Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

Nhiều khi tôi muốn bỏ đi thật xa...

  
 
Sáng ra, bỗng thấy lòng mình sến rện, đánh xe đi làm mà trên đường không ngớt lảm nhảm một câu hát cũng sến rện như lòng mình: “Nhiều khi tôi muốn bỏ đi thật xa…”(1). Trời Sài Gòn tháng Tư mới sớm mai đã phả hơi nóng hừng hực. Xe qua cầu ùn tắt một lúc rõ lâu. Trên đỉnh dốc, nhìn bầu trời Sài Gòn xám xịt khói bụi bên trên những tòa cao ốc mới xây vươn cao tua tủa như một đám chông nhọn, tôi phát hoảng khi nghĩ đến việc chỉ lát nữa thôi mình sẽ phải lặn chìm vào trong đám mịt mù hỗn độn đó, như một gã thợ lặn cắm đầu xuống dòng sông đen kịt mà lại chẳng rõ mình đang mò mẫm tìm kiếm điều gì…
 
Đêm rồi trong lúc nằm chờ giấc ngủ đến, tôi nói với vợ: “Hay nhà mình đi đâu xa một chuyến, anh sẽ xin nghỉ phép, đi đâu cũng được, lên núi hoặc xuống biển, miễn trốn khỏi thành phố ngộp thở này một đôi ngày”. Vợ tôi hỏi lại: “Anh lại thấy mệt mỏi chán nản nữa rồi à?”, rồi cười khẽ, theo kiểu quen thuộc của nàng, “tùy anh thôi…”. Khi tôi còn đang lưỡng lự để cho trí tưởng tượng mình lang thang chọn lựa giữa núi biếc biển xanh hay thậm chí là một hoang đảo thì vợ tôi đã nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Nàng vậy đó. Lúc thì triền miên than vãn khó ngủ với mất ngủ, lúc thì lại ngủ dễ dàng như một đứa trẻ, một con mèo… Lặng nhìn gương mặt yên bình của vợ, nghe hơi thở nhẹ nhàng của nàng, tôi thoáng nghe lòng dịu lại, như thể bất chợt được đắm mình vào bóng rợp một áng mây trôi trong ngày nắng gắt. Với nỗi dịu dàng đó, tôi tiếp tục mơ mòng thiết kế cho mình những chuyến phiêu lưu trốn chạy cái lò lửa tháng Tư của thành phố, đi đi đi, đi bất cứ nơi đâu…
 
Sống một cuộc đời chỉ thuần rong chơi phiêu lãng chẳng phải là niềm ước vọng lớn nhất mà con người hướng tới hay sao? Nơi thẳm sâu tâm hồn mỗi con người có lẽ ít nhiều đều cất dấu một hành trình Odyssey cho riêng mình. Đôi khi tôi nhớ những giấc mộng thời thơ ấu của mình về chàng Sinbad với những chuyến hải trình kỳ ảo, về những cánh buồm trên vùng biển lạ có đám hải tặc và cậu bé Hawkin với hòn đảo dấu vàng, về con tàu Pequod cùng con cá voi trắng khổng lồ bí ẩn… Những chiếc thuyền giấy thả trôi trên dòng nước cuốn những ngày mưa tuổi nhỏ chẳng đã từng chở theo trên đó biết bao là giấc mơ phiêu bạt của tôi? Thực tế thì luôn ngược lại. Thực tế đóng đinh ta xuống sự tẻ nhạt của cuộc sống thường nhật, tống chúng ta ra khỏi những giấc mơ, không cho ta đi đâu cả, dúi đầu ta xuống vũng nước tù mưu sinh với những ham muốn danh lợi con con. Thực tế biến những nhà phiêu lưu khí khái thời con trẻ thành những lão già hèn nhát tận tụy với cuộc đời một viên ký cóp. Chúng ta bị giam trong những căn nhà tù tiện nghi do chính chúng ta dựng nên và ghì giữ những thứ của cải tủn mủn mà mình cóp nhặt được như ghì giữ sinh mạng của mình. Và cứ thế, những giấc mộng lãng du tắt ngóm! Chẳng có ma nào dám can đảm như chàng tuổi trẻ Rimbaud vất bỏ tất cả để lên đường sống đời phiêu bạt…
 
Tôi có một người bạn. Từ gần hai chục năm nay tôi biết anh chẳng đi đâu xa khỏi cái bán kính khoảng hơn chục cây số quanh nhà mình, hệt như một con chim bệnh. Mà thật vậy, anh đúng là một con chim bệnh. Căn bệnh sợ hãi đám đông thời trẻ dần dà đã dẫn anh đến chỗ sợ hãi cả những chuyến đi xa. Và cứ như thế, anh ru rú sống trong khu vườn rộng của nhà mình, trừ những lúc bất khả kháng, hiếm khi nào thấy anh rời khỏi nơi trú ẩn đó. Ngẫm lại, tôi thấy bản thân mình cũng chẳng khác người bạn nọ là mấy. Thường tự cho mình là kẻ thích xê-dịch, theo kiểu nói của Nguyễn Tuân, nhưng suốt mấy chục năm trời tôi có cảm giác mình cũng chỉ quẩn quanh một xó ở Sài Gòn, chẳng thực sự đi đâu. Mỗi ngày, mười lăm cây số từ nhà đến chỗ làm rồi lại mười lăm cây số từ chỗ làm về nhà, như một con thú nuôi dù loắng nhoắng chạy đi đâu cũng chỉ trong vòng cương tỏa của sợi dây xích cổ mười lăm cây số quanh chiếc cọc là ngôi nhà mình! Rồi vèo một cái, ta thấy ta đã đứng ở cuối đường. Cuộc đời ta, ta chưa làm được gì cả. Ta chưa thực hiện được ước mơ nào của mình. Ta chưa đi được bao nhiêu con đường. Không chân trời xa, không núi biếc, không đại dương xanh, không sa mạc vàng, không cả ngôi-làng-bên-cạnh như cách Kafka nói trong một dụ ngôn của mình (2).
 
Không có gì dễ bằng quyết định thay đổi và làm lại cuộc đời mình, bằng chứng là tôi đã từng quyết định thay đổi và làm lại cuộc đời tôi hàng chục lần. Đây là cách nói vui bắt chước câu chuyện hài hước về việc bỏ thuốc lá. Tuy vậy, thực sự tôi thường có những quyết định kiểu như thế vào một số điểm mốc tôi cho là lớn trong cuộc đời mình, như vào dịp như sinh nhật 30, sinh nhật 40, sau khi đã ngoái nhìn lại và hoàn toàn thất vọng về những gì mình đã làm trước đó, thất vọng vì cả những gì mình chưa làm, không làm và hoàn toàn không hề có ý định làm. Hình như Henry Miller từng phát biểu đừng bao giờ để cuộc sống mình trở thành một quá trình đau đớn đi tìm mục đích. Có một đêm đã lâu, nằm vật vạ trên sân bay Đà Nẵng (hay Vinh gì đó) vì chuyến bay bị hoãn, tôi tình cờ được xem một video clip phát trên đài KBS cover lại một bài hát cũ của nhóm The Eagles: Desperado (sau này tìm hiểu tôi mới biết đó là nhóm nhạc Hàn Quốc có tên là A Wild Camomile, khá lạ!). Tôi vốn không ưa K-pop, không ưa tí nào, nhưng bài hát lại bắt đầu bằng cái câu làm tôi phải chú ý như thế này: Desperado, why don't you come to your senses, you've been out ridin' fences for so long - now, bằng một giọng ca đầy nam tính và một gương mặt cũng nam tính không kém, khác hẳn thứ K-pop đầy những đám á nam á nữ hay đám búp bê hát bằng mông đít! Giọng hát đó, những câu hát tôi lõm bõm nghe được và lõm bõm hiểu được, these things that are pleasin'you, can hurt you somehow, như hát cho một mình tôi nghe, nhắn nhủ với riêng tôi, come down from your fences, open the gate, cho riêng và chỉ riêng một mình tôi, before it's too late, before it’s too late…(3). Và như thế, trong cái đêm buồn tẻ trên hàng ghế sắt lạnh lẽo của phòng chờ máy bay đó, bài hát tình cờ của The Eagles lại một lần bắt tôi phải nhìn lại đời mình một cách thảm não, dù hiểu rằng mọi thứ đã vĩnh viễn vuột ra khỏi tầm tay: mọi đam mê, mọi khát vọng, mọi cơ hội nhằm giúp cho cuộc đời mình bớt vô nghĩa, mà thêm một lần nữa, tôi lại vật vã muốn bắt mình đứng lên thay đổi và làm lại cuộc đời mình…
 
Sáng ra, lòng sến rện với câu hát nhiều-khi-tôi-muốn-bỏ-đi-thật-xa cho dù chẳng có sự mất mát chẳng có sự bội bạc nào vừa xảy đến cho tôi. Mọi việc vẫn cứ đều đều trôi như ngày hôm qua, ngày hôm kia và xưa hơn nữa, đều đều tuyệt đối! Thế nhưng, trên đỉnh dốc cầu lúc dừng xe vì đường ùn tắt, trong khoảnh khắc nhìn bầu trời Sài Gòn xám xịt khói bụi và lòng ảm đạm nghĩ đến việc mình sẽ phải tiếp tục lặn chìm vào trong đám mịt mù hỗn độn đó như một gã thợ lặn cắm đầu xuống dòng sông đen kịt mà lại chẳng rõ mình đang mò mẫm tìm kiếm điều gì, điều làm tôi ngạc nhiên không phải là sự hèn nhát cam chịu của mình trước mọi việc như bấy lâu nay, mà sâu xa là cảm giác về sự vô nghĩa, ti tiện và trống rỗng đến tột cùng của đời sống đô thị đang vây bủa quanh mình. Không còn gì, kể cả niềm tuyệt vọng. Thực sự như vậy, không còn gì kể cả niềm tuyệt vọng. Và có lẽ, đúng như T.S. Eliot viết, đó là cách thế giới kết thúc, không phải với một vụ nổ mà là với một cái thở dài (4).
Trần Thanh Sơn (4.2017)
 
 
(1) Câu mở đầu một ca khúc nổi tiếng của Chế Linh dưới bút danh Lưu Trần Lê: Trong tầm mắt đời.
(2) Truyện cực ngắn của Franz Kafka – Làng bên: “Ông nội tôi thường nói: Đời người ngắn đến sửng sốt. Nhìn lại, tôi thấy đời người dường như bị rút ngắn đến mức khó hiểu nổi, thử lấy ví dụ, làm thế nào một chàng trai trẻ có thể quyết định cưỡi ngựa qua làng bên mà không sợ rằng - chưa kể đến những tai nạn - ngay cả một đời người may mắn bình thường có lẽ cũng quá thiếu thời gian cho cuộc đi đó”. (Hoàng Ngọc Tuấn dịch, tienve.org)
(3) Tạm dịch: “Tên liều mạng kia ơi, cớ sao ngươi lại chưa chịu ngộ ra rằng, giờ ngươi phải vượt qua những rào cản đã tồn tại quá lâu…”, và “những gì đang làm người hài lòng lại cũng có thể làm ngươi thương tổn” và “hãy giở bỏ mọi rào cản, hãy mở rộng cửa ra, trước khi điều đó trở thành quá muộn…” (Desperado - The Eagles)
(4) Câu kết bài thơ nổi tiếng The Hollow Men của T.S. Eliot: “This is the way the world ends/ Not with a bang but a whimper”
 
Desperado (A Wild Camomile)


 
 
Ảnh: From "Abenteuerschiff" (Paul Klee)
 


Không có nhận xét nào: