Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

Lời chúc phúc của mẹ

 
Năm 1984, để có tiền đi học, tôi xin vào làm việc cho một tổ hợp hóa dược nhỏ ở Dakao. Đó là một chỗ làm việc khá lạ lùng. Tôi nói khá lạ lùng bởi đội ngũ người lao động ở đấy hầu hết đều là những sĩ quan của chế độ cũ vừa từ các trại học tập cải tạo được tha về. Tôi không rõ đây là "tiêu chí nhân công" của tổ hợp hay chỉ đơn thuần do mối quan hệ quen biết sẵn có – do chủ nhân của cơ sở hóa dược này, chồng của cô họ tôi – vốn là dược sĩ và cũng là một sĩ quan của quân đội VNCH từ trại cải tạo trở về. Và như vậy, ở cái chốn làm việc khá lạ lùng đó, hình như chỉ duy nhất có mỗi mình tôi là nhỏ tuổi nhất, một thằng nhóc ‘chưa ráo máu đầu’, chưa từng biết đến những nỗi sầu bi oan khốc của chiến tranh và của cuộc đời.
 
Những công-nhân-cựu-sĩ-quan này, họ thường ít nói, không thích tâm sự, chỉ lặng lẽ làm việc với một vẻ ẩn nhẫn kỳ lạ và rất hiếm khi tôi nhìn thấy họ cười. Thoảng hoặc, khi có gì vui lắm tôi mới thấy họ hé lộ đôi chút cảm xúc, nhưng cũng chỉ là nét cười thoáng qua, gượng gạo, thậm chí méo mó và nhuốm chút gì khinh bạc, xa vắng. Cũng phải gần hai tháng làm việc tôi mới dần dà hội nhập vào được cái cộng đồng cư dân kỳ lạ gồm toàn các cựu sĩ quan mà cấp bậc cao nhất là trung tá và thấp nhất là trung úy này. Đồng thời, tôi cũng đã chọn kết thân với một cựu trung úy còn khá trẻ, tên là P.
 
Trong những giờ giải lao hay những lúc rảnh rỗi ít việc, tôi thường sán lại trò chuyện tào lao với anh P., rủ anh cùng đi ăn trưa hoặc uống cà phê cóc ở vỉa hè đầu đường. Tôi phát hiện anh P. vui tính và hay chuyện hơn là tôi tưởng, dù rằng câu chuyện của chúng tôi thường chỉ quẩn quanh dăm ba tin tức chó-cán-xe thường ngày trên báo chí, chuyện nắng mưa hay đôi khi là những kỷ niệm bâng quơ về cái thời anh còn trong quân ngũ. Nhiều hơn cả là chuyện tiếu lâm! Có vẻ như anh không thích nói chuyện buồn.
 
Thế nhưng, một lần cùng ca trực đêm với anh, trên đà tâm sự, tôi không nhớ rõ căn nguyên câu chuyện đến từ đâu, anh bỗng buột miệng đọc cho tôi nghe một bài thơ ngắn, rồi bảo, bài thơ này anh nhận được khi vừa chuyển đến trại cải tạo Long Giao được khoảng vài tháng. Đó là một bài thơ không có tựa đề, chỉ gồm mấy khổ ngắn, nội dung là lời một người mẹ trẻ viết cho đứa con vừa mới chào đời của mình.

Bồng con trên tay nhỏ
Nhìn đất trời vô vi
Trao cho con, này trần gian muôn thuở
Trao cho con, đây là phút bắt đầu...

Lời thơ tặng con, cầu phúc cho con, nhưng nghe ra cũng là những lời phủ dụ để chính bản thân người mẹ dũng cảm vượt qua những đớn đau, ngăn cách, chia lìa:

Này là mộng là hoa
Này dẹp bỏ ưu phiền
Nên dù đất trời gió bụi
Mẹ không phàn nàn đời người kiếp truân chuyên...

Có thể nói bài thơ đã mang đến cho tôi rất nhiều cảm xúc. Qua lời kể rời rạc không đầu đũa của anh P., chắp nối lại, tôi đoán chừng đó là thơ của vợ (hoặc người yêu) của anh chép trong lá thư báo tin cho biết là cô đã sinh con, một mình vượt cạn mà không có người yêu thương nhất của mình bên cạnh. Người phụ nữ  - tác giả bài thơ ấy, mấy năm sau đã bế con theo gia đình vượt biên rồi hoàn toàn mất liên lạc với anh. Khi mãn hạn cải tạo trở về, P. đã thử liên hệ tìm kiếm rất nhiều nhưng không có kết quả. Đó là một câu chuyện buồn, và có lẽ là câu chuyện buồn duy nhất giữa toàn những chuyện hí lộng mà tôi thường được nghe từ miệng chàng trung úy vui tính thốt ra…  
 
Tôi thích bài thơ nên hỏi tên tác giả và xin anh chép lại cho. Nhưng P. từ chối, như thể anh bỗng hối hận vì đã để lộ ra bài thơ mà anh định chỉ để riêng mình biết. Anh miễn cưỡng đọc cho tôi nghe bài thơ thêm một lần nữa, rồi bảo, cậu chỉ cần biết đó là thơ của “N”. Bằng trí nhớ tôi chép lại gần đúng được mỗi một khổ thơ đầu, còn lại chỉ là những ý, câu được câu mất mà tôi cố gắng tái hiện bằng trí nhớ khá tệ hại của mình. Vài tháng sau đó, tôi soạn một ca khúc phỏng theo bài thơ và đặt tên là “Lời chúc phúc của mẹ”, dự định khi hoàn chỉnh sẽ hát cho anh nghe thử. Nhưng tôi đã không thực hiện được điều này. P. bảo xin nghỉ việc vài tuần về quê thu xếp công việc rồi sẽ trở lại, nhưng rồi anh đi luôn, biệt vô tăm tích!
 
Gần hai chục năm sau bài hát mới được tôi mang ra ghi âm với giọng ca Trần Thu Hà. Le lói đâu đó trong tôi chút hy vọng rằng anh (hay người năm cũ của anh) sẽ nghe thấy ca khúc này, nhận ra dáng dấp bài thơ ngày nọ và sẽ tìm cách liên hệ với tôi. Nhưng hoàn toàn không, anh và người phụ nữ tên “N” (nếu có thật) vẫn cứ mãi mù khơi, không dấu tích. Đôi khi tôi tự hỏi mình, chẳng lẽ tác giả bài thơ đã giúp tôi viết nên ca khúc “Lời chúc phúc của mẹ” sẽ cứ mãi mãi bị khuất lấp dưới cái tên viết tắt vô diện như một chỉ số lạnh lùng: Nhạc: Trần Thanh Sơn - Ý thơ của “N”?
Tháng 4.2016
Trần Thanh Sơn
 
 


Ảnh: Maternity (Joan Miro) 
 
 


Không có nhận xét nào: