Lang - Trương Tuyết Mai), Trần Minh Phi và tôi - không hẹn trước nhưng đã nổi hứng kéo nhau đi rong suốt đêm khắp phố xá Sài Gòn. Đổ tràn bia tiễn năm cũ trên một quán cóc vỉa hè; uống Corona đón giao thừa trong một bar rượu, nốc tequila để khoe với nhau những ý tưởng mới hứa hẹn cho những sáng tác mới; rồi lại lang thang trên phố khuya Sài Gòn trước khi ghé vào đập cửa một quán rượu khác, tiếp tục với vô thiên lủng rượu rhum và gọi cà phê cho ngày sắp rạng…
 
Tôi sẽ nhớ mãi những cốc rượu gừng cay xè uống tại nhà người bạn vong niên lập dị N.T.M. Nhớ những khúc sonata Prokofiev cuồng điên vang lên trong căn nhà nhỏ trên vùng đồi đất đỏ miền Đông giữa đêm giông bão, nhớ những nốt false trên cây đàn dương cầm cũ và vị rượu gừng bừng bừng như những chùm nghịch âm xốc vào tận óc… Ở đó, lần đầu tiên tôi được chạm mặt với nỗi cô đơn điên khùng của một kẻ độc hành trên con đường sáng tạo không có đích đến. N.T.M. giờ đã về đến cõi nào?
 
Tôi cũng sẽ nhớ không quên những cốc bia với bạn bè tôi từng gặp gỡ tại quán Trống Đồng L.Q.Đ. quá vãng – cái quán mà thi thoảng trong giấc mơ tôi vẫn thấy mình quay về chạm cốc với chính mình thời tuổi trẻ, chạm cốc với những bóng ma của khát vọng cũ, bạn bè cũ, những khúc nhạc cũ, những cuốn sách cũ và cả những bài thơ cũ… Hỡi những Vũ Ngọc Giao, Lã Văn Cường, Nguyễn Thái Dương, Nguyễn Tấn Cứ, Nguyễn Hữu Huy Nhựt… những người khách “của muôn năm cũ”! Có thực đã từng có một cái quán tên gọi là Trống Đồng L.Q.Đ?

Và sẽ không quên những ly whisky uống với người bạn thâm giao Vũ Đức Đạt trong quán ăn quen trên dốc Trương Công Định Đà Lạt cùng Vĩnh Hương – vợ tôi vào mỗi dịp giáng sinh hàng năm. Bàn ăn luôn được người bạn họa sĩ phố núi gọi đặt sẵn ngoài terrace bên vỉa hè gió hút, chúng tôi sẽ đến vào trước nửa đêm, để sưởi ấm, vợ tôi sẽ vui vẻ gọi trước món súp bí đỏ yêu thích quen thuộc của nàng, còn tôi và chàng họa sĩ sẽ nhấm nháp chai whisky tôi mang từ Sài Gòn lên, cùng im lặng ngắm phố khuya Đà Lạt đông cứng trong buốt giá tháng 12, cùng chờ món ăn cho bữa réveillon được mang lên… Đó là những ly rượu hạnh phúc nhất của đời tôi!
 
“Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch, duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh” (*) Còn nhiều nữa những cuộc rượu với những con người mà tôi sẽ nhớ không quên. Chiều nay, một mình ngồi với ly rượu nhỏ, bỗng muốn một lần được chạm cốc với tất cả những ai cuộc đời đã từng cho tôi được hội ngộ bên “những chén rượu giang hồ”. Xin phép được cạn chén mừng sức khỏe và đặc biệt mừng cho cuộc đời sầu u nhưng xiết đỗi hân hoan này vẫn cứ tiếp diễn mà chẳng vì nguyên cớ, lý do gì!...@
Tháng 2.2016
Trần Thanh Sơn

(*) “Thánh hiền xưa nay đều bặt tiếng, chỉ có kẻ uống rượu được lưu danh” - Tương tiến tửu (Lý Bạch)
 
Ảnh trên: Ly rượu màu đỏ (Trịnh Công Sơn)
 



Không có nhận xét nào: