Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2019

Nguyệt hạn


Cuối năm bắc thang dọn dẹp nhà cửa, tôi bất cẩn để mình ngã oạch một cái, nghe đau buốt khuỷu tay. Ra bệnh viện gần nhà kiểm tra thử, bác sĩ bảo nứt xương, phải bó bột gần hết cánh tay phải. Thật khổ, tết nhất đến nơi rồi! Về đến nhà chưa hết choáng thì vợ tôi phán tiếp, bác sĩ dặn gãy xương phải kiêng hoàn toàn rượu bia với cà phê! Thế là xong! Kế hoạch đi chơi tết cũng theo cái tay gãy mà phá sản, tay bó bột thế này lái xe thế nào được mà đi!

Thế nhưng rắc rối chỉ mới là bắt đầu. Không sử dụng được tay phải, mọi sinh hoạt cá nhân mà bình thường tôi nghĩ đơn giản đều hóa thành phức tạp đến kinh dị! Ăn uống, tắm gội, thay quần áo… là những thách thức bi thảm cho cái tay còn lại. Chải đầu, rẽ cho thẳng đường ngôi cũng cần một nỗ lực đến không tưởng! Và cũng vậy, tôi phát hiện ra rằng, thiếu một cánh tay, sẽ có những phần cơ thể của chính mình ta không thể với tới được, chạm tới được, như thể phần da thịt đó không thuộc về ta, nó là của một kẻ khác, trong một không gian khác, dẫu rằng cơn ngứa ngáy sinh học vẫn luôn luôn có thật, than ôi! Những người duy vật bảo đôi bàn tay tạo tác đã giúp loài homosapien đứng thẳng lên làm chủ được mình, làm chủ thế giới và đi đến văn minh, nghĩ cũng có phần hợp lý. Vì thử nghĩ xem, nếu đến gãi lưng mà cũng phải xoay người cọ sồn sột vào thân cây thì làm chủ vận mệnh của mình cái quái gì được!

Cánh tay bó bột còn làm khó tôi ở cả những việc ít ngờ tới nhất, đọc sách chẳng hạn. Tôi phải từ bỏ cái thói quen tuyệt thú là nằm đọc của mình. Thiếu tay, cuốn sách đặt trên bàn chẳng mấy khác một con thú giở chứng cứ giãy đành đạch tự đóng sập lại khi tôi muốn lật trang, bực không chịu nổi! Ngó bộ dạng mình chàu quạu trong gương với cánh tay treo lủng lẳng trước ngực, tôi bất giác phì cười nhớ đến một kỷ niệm. Thời tiểu học, bọn nhóc chúng tôi hầu hết đều mê tít tuồng ciné Độc thủ đại hiệp do tài tử Hồng Kông đẹp trai Khương Đại Vệ đóng, đứa nào cũng ước được hóa thành chàng kiếm khách cụt tay có dáng vẻ phiêu hốt như vậy. Chơi trò đấu kiếm, đứa nào cũng giành làm Độc thủ đại hiệp. Để cái tay áo rỗng phơ phất trước gió, dấu một tay vào lưng quần, tay còn lại khua loạn thanh kiếm gỗ là lập tức thằng ranh thấy mình biến thành tay kiếm khách một tay lừng danh trên chốn giang hồ. Một lần, cãi nhau ỏm tỏi mà cả bọn vẫn không sao dàn xếp được đứa nào tới lượt vào vai chàng hiệp sĩ, cuộc chơi đành diễn ra theo kiểu mạnh đứa nào đứa nấy xưng danh. Hai ba tay Độc thủ đại hiệp đang hò hét đấu kiếm trên vỉa hè thì một con chó xồm thấy gai mắt nhào đến. Do một tay đang kẹt trong lưng quần không thể chạy nhanh được, cả đám Độc thủ đại hiệp đều bị con chó rắn mắt xô té dúi dụi, riêng thằng Ngh. ngã trúng vào bãi c… chó và từ đó nó chết danh là Độc thủ c… chó!

Người ta bảo chỉ những kẻ từng rơi vào cùng cảnh ngộ, cùng trạng huống mới có thể hiểu và đồng cảm với nhau. Thế nên, ái ngại thay cho những người không may tàn phế và cũng đáng ngưỡng mộ thay với những người có thể vượt qua được nghịch cảnh ấy mà vươn lên. Ngồi bất lực ôm cánh tay gãy của mình, không dưng tôi nghĩ đến Paul Wittgenstein (1), nghĩ đến bản Piano Concerto viết cho bàn tay trái mà Ravel soạn riêng cho người nghệ sĩ mất một tay này rồi tự thấy kinh hoàng trước ý chí và khả năng kỳ dị của con người. Việt Nam không có Wittgenstein lừng lẫy, nhưng tôi không tin rằng cuộc chiến 10 ngàn ngày với gần 4 triệu người chết và hàng triệu người thương tật tàn phế không sản sinh ra được vô vàn những Wittgenstein kiểu khác, đã và vẫn đang âm thầm chiến đấu với nghịch cảnh của mình trong im lặng và bóng tối. Lại nghĩ đến câu nhà giàu đứt tay rồi bất giác tự xấu hổ cho mình…

Chiều qua, có ông anh bảo vừa rồi khảo lại tử vi cho tôi thấy đúng có nguyệt hạn báo trước coi chừng ngã đau, ông tuôn cho một loạt những tên sao, cung giờ, những thuận nghịch xung chiếu, vân vân và vân vân, rồi kết luận, sự cố vừa rồi thôi coi như phỉ phui cho mọi xui rủi của năm. Tự an ủi mình mọi chuyện cũng chưa đến nỗi nào, thế là tốt rồi, tôi nhắn tin ghẹo anh: xem tử vi như thế khác gì xem sách lịch sử, dựa trên những chuyện đã rồi mới ngẫm tìm, mới luận giải, mới vỡ òa ra trước những dự báo với nguyên nhân. Anh chỉ cười hề hề. Mà cũng phải thôi, đoán trước được tương lai thì có đâu những đế quốc suy tàn, những vương triều sụp đổ, những vua chúa lãnh tụ bị phế truất, tiêu vong? Lại nữa, cuộc đời mà biết trước tất tần tật thì còn gì là cuộc đời, chán chết! Tốt nhất là cứ tung hê hết những đại hạn, tiểu hạn, thân mệnh với ngũ hành, sống, vậy thôi! Biết trước sẽ gãy tay để làm gì!
Trần Thanh Sơn (2.2019)


(1) Paul Wittgenstein (1887-1961): Dương cầm thủ nổi tiếng người Áo, bị mất một cánh tay trong Thế chiến thứ nhất. Ông đã nghĩ ra các kỹ thuật mới lạ bao gồm kết hợp pedal và chuyển động tay cho phép chơi các hợp âm trước đó được coi là không thể đối với một dương cầm thủ chỉ còn lại một bàn tay.
  
Ảnh trên: From Painting (Max Ernst)


Không có nhận xét nào: