Có những buổi sáng thức dậy với cảm giác mất phương hướng.
Đầu óc cứ ong ong với câu hỏi rất cũ và rất… sến, ta đang đi đâu và ta sẽ về
đâu? Ở độ tuổi của tôi, thật nực cười khi cứ loay hoay tự vấn mình câu hỏi
ấy. Biết bao những đường ngang ngõ dọc của cuộc đời tôi đã đi qua, biết bao
những bến bờ xa lạ tôi từng ghé lại, phải chăng chỉ là phiêu dạt vô mục đích?
Nhưng một kim chỉ nam thì cần thiết gì cho định mệnh bất khả đổi dời của một
con người? Trong tác phẩm “Alice ở xứ sở diệu kỳ” của Lewis Carroll, có một
đoạn tôi nhớ đại khái, khi cô bé Alice lạc đường hỏi thăm gã mèo Cheshire
thông thái là phải đi theo hướng nào, mèo Cheshire đã hỏi lại: “Điều đó phụ
thuộc vào ý bạn muốn đi đâu”, khi nhận được câu đáp của Alice: “Đi đâu cũng
được, tôi chẳng quan tâm đến điều đó”, mèo đã trả lời: “Thế thì đi đường nào
cũng vậy, có khác gì đâu?”…
Cách đây ít lâu ngồi với dăm người bạn cũ, chuyện mưa nắng bâng quơ, chuyện văn nghệ văn gừng ngày xửa ngày xưa… Bồi hồi thức lại với một vài kỷ niệm, một vài ước vọng một vài hoài bão, mà đồng hiện cùng những cảm xúc từng gần gụi đó là cảm giác ngượng nghịu như thể đang nhìn vào tâm hồn của một ai khác không phải của mình, một thân xác giá lạnh mà linh hồn khi lìa bỏ bất giác cúi nhìn lạ lẫm. Cũng ở buổi trò chuyện tầm phào đó, tôi buồn rầu nhận ra cái sợi dây thân hữu mà chúng tôi tưởng rằng vẫn còn tồn tại, thật ra chỉ là hồi quang của thứ tình cảm được nối kết bởi sự ngộ nhận về mẫu số chung của những cái gọi là kỷ niệm, và chỉ vậy, không hơn không kém. Chúng tôi, chẳng còn ai hiểu được ai cả, mỗi người một ngôn ngữ, một hướng nhìn, một nẻo dạt, đã trở thành những cư dân của tòa tháp Babel u sầu dâu bể.
Cioran bảo mỗi lần con người tiến lên được một bước họ sẽ mất đi một cái gì đó. Cái tôi ở phía cuối đường sẽ rời rụng hết, mất mát hết những gì là tôi khi khởi xuất ở đầu đường. “Cứ sống cho hết con trăng này đi rồi tính…”, nhớ giọng cười và câu nói cửa miệng của ông M. - người bạn vong niên kỳ dị những mùa mưa 1980 xưa cũ. Ngày ấy, tuy thân với ông nhưng tôi chẳng mấy hiểu ông, đôi khi tôi còn thấy sợ ông nữa là khác! Chẳng thể trách, bởi tôi còn quá trẻ. Giờ đây, trong một chừng mực nào đó, tôi nghĩ mình đã hiểu được phần nào câu nói của ông. Phải chăng, đó là một cách thức để ông tự trấn an mình, khăng khăng tỏ ra rằng mình vẫn còn có quyền lựa chọn, dẫu là một lựa chọn đầy bi thiết, một đường cùng khi nhận thức được bất cứ lựa chọn nào của mình cũng chỉ dẫn tới một đường cùng. Thực tế cuộc đời ông là một ví dụ cho sự kình chống lại tính bất khả kháng đầy ma mị của thứ định phận dành riêng cho mỗi cá nhân ấy, một cánh-cửa-lâu-đài kiểu Kafka không bao giờ được mở ra một lần nào hết. Ông M. tài hoa, ông M. sinh bất phùng thời, ông M. bất đắc chí, ông M. say rượu ngủ dưới đáy sông. Tôi đồ rằng ông đã tự chọn cho mình cách kết thúc này, cách kết thúc cái chuyến đi mụ mị trong sương mù mà ông cho rằng ít để cho mọi người thấy nhất sự thất bại hoàn toàn của ông trước định mệnh của mình!
“...Đi đường nào cũng vậy, có khác gì đâu?”. Bây giờ ngươi 50 tuổi, liệu có thể tin nổi rằng hôm qua ngươi đã từng 20, từng ngồi uống rượu trong một đêm tối thui tận đầu đường hầm thập niên 1980 nghe một lão say cười hà hà bảo với ngươi rằng cứ sống cho hết con trăng này đi rồi tính? Chuyện gì xảy trong hành trình sương mù 30 năm đó? Ngươi đã đi rất nhiều nơi mà chẳng đến một nơi nào cả, ngươi đã gặp hàng đống người mà chẳng gặp một người nào cả, người đã gặt hái thật nhiều mà chẳng gặt hái được điều gì cả, ngươi đã hy vọng ước vọng kỳ vọng bằng trái tim bắt đầu khô héo từ tuổi 20 mà chưa từng thực sống một ngày nào với niềm hy vọng... Thế thì, băn khoăn quái gì nhỉ, cứ tiếp tục nhắm mắt và bước thẳng vào trong sương mù!
Bằng những ý nghĩ tối đen và sến súa như thế, thêm một buổi sáng nữa tôi thấy mình xúng xính trong bộ dạng mới của niềm tuyệt vọng.
Trần Thanh
Sơn (10.2017)
Ảnh: Figure Watching and Listening (Holly Roberts)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét