Giuseppe
Ungaretti (1888-1970) được xem là một trong những nhà thơ đã có những đóng góp nổi bật
cho nền văn chương Ý thế kỷ 20, đồng thời cũng là nhà thơ hiện đại có tầm ảnh
hưởng sâu rộng đến nhiều thế hệ nhà thơ Ý nói riêng và phương Tây nói chung (1). Thơ Ungaretti, đặc biệt ở thời kỳ đầu, thường dựa trên trực giác đột khởi, diễn
đạt những ánh chớp lóe của nội tâm, những mặc khải đầy minh triết về cuộc đấu
tranh dai dẳng và khốc liệt của con người nhằm khẳng định sự tồn tại của mình trước hư vô. Ngắn, mãnh liệt và chói lòa như một đốn ngộ, một số thơ của Ungaretti rất khó dịch sang ngôn ngữ khác, thậm chí có bài nhiều dịch giả còn cho là bất-khả-dịch. Ở Việt
Nam, thơ Ungaretti nhìn chung còn ít được phổ biến và chưa được nhiều người biết
đến (2), dù rằng ông là nhà thơ được Allen Ginsberg xem là thi sĩ lớn nhất của châu Âu hiện đại (3).
Trong các sáng
tác của Ungaretti có một bài thơ cực ngắn
chỉ gồm 7 âm tiết nhưng là bài thơ nổi tiếng và được nhiều người biết đến nhất hiện nay ở Ý, thậm chí bài thơ còn được đại chúng hóa bằng cách in lên áo pull để bán cho du khách, đó là bài Mattino (Buổi sáng).
Nguyên bản tiếng Ý:
Mattino
M'illumino
d'immenso.
Bản dịch sang tiếng Pháp:
Matin
Je m'illumine
d'immensité.
Bản dịch Việt ngữ:
Buổi sáng
Tôi tự thắp mình
với mênh mông.
Theo Clive Wilmer, trong một bài bình Tuyển tập thơ Ungaretti do Andrew Frisardi dịch sang tiếng Anh (Farrar, Straus and Giroux 2004) (4), với số lượng cực
ít từ ngữ nhưng ẩn tàng sự tinh tế vô cùng trong sắc thái, "Mattina" luôn là một thách
thức rất lớn cho mọi người dịch. Cũng giống như hầu
hết các bài-thơ-chiến-tranh trong tuyển tập đầu tiên của Ungaretti: “L'Allegria”, “Mattino” được
viết trong các chiến hào đầy máu của Thế chiến thứ nhất và được xuất bản ngay
sau khi chiến tranh kết thúc với tên gọi ban đầu là "Cielo e mare"
(Trời và biển) cùng ghi chú cụ thể: Trieste, ngày 26.1.1917.
Chính tên gọi đầu tiên cùng ghi chú này đã phần nào giúp định hướng giải thích nội dung của bài thơ, đó là sự cảm nhận ánh sáng rực rỡ một ngày mới của người lính thi sĩ Ungaretti vừa sống sót qua một đêm (hay cả ngàn đêm) trong máu lửa chiến tranh, đứng trước cái mênh mông vô tận của đất trời, đón nhận khoảnh khắc được chiếu sáng (và tỏa sáng) giữa bao la như một giác ngộ tâm linh, một phép lạ vượt lên trên bao “xương trắng máu hồng”, bao tanh hôi buồn thảm của kiếp người! Cũng theo Clive Wilmer phân tích, dạng động từ phản thân “m'illumino” trong bài thơ - khá chuẩn và rõ nghĩa trong tiếng Ý - lại gây khó khăn cho người dịch lẫn người đọc ở ngôn ngữ khác, vì nó không hẳn là “tôi tự thắp sáng bản thân mình” hay “tôi đang được chiếu sáng”, mà là đâu đó không thể xác quyết được giữa hai trạng thái ấy! Đồng thời, trong nguyên bản, các nguyên âm mở lặp đi lặp lại đã gợi nên tâm trạng băn khoăn tự hỏi, gợi khoảnh khắc giao thời khi ánh sáng của một ngày mới vừa bắt đầu bừng lên tràn ngập bầu trời; khi được dịch sang ngôn ngữ khác ngoài tiếng Ý, những khơi gợi đầy bí ẩn này không còn nữa!
Chính tên gọi đầu tiên cùng ghi chú này đã phần nào giúp định hướng giải thích nội dung của bài thơ, đó là sự cảm nhận ánh sáng rực rỡ một ngày mới của người lính thi sĩ Ungaretti vừa sống sót qua một đêm (hay cả ngàn đêm) trong máu lửa chiến tranh, đứng trước cái mênh mông vô tận của đất trời, đón nhận khoảnh khắc được chiếu sáng (và tỏa sáng) giữa bao la như một giác ngộ tâm linh, một phép lạ vượt lên trên bao “xương trắng máu hồng”, bao tanh hôi buồn thảm của kiếp người! Cũng theo Clive Wilmer phân tích, dạng động từ phản thân “m'illumino” trong bài thơ - khá chuẩn và rõ nghĩa trong tiếng Ý - lại gây khó khăn cho người dịch lẫn người đọc ở ngôn ngữ khác, vì nó không hẳn là “tôi tự thắp sáng bản thân mình” hay “tôi đang được chiếu sáng”, mà là đâu đó không thể xác quyết được giữa hai trạng thái ấy! Đồng thời, trong nguyên bản, các nguyên âm mở lặp đi lặp lại đã gợi nên tâm trạng băn khoăn tự hỏi, gợi khoảnh khắc giao thời khi ánh sáng của một ngày mới vừa bắt đầu bừng lên tràn ngập bầu trời; khi được dịch sang ngôn ngữ khác ngoài tiếng Ý, những khơi gợi đầy bí ẩn này không còn nữa!
Bỏ qua tất cả những khó chịu của chuyện dịch-là-giết, bài thơ ngắn chỉ
mấy âm tiết này vẫn chứa đựng trong nó sức nặng và chiều sâu thăm thẳm những suy
tư bất tận về cuộc sống. Con người phải làm gì để khẳng định sự tồn tại và chống trả lại
hư vô luôn chập chùng vây bủa? Lựa chọn theo như Ungaretti là: Hãy tự thắp sáng mình!
Trần Thanh Sơn (2.2016)
(1) Sinh thời
nhà thơ Thanh Tâm Tuyền cũng rất yêu thích Ungaretti. Trên đầu bài thơ “Bài nhớ thi sĩ”,
ThanhTâm Tuyền đã viết đề từ: “Nhớ Già Ung (tức Ungaretti), Gửi Mai Thảo”.
(2) Tôi đã dùng
google lướt thử trên mạng, kết quả chỉ tìm được khoảng trên 30 bài thơ ngắn chủ
yếu do dịch giả Vũ Ngọc Thăng dịch, 11 bài do nhà thơ Diễm Châu dịch, một vài
bài khác do Trần Trung Đạo, Trần Mộng Tú và Nguyễn Hoài dịch.
(3) Giuseppe Ungaretti, http://www.tienve.org/home/authors
(3) Clive Wilmer, Hard to live, The Guardian, 31 May 2003
(3) Giuseppe Ungaretti, http://www.tienve.org/home/authors
(3) Clive Wilmer, Hard to live, The Guardian, 31 May 2003
Note: Cũng với
tinh thần chống trả lại hư vô đang chập chùng vây bủa đó, cùng thời với Giuseppe Ungaretti, Salvatore Quasimodo - một nhà
thơ Ý nổi tiếng khác (Nobel Văn chương 1959) cũng có một bài haiku tuyệt vời:
Ognuno
sta solo sul cuor della terra
trafitto
da un raggio di sole:
ed e
subito sera.
Chacun
reste seul sur le cœur de la terre
Transpercé
par un rayon de soleil
et
c’est déjà le soir.
Mỗi
người đứng cô đơn trên trái tim trái đất
lòng xuyên ngang một tia nắng mặt trời
nhưng chưa chi chiều đã tắt.
Tôi thích bài haiku này ghê gớm, đến độ đã từng dùng bài thơ này làm chủ đề chính cho một sáng tác khí nhạc của mình: "Rhapsody on a haiku by Salvatore Quasimodo for symphony orchestra".(TTS)
Ảnh trên: Burning Giraffe (Salvador Dali)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét