Đầu năm lên mạng
đọc được một truyện ngắn của Paul Coelho. Truyện chỉ có vài trăm chữ, chứa chưa
đầy một trang giấy nhưng gợi mở biết bao điều. Bất giác ngó lại đời mình, ngó lại
biết bao nhiêu những dặm đường đời đã đi qua, nhớ rằng mình đã từng lờ mờ nhận
ra được điều mà Coelho nói đến, không ít lần đã dợm bước vượt qua cái ranh giới
vô hình của thứ ám thị tập thể luôn giam giữ mình trong mụ mị của thói quen cố
hữu; nhưng rồi vì hèn nhát, vì kém cỏi và cũng vì sợ hãi sự đơn độc, mình đã
quay về với sự an toàn của con đường mòn đa số. Vậy nên đọc truyện, than ôi, đành tự vuốt
ve và tự an ủi mình: phải chi Coelho viết truyện này sớm hơn để mình được đọc sớm
hơn một chút! (TTS - 2.2017)
Sự
quan trọng của con mèo trong thiền định
Khi viết cuốn
"Veronika quyết chết", cuốn sách nói về sự loạn trí, tôi phải tự đặt ra câu hỏi
bao nhiêu việc ta làm thực sự là cần thiết và bao nhiêu việc là vô lý. Tại sao
ta thắt cà vạt? Tại sao kim đồng hồ xoay theo chiều của nó? Nếu ta sống với hệ
thống thập phân thì tại sao ngày lại có hai mươi bốn giờ và giờ có sáu mươi
phút?
Thực tế là nhiều
quy tắc chúng ta tuân thủ hiện nay chẳng có cơ sở đúng đắn nào. Tuy vậy, nếu ta
chọn lối hành xử khác đi thì ta sẽ bị xem là “điên khùng” hoặc “không chín chắn”.
Cứ theo cái đà
này, xã hội sẽ tiếp tục tạo ra những hệ thống mà, theo dòng thời gian, rốt cuộc
sẽ chẳng có ý nghĩa gì, thế nhưng vẫn tiếp tục áp đặt lên ta những quy tắc của
chúng. Một câu chuyện khá thú vị của Nhật minh hoạ cho quan điểm của tôi.
Một vị thiền sư
nổi tiếng, trụ trì thiền viện Mayu Kagi, có nuôi một con mèo, là tình yêu đích
thực trong đời ông. Vào giờ dạy thiền định, ông luôn cho con mèo ngồi kế bên, để
có thể hưởng được niềm vui ở bên cạnh con thú càng nhiều càng tốt.
Bây giờ ông thực
đã già lắm rồi, một sáng kia, mọi người phát hiện ông đã chết. Môn sinh lớn tuổi
nhất thay thế ông.
“Chúng ta sẽ làm
gì với con mèo?”, các vị sư khác hỏi.
Để tỏ lòng tôn
kính thầy cũ, vị thiền sư mới quyết định cho phép con mèo tiếp tục hiện diện tại
các lớp học Thiền.
Nhiều môn sinh ở
các thiền viện gần đó thường hay du hành khắp vùng, phát hiện ra việc tại một
trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất của khu vực, có một con mèo tham gia vào
buổi thiền định. Câu chuyện bắt đầu lan truyền.
Năm tháng trôi
qua. Con mèo chết, nhưng các môn sinh đã quen với việc nó luôn có mặt nên đi tậu
một con mèo khác. Cùng lúc đó, các thiền viện khác cũng bắt đầu đưa mèo vào dự
các buổi thiền định, họ tin rằng nhờ có mèo nên thiền viện Mayu Kagi mới nổi tiếng
và chất lượng tu tập ở đó mới tốt như vậy, mà quên mất là vị thiền sư trước đây
hoàn hảo như thế nào.
Một thế hệ qua
đi, những văn bản nói về sự quan trọng của mèo trong thiền định được ấn hành. Một
giáo sư đại học khai triển một luận án, được giới học thuật chấp nhận, cho rằng
mèo có khả năng làm tăng sự tập trung của con người và loại bỏ năng lượng tiêu
cực.
Và như thế,
trong vòng một thế kỷ, mèo được xem là một yếu tố thiết yếu trong việc thực
hành thiền trong cả vùng này.
Sau đó, có một thiền
sư bị dị ứng vì lông mèo, ông quyết định không cho mèo tham dự những buổi hành
thiền hàng ngày với thiền sinh nữa.
Mọi người phản đối,
nhưng thiền sư vẫn quyết chí. Vì đây là một vị sư có tài năng nên môn sinh vẫn
tiến bộ bất chấp việc mèo vắng mặt.
Dần dần, các thiền
viện - lúc nào cũng muốn tìm ý tưởng mới, lại chán ngán việc nuôi ăn bao nhiêu
là mèo - cũng bắt đầu thôi không cho mèo hiện diện trong các lớp nữa. Hơn hai
mươi năm sau, những luận án mới mang tính cách mạng được viết ra, mang các nhan
đề rất thuyết phục như “Sự quan trọng của việc thiền định không có mèo” hay là “Làm
quân bình vũ trụ thiền bằng năng lực của trí tuệ và không có trợ lực của mèo”.
Một thế kỷ nữa
trôi qua, mèo hoàn toàn biến mất khỏi nghi thức thiền định trong cả khu vực.
Nhưng cũng phải mất đến hai trăm năm để mọi thứ trở lại bình thường, và tất cả
chỉ vì, suốt thời gian này, không ai nghĩ đến việc thắc mắc tại sao mèo lại có ở
đó.
Trong chúng ta
có bao nhiêu người, suốt cuộc đời mình, có lần dám hỏi: tại sao ta ứng xử như
thế này? Trong những điều ta làm, bao nhiêu lần ta đã dùng tới những “con mèo”
phù phiếm như thế mà không đủ can đảm để gạt bỏ đi chỉ vì nghe bảo rằng “mèo” rất
quan trọng để giữ cho mọi việc tiến triển suôn sẻ.
Tại sao chúng ta
không tìm một cách ứng xử khác?
Paulo Coelho
Thân Trọng Sơn, dịch
Ảnh: From One Way to 7th Street (Susan Stone)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét