Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

Ole-nhắm-mắt-lại

 
 
Con gái một tuổi rưỡi tập nói và chơi trò trốn tìm với bố. Tôi thường giả bộ trốn Kiwi bằng cách chui đầu vào đống mền gối để con bé lật từng cái gối ra và thích thú cười khi nhìn thấy mặt tôi. Đến lượt bé trốn, khi tôi hô “ú-òa” thì Kiwi cứ ngồi tại chỗ mà nhắm tịt mắt lại, trí óc thơ ngây của bé chỉ đơn giản nghĩ rằng, khi nhắm mắt lại không nhìn thấy bố thì cũng có nghĩa là bố cũng sẽ không nhìn thấy bé! 

Người ta bảo đà điểu thường ngu ngơ trốn chạy sự truy đuổi bằng cách rúc đầu vào trong cát, chẳng biết sự thật có đúng như vậy, nhưng rõ là chúng ta, rất-rất-nhiều-khi cũng cố tình ngốc nghếch có khác gì đà điểu hay là con trẻ? Vị thần của giấc ngủ và mộng mị trong những câu truyện cổ tích đẹp đẽ nhuốm chút u sầu của Andersen có tên gọi là “Ole-nhắm-mắt-lại” (Ole Lukkøje) (1). Mỗi khi thực tế thảm hại của cuộc đời làm tôi quá đỗi mỏi mệt, tôi thường viện đến Andersen, viện đến cái thế giới ảo diệu của ông, dù thế giới ấy không luôn dịu ngọt và có hậu như những chuyện cổ tích quen thuộc thuở ấu thời ta thường được kể. Tôi thầm nhủ với mình: “Ole-nhắm-mắt-lại”, tôi biến khỏi thực tại.
 
Bạn sẽ quy kết tôi nhắm mắt giả mù trước thực tại là ngu ngốc, hoặc nặng nề hơn: kẻ vô cảm? Những người nghệ sĩ những kẻ mộng mơ, có thể làm được gì nhỉ? Viết. Suy tưởng. Im lặng mơ mộng. Hát rống, gào tướng lên hay âm thầm tự hỏi mình như Czeslaw Milosz: “Thơ là cái quái gì khi không cứu nổi/ Những quốc gia hay những con người? Là sự đồng lõa nhắm mắt làm ngơ trước những điều dối trá”(2)? Khi sự trân tráo và vô sỉ lên ngôi, chọn lựa một thái độ cho mình là điều không dễ dàng. Chẳng còn rừng để vào trốn như Nguyễn Tịch thì tốt nhất là nên nhắm tịt mắt lại để đừng ai nhìn thấy con-mắt-trắng của mình (3).
 
Mệt mỏi và buồn chán. Tìm thấy niềm đồng cảm với mình trong một bài thơ nhỏ của Anna Swirszczynska - Trên đồng cỏ: “Bông cúc trắng/ và đôi mắt khép/ che chở chúng tôi khỏi thế gian này”(4).
Trần Thanh Sơn (10.2017)

Note: Đám quan chức của chúng ta trong những vụ việc nổi cộm mà báo chí nêu lên trong thời gian qua hình như xử sự cũng "ngây thơ" như bé Kiwi của tôi, họ cứ đơn thuần là nhắm tịt mắt lại (!)


(1) Ole Lukkøje: tiêu đề của một trong những câu chuyện cổ tích phổ biến nhất của Hans Christian Andersen (dịch sang tiếng Anh là Willie Winkie, The Sandman, The Dustman, Old Luke) tiêu đề nghĩa đen nghĩa là “Ole nhắm mắt lại”, Ole là tên của một cậu bé.
(3) Nguyễn Tịch (210-263): một danh sĩ trong Trúc Lâm thất hiền, xuất thân ở Trần Lưu, nước Nguỵ thời Tam Quốc, Trung Hoa. Tương truyền Nguyễn Tịch có cặp mắt rất đặc biệt, khi vừa lòng ai thì nhìn với đôi mắt xanh, còn không vừa lòng ai thì nhìn với đôi mắt trắng.
(4) Anna Swirszczynska, “In A Meadow”  https://hellopoetry.com/anna-swir/
 
Ảnh: From “Sinus Trouble” (Holly Roberts)
 


Không có nhận xét nào: