Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2016

Xiếc rong và mộng giang hồ

 
 
Sáng nay có gánh xiếc rong đến dựng rạp trên mảnh đất trống cạnh khu dân cư mới xây gần nơi tôi ở. Gánh xiếc có kết hợp hội chợ, bán vé lô tô cùng các trò ném banh, quăng vòng cổ vịt, phóng phi tiêu trúng thưởng... Ngồi quán cà phê đầu ngõ nghe tiếng loa quảng cáo ậm ọe ngoài đường, thấy lũ trẻ réo nhau chạy ra chạy vào mè nheo đòi bố mẹ tối đến đưa chúng đi xem xiếc, bỗng ùa về giăng mắc trong tôi không biết bao nhiêu là kỷ niệm…

Thuở ấu thời có đứa nhóc nào không mê xiếc, không từng háo hức chạy theo sau những chiếc xe lam dán affiche xanh đỏ phát tờ rơi quảng cáo cho các gánh xiếc rong? Có đứa nhóc nào không từng sà vào những đám sơn-đông-mãi-võ trên đường tan học xem múa võ, làm trò ảo thuật đến quên cả giờ về? Đặc biệt, thời học trò của tôi ngày ấy còn mê mệt với tiểu thuyết “Sans famille” của Hector Malot, với gánh xiếc rong của cụ Vitalis, với khỉ Joli-Cœur, chó Capi, Zerbino… và những chuyến phiêu du trên khắp các nẻo đường nước Pháp của Rémi – nhân vật chính trong truyện. Thế nên, chẳng gì hấp dẫn và đáng mê hoặc đối với lũ trẻ chúng tôi cho bằng những gánh xiếc rong!
 
Thời tiểu học tôi có một đứa bạn thân, vừa học chung lớp, vừa ở gần nhà, tên T. Ở trường, tôi và T. là hai đứa học sinh luôn theo sát và quyết liệt so kè nhau về thứ hạng nhất nhì trong lớp. Khi T đứng đầu lớp tháng này, thì ắt hẳn vị trí thứ nhì sẽ thuộc về tôi, và ngược lại khi tôi nhất lớp thì người đứng nhì sẽ không phải là ai khác ngoài T. Dù ganh đua vậy nhưng hai chúng tôi vẫn là một đôi bạn thân, rất thân nữa là đằng khác. Chúng tôi chia sẻ với nhau tất cả mọi thứ, mọi trò chơi, mọi cuốn truyện tranh, mọi chuyện vui buồn của con nít, và thậm chí - mọi cái bánh, mọi thỏi chocolate mà mỗi đứa có được, nên đương nhiên, trong sự chia sẻ đó có niềm say mê dành cho những gánh xiếc. 
 
Với T, không chỉ thích xiếc mà nó còn muốn trở thành một diễn viên xiếc. Không biết bao lần T ngã bưu đầu sứt trán vì bắt chước đứng thăng bằng trên ván đặt trên chai lăn, bầm dập hết cả người vì trò hề xiếc nhào lộn với bàn, với ghế… Đọc “Sans famille”, T nảy sinh ý định tập luyện cho con chó Toto béo ị, lười biếng và ngu đần của nó làm xiếc. Tôi nhớ mình đã cười bò ra khi chứng kiến cảnh con chó ngốc nghếch của T tập tha các đồ vật được ném đi về lại cho chủ. Toto nằm ì thây không chịu nhúc nhích mặc cho T ném banh, ném vỏ bao thuốc lá và hò hét la mắng đủ kiểu. Tôi đề nghị: “Phải kiếm cục xương mà ném thì mới lôi cuốn được sự chú ý của Toto”. Lời khuyên của tôi quả là hiệu nghiệm! Nhưng thay vì mang cục xương về cho T, Toto gặm lấy cục xương và biến mất lập tức vào bụi chuối sau vườn!...
 
Tôi thích xiếc nhưng chẳng bao giờ mơ mình sẽ trở thành diễn viên xiếc. Đối với tôi, có lẽ điều hấp dẫn nhất của một gánh xiếc rong là việc nó cứ luôn luôn được... xê dịch! Không chỉ đơn thuần mang đến những diễn trò tuyệt thú, mà quan trọng cả, gánh xiếc rong còn ẩn dấu trong lòng nó hơi thở của sự phiêu bạt, của mộng giang hồ và bất tận những chuyến viễn du vào bất tận những miền rong chơi vô định...
 
Gánh xiếc mới đến dựng rạp trên bãi cát cạnh đồi phi lao của thị xã ngày đó có những trò rất độc đáo như đu dây bắn cung vào hồng tâm, đứng thăng bằng trên chồng ghế một chân… T mê lăn mê lóc đoàn xiếc này. Một chiều tan học về T đột ngột ngỏ ý với tôi: “Mày có dám bỏ nhà đi theo gánh xiếc với tao không?”. Tuy bất ngờ trước đề nghị đó, nhưng ở cái tuổi chưa biết trời đất trước sau gì, lại đang sẵn mộng mị về những chuyện phiêu lưu, tôi chỉ ngần ngừ một thoáng rồi lập tức gật đầu đồng ý. T bảo tôi: “Mày về bí mật gói sẵn mấy bộ quần áo. Đợi sáng mốt khi đoàn dời đi, mình sẽ xin họ đi theo”. Nghe T, tôi về nhà chuẩn bị mọi thứ đúng như lời nó dặn, cẩn thận hơn, tôi đã đập heo đất mang theo tất cả số tiền it ỏi mình dành dụm được. Nhưng… đó là một kinh nghiệm "rất đỗi đau thương” và "rất đỗi ê chề”! Đám người của gánh xiếc nhìn hai đứa chúng tôi như… người Sao Hỏa. Họ cười lăn cười lóc rồi mắng: “Biến về nhà ngay mấy thằng nhãi ranh, bộ muốn ba mẹ mấy đứa đi thưa lính bắt tụi này vì tội bắt cóc con nít hả?”.
 
Vậy nhưng T và tôi vẫn chưa nguôi niềm say mê với xiếc cũng như với những giấc mộng giang hồ. Hai đứa vẫn dõi theo những đoàn xiếc rong thi thoảng đến rồi đi khỏi thị xã, nhìn những bánh xe cuốn bụi mịt mù mà mơ mòng nghĩ đến những cuộc phiêu du...
 
Chuyến giang hồ lần thứ hai của chúng tôi được lên kế hoạch tỉ mỉ hơn. Tôi và T chuẩn bị mọi thứ từ cả nửa tháng trước: để dành toàn bộ tiền quà vặt của mỗi đứa, bí mật cất giấu và đóng gói thực phẩm mang theo, sửa soạn các đồ cá nhân cần thiết…  Trước ngày lên đường, kiểm lại chúng tôi dành dụm được khoảng trên 200 đồng, một gói lớn bánh mì khô, mấy hộp biscuits ăn dở, 2 nửa thỏi bơ, phô mai, nửa lọ mứt dâu, mấy thỏi chocolate và một mớ kẹo nougat, kẹo trái cây đủ chủng loại… Theo tính toán của T, số thực phẩm này đủ cho chúng tôi ăn được… ba ngày! Còn sau đó, mặc kệ! Dồn tất cả vào hai cái ba lô nhỏ loại dành cho hướng đạo sinh, chúng tôi chọn sáng Chủ nhật (nói dối bố mẹ xin phép đến nhà bạn chơi) để lên đường.
 
Nhưng đi đâu? Chẳng biết nữa! Chỉ mơ hồ nghĩ là rời khỏi nhà, đi đến những chân trời vô định, sống cuộc sống phiêu bạt giang hồ như những nhân vật chúng tôi thường đọc thấy trong sách! Khởi hành, tôi và T cứ dọc theo bờ biển mà đi. Hăm hở băng qua những bãi tắm đông người sáng Chủ nhật, băng qua những khu làng chài tanh rình mùi cá ươn, ngang những cánh rừng phi lao, những đồi cát với rào kẽm gai rỉ sét đầy những biển cảnh báo “Nguy hiểm có mìn” của một khu quân sự hoang phế nào đó, băng qua những bãi cát trắng lóa dần thưa vắng dấu chân người… Đi, đi mãi! 
 
Chỉ đến gần trưa, khi bắt đầu thấm mệt, tôi và T mới dừng lại bên sườn đồi cát, chọn một gốc phi lao lớn có bóng mát để ngồi nghỉ chân và ăn trưa. Khẩu phần ăn trưa ít ỏi do T quy định chẳng giúp chúng tôi no bụng! Ăn xong, dù còn đói meo, hai đứa nằm dài trên cát thiu thiu ngủ… Tôi không biết mình thiếp đi được bao lâu, nhưng khi tỉnh dậy, tôi thấy T đang ngồi bó gối chăm chăm nhìn ra phía biển. Biển trưa thẳm xanh đến chóng mặt và vắng tịnh không một bóng thuyền, bóng người, chỉ có tiếng sóng đều đều không dứt, tiếng rặng phi lao u u rền rĩ trong gió và tiếng rì rào của cát chạy, tiếng bước chân của đám dã tràng... Ở đây cách nhà bao xa rồi? Hốt nhiên dấy lên trong lòng tôi một cái gì như là nỗi buồn, nỗi lo lắng và sợ hãi vu vơ... Tôi trở dậy bần thần đến ngồi cạnh T. "Không ngủ hả?", tôi hỏi nó. T ậm ừ không trả lời, mặt buồn thiu. Vẻ hăm hở lúc sáng của nó đã biến mất. Tôi và T im lặng ngồi cạnh nhau rất lâu. “Giờ sao đây?”, tôi lại hỏi, T vẫn chỉ ậm ừ mà không trả lời. Tôi chờ T bảo tiếp tục lên đường, nhưng không thấy nó nói gì cả. Sự hào hứng với chuyến phiêu lưu trong lòng tôi đến giờ phút đó không hiểu sao bỗng hóa nhạt phèo, thâm tâm tôi bất giác chỉ muốn quay về, nhưng vì tự ái, tôi không muốn nói ra điều đó. Mà T, dường như nó cũng nghĩ như tôi vậy!
 
Hai đứa cứ tiếp tục ngồi im lặng như thế cho đến khi - chẳng hiểu từ đâu - một cơn gió mạnh bất ngờ thổi ập đến, rừng phi lao gào lên, cát biển bay tung mịt mù. Như được cởi trói, giải thoát khỏi sự giam cầm của tính sĩ diện đầy khó chịu, tôi và T cùng mừng rỡ ào đứng dậy vồ lấy ba lô rời khỏi sườn đồi ngập gió cát và tiếng rền thảm thiết của bầy phi lao. Rồi chẳng hẹn, cả hai đứa cùng đồng loạt chạy dọc theo bờ biển về đúng cái hướng mà từ đó lúc sáng cả hai đã “từ bỏ ra đi”! T vừa chạy vừa gào tướng lên: “Ma… ma đó!...”, rồi cười như nắc nẻ, theo sau T là tôi cũng vừa chạy vừa cười vừa gào lên bai bải: “Ma, ma, ma…”. Hiện nguyên hình là hai thằng nhóc con hỉ mũi chưa sạch, tập sự giang hồ phiêu bạt với chuyến bỏ nhà đi hoang chỉ kéo dài gần nửa ngày trời! Tôi và T sau đó đã ngồi lại bên bờ biển lộng gió chiều chén sạch số bánh kẹo làm lương thực cho chuyến đi trước khi “trở về mái nhà xưa”!
 
Và than ôi, sự thất bại của chuyến giang hồ cỏn đầu tiên trong đời đó dường như cũng báo hiệu cho cả cuộc đời tôi cũng chỉ tuyền những chuyến giang hồ vặt nhuốm đầy mùi thất bại. “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/ Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”!(*). Quẩn quanh với đời sống đô thị, giam mình an toàn trong bốn bức tường của lối sống thị dân; nghe, nhìn, đọc, viết và hít thở cũng bằng không khí thị dân, chút mộng giang hồ thuở ban sơ nghiệm ra cũng chẳng còn gì! Dù vậy, thi thoảng trong giấc mơ tôi lại thấy mình sửa soạn hành trang cho một chuyến đi dài đến những miền xa, đến những vùng đất chưa có người đặt chân mà thuở ấu thời mình từng khao khát; trong mơ tôi thấy mình trẻ lại, tóc xanh mắt sáng và tim đầy nhiệt huyết, sẵn sàng phá vỡ mọi quy tắc, lật đổ mọi truyền thống mở riêng cho mình một con đường để đi, và tôi hăng hái xốc ba lô lên tiếp tục cuộc hành trình mà mình từng bỏ dở…
 
T – đứa bạn mê xiếc của tôi ngày xưa mất tích trong những ngày tao loạn tháng 3.1975. Trong cơn hoảng loạn di tản, chúng tôi đã không có dịp được chia tay nhau. Sáng nay khi nghe quảng cáo có gánh xiếc rong đến dựng rạp diễn gần nhà, bao kỷ niệm ấu thời gắn liền với người bạn mê xiếc năm xưa cũng ào ạt tràn về. Dưới bóng mát những tàng cây xanh của quán cà phê sáng chập chờn hoa nắng như vườn nhà tôi ngày cũ, tôi như vẫn nhìn thấy cái dáng cao gầy của T đang biểu diễn cho tôi xem trò xiếc cà kheo, ánh mắt lấp lánh một niềm hân hoan khó tả... Hỡi ôi, chàng-Arlequin-bạn-tôi-ngày-xưa giờ đây phiêu bạt trời nào?
Tháng 3.2016
Trần Thanh Sơn
 
(*) Thơ Phạm Hữu Quang
Ảnh: Circus Horse (Joan Miro)
 


Không có nhận xét nào: