Chủ Nhật, 17 tháng 12, 2017

Nhạc-trên-trời

 

Nghe Die Kunst der Fuge của Bach, vẫn thấy choáng ngợp như lần đầu được nghe cách đây trên 30 năm trong bản phối của Hermann Scherchen cho dàn nhạc trên chiếc đĩa nhựa trầy xước bị mẻ mất một góc mà khi đặt vào mâm đĩa, tôi phải nhấc kim máy hát bỏ vào những rãnh đĩa phía bên trong, tránh đi phần đĩa bị vỡ bên ngoài. Nghe và lại thấy mình như bị phóng chiếu bởi thứ ánh sáng huy hoàng đầy bí mật của sự mặc khải, như cảm nhận được tiếng dội vang từ những vì sao đã mất, sự hiện diện của ít nhất một vài điều hợp lý trong cái hỗn độn đến vô cùng của vũ trụ và sự bé mọn đến vô cùng của chính mình. Nghe và tự hỏi, Johann Sebastien (1), ông là ai trong cái thế giới loài người xiết đỗi tang thương khốn khổ này?

Tôi được tiếp xúc với nhạc Bach vào khoảng cuối những năm trung học. Mười sáu tuổi, thời điểm đó không sớm nhưng cũng chẳng phải là quá muộn đối với âm nhạc của người nhạc sĩ luôn được xem là một trong những biểu tượng trí tuệ khổng lồ của nền văn minh phương Tây. Tôi được nuôi dạy trong một gia đình không có thói quen nghe nhạc cổ điển. Loại âm nhạc thuở bé tôi được nghe từ máy hát của gia đình chỉ quẩn quanh mấy bài nhạc nhẹ Pháp với các giọng ca như Edith Piaf, Yves Montand, Françoise Hardy hay Sylvie Vartan, những bài hát mà mẹ tôi yêu thích. Theo như tôi nhớ, trong đầu tôi chưa từng có một khái niệm gì về nhạc cổ điển cho đến khi bắt đầu tập tễnh chơi guitar vào năm lớp 10 và tình cờ được tiếp xúc với Bach.

Tôi dùng chữ “tiếp xúc” mà không dùng chữ “nghe” là có lý do của nó. Đầu năm học 11, người bạn cùng chia sẻ niềm yêu thích guitar với tôi đột ngột chia tay để vào học Nhạc viện Huế. Trước khi lên đường, Th. tặng lại tôi toàn bộ sách vở, ghi chép và tài liệu âm nhạc của mình. Trong đống sách vở hầm bà lằn đó có một tập sách mỏng, một tuyển tập tiểu phẩm của Bach được Andres Segovia (2) chuyển soạn cho guitar. Tập cầm phổ của nhà soạn nhạc có cái tên lạ lùng J.S. Bach này vượt quá tầm hiểu biết cũng như khả năng cầm thủ của tôi. Tôi nhớ mình đã phải mò mẫm một cách khó khăn từng ô nhịp trên cây đàn, như đứa bé tập đi dấn từng bước một vào một thế giới tuy lạ lẫm nhưng hấp dẫn và đầy tráng lệ, háo hức tìm thấy trong dòng thác dày đặc những nốt và nốt ấy những cộng hưởng âm dị kỳ mà mình chưa từng nghe thấy bao giờ. Và như vậy, từ những nhạc khúc phất phơ dành cho những tay amateur vừa chập chững học đàn, tôi rơi thẳng vào đại dương âm thanh của Bach, vào thế giới chập chùng phức điệu của thứ âm nhạc dường như chỉ có thể vọng xuống từ chín tầng trời! Và thứ nhạc-trên-trời ấy, dẫu nhát gừng và đứt khúc vì khả năng diễn tấu tệ hại của tôi, nhưng có cần gì, trong những chiều mùa đông tối đen vì đói rét và cô đơn ngày ấy, chỉ cần ngồi xuống cùng tập cầm phổ tuyệt diệu ấy là tôi có thể quên đi tất cả, nhạc-trên-trời của Bach là những vệt lửa sẽ bừng lên an ủi và sưởi ấm cho tôi. Gần 5 năm sau, ở Sài Gòn, cùng với chiếc máy quay đĩa cũ đầu tiên mua được, tôi mới lần đầu tiên thật sự được “nghe” âm nhạc của Johann Sebastien Bach, và đó là Die Kunst der Fuge!

Trong hơn một ngàn tác phẩm còn lưu giữ được, Die Kunst der Fuge chắc chắn không phải là nhạc phẩm hay nhất của Bach, nhưng chẳng hiểu sao tôi luôn có cảm giác choáng ngợp lạ lùng khi nghe tác phẩm này. Được viết dở dang trong mười năm cuối đời trước khi Bach mất vào năm 1750 dưới dạng một tổng phổ mở không chỉ dẫn rõ loại nhạc cụ sử dụng, Die Kunst der Fuge bao gồm 14 tẩu khúc (mà Bach gọi là Contrapunctus) và 4 canon, tất cả đều được khai triển trên cùng một nhạc đề chính ở giọng Rê thứ. Điều gì đã tạo nên sự tráng lệ đến huy hoàng cho nhạc phẩm mà khởi thủy chỉ thuần túy là các biến khúc nối tiếp nhau bằng các thủ pháp phức điệu trên chủ đề chính có vẻ giản đơn và chẳng mấy hấp dẫn như vậy? Không có giai điệu đẹp như Das Wohltemperierte Klavier, không có các prelude để giảm bớt giọng điệu nghiêm trọng của các fugue, chỉ có áp lực ngày càng tăng, ngày càng phức tạp của chủ đề chính lên chính nó, như lời tự vấn, như sự dày vò của một cá nhân lên chính cá nhân đó, sự tự cấu xé mình của con người trong tột độ khổ đau, mà ở đỉnh điểm là tiếng thét được treo lơ lửng giữa thinh không - như chính sự dở dang của Contrapunctus XIV mà Bach để lại cho nhân gian. Nhà soạn nhạc và phê bình âm nhạc Wilfrid Mellers (3) không phải không có lý khi bảo Die Kunst der Fuge là nhạc phẩm Bach viết chỉ để trình tấu với Thượng đế và với chính mình trong một ngôi thánh đường hoang vu và trống rỗng không người. Cũng với ý nghĩa đó, có nên xem đây là tác phẩm mang nhiều nhân tính và cá nhân tính nhất của Johann Sebastien trong vô số sáng tác phẩm của ông, mà đa phần là thứ âm nhạc diễm tuyệt vang xuống từ chín tầng trời!

Có thể bạn chưa từng tin vào Thượng đế, cũng như tôi, nhưng có sao đâu! Hãy thử một lần dừng lại với Die Kunst der Fuge, hoặc với một trong rất nhiều tiếng dội vang từ thế kỷ này sang thế kỷ khác của âm nhạc Bach, để thông qua đó, tạm quên thế giới con người xiết đổi tang thương đau khổ này, và như cách nói của Aldous Huxley, nhìn ngắm cuộc xiển dương vĩ đại về “Cái Kia/ Kẻ Khác - về Thượng đế - sẵn sàng hiện thân qua trí tuệ, giác quan và cảm xúc”, đồng thời “lĩnh hội tức thời, trực tiếp về bản chất của tính thánh thần” (4) trong dòng chảy bất tận của Bach, nhạc-trên-trời.
Trần Thanh Sơn (12.2017)

(1) Johann Sebastien Bach (1685-1750): Nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức thời kỳ baroque. Die Kunst der Fuge (Nghệ thuật Fugue) được xem là một trong những tác phẩm nhiều ẩn mật nhất của Bach.
(2) Andres Segovia (1893-1987): Nghệ sĩ guitar lừng danh người Tây Ban Nha
(3) Wilfred Mellers (1914-2008): Nhà soạn nhạc, phê bình âm nhạc người Anh
(4) Aldous Huxley (1894-1963): Nhà văn Anh sống tại Mỹ. Sinh thời ông cho biết tư tưởng và cấu trúc tiểu thuyết "Point Counter Point" nổi tiếng của ông dựa trên kỹ thuật đối điểm của Bach. Câu dẫn này trích từ lá thư ông gửi cho vị bác sĩ của mình khi nói về âm nhạc của Bach (J.S. Bach và A.S. Huxley: Một kết cặp lạ lùng - Ann Edward Bennis, Vũ Ngọc Thăng dịch)

Ảnh: From "Rosenhafen" (Paul Klee)

Không có nhận xét nào: