Thứ Hai, 6 tháng 11, 2017

Ở chốn mất đi và tìm thấy

 
 
Bỗng thèm được trở lại làm cậu học trò thời trung học, mắt-sáng-môi-trong bao khát vọng chỉ vừa mới khởi, chưa nếm thất vọng, chưa trải thương đau, cũng chưa từng biết đến những cuộc mộng tàn. Tôi thấy tôi cùng lũ bạn đạp xe băng băng ngược gió, biển xanh cát trắng sóng ngầu bọt, mặt trời loang loáng trên đầu và tung tóe lũ chim hải âu. Chúng tôi men theo bờ cát ướt cứ thế mà đạp tới, rướn tới, cười nói vang vang và í ới gọi nhau như thể sẵn lòng cùng nhau phóng thẳng tới mọi chân trời…
 
Những đêm trằn trọc, trong nhiễu loạn sắc màu của mi mắt khép, đôi khi trở về cùng tôi là ánh sáng rực rỡ của những ngày thơ trẻ ấy, chúng như một đoạn phim được quay thật nhanh, lóe lên như ánh chớp, tuy ngắn ngủi nhưng đốt sáng cả một vùng ký ức tối tăm mụ mị của tôi nơi lưng chừng giấc ngủ. Ở đó tôi thấy mình tóc xanh, lòng đầy tin yêu, không ngờ vực, không cay đắng nghiệt ngã, không oán giận bất kỳ ai và bất cứ điều gì. Tôi là cậu học trò trung học mắt-sáng-môi-trong luôn bước đi với một con chim ca hát trong đầu…
 
Cũng trong chốn mất đi và tìm thấy ấy, đôi khi tôi gặp lại một vài gương mặt bạn bè - đã chết, đã vĩnh viễn thất lạc, hoặc đã nhiều chục năm rồi không gặp mặt - ánh mắt và nụ cười của họ hiện lên như những ghi chú buồn bã bên lề cuốn sách cuộc đời tôi, như nhắc nhở tôi sự từng tồn tại của họ ở một quãng ngắn dài của tuổi trẻ, thứ tuổi trẻ cùng những niềm khát vọng đã từ lâu vĩnh viễn khép chặt cửa lại với tôi. Cũng có những người bạn của quá khứ, họ quay về mà chẳng có gương mặt. Họ chỉ là những vệt chân dung mờ ảo bị nhúng đẫm thứ sương mù của lãng quên mà trí nhớ tôi, dù có cố gắng đến đâu cũng không thể khôi phục lại được. Cùng với sự mờ xóa đi mọi dáng hình của nét mặt, ký ức về những người bạn ấy cũng thường thiếu vắng cả tiếng nói cười. Đấy là thứ đêm đen điếc đặc của bóng tối. Một lòng giếng sâu hút không sắc màu và tuyệt vô âm hưởng, lòng giếng nơi ký ức ta chôn cất những bóng ma!
 
“Những ngày xưa thân ái anh gửi lại cho ai?...”(1), có lần mẹ tôi bảo bà thích bài hát này, nó gợi cho bà những ký ức thời thơ ấu, những lần từ Hà Nội về nghỉ hè ở nhà một người bác trên vùng trung du Bắc Bộ, gợi nhớ những bạn bè còn mất hay lạc nhau từ độ đất nước cắt chia, “khói súng xây thành”(2)… Tôi còn trẻ khi mẹ tôi nói với tôi điều ấy. Tôi đang nghe Bach và Mozart, nghe Judy Collins, Nana Mouskouri hát. Tôi bảo không thấy thích bài hát rầu rĩ vàng vọt gợi về những tháng ngày tối tăm dưới bóng chiến tranh, về tuổi trẻ u sầu mất mát này. Đơn giản là vậy. Nghe tôi phản đối, mẹ tôi chỉ cười mà không nói gì. Khoảng năm 1998, lần đầu tiên có dịp trở lại chốn mình từng sống trọn thời niên thiếu sau gần 20 năm rời bỏ, người bạn cũ lấy xe đưa tôi đi loanh quanh: thành phố cũ, ngôi trường cũ, con đường cũ, những người năm cũ… “A giờ làm doanh nghiệp, B lấy chồng ở nhà nội trợ, C vượt biên mất tích ngoài biển, D dọn nhà đi đâu chẳng biết, E bị tai nạn giao thông mất cũng lâu rồi…”. Tôi ngơ ngác. Ôi những bạn bè xa xưa, những bóng ma từng quen thuộc và thân thiết với tôi, chút tình thơ dại của tôi, người này trí nhớ còn lưu giữ được, kẻ kia ký ức đã bôi xóa hoàn toàn. Tôi đứng đầu dốc trên con đường nhỏ xuôi về phía biển, như thấy lại mình cùng lũ bạn ngày thơ đạp xe băng băng ngược gió, biển xanh cát trắng sóng ngầu bọt, mặt trời loang loáng trên đầu và tung tóe lũ chim hải âu. Trời đất, chính giây phút đó, bài hát có lần mẹ tôi bảo rằng bà rất thích đã bất ngờ quay trở lại và da diết vang lên trong đầu: “Những đường xưa phố cũ thôi nỡ đành quên sao? Xin gọi lại tên anh giữa trời sao long lanh… Những ngày xưa thân ái xin gửi lại cho em”…
 
Sức nặng của thời gian đè nặng lên ký ức chúng ta và luôn có khuynh hướng nhấn sâu ta xuống vũng lầy của quên lãng. Ngoái nhìn quá khứ là ngồi nói chuyện với những bức tường. Có bức tường đáp trả lại lời gọi của ta bằng tiếng dội vang, cũng có bức tường nín thinh nuốt chửng mọi tín hiệu. Tôi có người bạn chơi khá thân những năm lớp 7 lớp 8. Nhà K chỉ cách nhà tôi mấy con ngõ nên khi đi học tôi thường đạp xe ghé ngang rủ đi cùng. Liền mấy năm trời, ngày nào cũng như ngày nào, vậy mà đột ngột chúng tôi nghỉ chơi với nhau, nghỉ hẳn. Cho đến tận cái ngày tôi có dịp trở lại chốn cũ sau nhiều chục năm xa cách và được bạn bè cho biết K đã mất vì ung thư vòm họng, chúng tôi đã không hề nói chuyện cũng như nhìn mặt nhau một lần nào nữa cả. Mãi cho đến bây giờ, dù vắt óc, tôi vẫn không tài nào nhớ lại được, hiểu được, lý do gì đã khiến tôi và K không chơi với nhau nữa. Cũng chẳng còn cơ hội, để ví như có dịp gặp lại, tôi sẽ hỏi bạn mình. Ký ức về K chính là bức tường nín thinh trước mọi lời gọi. Gương mặt, giọng nói hay dáng vẻ của người bạn thuở thiếu thời ấy mờ xóa hẳn trong tôi, như có một cơn lũ vô hình nào đó đã quét ngang và khoét rỗng trí nhớ tôi, cuốn đi tất tần tật những gì liên quan đến K. Và như thế, đôi khi tôi nghĩ, một cách buồn rầu, có lẽ cũng có đến chừng ấy phần đời hoa mộng của tôi đã bị thời gian lãnh đạm cuốn theo và phá hủy trong im lìm.
 
Thèm được trở lại làm cậu học trò trung học mắt-sáng-môi-trong bao khát vọng chỉ vừa mới khởi. Cũng thèm có ở đấy không thiếu một ai những gương mặt bạn bè của tuổi sáng trong đẹp đẽ nhất trong đời. Có một bài thơ đầy nỗi u hoài tôi được đọc, “chỉ những người đã chết mới thuộc về chúng ta”, và xiết bao cay đắng, “chỉ những gì đã mất mới thuộc về chúng ta”, và rất đỗi phủ phàng, “chẳng có thiên đường nào khác ngoài những thiên đường đã mất”(3)? Thỉnh thoảng tôi hay lẩm cẩm tự hỏi mình, có thật đúng như vậy không, chẳng có thiên đường nào khác ngoài những thiên đường đã mất?
Trần Thanh Sơn (11.2017)
 
 
(1) Lời ca khúc “Những ngày xưa thân ái” của NS. Phạm Thế Mỹ
(2) Lời ca khúc “Rừng lá thấp” của NS. Trần Thiện Thanh
(3) “Only those who have died are ours, only what we have lost is ours/…There are no paradises other than lost paradises” (Possession of Yesterday - Jorge Luis Borges)
 
Ảnh: From Picture (Christer Stromholm)
 


Không có nhận xét nào: