Vừa rồi gặp lại V.A.
- cô em họ đã lâu không gặp - trong đám tang của mẹ cô (là dì ruột tôi). Cùng
quẩn quanh ở Sài Gòn, nhưng chẳng mấy khi chúng tôi gặp nhau - hai năm, ba năm,
có khi còn lâu hơn nữa. Nhận được tin báo, tôi ghé nhà, thấy cô ngồi lặng lẽ
hút thuốc lá dưới chân linh cữu mẹ, mệt mỏi, u buồn và xiết đỗi già nua. Trời ạ,
cô em họ xinh đẹp dân trường đầm nói tiếng Tây như gió ngày nào của tôi bây
giờ đã là một bà già như thế rồi sao?
Tuy vai em, nhưng V.A lớn hơn tôi ba tuổi. Trong đám anh chị em con bạn dì, có lẽ do sự gần gũi về tuổi tác và thế hệ, tôi chơi thân với cô hơn cả. Năm 1980, gia đình tôi mới từ miền Trung quay về lại Sài Gòn, lạ lẫm và đơn độc, thi thoảng rời khỏi khu nhà vườn hoang tịch vùng ngoại ô của gia đình, tôi đạp xe xuống nhà dì ở Nguyễn Huỳnh Đức và đi chơi với cô. Trên chiếc xe đạp mini Nhật cũ, chúng tôi la cà đi cà phê cà pháo khắp Sài Gòn. Ở tuổi đôi mươi, cô em họ của tôi xinh đẹp, tươi tắn, phong cách rất Tây, bụi bặm và cá tính kiểu Françoise Hardy hay những nhân vật của tạp chí “Salut les copains” thập niên 1970 mà tôi thường trông thấy trong những số báo cũ ở nhà mấy bà dì. Vậy nên, đi đến đâu, V.A. cũng được đám đàn ông con trai chú ý liếc ngang liếc dọc, và tôi đi cùng, thấy thế cũng rất đỗi lấy làm hân hạnh!
Là dân học mỹ
thuật, cô em họ của tôi giao du với khá nhiều nhân vật hoạt động trong lĩnh vực
nghệ thuật, nổi tiếng cũng như chưa nổi tiếng, mà đặc biệt là các nghệ sĩ của
“giới giang hồ” – cách gọi những nhân vật hoạt động nghệ thuật “ngoài luồng” mà
ngày nay đám trẻ quen gọi là giới underground. Trong mắt cậu trai còn sặc mùi tỉnh
lẻ như tôi ngày ấy, được diện kiến với những nhân vật này như được diện kiến với
những cao thủ võ lâm đầy bí ẩn trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung, những con rồng
mà lâu nay ta chỉ từng được nghe danh, thấy đuôi mà chẳng được thấy đầu!
Như đã nói, trên
chiếc xe đạp mini cũ, V.A dẫn tôi đi la cà khắp chốn. Cô đưa tôi đến quán cà
phê cóc của nhà thơ Huy Tưởng gần chợ Tân Định, một trong những nơi tụ tập của nhiều cây bút Sài
Gòn trước đây, cho tôi nhìn mặt (từ xa!) những tuổi tên lừng
lẫy một thời của văn chương miền Nam; dẫn tôi ghé nhà một số họa sĩ (là thầy dạy
hoặc người quen biết với cô) xem tranh, từ tranh trong xưởng họa hoành tráng của họa-sĩ-thế-gia
Ca Lê Thắng đến tranh-gác-bếp của họa sĩ ngoài luồng Nguyễn Thân…; giới thiệu
tôi với bạn bè, với giới “văn nghệ giang hồ” mà cô giao du... Nhiều người trong
số đó về sau đã trở thành bằng hữu thân quý của tôi. Không thể không nhắc đến
một nhân vật của nhóm guitar Phú Nhuận, tay nhạc sĩ guitar lãng tử vô-tiền-khoáng-hậu
Vũ Ngọc Giao, mà thông qua cô, dẫn đến mối giao tình giữa anh với tôi cho đến
vài chục năm sau này dù tôi bé hơn anh đến mười mấy tuổi. Cũng không thể không
nhắc đến giọng hát phiêu lãng của chàng trai hoàng phái Vĩnh Phú Hải, giọng hát
mà có lần trong một cuộc văn nghệ salon ở nhà V.A., họa sĩ Cao Bá Minh tình cờ
đến chơi đã phải thảng thốt kêu lên chưa bao giờ được nghe một giọng hát dị kỳ
đến vậy! Rồi những bạn bè “dắt dây”, Trúc Cận và lão dương cầm thủ lập dị M. từ những
vùng đồi đất đỏ miền Đông thi thoảng ghé xuống chơi với món rượu gừng cay xé họng,
K. triết gia gàn dở (nghe bảo đã chết trong dưỡng trí viện Biên Hòa), Bình Hippy (giờ lưu lạc
phương nào của trời Âu?)...
Hoạt động văn
nghệ “ngoài luồng” những năm đầu thập niên 1980, do không khí cấm đoán và mù mịt
thông tin, quẩn quanh trong những mê lộ bít bùng đầy bi thảm kiểu Narcisse, dù mang
đậm dấu ấn cá nhân của từng nghệ sĩ nhưng lại thường thiếu vắng tiếng vọng phản
hồi từ phía công chúng, thế nên không thể tránh khỏi một số nhân vật tài chỉ dăm ba
nhưng danh đồn thì lại đến chín mười, và ngược lại. Có những nhân vật chập
chùng huyền thoại mà sau này có dịp được tiếp xúc, tôi chẳng tìm được chút gì
dáng vóc của những con người mà trí tưởng tượng tuổi trẻ tôi đã vẽ nên từ lời kể của
cô em tôi về họ, như núi đồi thoắt bỗng bị rũ sạch mây mù, phơi bày hết ra những
chiều kích thật sự của mình. Cũng có thể họ đã từng như lời kể, mà những gì còn
lại bây giờ chỉ là cái bóng của chính họ một thời mà thôi!...
…Linh cữu dì tôi
đặt ngay vị trí ngày xưa là chỗ đặt bộ sofa cũ. Trong căn phòng khách nhỏ xíu
đó, quanh bộ sofa đặt ở vị trí linh cữu của dì tôi đó, ngày xưa, V.A. và những
bạn bè văn nghệ của cô thường tụ tập trò chuyện, hát xướng, hút thuốc lá đen uống
trà “quạu” theo lối những người từ “R” ra – mốt thời thượng của giới nghệ sĩ những năm đầu
1980. Tôi nhớ nụ cười xinh tươi của cô em họ tôi, nhớ những cuộc tranh luận bất
tận về nghệ thuật của đám bạn cô, nhớ những câu thơ viết nửa chừng của một chàng
nhà thơ nào đó, những bài hát mới sáng tác được truyền khẩu với rất nhiều dị bản,
mà tôi – thỉnh thoảng đến chơi được nghe và được đọc – với biết bao ngưỡng mộ. Và
cũng trong căn phòng khách nhỏ xíu đó, một đôi buổi chiều tôi ghé chơi, chẳng gặp
bạn bè nào của V.A. cả, cô em họ sau khi mở cửa cho tôi vào lại tiếp tục với giấc ngủ
muộn, còn tôi chẳng biết đi đâu, ra sofa một mình ngồi nhìn nắng chiều xa xa trên
những mái nhà hàng xóm, thứ nắng vàng nhạt thếch và héo úa như tuổi trẻ bế tắc của lũ chúng tôi lúc bấy giờ…
Rồi cuộc sống rẽ
chúng tôi đi khắp hướng. Cô em họ tôi không đi theo con đường nghệ thuật chuyên
nghiệp mà lại trở thành bà chủ một xưởng chép tranh khá quy mô ở khu phố Tây
Bùi Viện - Đề Thám. Trước khi rút lui khỏi thị trường này cách đây gần chục
năm, thời cực thịnh, doanh thu hàng tháng của vợ chồng cô là những con số khủng đáng
để mơ ước! Hôm ở đám tang, chuyện trò, tôi bâng quơ nhắc đến một vài cái tên bạn bè
ngày cũ, cô em tôi thoáng cười, vẫn ẩn hiện nụ cười xinh xắn thuở xa xưa, giọng
hờ hững: ờ nhỉ, không biết nữa, lâu quá rồi chẳng gặp… Cũng như tôi, lâu lắm rồi,
cũng chẳng gặp lại ai trong những người quen và đám bạn bè ngày cũ. Và tất
cả, những con người, giọng nói, nụ cười, những câu thơ nét vẽ bài ca cũ, bỗng
hóa mong manh hư ảo, như thể chúng chẳng có thực, thuộc về một vài giấc mộng và mất
tăm không dấu tích vào miền lãng quên - cái nấm mộ hút sâu có thể vùi chôn mọi buồn
vui thương ghét của kiếp người…
Trần Thanh Sơn (2.2017)
Note: Khoảng năm 1983-1984, tôi có phổ nhạc một bài thơ ngắn của V.A. và đặt tên cho ca khúc này là “Tình ca nhỏ trên núi”. Bài hát chưa từng được phổ biến và có lẽ chính cả tác giả của bài thơ cũng chưa từng được biết đến ca khúc phổ thơ của mình này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét