Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

Tản mạn 30 năm và câu nói của một gã khờ

 
 
Vậy mà tụi mình chơi với nhau được trên ba mươi năm rồi đấy, người bạn họa sĩ nói với tôi trong hơi buốt căm căm của ngọn gió tháng 12 đang không ngừng rền rĩ trên những ngọn đồi đêm nửa thức nửa ngủ, mà từ chỗ chúng tôi ngồi uống rượu, nhìn về hướng ấy, những ngọn đèn của phố khuya tỏa thứ ánh sáng mù mịt và bất định như thể chúng rọi về từ lòng biển, từ đáy của một vực sâu thăm thẳm nào đó. Trong một thoáng, tôi thấy như về cùng với tiếng gió rền rĩ kia là những hồn ma của tuổi trẻ tôi, những hồn ma vui có buồn có, không chỉ của đam mê, khát vọng, mà còn của cả niềm tin và niềm hy vọng, đã héo khô đã già khằn đã lụi tàn, dài dằng dặc, xếp hàng theo tiếng điểm danh của từng đợt gió, đòi tôi nhận mặt, đòi tôi phải xác nhận chúng từng thuộc về tôi, của tôi cùng bạn bè tôi, trong cái mộ địa 30 năm chúng tôi đã âm thầm cất dấu và âm thầm chôn vùi chúng.
 
Tôi thấy tôi mùa hè 1987, tóc tai bờm xờm theo kiểu Beatles, dù vào thời điểm ấy, lối tóc này đã lỗi thời và mang đầy hơi hướm tỉnh lẻ. Tôi thấy người bạn họa sĩ của tôi gầy gò, cao và dài ngoẵng như một tác phẩm của Giacometti (1), anh kéo tôi vào quán cà phê cạnh NVH Thanh niên sau buổi họp nhóm đầu tiên ở CLB Sáng tác trẻ và khẽ khàng hỏi chuyện làm quen: “Bạn cũng tham gia nhóm hội họa à?”. Năm 1987, CLB Sáng tác trẻ Thành đoàn do NS. Nguyễn Văn Hiên làm “thủ lĩnh” đăng một mẩu tin trên báo Tuổi Trẻ mời gọi những người yêu thích sáng tác trên các lĩnh vực nghệ thuật như: văn thơ, âm nhạc, hội họa, điện ảnh, kịch nghệ… đến tham gia sinh hoạt. Nhóm hội họa của CLB không hình thành được vì có quá ít người đăng ký, tôi - do đăng ký cùng lúc hai nhóm sở thích - nên tiếp tục vào sinh hoạt với nhóm sáng tác ca khúc, còn Đ - chàng họa sĩ tài tử - cũng vậy, sinh hoạt với nhóm văn thơ.
 
Tập hợp những người yêu-thích-sáng-tác cũng đồng nghĩa với việc tập hợp rất nhiều những ông-trời-con, ai cũng thấy mình (ít nhất) là một tài năng, ai cũng nuôi mộng trở thành một nghệ sĩ lớn, và vì vậy, CLB Sáng tác trẻ cũng là nơi quy tụ rất nhiều những tính cách văn nghệ khác nhau, từ hào sảng ngông nghênh đến lớn lối gàn dở lập dị… Chân ướt chân ráo và chưa có chút kinh nghiệm gì trên con đường hoạt động âm nhạc, với nhóm sáng tác ca khúc, lần đầu tiên tôi được gặp gỡ, được chạm mặt những nhạc sĩ đàn anh nổi tiếng mà trước giờ mình chỉ mới được nghe danh, và cũng với nhóm sáng tác ca khúc, lần đầu tiên trong đời tôi thấy mình được tiếp xúc với nhiều người có cùng niềm đam mê âm nhạc giống như mình đến vậy. Gặp nhau là hăm hở nói chuyện âm nhạc, bàn luận chuyện âm nhạc, âm nhạc âm nhạc và âm nhạc, cứ thế! Tuy vậy, con tàu với đoàn thủy thủ hùng hậu đầy đam mê chinh phục ấy qua thời gian cứ rơi rụng dần. Thực tế rất khắc nghiệt. Có những người tôi chỉ biết mặt chưa kịp nhớ tên đã mau chóng biến mất: người trở lui yên tâm với chức nghiệp của mình, người quay về với nghề gõ đầu trẻ, người nhảy sang kinh doanh, người cùng gia đình xuất cảnh, người theo chồng rời cuộc chơi… bỏ lại sau lưng bao nhiêu là giấc mộng lớn giấc mộng con chưa kịp tượng hình đã tan thành hư ảnh!
 
Nhưng tôi cũng có nhiều bạn ở đấy. Ba mươi năm - trong câu nhắc của người bạn họa sĩ và những ngụm rượu cố xua đi cảm giác buốt giá 13 độ của đêm cao nguyên - tôi thấy lại những ánh mắt cười lấp lánh của bạn bè ngày xưa cũ, những ngày mà niềm đam mê âm nhạc không chút toan tính còn gắn kết sát sạt chúng tôi với nhau. Tôi nhớ những đêm đạp xe rong ruổi khắp các nẻo đường Sài Gòn để tham dự tất cả những buổi sinh hoạt hội họp nào miễn có liên quan đến âm nhạc. Tôi nhớ những khuya muộn ngồi quán nước vỉa hè bàn luận không dứt về quan điểm, về phong cách, về những dự định, hoài bão, ước vọng... của mỗi người trong sáng tác. Và đặc biệt nhớ, mỗi khi có ai trong nhóm vừa viết được một bài hát hay, cả bọn lại thích thú xúm vào bàn luận, hứng khởi vì biết rằng tác phẩm ấy sẽ gián tiếp truyền nguồn xung lượng mới cho mình, kích thích mình tiếp tục dấn bước trên hành trình sáng tạo, hành trình đi tìm cái đẹp.
 
Thế giới sẽ được cái đẹp cứu rỗi. Ngày ấy tôi tin vào điều đó, và có lẽ, bạn bè của tôi cũng vậy. Khởi đi từ một thế hệ bị bỏ quên sau chiến tranh với những mất mát, tổn thương trong bi kịch chung của cả một giai đoạn lịch sử, thứ mà tôi và những bạn bè cùng trang lứa với tôi ngày ấy tìm thấy ở nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng có lẽ chẳng là gì khác ngoài niềm an ủi mà nghệ thuật - thông qua cái đẹp thuần túy đầy nhân bản của nó - mang lại. Sau bao nhiêu những thứ sứ mệnh mà vì những mục đích này khác người ta buộc nghệ thuật phải gánh vác, đã đến lúc, chúng tôi cứ đơn giản nghĩ vậy, phải trả về cho nghệ thuật bản chất nguyên ủy của nó. Vậy nên, hãy thôi máu-xương-giết-chóc-tung-hô, hãy thôi nghi-kỵ-vực-ngờ-buộc-tội, hãy để cái đẹp đích thực của nghệ thuật mang lại sự cứu rỗi, mang lại niềm tin, mang lại hy vọng. Thế nhưng, như Steiner nói (2), đại loại, trong một thời đại mà con người cứ bị buộc phải rúc kèn đồng hát tụng ca hoặc cứ phải rít lên những nỗi thống khổ của mình như chuột bọ, thì liệu tiếng nói của văn chương nghệ thuật - thứ ngôn ngữ mang tính người nhất trong tất cả mọi thứ - còn có thể tiếp tục được không? Tôi buồn rầu nghĩ về mình, về bạn bè mình, thế hệ của mình với xiết bao chua chát. Cái hành trình ba mươi năm với những buồn vui hân hoan và đắng chát kia, nó mang lại ý nghĩa đích thực gì cho mỗi người chúng tôi? Và liệu, Steiner, đấy có phải là mượn một cái cớ đâu đâu cho sự thất bại và sụp đổ của mình, hay là để một lần nữa lại mò mẫm tìm cho cuộc đời mình một kiểu thức cứu rỗi khác?
 
Đ có nhóm bạn văn nghệ thường tụ họp ở nhà một chị bạn vào mỗi cuối tuần sau những buổi sinh hoạt ở CLB Sáng tác trẻ. Tôi vẫn còn nhớ thứ ánh sáng xanh yếu và mù tối trên chiếc bàn gỗ tròn mà mọi người hay ngồi bàn luận đủ thứ chuyện về văn chương, văn nghệ. Quanh chiếc bàn tròn ấy, trong căn nhà nằm ở cuối con hẻm nhỏ yên tĩnh ấy, có cảm tưởng như đó là một nơi chốn cách biệt với thế giới nhộn nhạo bên ngoài, và cái nhóm bạn bè văn nghệ ấy của Đ, họ như những kẻ vừa trốn thoát được sự truy đuổi của thực tại để hoan hỉ về tụ tập bên nhau. Chơi với Đ, tôi cũng thường hay ghé lại đó khi có dịp, ngồi hóng chuyện hoặc đôi khi góp vui một vài ca khúc mà tôi vừa viết xong. Thoắt một cái mà đã ba mươi năm, như Đ trong cuộc rượu khuya phố núi với tôi vừa nhắc. Người ta bảo những thứ đã vỡ vụn thường quên mất là mình đã tan vỡ. Tôi ngỡ mới hôm qua, tôi ngỡ mình còn xanh tóc, còn nguyên niềm tin, còn nguyên hy vọng…
 
Bỗng lại nhớ một người bạn khác, người bạn nhạc sĩ mà tôi luôn tin rằng có tài hơn cả trong nhóm chúng tôi ngày xưa. Giờ đây hình như anh rút vào trong im lặng. Qua những phát biểu rải rác mà tôi nghe được, có cảm tưởng anh phủ nhận hết thảy con đường cuộc đời mình đã đi qua. Anh buồn bã, anh giận dữ, anh kết tội tất cả, kể cả chính mình. Than ôi, chẳng lẽ thế hệ của chúng tôi thật sự là thế hệ bị kết án mù lòa chung thân bởi thứ sương mù độc địa di chứng của thời hậu chiến, và mọi hành trình mà chúng tôi lựa chọn đều chỉ là những hành trình vô định mang dấu ấn thất bại ngay từ bước khởi hành? Nếu ông M - người bạn vong niên kỳ dị của tôi còn sống, ông sẽ nói gì nhỉ? Tôi nghĩ, có lẽ ông sẽ cười hà hà và bảo với tôi thế này: Tỉnh lại đi, hãy chấp nhận mình thất bại, thế giới sẽ được cái đẹp cứu rỗi, nhưng cần nhớ rằng Dostoyevsky đã đặt câu nói đó vào miệng một Gã Khờ (3)!
Trần Thanh Sơn (12.2017)
 
 
(1) Alberto Giacometti (1901-1966): nhà điêu khắc, họa sĩ hiện đại lừng danh người Thụy Sĩ.
(3) Tên một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nga Fyodor Dostoyevsky (1821-1881), câu nói Thế giới sẽ được cái đẹp cứu rỗi” được trích từ tác phẩm này.
 
 
Ảnh (từ trái qua): NS. Nguyễn Văn Hiên, NS. Lê Quốc Thắng, NS. Trần Minh Phi, 
NS. Trần Thanh Sơn, NS. Võ Công Hưng, NS. Mai Duy (ngồi) - 1988?
 
 
Ảnh: Giới thiệu ca khúc mới (1991?)
 
Ảnh trên: Collecting Heart (Massimo Nota)
 


Không có nhận xét nào: