Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Ông đang đẩy tôi xuống vực thẳm nào vậy?

 
Nghe lại Tứ tấu đàn dây No.8 cung Đô thứ của Shostakovich. Là một trong những tác phẩm thời-kỳ-ngăn-kéo đầy đau đớn dằn vặt của Shostakovich và cũng là tác phẩm mà nhạc sĩ cho biết ông viết để tưởng niệm chính mình, bản tứ tấu nhỏ gọn với năm hành âm được diễn tấu liên tục có độ dài chưa đến 20 phút nhưng chất chứa trong nó hơi thở u ám về những đau thương mất mát bi thảm nhất mà chiến tranh và chế độ độc tài toàn trị có thể mang đến cho tâm hồn một con người.

Như một bảng pha màu nhưng chỉ nhằm phản ánh các sắc thái khác nhau của chỉ một màu đen, bản tứ tấu này trong mỗi lần nghe luôn đưa tôi đến những vùng vực thẳm khác nhau của tâm hồn, mà ở đó là chốn cư ngụ điêu linh của những hồn ma thời tuổi trẻ, những niềm tin đã chết, những khát vọng chỉ còn là tiếng vang của ảo mộng, những điều ta muôn đời bị bắt phải dấu kín. Nếu một nhà soạn nhạc có thể nói được những gì mình muốn nói thành lời, anh ta sẽ không bận tâm gắng để nói nó trong âm nhạc, hình như có lần Shostakovich đã phát biểu như vậy. Thế nên, nghe Tứ tấu đàn dây No.8 của ông nhưng phải luôn dặn mình đừng gào lên: “Shostakovich! Ông đang đẩy tôi xuống vực thẳm nào vậy?”.
Trần Thanh Sơn (8.2016)



Note 1: Shostakovich có vài phát biểu khá thú vị về quá trình sáng tạo âm nhạc, xin được đăng tải kèm theo đây để cùng tham khảo:

“Mỗi nhạc phẩm phải là một hình thức biểu hiện cá nhân đối với người sáng tạo ra nó... Nếu một tác phẩm âm nhạc không thể hiện được quan điểm và tư tưởng của riêng cá nhân người nhạc sĩ, theo tôi, nhạc phẩm đó thậm chí còn không xứng đáng được sinh ra”.
“Một nhạc phẩm vĩ đại là nhạc phẩm sẽ vẫn tuyệt mỹ bất kể nó được diễn tấu như thế nào. Một dạo khúc (Prelude) hoặc một tẩu khúc (Fugue) bất kỳ nào của Bach đều có thể chơi ở mọi tốc độ, có hoặc không có sắc thái nhịp điệu mà vẫn cứ là một nhạc khúc tuyệt vời. Âm nhạc nên được viết ra theo kiểu như vậy, để không một ai, cho dù là người ít học, có thể làm hỏng nó”.
 
Note 2: Nhà soạn nhạc yêu thích nhất của tôi đến giờ phút này có lẽ vẫn là Igor Stravinsky, thế nên tôi khá bất ngờ và... cảm thấy bất mãn (!) trước câu phát biểu này của Shostakovich: “Stravinsky nhà soạn nhạc tôi tôn thờ. Stravinsky nhà tư tưởng tôi xem thường” (sic).
 
 
String Quartet No.8, in C Minor, Op.110 (Kronos String Quartet)



Ảnh: Drawings from Drawers (Tomasz Zcichowski)

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2016

Nỗi chết luôn bắt đầu quanh ta…

 
 
Mọi người đều bắt đầu chết vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời trước khi thực-sự-chết, hay như tác giả Nam Hoa nói, trước khi thực sự “tỉnh giấc chiêm bao”. Có người bắt đầu chết từ rất sớm, có người trễ hơn. Hình như tôi bắt đầu chết khi bước vào tuổi ba mươi. Hình như tôi không còn sống với chính tôi nữa. Từ năm ba mươi tuổi, gần như mỗi ngày tôi đều chứng kiến nơi mình một cái chết lớn nhỏ nào đó. Tôi chết lần hồi, mất mát tôi, thất lạc tôi lần hồi.
Read More

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2016

Thức với hoa quỳnh

 
Vợ chồng bạn gọi điện mời ghé lại nhà buổi tối uống rượu, thưởng trà và chờ xem hoa quỳnh nở. Tôi chưa được xem hoa quỳnh nở bao giờ nên rất thích thú nhận lời. Khu vườn nhỏ trên sân thượng nhà bạn được bài trí tao nhã và trồng rất nhiều hoa. Đêm đó, cô con gái nhỏ của bạn cũng nhõng nhẽo đòi thức xem hoa với bố và các bác bạn của bố. Chúng tôi uống gần hết một chai J&B rồi mới chuyển sang dùng trà bên chiếc bàn mây đan đặt ở giữa vườn. Trà Tân Cương nước xanh biếc dưới ánh sao khuya. Rồi hoa nở, lung linh như trăng và hương tỏa ngát.
Read More

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2016

Có trong tôi mọi giấc mộng nhân gian

 
Ngu ngốc cho những ai tự chụp vương miện gai và tự vác lên mình chiếc thập tự giá có tên gọi là nghệ sĩ và sứ mệnh của người nghệ sĩ. Những kẻ ngu ngốc đó sẽ phải thường xuyên đối diện với hư vô và phải thường trực chiến đấu với nó để dành quyền hiện hữu. Mặt khác, như William Faulkner nói, người nghệ sĩ luôn bị dẫn dắt bởi ma quỷ và chẳng thể nào có được sự bình an
Read More