Thứ Ba, 9 tháng 5, 2017

Đời nhạc sĩ...

 
 
Mượn một số tình tiết trong cuộc đời các nhạc sĩ thiên tài trong lịch sử âm nhạc cổ điển Tây phương để viết nên bài thơ đầy ám ảnh về kiếp sống, về những nỗi đau cũng như niềm hoan lạc của con người trên hành trình sáng tạo, Dana Gioia đã tạo ra được một phức hợp vượt quá cái khuôn khổ hạn hẹp của một thi phẩm; ở đó, ngôn ngữ, âm thanh, hình ảnh được xếp chồng lên nhau, trộn lẫn vào nhau trong một thứ không gian và thời gian phi thực, phi tuyến tính, những mạch ngầm điển cố đa tầng, đa nghĩa và giàu tính biểu tượng. Đọc bài thơ như xem một cuốn phim loang loáng những hình ảnh không đầu đũa được ráp nối vào nhau một cách ngẫu nhiên; không một lời chỉ dẫn, không một thuyết minh, giải thích. Thế nhưng, tôi có cảm tưởng rằng, cho dù hoàn toàn ngoại đạo với âm nhạc cổ điển và chẳng cần biết đến ngọn ngành những điển cố được dùng đến trong bài thơ, người đọc bất kỳ vẫn có thể cảm nhận được sức ám ảnh ghê gớm của bài thơ, cảm nhận được sự hiện diện thường trực của một thứ định mệnh trong ánh chớp lóe của thời gian, mà thông qua biểu tượng là cơn mưa dằng dặc trên suốt mọi câu thơ, cái vô thường và cái vĩnh cửu của sự sáng tạo bỗng hòa làm một, và mọi điều chúng ta tưởng rằng quan trọng của cuộc đời này cũng bỗng chốc biến thành tro bụi trước hư vô. Than ôi, vậy thì cái gì sẽ còn sót lại sau cùng? (TTS – 5.2017)
 
 
 
Đời sống của những nhà viết nhạc đại tài
 
 
Cụ Bruckner thường thơ thẩn bước vào thánh đường
nhập bọn những người đưa đám.
Thân nhân Berlioz thất kinh.
“Hoà âm như vậy,” Shakespeare viết, “chỉ có nơi
những linh hồn bất tử… Chúng ta nghe không ra”. Nhưng
tiếng nhạc từ máy thu thanh, và bên ngoài
hạt mưa quất lên hè phố. Thi thoảng
làn sóng điện tắt ngúm. Những đêm như vậy Schumann
nhìn ánh chớp vạch lên kính cửa sổ.
 
Bên ngoài mưa rơi trên hè phố.
Mảnh giấy vụn tao tác cuối đường.
Những tối trời mưa Schumann ghi vội
giai điệu lên kính cửa sổ, “Hoà âm như vậy!
Chúng ta nghe không ra”. Máy thu thanh lúc nghe lúc không.
Tại buổi dợt nhạc Gustav Holst kêu lên,
“Tôi ớn nhạc quá rồi, nhất là nhạc của chính tôi!”
Thân nhân Berlioz thất kinh.
Vợ Haydn lấy nhạc lót chảo bánh.
 
Những đêm mưa bóng ma Mendelssohn
đem giai điệu đến cho Schumann làm nhạc.
“Hoà âm như vậy chỉ có nơi những linh hồn bất tử…
Chúng ta nghe không ra”. Chắc
Cụ Bruckner phải mỉm cười. Tại Tergensee
dân làng đứng nghe Paganini trẻ tuổi chơi đàn,
nhưng có tia chớp, và sấm sét rung chuyển.
Máy thu thanh lúc nghe lúc không. Mưa
rơi lên hè phố như tiếng vỗ tay.
 
Mảnh giấy vụn tao tác cuối đường.
Những đêm mưa Schumann nhìn ra ngoài
và viết nguệch ngoạc lên cửa sổ gian phòng kín.
“Hoà âm như vậy!” Xe bắn nước tung toé trong mưa.
Thân nhân Berlioz thất kinh
khi thấy bầy ngựa bứt khỏi đoàn người
và tế chạy kéo theo quan tài ông xuống huyệt mộ.
Liszt khóc khi nghe Paganini trẻ tuổi chơi đàn.
Vợ Haydn lấy nhạc lót chảo bánh.
                                                      Dana Gioia
                                                Trịnh Y Thư, dịch

 

(2) http://www.thotanhinhthuc.org/old/THTHTMLK/KIPheBinhDoiSongNhungNhaVietNhacDaiTai.php Tôi tìm được bài phân tích rất hay và chi tiết của nhà thơ Khế Iêm về bài thơ và những điển cố được Diana Gioia sử dụng trong bài thơ. Bạn đọc quan tâm có thể xem thêm ở đây.
 
 
Note: 
 
-Anton Bruckner (1824-1896): nhà soạn nhạc người Áo nổi tiếng với các bản giao hưởng, mass và motet. Bruckner còn là một nghệ sĩ đại phong cầm nổi tiếng, người chơi đàn organ chính tại đại thánh đường Linz.
-Hector Berlioz (1803-1869): nhà soạn nhạc nổi tiếng người Pháp, được xem người sáng lập thể loại giao hưởng có tiêu đề, người có nhiều cách tân trong lĩnh vực hình thức âm nhạc, hòa thanh, phối khí, đồng thời là một nhạc trưởng kiệt xuất.
-Robert Schumann (1810-1856): nhà soạn nhạc và phê bình âm nhạc nổi tiếng người Đức, được đánh giá là một trong những nhà soạn nhạc lãng mạn lừng danh nhất thế kỷ 19. Từ trẻ Schumann đã bị bệnh trầm cảm. Trong hai năm cuối cuộc đời, sau một vụ tự sát bất thành, ông bị đưa vào một viện tâm thần và qua đời ở đấy.
-Gustav Holst (1874-1934): nhà soạn nhạc Anh xuất sắc nhất trong giai đoạn chuyển giao giữa trào lưu âm nhạc lãng mạn và âm nhạc hiện đại. Lúc sinh thời, dù có nhiều sáng tác giá trị nhưng Holst thường xuyên gặp thất bại và luôn bị các nhà xuất bản từ chối mua tác phẩm.
-Joseph Haydn (1732-1809): nhà soạn nhạc người Áo, là một trong những nhà soạn nhạc xuất chúng của nền âm nhạc cổ điển, còn được gọi là “người cha của giao hưởng” và “cha đẻ của tứ tấu đàn dây”. Tương truyền lúc sinh thời ông có một cuộc hôn nhân không như ý, người vợ luôn tỏ ra tẻ lạnh, xem thường tài năng của chồng.
-Felix Mendelssohn (1809-1847: nhà soạn nhạc, nghệ sĩ dương cầm, nghệ sĩ đại phong cầm và chỉ huy dàn nhạc người Đức thuộc giai đoạn đầu thời kỳ âm nhạc lãng mạn.
-Niccolo Paganini (1782-1840): nhà soạn nhạc, nghệ sĩ vĩ cầm thiên tài người Ý. Truyền kỳ đồn đại rằng ông đã “bán linh hồn cho quỷ dữ” để có được khả năng chơi vĩ cầm thần kỳ này.
-Franz Liszt (1811-1886): nhà soạn nhạc và là nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng người Hungary.


Ảnh: From Abstract (Antonio San Martin)

 

Không có nhận xét nào: