Buổi trưa bất
chợt nghe tiếng chim hót từ những rặng cây phía bên kia vườn thoảng
lại. Tiếng hót đơn lẻ, từng tiếng một như những hòn sỏi cứ đều đặn
ném xuống vũng trưa im, gợi nhớ những trưa xa xôi trong khu vườn cũ
ngôi nhà vùng ngoại ô thời hai mươi tuổi, những trưa oi bức nằm thiu
ngủ dưới bóng râm những gốc trâm già, nghe ngoài bờ kênh róc rách
tiếng con nước xuống, thi thoảng gió ngoài đồng xa thổi về mang theo
mùi rơm rạ lẫn với mùi bùn, mùi cỏ mục nồng nã, và tiếng chim,
cũng khắc khoải từng tiếng một, như vọng về từ cổ độ… Lại nhớ câu
hát diễu nhại một bài ca nổi tiếng những năm đầu thập niên 1980 đám trẻ hay cà rỡn gào lên như một thứ đồng dao: “Chim kêu, chim kêu
nghe buồn thấy mẹ, chim kêu hoài chết mẹ nghe chim…”. Mẹ tôi bảo câu hát
nhại này chắc là do mấy ông sĩ quan học tập cải tạo chế ra, chiều
tù mà nghe tiếng chim kêu thì buồn không chịu nổi. Chẳng hiểu sao mẹ
tôi lại có liên tưởng lạ lùng như thế! Cũng có thể, bà có lý! Bầu
khí buồn bã chung của số phận rất nhiều gia đình miền Nam những năm
tháng ấy thường dẫn người ta đến với những suy diễn theo chiều hướng
bi quan như vậy. Mà thật, nghe tiếng chim kêu những buổi xế chiều thì
đúng là thảm não, chiều-chiều-chim-vịt-kêu-chiều thì vui cái nỗi
gì…
Cổ thi viết “Đả
khởi hoàng oanh nhi/ Mạc giao chi thượng đề”. Đánh đuổi con chim oanh
vàng đi, đừng cho nó hót trên cành nữa! Chim hoàng oanh, mi hót oang oang
làm tan tành giấc mộng đến Liêu Tây cùng người yêu quý của ta! Tiếng chim, biểu
tượng cho mùa xuân, cho niềm vui niềm hạnh phúc đôi khi lại trở thành một hình
phạt đối với con người là vậy. Tôi cũng có một khúc hát nhỏ dựa trên cái
cảm xúc kiểu… chim-kêu-nghe-buồn-thấy-mẹ này! Tiếng chim hót - khúc
hát viết cho những trưa nằm chết giấc với nỗi buồn, nghe vườn trưa
tiếng chim thảng thốt kêu vang những nỗi niềm ly tán. Ôi những tháng
ngày mà bạn bè gặp nhau hôm nay chưa biết chừng có còn gặp lại ngày
mai, đại dương nuốt trửng không bao nhiêu bạn bè, người quen biết của
tôi, và chia tay ngày đó, một lần có thể là vĩnh viễn… Bài hát viết
rồi xếp vào ngăn kéo, như tất cả những bài hát của tôi thời gian ấy.
Phải đến gần 15 năm sau, trong một chương trình giới thiệu ca khúc dành
cho các tác giả trẻ ở Quán Nhạc sĩ, bài hát mới được trình bày
lần đầu với giọng ca Mỹ Lệ. Khi biên tập để in vào tập giới thiệu ca khúc mới
của Hội Âm nhạc, NS. Phạm Trọng Cầu bảo tôi: “Bài hát được lắm, nhưng sao con
không thử bỏ bớt đi một dấu bémol ở đoạn B cho câu nhạc sáng lên, để hiệu ứng của
nốt si-bémol sau đó sẽ đắt giá hơn”. Lúc ấy, tôi đồng ý, vì tôn trọng bố Cầu nhiều
hơn là vì bị thuyết phục bởi ý tưởng âm nhạc của ông. Vậy nên, tiếng-chim-hót của
tôi sau này vẫn giữ lại nguyên 2 dấu bémol như được viết lúc ban đầu.
Trưa nay, nghe
tiếng-chim-hót bất chợt nhớ đến một tiếng-chim-hót. (TTS - 12.2017)
Ảnh: From "Bird Garden" (Paul Klee)
Tiếng
chim hót
Nhạc và lời: Trần Thanh Sơn
Một tiếng chim rời
Thảng thốt bên đời
Tưởng lại mùa
xuân trong ta rụng rơi
Người đã xa vời
Giọt nắng lưng
trời
Một đường chim
bay nói không nên lời…
Này tiếng chim
cười
Là nét môi người
Ngọt như mùa
xuân vẫn còn đây chưa từng phai
Nắng trưa huy
hoàng bay, bay mãi trong ta
Tiếng chim rơi
còn rơi, rơi buốt trong ta
Còn xuân bên trời
Người đã xa vời
Một đường chim
bay khuất nơi chân trời…
Note: Tìm thấy trong tủ
đĩa một CD của Hãng phim Giải phóng (chẳng nhớ được thực hiện năm nào) có ghi âm Tiếng-chim-hót với giọng ca Vân Khanh. Định đưa lên blog kèm với bài viết thì
hỡi ôi, mở ra CD chỉ còn cái bìa, còn ruột đĩa thì đã lạc đi đâu từ lúc nào rồi!
😕
Ảnh: From "Bird Garden" (Paul Klee)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét