Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

Cái chết của nghệ sĩ và (...)

 
Đêm rồi tình cờ đọc được bài viết “Cái chết của nghệ sĩ và sự ra đời của doanh nhân sáng tạo” trên trang mạng Book Hunter Club qua bản dịch Việt ngữ của Đỗ Tường Linh. Theo tìm hiểu, đây là bài viết được William Deresiewicz đăng trên The Atlantic từ tháng 12.2014 và từng làm dấy lên khá nhiều tranh luận ủng hộ cũng như phản bác trên báo chí và các trang mạng truyền thông. Tham gia giảng dạy tiếng Anh và các khóa luận về tiểu thuyết hiện đại Anh tại Đại học Yale,  Deresiewicz còn là một cây viết tiểu luận, một nhà phê bình văn học sắc sảo; đa số các bài báo của ông có vẻ ít nhiều đều mang đến những phản ứng trái chiều như bài báo đang được đề cập.


“Cái chết của nghệ sĩ..." là một ghi chép khái lược về những thay đổi của vai trò người nghệ sĩ trong nhiều thế kỷ qua - từ hình ảnh là những "nghệ nhân cần cù", đến những "thiên tài cô độc", và gần đây nhất là những "chuyên gia được công nhận" - tác giả phân tích bối cảnh, nguyên nhân, quan hệ, cách thức làm việc, cách thức đánh giá người nghệ sĩ qua các thời kỳ lịch sử, "cách họ nghĩ về chính mình và cách người khác nghĩ về họ", đặc biệt là trong thời hiện tại, thời của những thay đổi với sự tái tôn sùng chủ nghĩa sản xuất (producerism), thời của internet, của ngôn ngữ Facebook “like” và “unlike”, thời của dân chủ hóa khiếu thẩm mỹ, dân chủ hóa thị hiếu, dân chủ hóa “sáng tạo”, best-seller và doanh số bán hàng… Với cách lập luận tuy ít nhiều mang màu sắc chủ quan và luôn ẩn dấu đâu đó một nụ cười mỉa mai, cay nghiệt, bài viết đã vẽ nên một viễn tượng xám xịt cho nền nghệ thuật đương đại, gióng lên hồi chuông báo tử cho cái chết của người nghệ sĩ trong ý nghĩa truyền thống, dấu chấm hết cho những sáng tạo thuộc về thứ nghệ thuật mà tác giả cho rằng đó mới chính là thứ nghệ thuật "thật sự lớn, thật sự cao quý", đồng thời loan báo sự ra đời của thời đại những "doanh nhân sáng tạo", hay nói trắng ra: thời của những con buôn nghệ thuật!
 
Nhận xét một cách mỉa mai: "Thật khó có thể tin rằng, sự thay đổi mới này sẽ không có lợi cho những tác phẩm an toàn: quen thuộc hơn, mang tính công thức, thân thiện với người xem, dễ làm hài lòng - giống giải trí nhiều hơn là giống nghệ thuật. Nghệ sĩ chắc chắn sẽ dành nhiều thời gian hơn để quan sát, cố gắng tìm hiểu xem khách hàng muốn gì chứ không phải bản thân họ đang muốn nói gì…”, William Deresiewicz than thở: “Trong thời đại của nghệ nhân, sự đánh giá là công việc của nhà bảo trợ. Trong thời đại của người chuyên nghiệp, nó là công việc của nhà phê bình, của người chuộng mỹ thuật hay những trí thức được đào tạo chuyên nghiệp. Trong thời đại của thiên tài, hay cũng là thời đại của những thứ tiên phong (avant-garde), của những năng lượng thực nghiệm to lớn vượt qua nghệ thuật, nó là công việc của chính bản thân những nghệ sĩ. Wordsworth đã nói: ‘Mỗi một nhà văn vĩ đại và độc đáo phải tự mình tạo nên khiếu thẩm mỹ để mọi người thưởng thức’. Nhưng giờ chúng ta đã tới thời đại của khách hàng, những người luôn đúng…”, “Sự dân chủ hoá thị hiếu, được cổ xuý bởi trang web xảy ra cùng lúc với sự dân chủ hoá của sáng tạo... Mọi người dường như đều mơ mộng trở thành một nhà văn, một nhạc sĩ, một nghệ sĩ thị giác”... 
 
Rồi đi đến kết luận đầy cay đắng: “­Khi tác phẩm nghệ thuật trở thành hàng hoá và không hơn, khi mọi nỗ lực (đều) trở nên ‘sáng tạo’ và mỗi người (đều) là ‘một người sáng tạo’, thì nghệ thuật trở lại thành thủ công và nghệ sĩ trở lại thành nghệ nhân - một từ mà ít nhất, trong trạng thái tính từ của nó, lại một lần nữa trở nên phổ biến. Dưa muối thủ công (artisanal), thơ thủ công: cuối cùng sự khác biệt là gì? Vậy là bản thân ‘nghệ thuật’ có thể biến mất: nghệ thuật như ‘Nghệ thuật’, một thứ cao quý xưa cũ. Tuy nhiên, điều này cũng không có gì phải thương tiếc, trừ phi như tôi, (và) bạn nghĩ rằng chúng ta cần một nguồn sống cho nội tâm của mình”.
Trần Thanh Sơn (3.2016)
 
Note 1: Bài viết của William Deresiewicz khá dài nhưng thật sự đáng đọc và suy ngẫm. Đây là link toàn bộ bài viết cho những ai quan tâm: http://bookhunterclub.com/cai-chet-cua-nghe-si-va-su-ra-doi-cua-doanh-nhan-sang-tao/
 
Note 2: Bất giác nghĩ đến câu nói của nhà soạn nhạc Arnold Schoenberg: “Nếu đó là nghệ thuật, nó không phải để dành cho tất cả, và nếu nó là dành cho tất cả, nó không phải là nghệ thuật” (If it is art, it is not for all, and if is it for all, it is not art). Thật như thế chăng? Nên như thế chăng?
 
Ảnh: Sentimentl Colloquy (Salvador Dali) 


Không có nhận xét nào: