Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Tản mạn quanh chuyện giai điệu

 
 
Có một giấc mơ kỳ lạ thường trở đi trở lại với tôi. Tôi mơ thấy mình ngồi trước một cây đại phong cầm với ba bốn tầng phím bấm cùng hệ thống pedal phức tạp mà tôi chẳng biết chút gì về cách thức sử dụng; ngồi trước cây đàn ống khổng lồ ấy, tôi như một người mù dọ dẫm trên những bàn phím của cây đàn xa lạ để gắng thể hiện lại một giai điệu rất đẹp vừa bất chợt hát lên trong đầu. Thế nhưng, thật thảm hại, tôi cứ liên tục bấm sai nốt, sai hợp âm và vụng về phá hỏng hoàn toàn giai điệu mà mình vừa tìm thấy! Cùng một kiểu giấc mơ như vậy, có khi tôi thấy mình cứ loay hoay trên chiếc piano cũ mà hàng phím đã hỏng lỗ chỗ, phím có phím không, và cũng như giấc mơ kể trên, dù tìm đủ mọi cách, tôi đã không thể ghi lại được giai điệu của khúc hát vừa tượng hình trong tâm trí!
 
Mozart bảo giai điệu là phần tinh túy nhất, là yếu tính và là mục đích tối hậu của âm nhạc. Tìm kiếm giai điệu là công việc vốn dĩ của người viết nhạc đồng thời cũng là một hành trình bí ẩn mà kết quả nhận được luôn luôn nằm ngoài mọi tiên liệu của người nhạc sĩ. Hệt một người hái hoa lang thang trên cánh đồng sương mù, người viết nhạc chẳng thể nào biết trước được mình sẽ tìm thấy những loài hoa nào cho cái bó hoa là tác phẩm dự kiến của anh ta. Nếu mỗi giọt âm thanh là một bông hoa, trên cánh đồng vô hình và bất định đó, người nhạc sĩ phải tìm kiếm, kết hợp, loại bỏ như thể nào để kết quả cuối cùng là một bó hoa hoàn hảo, của riêng mình, đấy không phải là một công việc dễ dàng…
 
Thời còn trẻ và sung sức, tôi thường có thói quen một vài năm lại lôi chồng bản thảo âm nhạc của mình ra đốt bỏ những tác phẩm nào mình cảm thấy không còn vừa ý nữa. Chia sẻ điều này với một nhạc sĩ đàn anh, ông khuyên, đừng làm vậy, có thể hủy bỏ 95% những “râu ria” của một tác phẩm mình không vừa ý, nhưng hãy giữ lại cái lõi của nó: giai điệu chủ đạo. Ông bảo: những giai điệu được sáng tác lúc còn thanh xuân bao giờ cũng là những giai điệu chứa đựng thứ lửa nóng mà sau này khi đã có tuổi ta không bao giờ còn duy trì được nó nữa, hãy xem tất cả những thứ đó là những phác thảo và cất nó vào kho lưu trữ để có thể mang ra sử dung sau này. Đó là một lời khuyên hữu lý nhưng khá muộn đối với tôi, vì khi nhận được lời khuyên đó, tôi chẳng nhớ nổi mình đã đốt bỏ bao nhiêu giai điệu thời tuổi trẻ của mình!...
 
Âm nhạc hiện đại, khởi từ Schoenberg, trong nỗ lực tiến vào cõi chưa biết, bắt đầu tiến trình làm mới mình bằng cách từ bỏ quá khứ, quay lưng lại với giai điệu. với điệu tính truyền thống thông qua ngôn ngữ âm nhạc atonal và phương pháp sáng tác theo hệ thống 12 âm (dodecaphonic). Không thể phủ nhận tính cách mạng và tầm ảnh hưởng to lớn của kỹ thuật này đến nền âm nhạc từ nửa sau thế kỷ 20 cho đến tận thời kỳ đương đại, nhưng thật sự, dù là một thính giả nhiệt thành của khí nhạc hiện đại, tôi nghĩ, rất khó có thể cảm thụ chứ đừng nói đến tìm thấy sự hấp dẫn của mớ lổn nhổn gọi là “giai điệu” trong âm nhạc dodecaphonic của Schoenberg và các môn đệ! (1) Giai điệu đẹp cũng giống như một người phụ nữ đẹp, dù chỉ lướt ngang ta nhưng cũng khiến ta phải ngoái nhìn, phải ngưỡng mộ. Cả một chương trình âm nhạc đều đều, vô hồn và làm người nghe mụ mị cả người có thể bất ngờ sáng rực lên chỉ vì một giai điệu đẹp. Tôi nhớ có lần dừng xe chờ đèn đỏ trên đường đi làm, từ buồng lái chiếc ô tô đang dừng song song với xe tôi bỗng loáng thoáng phát ra tiếng nhạc, dù đang mệt mỏi chán ngán vì tiếng ồn ào của đủ loại xe cộ trên giao lộ giờ cao điểm tôi vẫn sững người nhận ra tiếng clarinet alto đang não nùng ca hát một giai điệu tuyệt vời. Đó là một khúc nhạc tôi chưa từng nghe bao giờ, chẳng biết ai là tác giả và có thể vĩnh viễn sẽ chẳng bao giờ tôi có cơ hội tìm nghe lại được một lần nữa. Mấy chục giây đèn đỏ trôi qua rất nhanh, chiếc xe rẽ phải còn tôi đi thẳng, tiếng nhạc biến mất, nhưng suốt buổi sáng hôm đó lòng tôi tràn ngập một nỗi gì khó tả, như buồn như vui, như hân hoan như sầu muộn, và nơi sâu thẳm lòng tôi, rất lâu rồi mới lại trào lên ham muốn được ngồi vào đàn, được tiếp tục dấn mình vào hành trình sương mù đầy khổ ải của một nhạc sĩ đi tìm giai điệu.
 
Cuộc đời ta, có bao nhiêu những giai điệu tuyệt vời kiểu như vậy bất ngờ ghé đến và âm thầm cư ngụ lại trong ký ức? Câu hát mẹ ru ngày còn bé, bài ca bâng quơ bên khung cửa sổ tình cờ, tiếng rền rĩ hát kinh vọng lại từ tháp chuông xa một chiều mơ hồ nào đó, câu hát lang thang của lão hành khất già ngang ngõ… Với một người bình thường, những âm hưởng trên có thể chỉ là một chuỗi những ký ức vô thưởng vô phạt, nhưng với một người viết nhạc, những ký ức đó dù là nguồn dưỡng chất nuôi dưỡng tâm hồn nhưng về lâu dài có thể lại ẩn tàng những chiếc bẫy sập nguy hiểm.
 
Ở Sài Gòn những năm 1980 đám nhạc sĩ trẻ thế hệ chúng tôi đa phần đều tham gia sinh hoạt tại CLB Sáng tác trẻ Thành đoàn TP.HCM. Đó là một tổ chức thú vị giúp cho những tay viết mới chập chững vào nghề có cơ hội được tiếp xúc với nhau và được các nhạc sĩ đàn anh nhiều kinh nghiệm chỉ vẽ, hướng dẫn; chủ nhiệm câu lạc bộ này ngày ấy là NS. Nguyễn Văn Hiên. Tại các buổi sinh hoạt của CLB, ngoài những nội dung mang tính hình thức này khác, phần thú vị nhất có lẽ nằm ở nội dung hát cho nhau nghe những ca khúc mới sáng tác. Đám trẻ chúng tôi hay đùa nhau gọi đó là những buổi đưa ca khúc lên bàn mổ! Nói “đưa lên bàn mổ” là vì sau đấy bài hát sẽ được các thành viên của CLB góp ý kiến, khen chê, phân tích; nếu phát hiện giai điệu hoặc nội dung của nó có chỗ nào ảnh hưởng, hao hao giống hoặc bắt chước một tác phẩm nào đó, tác giả của nó sẽ bị phê phán đến "tối tăm mặt mũi". Giờ đây nghe kể chuyện này có thể nhiều người sẽ cho đó là một việc làm ấu trĩ, “nông trang hóa” lao động sáng tạo nghệ thuật! Tôi chẳng phải là người nhiệt thành ủng hộ việc làm này, nhưng tôi cho rằng, dù sao kiểu sinh hoạt đó cũng giúp cho những người mới sáng tác tránh được những ảnh hưởng mà do vô tình (tôi không nói đến những trường hợp cố tình) hoặc do thiếu kinh nghiệm mà mắc phải (như một số thứ âm nhạc cực kỳ amateur đang được cổ xúy, ca tụng và phát lênh láng trên rất nhiều kênh truyền hình, thông tin đại chúng của nước nhà hiện nay!).
 
Nhà soạn nhạc opera hiện đại nổi tiếng Gian Carlo Menotti gọi giai điệu là một hình thức của kỷ niệm. Đây là một cách nói bóng bẩy cho quá trình sáng tạo âm nhạc, sáng tạo nên những giai điệu, vì sẽ là gì nếu âm nhạc không phải là sự thể hiện lại những trải nghiệm của chính cuộc đời người nhạc sĩ? Và như vậy, cái bẫy sập mà tôi nói đến ở trên chính là sự nhầm lẫn của người viết nhạc khi vô tình nhận nhầm những kỷ niệm và trải nghiệm của người khác vào mình, hay nói rõ hơn, nhận nhầm những giai điệu đã tình cờ cư ngụ từ lâu trong ký ức mình là của mình. Một người viết giàu kinh nghiệm phải luôn biết e dè thận trọng trước những giai điệu tuyệt đẹp bỗng một ngày quá dễ dàng vụt hiện ra trong đầu, đồng thời phải có đủ năng lực để loại suy được những gì không phải của mình, không thuộc về mình và không đại diện cho mình. Chẳng bao giờ có những giai điệu vô chủ rực rỡ và hoàn hảo như một bó hoa tuyệt đẹp kết sẵn giữa đồng!
 
Những nửa đêm khi thức giấc sau những giấc mơ kỳ lạ thường trở đi trở lại mà tôi đã kể ở trên, nằm trong bóng tối rỗng không chẳng còn một chút âm ba nào của giai điệu, của khúc nhạc phiêu bồng mà mình vừa để vuột mất trong phiên nằm mộng, đôi khi tôi cay đắng nghĩ rằng, có lẽ, con người âm nhạc trong tôi đã bắt đầu rời bỏ tôi, bắt đầu lụi chết, và cuộc chạy đến tàn hơi trên cánh đồng mù sương của âm nhạc sẽ chỉ còn là những cuộc chạy của vô vọng, mà mãi mãi sẽ chẳng khi nào tôi còn tìm được, kết được cho mình một bó hoa rực rỡ nào nữa cả. “Giờ đã diễn sang tuồng tích khác/ Xin cho tôi nghỉ diễn lần này”(2) - đó là một kết thúc thảm hại. Một kết thúc thảm hại nhất đối với một người viết nhạc mà trong những giờ phút nản lòng như vậy, tôi có thể tưởng tượng ra cho mình.
 
Nhưng, có cách nào mang được bút viết và giấy kẻ nhạc vào giấc mơ của mình không nhỉ? 😊
Trần Thanh Sơn (5.2017)
 
(1) Về cuối đời, Schoenberg thường trở về với âm nhạc chủ âm, giàu tính giai điệu; ông viết các tác phẩm như Suite in G major for string orchestra, Kol Nidre for chorus and orchestra…
(2) Hamlet - Thơ Boris Pasternak

Ảnh: From Tree-Fog (Sunny Delorian) 


Không có nhận xét nào: