Là một trong những họa sĩ được ngưỡng phục nhất trong lịch sử nghệ thuật hiện đại, Paul Klee (1879-1940) còn được xem là một nhà điều sắc vĩ đại có những khám phá sâu sắc nhất về lý thuyết hòa sắc. Dù luôn được gắn với chủ nghĩa biểu hiện, với lập thể, vị lai, siêu thực và trừu tượng, nhưng tranh của Klee rất khó phân loại, nếu không muốn nói là nằm ngoài mọi định nghĩa. Với một tinh thần sáng tạo vô hạn, ông trải nghiệm các xu hướng nghệ thuật mới theo cách hoàn toàn riêng của mình.
Vốn là thành viên của một gia đình có truyền thống âm nhạc, cha là giáo viên dạy nhạc, mẹ là ca sĩ, thuở thiếu thời Klee từng được cha mẹ định hướng đi vào con đường âm nhạc. Dù không mấy thích thú với con đường mà cha mẹ
đã chọn cho mình, ông vẫn là một vĩ cầm thủ trẻ tuổi nhiều hứa hẹn, được mời
làm thành viên của Hiệp hội âm nhạc Bern khi chỉ mới tròn 11 tuổi. Vì vậy, trong sâu xa, tranh của Klee luôn là những giấc mơ mang đầy tính thơ ca, đặc biệt rất giàu nhạc tính và nhịp điệu. Cơ cấu khúc triết, mạch lạc của âm nhạc cổ điển đã ảnh hưởng mạnh mẽ vào hội hoạ của ông. Nhà thơ Rainer Maria Rilke từng viết về Klee: "Thậm chí cả khi bạn không nói với tôi rằng ông từng chơi vĩ cầm, tôi vẫn có thể đoán, trong rất nhiều trường hợp, các bức tranh của ông đã được chuyển soạn từ âm nhạc". Cho nên, chẳng có gì ngạc nhiên khi nhiều người thưởng ngoạn cho rằng có thể “nghe thấy” âm nhạc trong tranh của ông, và có thể cũng vì lẽ đó, Paul Klee là họa sĩ duy nhất có họa phẩm được nhiều nhà soạn nhạc hiện đại trên khắp thế giới “phổ nhạc” nhất tính cho đến nay!
Tác phẩm âm nhạc có niên biểu sớm nhất dựa trên tranh Klee là “Tres pinturas de Paul Klee” của nhà soạn nhạc Argentina: Roberto Garcia Morillo (1944), viết cho dương cầm, dàn dây, timpani và bộ gõ, cảm hứng từ 3 họa phẩm: Cosmic Composition, Luna Llena và Spirals. Tiếp sau đó là Khúc phóng túng cho 2 dương cầm và dàn dây “Hommage à Paul Klee” của nhà soạn nhạc người Thụy Sỹ Sandor Veress (1951). Kế tiếp nữa là “The World of Paul Klee” của David Diamond (1958), “Seven Studies on Themes of Paul Klee” của Gunther Schuller (1959), “Five Klee-Pictures” của Peter Maxwell Davies (1962), và v.v… Từ Hans Werner Henze đến Edison Denisov; từ Harrison Birtwistle đến Krzysztof Penderecki; những François Bayle, Georges Aperghis, Giselher Klebe… của phương Tây đến Đàm Thuẫn, Unsuk Chin… của phương Đông, những tên tuổi lớn của âm nhạc hiện đại thế giới, dường như mỗi người đều có ít nhất một sáng tác có cảm hứng dựa trên tranh của Paul Klee!
Có cảm giác sự liên đới và quyện chặt vào nhau của đường nét, mầu sắc, kết cấu, hình dạng và hướng lực trong tranh của Klee đã tạo cho tranh một hấp lực bí ẩn đối với người thưởng lãm. Nhà phê bình nghệ thuật Will Grohmann từng nói: “Toán học và mộng mơ, thị giác và nhạc tính, con người và vũ trụ, đó là tất cả những gì hội tụ trong tranh của Paul Klee”. Không thể đo lường hết thi tứ và phạm vi những tác động trực quan khơi gợi cảm hứng sáng tạo mà các họa phẩm của Klee mang lại, nhưng rõ ràng, bản danh sách những nhạc phẩm được viết trên nền cảm hứng từ tranh của ông trong tương lai có lẽ sẽ còn tiếp tục được nối dài.
Marcel Duchamp có lần xác quyết rằng các sáng tác của Paul Klee được nhiều nghệ sĩ khác xem như là cơ sở cho những sáng tạo mới trong các lĩnh vực khác nhau nhất. Với trên dưới 9.000 tác phẩm để lại cho đời, Paul Klee đã thực sự tạo ra một ảnh hưởng vô cùng sâu xa về lý thuyết cũng như thực hành trong sáng tạo nghệ thuật của thế kỷ 20. Với thế kỷ 21, hình như hiệu-ứng-Paul-Klee vẫn đang được tiếp tục.
Tháng 4.2016
Trần Thanh Sơn
Note 1: Thật lạ lùng và đáng buồn là trong bộ sưu tập trên 5.000 CD nhạc giao hưởng các tác giả thế kỷ XX của tôi hoàn toàn chẳng có một đĩa nào của Roberto Garcia Morillo cả! Tìm thử trên amazon cũng chẳng thấy gì, trừ một CD Morillo được ghi âm chung với Ernst Toch! Đã vậy còn có tên “First Edition” 2014 (Ernst Toch: Peter Pan - Roberto Garcia Morillo: Variaciones Olympicas, Op.24 - The Louisville Orchestra, Robert Whitney).
Note 2: Các nhạc phẩm dựa trên tranh Klee của các nhà soạn nhạc nêu trên, phổ biến nhất có lẽ là “Hommage à Paul Klee” của Veress; tôi thích bản ghi âm do Heinz Holliger cầm đũa cùng hai dương cầm thủ Andras Schiff và Denes Varjon hơn cả. “The World of Paul Klee” của Diamond thì nghe hơi giả tạo, như đa phần âm nhạc của nhà soạn nhạc này, chẳng còn thấy tinh thần của Klee đâu cả. Tuyệt hơn hết (với tôi!) có lẽ là “Seven Studies” của Schuller: cô đọng, lung linh, nghe được cả cái tinh thần đôi khi pha lẫn chút humor trong tranh của Klee. Cũng dựa trên các họa phẩm của ông, Partita soạn cho harpsichord và dàn nhạc của Penderecki với những cộng hưởng âm thanh lạ lùng, tinh tế và giàu biểu cảm - đặc thù của trường phái Ba Lan - lại là một chiều kích mới trong cách nhìn và cảm thụ cái đẹp mà thế giới của Klee mang lại.
Note 3: Có một dạo tôi vô cùng thích thú với bài thơ ngắn của Apollinaire: “Je souhaite dans ma maison/ Une femme ayant sa raison/ Un chat passant parmi les livres/ Des amis en toute saison…”. Thuở bé nhà tôi có nhiều sách và cũng nuôi nhiều mèo. Niềm vui ngày ấy của tôi là được nằm dài trên sofa đọc sách với một con mèo lười quanh quẩn dưới chân. Qua Apollinaire, tôi bắt đầu tập mộng mị về ngôi nhà tương lai của mình, cũng ước được sống với “một người phụ nữ biết điều, một chú mèo lượn lờ bên những cuốn sách, với đám bạn bè vui vẻ quanh năm”, và trong ngôi nhà mộng tưởng đó của tôi, còn phải có thêm một vài phiên bản Paul Klee mà tôi vốn yêu thích. Sau bao phiêu dạt, sụp đổ, khốn cùng, rồi tôi cũng có được một ngôi nhà nhỏ như mình hằng ao ước, có những cuốn sách, có tranh phiên bản của Klee và người phụ nữ mà mình rất mực yêu quý… Nhưng hỡi ôi, đám-bạn-bè-vui-vẻ-quanh-năm thì giờ đây đã thất tán tứ phương; vợ và con gái lại dị ứng với lông mèo, thế nên giấc mộng “Un chat passant parmi les livres/ Des amis en toute saison” xem như... tan thành mây khói! Đôi khi ngồi một mình ngắm phiên bản bức “Quả bóng đỏ” của Klee treo trên tường nhà, tôi thường tự an ủi mình: Có giấc mộng nào là hoàn hảo đâu? Bóng đỏ ơi! Dừng lại ở tầm đó là vừa với mi rồi!... (TTS)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét