Không thể phủ nhận sức hấp dẫn ghê gớm của những câu chuyện
ma, cho dù người được nghe kể tin hoặc chẳng mấy tin rằng có ma, có quỷ. Mẹ
tôi biết nhiều chuyện ma. Tuyệt thú nhất là những đêm mưa gió mất
điện cả nhà quây quần ở phòng khách trong ánh nến chập chờn nghe bà
kể chuyện. Mẹ tôi không giỏi chuyện cổ tích. Có thể do bà không biết nhiều
tích chuyện loại này, mà cũng có thể, đơn giản là do bà không thích chúng. Như
tôi nhớ, chuyện cổ duy nhất mà mẹ từng kể cho anh em tôi nghe là chuyện Sọ
Dừa, chuyện nàng công chúa bị buộc phải lấy chồng là một quả dừa khô.
Trí tưởng tôi ngày bé thường vẽ nên cảnh tượng anh chồng sọ dừa nhảy lóc cóc
dưới chân cô công chúa mỗi khi nàng bước ra đường. Hình ảnh đó thổi vào câu
chuyện cổ tích duy nhất của mẹ hơi hướm kinh dị như những chuyện ma mị mà
bà thường hay kể theo sự nằn nì của anh em tôi.
Chuyện ma của mẹ tôi, đủ các loại, nhưng tôi thích nhất là những mẩu chuyện nhỏ nằm rải rác trong ký ức của bà về thời thơ ấu, những mẩu chuyện gắn liền với con người thực hữu, mới mẻ, nằm ngoài các motif quen thuộc của những câu chuyện ma mà ta thường gặp. Đấy là xứ Bắc Kỳ yên ả và tù đọng những năm 1930, là đời sống thượng lưu của gia đình họ ngoại tôi trong những khu dinh thự, điền trang từ Hà Nội về Phủ Lý hoặc từ Phủ Lý lên Phủ Lạng Thương, là thứ ánh sáng rực vàng của buổi tà huy phủ lên trên những tấn kịch cuộc đời đã vĩnh viễn được niêm kín bằng lãng quên, bằng im lặng. Và những bóng ma đi lại trên tấm phông nền ấy như cũng được khoác lên mình thứ bụi mờ của quá khứ, không quá gây hãi hùng kinh sợ mà ít nhiều mang một vẻ gì đó đầy mê hoặc...
Bí ẩn và nhuốm u hoài là những bóng ma trong đêm trừ tịch trước sân nhà thờ họ ở điền trang Phủ Lý. Mẹ bảo ngày còn bé mỗi dịp Tết đến từ Hà Nội về chơi, bà thường nghe các u già giúp việc trong nhà thì thào kể cho nhau nghe chuyện những người phụ trách các mâm phẩm vật để chủ nhân dâng cúng giao thừa thường nhìn thấy những bóng người mặc áo thụng đầu đội mũ cánh chuồn lao xao đi lại trò chuyện trước sân từ đường. Đặc biệt, ở góc vườn, dưới gốc hòe lớn, họ luôn nhìn thấy một bóng trắng đứng tách biệt, tương truyền đấy là hồn ma người con tư sinh của một cụ tổ nào đó, vì không được dòng họ công nhận nên đã đến đây treo cổ tự vẫn. Cũng theo lời các u già, tất cả những bóng ma này thường tan biến ngay sau khi chuông gióng báo thời khắc điểm giao thừa.
Kỳ dị và u uẩn là chuyện bóng ma bên bờ giếng. Mẹ kể có lần cả nhà về chơi Phủ Lý, cơm tối vừa xong, mẹ và các chị đang ngồi trò chuyện trước sân thì nghe thấy tiếng ầm ĩ ở khu bếp núc dành cho kẻ ăn người ở. Mấy chị em tò mò chạy xuống xem thì nghe đám người làm kể lại: Nhà vừa thuê thêm một chị giúp việc mới. Sau bữa ăn, chị này dọn dẹp rồi ôm mâm chén bát ra sau để rửa. Đêm trăng sáng, chị thấy một thanh niên mặc áo lụa bạch đang ngồi chơi trên thành giếng bằng gạch đá ong cũ, mặt hướng về phía vầng trăng. Nghĩ là một trong những họ hàng hay bè bạn của các cô cậu chủ từ Hà Nội về chơi đang ngồi hóng gió, chị giúp việc hắng giọng định cất tiếng chào. Nghe tiếng, chàng trai trẻ quay gương mặt mướt xanh và buồn rượi về phía chị giúp việc, rồi chẳng nói chẳng rằng cho hai chân vào trong lòng giếng buông người xuống và biến mất. Chị giúp việc đánh rơi cả mâm chén bát xuống đất rồi cứ thế vừa chạy vừa la làng bai bải... Mẹ tôi bảo, theo giải thích của bà ngoại, đó là vong hồn của một cụ cố, thất vọng vì mộng khoa cử mãi không thành nên mất rồi mà sầu khí mãi không tan, những đêm thu trăng sáng thường hiện lên ngồi than vắn thở dài…
Cũng có chuyện về những bóng ma đẹp đẽ đầy ma mị, những linh hồn của vạn cổ trên vùng rừng đồi Đông Bắc. Mẹ kể mỗi lần hè về được nghỉ học lên chơi trang trại của người bác mạn Phủ Lạng Thương, mẹ và các dì thường thích thú chơi đùa cả ngày trong khu vườn nhãn cổ thụ rợp bóng mát của trang trại. Nhãn cổ thụ nhiều cây có tán lá lòa xòa đến tận sát mặt đất như một tấm rèm phủ kín quanh gốc cây, đó là nơi trú ẩn tuyệt vời cho trò chơi trốn tìm của lũ trẻ nhỏ. Một trưa giữa ngọ, cũng trò chơi trốn tìm, mẹ và người dì vừa vén lá chui vào một gốc nhãn thì thấy ba, bốn thiếu nữ rất xinh đẹp trang phục theo lối Mán, Thổ đang ngồi chơi vắt vẻo trên cây. Chẳng tỏ vẻ gì quan tâm đến hai đứa trẻ, họ cứ mải mê đùa giỡn, vừa đòng đưa chòng ghẹo nhau trên những cành nhãn vừa ngặt nghẽo cười. Mẹ tôi bảo, thoặt đầu bà không thấy sợ, nhưng một lúc sau định thần lại thì mới phát hoảng vì nhận ra rằng, họ cười ngặt nghẽo như thế nhưng hoàn toàn chẳng nghe phát ra một tiếng động nào!...
Tôi không nhớ rõ mình bao tuổi khi nghe mẹ kể những mẩu chuyện này, nhưng tôi nhớ, hình như mình đã không cảm thấy hãi hùng gì lắm với những chuyện ma ấy. Có thể, do cách kể của mẹ tôi, những bóng ma, chúng đứng xen lẫn với những người sống, những người đang đi lại nói cười trong kỷ niệm của mẹ, và cứ thế, chuyện nọ xọ chuyện kia, hồi ức nhả ra một người sống, kế đó lại nhả ra một bóng ma, rồi lại nhả ra một người sống, hai thế giới thực ảo này cứ chập chùng trùng phủ lên nhau, gắn bó với nhau, đến độ tôi nghĩ đó chỉ là một thế giới, một thế giới duy nhất. Có gì để phải sợ hãi một thế giới như vậy nhỉ? Tôi cũng nhớ, mẹ kể chuyện ma nhưng thường trấn an anh em tôi: “Ngày nay thời buổi loạn lạc, bom rơi đạn nổ khắp nơi nên ma quỷ cũng hồn xiêu phách lạc, tan tác về cõi khác hết rồi”, và cũng nhớ, một lần khác bà bảo rằng, những dinh thự điền trang của gia đình năm 1946 đều bị san bằng để thực hiện lệnh tiêu thổ kháng chiến, chẳng còn ai ở những chốn ấy, chẳng còn gì ở những chốn ấy… Vậy thì bao hồn ma “của muôn năm cũ” sẽ về đâu? Sẽ về đâu những linh hồn trước sân từ đường của đêm trừ tịch? Sẽ về đâu nỗi sầu u bên bờ giếng những đêm thu trăng sáng? Sẽ về đâu những sơn nữ từ cổ độ với những chuỗi cười vô thanh? “Hồn nếu thật về không chỗ ở…” (1).
Nếu có ai đó đột ngột hỏi tôi: Ông tin có ma quỷ chứ? Tôi không biết mình sẽ phải trả lời như thế nào. Người ta bảo, trong đêm đen thăm thẳm của sự mông muội, con người nhỏ bé, yếu đuối và tuyệt đối bất lực trước cái chết bỗng thấy mình cần phải có một cái gì đó, tương tự như niềm hy vọng, để lấp vào sự trống rỗng đến kinh hồn khi hư vô đến gõ cửa, đó là sự tự trấn an mình rằng cái chết không phải là kết thúc, nó chỉ là một cánh cửa, một đường biên để con người bước sang một thế giới khác, quyền biến hơn và vĩnh cửu hơn, đó là lúc những hồn ma xuất hiện. Cũng với cách nói đó, người ta sẽ thấy đứng lấp ló phía sau những hồn ma là cõi thiên đường hay địa ngục, là những hứa hẹn trong cõi vô hình giúp con người kiềm giữ mình trước cái xấu, cái tà ác. Nếu như thế, có lẽ chẳng cần thiết phải quyết liệt nói như kiểu một nhà thơ “Trời không có thiên thần/ Đất không có thánh nhân/ Chỉ có nhân dân - thần thánh”!
Tôi tin, trong lòng một đêm tăm tối bất chợt nào đó trong đời của bất kỳ một ai, sẽ có lúc ta cảm thấy hình như có một đôi mắt nào đó trong cõi hư vô đang dõi theo mình, đôi mắt đó làm ta sởn gai ốc, làm ta nhận ra sự mong manh xiết bao của những giấc mộng hư phù mà ta từng trải qua hay từng đeo đuổi, nó chất vấn ta, luận tội ta, kết án ta, nó là bóng ma của riêng ta, ám ảnh riêng ta và chỉ thật hữu với riêng một mình ta… Cũng thế, tôi tin rằng những bóng ma của mẹ tôi có thật. Đối với mẹ tôi, đó là những bóng ma của vàng son đã mất, nó tồn tại trong lòng mẹ tôi, trong lòng tất cả những người từng sống cùng mẹ tôi trong buổi hoàng hôn bắt đầu nhuốm vị điêu tàn ấy. Thế giới sẽ là gì và còn lại gì nếu chúng ta phủ nhận tất cả mọi bóng ma của quá khứ một thời?
Đôi khi thèm được trở lại một đêm mưa nằm trong ánh nến chập chờn như ngày xưa nghe mẹ nhẩn nha kể chuyện, chuyện đất, chuyện người, chuyện ma mị, thả trí tưởng tượng để chính mình thành một bóng ma lang thang trên những bại vong hưng phế của cuộc đời… Mẹ của tôi, giờ đây, bên kia trời, có khi nào hồn bất chợt tìm về nơi chốn cũ?
(1) Nguyễn Du - “Hồn nhược quy lai dã vô thác/ Long xà quỷ vực biến nhân gian” (Dịch: “Hồn có thật về không chỗ ở/ Rắn rồng quỷ quái khắp nhân gian”
Ảnh: Painting (Tezuka Yuji)
Chuyện ma của mẹ tôi, đủ các loại, nhưng tôi thích nhất là những mẩu chuyện nhỏ nằm rải rác trong ký ức của bà về thời thơ ấu, những mẩu chuyện gắn liền với con người thực hữu, mới mẻ, nằm ngoài các motif quen thuộc của những câu chuyện ma mà ta thường gặp. Đấy là xứ Bắc Kỳ yên ả và tù đọng những năm 1930, là đời sống thượng lưu của gia đình họ ngoại tôi trong những khu dinh thự, điền trang từ Hà Nội về Phủ Lý hoặc từ Phủ Lý lên Phủ Lạng Thương, là thứ ánh sáng rực vàng của buổi tà huy phủ lên trên những tấn kịch cuộc đời đã vĩnh viễn được niêm kín bằng lãng quên, bằng im lặng. Và những bóng ma đi lại trên tấm phông nền ấy như cũng được khoác lên mình thứ bụi mờ của quá khứ, không quá gây hãi hùng kinh sợ mà ít nhiều mang một vẻ gì đó đầy mê hoặc...
Bí ẩn và nhuốm u hoài là những bóng ma trong đêm trừ tịch trước sân nhà thờ họ ở điền trang Phủ Lý. Mẹ bảo ngày còn bé mỗi dịp Tết đến từ Hà Nội về chơi, bà thường nghe các u già giúp việc trong nhà thì thào kể cho nhau nghe chuyện những người phụ trách các mâm phẩm vật để chủ nhân dâng cúng giao thừa thường nhìn thấy những bóng người mặc áo thụng đầu đội mũ cánh chuồn lao xao đi lại trò chuyện trước sân từ đường. Đặc biệt, ở góc vườn, dưới gốc hòe lớn, họ luôn nhìn thấy một bóng trắng đứng tách biệt, tương truyền đấy là hồn ma người con tư sinh của một cụ tổ nào đó, vì không được dòng họ công nhận nên đã đến đây treo cổ tự vẫn. Cũng theo lời các u già, tất cả những bóng ma này thường tan biến ngay sau khi chuông gióng báo thời khắc điểm giao thừa.
Kỳ dị và u uẩn là chuyện bóng ma bên bờ giếng. Mẹ kể có lần cả nhà về chơi Phủ Lý, cơm tối vừa xong, mẹ và các chị đang ngồi trò chuyện trước sân thì nghe thấy tiếng ầm ĩ ở khu bếp núc dành cho kẻ ăn người ở. Mấy chị em tò mò chạy xuống xem thì nghe đám người làm kể lại: Nhà vừa thuê thêm một chị giúp việc mới. Sau bữa ăn, chị này dọn dẹp rồi ôm mâm chén bát ra sau để rửa. Đêm trăng sáng, chị thấy một thanh niên mặc áo lụa bạch đang ngồi chơi trên thành giếng bằng gạch đá ong cũ, mặt hướng về phía vầng trăng. Nghĩ là một trong những họ hàng hay bè bạn của các cô cậu chủ từ Hà Nội về chơi đang ngồi hóng gió, chị giúp việc hắng giọng định cất tiếng chào. Nghe tiếng, chàng trai trẻ quay gương mặt mướt xanh và buồn rượi về phía chị giúp việc, rồi chẳng nói chẳng rằng cho hai chân vào trong lòng giếng buông người xuống và biến mất. Chị giúp việc đánh rơi cả mâm chén bát xuống đất rồi cứ thế vừa chạy vừa la làng bai bải... Mẹ tôi bảo, theo giải thích của bà ngoại, đó là vong hồn của một cụ cố, thất vọng vì mộng khoa cử mãi không thành nên mất rồi mà sầu khí mãi không tan, những đêm thu trăng sáng thường hiện lên ngồi than vắn thở dài…
Cũng có chuyện về những bóng ma đẹp đẽ đầy ma mị, những linh hồn của vạn cổ trên vùng rừng đồi Đông Bắc. Mẹ kể mỗi lần hè về được nghỉ học lên chơi trang trại của người bác mạn Phủ Lạng Thương, mẹ và các dì thường thích thú chơi đùa cả ngày trong khu vườn nhãn cổ thụ rợp bóng mát của trang trại. Nhãn cổ thụ nhiều cây có tán lá lòa xòa đến tận sát mặt đất như một tấm rèm phủ kín quanh gốc cây, đó là nơi trú ẩn tuyệt vời cho trò chơi trốn tìm của lũ trẻ nhỏ. Một trưa giữa ngọ, cũng trò chơi trốn tìm, mẹ và người dì vừa vén lá chui vào một gốc nhãn thì thấy ba, bốn thiếu nữ rất xinh đẹp trang phục theo lối Mán, Thổ đang ngồi chơi vắt vẻo trên cây. Chẳng tỏ vẻ gì quan tâm đến hai đứa trẻ, họ cứ mải mê đùa giỡn, vừa đòng đưa chòng ghẹo nhau trên những cành nhãn vừa ngặt nghẽo cười. Mẹ tôi bảo, thoặt đầu bà không thấy sợ, nhưng một lúc sau định thần lại thì mới phát hoảng vì nhận ra rằng, họ cười ngặt nghẽo như thế nhưng hoàn toàn chẳng nghe phát ra một tiếng động nào!...
Tôi không nhớ rõ mình bao tuổi khi nghe mẹ kể những mẩu chuyện này, nhưng tôi nhớ, hình như mình đã không cảm thấy hãi hùng gì lắm với những chuyện ma ấy. Có thể, do cách kể của mẹ tôi, những bóng ma, chúng đứng xen lẫn với những người sống, những người đang đi lại nói cười trong kỷ niệm của mẹ, và cứ thế, chuyện nọ xọ chuyện kia, hồi ức nhả ra một người sống, kế đó lại nhả ra một bóng ma, rồi lại nhả ra một người sống, hai thế giới thực ảo này cứ chập chùng trùng phủ lên nhau, gắn bó với nhau, đến độ tôi nghĩ đó chỉ là một thế giới, một thế giới duy nhất. Có gì để phải sợ hãi một thế giới như vậy nhỉ? Tôi cũng nhớ, mẹ kể chuyện ma nhưng thường trấn an anh em tôi: “Ngày nay thời buổi loạn lạc, bom rơi đạn nổ khắp nơi nên ma quỷ cũng hồn xiêu phách lạc, tan tác về cõi khác hết rồi”, và cũng nhớ, một lần khác bà bảo rằng, những dinh thự điền trang của gia đình năm 1946 đều bị san bằng để thực hiện lệnh tiêu thổ kháng chiến, chẳng còn ai ở những chốn ấy, chẳng còn gì ở những chốn ấy… Vậy thì bao hồn ma “của muôn năm cũ” sẽ về đâu? Sẽ về đâu những linh hồn trước sân từ đường của đêm trừ tịch? Sẽ về đâu nỗi sầu u bên bờ giếng những đêm thu trăng sáng? Sẽ về đâu những sơn nữ từ cổ độ với những chuỗi cười vô thanh? “Hồn nếu thật về không chỗ ở…” (1).
Nếu có ai đó đột ngột hỏi tôi: Ông tin có ma quỷ chứ? Tôi không biết mình sẽ phải trả lời như thế nào. Người ta bảo, trong đêm đen thăm thẳm của sự mông muội, con người nhỏ bé, yếu đuối và tuyệt đối bất lực trước cái chết bỗng thấy mình cần phải có một cái gì đó, tương tự như niềm hy vọng, để lấp vào sự trống rỗng đến kinh hồn khi hư vô đến gõ cửa, đó là sự tự trấn an mình rằng cái chết không phải là kết thúc, nó chỉ là một cánh cửa, một đường biên để con người bước sang một thế giới khác, quyền biến hơn và vĩnh cửu hơn, đó là lúc những hồn ma xuất hiện. Cũng với cách nói đó, người ta sẽ thấy đứng lấp ló phía sau những hồn ma là cõi thiên đường hay địa ngục, là những hứa hẹn trong cõi vô hình giúp con người kiềm giữ mình trước cái xấu, cái tà ác. Nếu như thế, có lẽ chẳng cần thiết phải quyết liệt nói như kiểu một nhà thơ “Trời không có thiên thần/ Đất không có thánh nhân/ Chỉ có nhân dân - thần thánh”!
Tôi tin, trong lòng một đêm tăm tối bất chợt nào đó trong đời của bất kỳ một ai, sẽ có lúc ta cảm thấy hình như có một đôi mắt nào đó trong cõi hư vô đang dõi theo mình, đôi mắt đó làm ta sởn gai ốc, làm ta nhận ra sự mong manh xiết bao của những giấc mộng hư phù mà ta từng trải qua hay từng đeo đuổi, nó chất vấn ta, luận tội ta, kết án ta, nó là bóng ma của riêng ta, ám ảnh riêng ta và chỉ thật hữu với riêng một mình ta… Cũng thế, tôi tin rằng những bóng ma của mẹ tôi có thật. Đối với mẹ tôi, đó là những bóng ma của vàng son đã mất, nó tồn tại trong lòng mẹ tôi, trong lòng tất cả những người từng sống cùng mẹ tôi trong buổi hoàng hôn bắt đầu nhuốm vị điêu tàn ấy. Thế giới sẽ là gì và còn lại gì nếu chúng ta phủ nhận tất cả mọi bóng ma của quá khứ một thời?
Đôi khi thèm được trở lại một đêm mưa nằm trong ánh nến chập chờn như ngày xưa nghe mẹ nhẩn nha kể chuyện, chuyện đất, chuyện người, chuyện ma mị, thả trí tưởng tượng để chính mình thành một bóng ma lang thang trên những bại vong hưng phế của cuộc đời… Mẹ của tôi, giờ đây, bên kia trời, có khi nào hồn bất chợt tìm về nơi chốn cũ?
Trần Thanh
Sơn (1.2018)
(1) Nguyễn Du - “Hồn nhược quy lai dã vô thác/ Long xà quỷ vực biến nhân gian” (Dịch: “Hồn có thật về không chỗ ở/ Rắn rồng quỷ quái khắp nhân gian”
Ảnh: Painting (Tezuka Yuji)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét