Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2017

Những bà mẹ

 
 
Đọc một truyện ngắn của Lydia Davis, bỗng nghe mắt cay cay. Mỗi người đều có một bà mẹ ở đâu đó. Bà mẹ đang sống cùng ta, bà mẹ đang ở quê xa hoặc bà mẹ đã vĩnh viễn khuất xa và chỉ còn tồn tại trong niềm tưởng nhớ của ta. Cuộc đời viết nhạc của tôi, hình như tôi chưa bao giờ viết được một bài hát nào để dành riêng tặng mẹ mình, dù rằng, tôi thường tự hứa với mình rằng, sẽ viết sẽ viết sẽ viết. Có lần, nghe tôi tâm sự điều này, người bạn đồng môn với tôi ở trường nhạc, NS. Trương Quang Tuyến bảo: “Chẳng phải bài hát ‘Những con đường Sài Gòn’ là S. viết tặng mẹ sao? Bài hát viết về Sài Gòn, nhưng mình thấy được ở đó chủ yếu tình yêu bạn dành cho mẹ”. Tôi ớ người ra. Có thể… bạn tôi hiểu tôi, thấy được niềm gởi gắm âm thầm mà chính tôi cũng không nghĩ rằng mình để lộ ở bài hát viết cho cuộc thi sáng tác về thành phố được báo SGGP tổ chức cách đây đã trên chục năm. Sáng nay, đọc truyện ngắn của Lydia Davis, tôi bỗng nghe mắt mình cay cay nhớ mẹ. Tháng Bảy âm lịch, tháng của Vu Lan thắng hội, tháng để người sống niệm tưởng về những người đã khuất, xin dịch và đăng lại truyện ngắn ấy ở đây, như một bông hồng trắng tôi dành tưởng nhớ mẹ mình, đồng thời, xin xem đây là một bông hồng đỏ tặng cho tất cả những ai đang còn mẹ, những ai may mắn còn có cơ hội được bày tỏ tình yêu dành cho mẹ của mình.
Trần Thanh Sơn (9.2017)
 
 
Những bà mẹ

 
Mỗi người đều có một bà mẹ ở đâu đó. Bà mẹ đang ăn tối cùng chúng ta. Người đàn bà nhỏ thó đeo mắt kính dày đến nỗi dường như tròng kính hóa thành màu đen khi bà quay đầu đi. Rồi thì, bà mẹ của vị chủ nhà gọi điện thoại tới lúc chúng ta đang ăn. Cuộc điện thoại đã khiến chủ nhà phải rời khỏi bàn ăn lâu hơn là mọi người chúng ta nghĩ. Bà mẹ này có thể đang ở New York. Bà mẹ của một vị khách được nhắc tới trong lúc chuyện trò: bà này ở Oregon, cái tiểu bang mà rất ít người trong chúng ta biết đến, dù rằng trước đây ta từng có người họ hàng sinh sống ở đó. Một biên đạo múa được đề cập tiếp ngay sau, đang ở trên xe. Ông sẽ nghỉ lại trong trấn đêm nay, và thực tế, ông cũng đang trên đường đi thăm mẹ, ở một tiểu bang khác.

Những bà mẹ, khi là khách ở những bữa tối, ăn khoẻ, hệt trẻ con, nhưng cứ như là không hiện diện. Họ thường không theo kịp những gì chúng ta đang nói hoặc đang làm. Cũng như vậy, họ thường chỉ tham gia khi cuộc chuyện trò của chúng ta hướng sang thời chúng ta còn nhỏ, hoặc họ lọ mọ đi sắp xếp chỗ nghỉ dù không cần phải làm như vậy, họ tủm tỉm cười và thường bị hiểu lầm. Dẫu vậy các bà mẹ thường xuyên được nhìn thấy, thường trực được nhắc đến, dù chỉ vào những kỳ nghỉ lễ. Mẹ đã chịu thương chịu khó vì chúng ta, và thường xuyên nhất ở những chốn mà chúng ta không thể nào nhìn thấy họ được.
Lydia Davis

 
* Mothers, The Collected Stories of Lydia Davis, Penguin Books, 2014
 
 
Lydia Davis (sinh năm 1947): Nhà văn, dịch giả nổi tiếng người Mỹ, Giải thưởng The Man Booker International Prize (2013), được xem là một bậc thầy của thể loại truyện cực ngắn. Truyện của bà dài nhất chỉ một, hai trang giấy, còn đa phần chỉ dăm dòng, thậm chí chỉ một câu. Có thể kể một số tác phẩm tiêu biểu của bà như: The Thirteenth Woman and Other Stories (1976), Break It Down (1986), Varieties of Disturbance (2007), Can't and Won't (2013)…
 
Ảnh: From Collage (Joan Miro, 1929)
 


Không có nhận xét nào: