Có lẽ cũng đến gần 30 mươi năm rồi tôi không nghe lại bản concerto mà ngày xưa mình vốn yêu thích này. Những tìm tòi phá cách, những khai phá đầy tính tiền phong trong các tác phẩm thời kỳ đầu của Prokofiev đặc biệt lôi cuốn tôi. Concerto No.2 soạn cho dương cầm và dàn nhạc của ông là một trong những tác phẩm tôi thường thích thú nghe đi nghe lại trên chiếc máy hát đĩa 33 tour cũ mèm của mình với bản ghi âm của Nicole Henriot-Schweitzer, Charles Munch chỉ huy Boston Symphony Orchestra – bản ghi âm duy nhất lúc đó tôi có. Tuy không phải là một bản ghi âm xuất sắc (gần đây nghe lại concerto qua diễn tấu của các dương cầm thủ khác tôi mới nhận ra điều đó), dù vậy, âm nhạc Prokofiev qua phím đàn Nicole Henriot ngày ấy vẫn tạo ra những cơn địa chấn dữ dội trong tâm hồn tôi. Ghi lại dấu ấn của bản nhạc này với tôi là một đoản thi viết năm 1986, nằm trong tập "Ngôn ngữ ngày thường" được sáng tác trong cùng một năm. Xin đăng tải lên đây. (TTS)
Ảnh: The pianist (Richard Rizzo)
Trong khi nghe Concerto No.2
soạn cho dương cầm và dàn nhạc của Prokofiev
Anh nghe thấy tiếng rít của loài rắn đêm
Quăng mình đi dưới trăng
Nhịp nhàng - như tiếng máu
Những vệt sáng hình cầu
Của vòm trời một đêm ảm đạm tháng mười hai
Như gương mặt người xưa
Đằm mình trong ao tù kỷ niệm
Làn môi cỏ non
Xanh rợn màu thuốc độc
Cháy sáng lửa lân tinh
Suốt đêm trường hoang tưởng
…Tiếng hú đứt đoạn của người đàn bà mộng du vừa lao mình ra cửa sổ
Là cơn buồn lớn dậy
Người đàn ông chơi vĩ cầm òa khóc
Dưới vòm cây
Những khối vuông trí nhớ
Tăng theo cấp số nhân
Đổ sụp giữa nền hiện tại
Hãy phân thân nụ cười
Và vuốt ve ta bằng chính ta
Lời an ủi muộn
Em yêu dấu!
Nội tâm là một bóng ma
Sâu thẳm.
Trần Thanh Sơn (1986)
Trần Thanh Sơn (1986)
Note 1: Piano Concerto No.2 của Prokofiev có một số phận khá kỳ dị. Viết năm 1913 để tưởng niệm một người bạn vừa tự sát, bản concerto đã được công diễn trong sự phản ứng kịch liệt của đa số khán giả vì cho rằng âm nhạc của nó quá chói tai, quá vị lai. Tổng phổ nguyên thủy của bản nhạc sau đó bị tiêu hủy bởi một đám cháy diễn ra trong Cách mạng Nga (1917), Prokofiev đã phải viết lại và sửa đổi đáng kể bản concerto này vào năm 1923.
Note 2: Trong các bản ghi âm Piano Concerto No.2 của Prokofiev nghe gần đây, tôi đặc biệt thích thú với tiếng đàn của nữ dương cầm thủ Vương Vũ Giai (Yuja Wang). Không có được sự dày dặn, chiều sâu nội tâm và "tâm hồn Nga" kiểu như Nikolai Petrov hay Nikolai Demidenko khi thể hiện tác phẩm này, nhưng thế mạnh của cô lại là tuổi trẻ. Sự cuồng nhiệt, sôi nổi, rực lửa, đầy mâu thuẫn với vẻ duyên dáng nhuốm màu sắc bi ai trong ngón đàn của Vương Vũ Giai (đặc biệt ở đoạn Cadenza dài thăm thẳm đầy thách thức) khiến bản concerto của Prokofiev bỗng khoác lên một sắc diện mới, nhiều ám ảnh hơn nhưng đồng thời cũng nhiều bi thảm hơn. Hình như chỉ có thần đồng Evgeny Kissin thời trẻ từng thấp thoáng làm được điều đó! (TTS)
Note 2: Trong các bản ghi âm Piano Concerto No.2 của Prokofiev nghe gần đây, tôi đặc biệt thích thú với tiếng đàn của nữ dương cầm thủ Vương Vũ Giai (Yuja Wang). Không có được sự dày dặn, chiều sâu nội tâm và "tâm hồn Nga" kiểu như Nikolai Petrov hay Nikolai Demidenko khi thể hiện tác phẩm này, nhưng thế mạnh của cô lại là tuổi trẻ. Sự cuồng nhiệt, sôi nổi, rực lửa, đầy mâu thuẫn với vẻ duyên dáng nhuốm màu sắc bi ai trong ngón đàn của Vương Vũ Giai (đặc biệt ở đoạn Cadenza dài thăm thẳm đầy thách thức) khiến bản concerto của Prokofiev bỗng khoác lên một sắc diện mới, nhiều ám ảnh hơn nhưng đồng thời cũng nhiều bi thảm hơn. Hình như chỉ có thần đồng Evgeny Kissin thời trẻ từng thấp thoáng làm được điều đó! (TTS)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét