Thứ Hai, 18 tháng 2, 2019

Đường Sài Gòn...

 
 
Buổi sáng ngồi cà phê vỉa hè đường Trần Cao Vân. Lâu lắm rồi tôi mới có dịp ngồi nhìn Sài Gòn sớm mai với những hàng sao xanh rợp bóng vươn cao vút. Chẳng còn nhiều những con đường như thế ở Sài Gòn, mà không biết chừng nó cũng sẽ mất tích trong nay mai như Tôn Đức Thắng (Cường Để cũ) - con đường cây xanh đẹp nhất Sài Gòn đã bị triệt hạ năm rồi để mở lối đi cho những dự án quy hoạch…
 
Gần đây, tôi thấy tính khí của mình ngày càng tỏ ra bảo thủ, cố chấp, chỉ thích sống với những thói quen cố định: ăn những món ăn quen, nghe những bài hát cũ, đọc sách của những tác giả mà mình đã biết, đi những con đường mòn (trên cả nghĩa đen và nghĩa bóng), yêu những gì thuộc về quá khứ... Người ta bảo triệu chứng ấy là một trong những dấu hiệu báo trước của tuổi già. Ngồi cà phê vỉa hè rõ ràng không phải là một thói quen cố định của tôi, nhưng… Sài Gòn vừa sau Tết còn vắng người, những con đường lung linh nắng, những vòm cây sớm mai như ủ khói mà đây đó để lộ những mảng trời xanh rất hiếm hoi xanh, như buổi sáng này, Sài Gòn như thể là Sài Gòn của những ngày xưa cũ, Sài Gòn của những năm 70-80 mà sau đó không còn nữa, bị biến dạng, bị hủy hoại, khiến đột ngột, tôi thấy mình yêu cái khoảnh khắc hư ảo bất chợt này của Sài Gòn.
 
Hình như chưa bao giờ tôi nghĩ rằng mình yêu Sài Gòn dù tôi sinh ra ở đây và tổng cộng cũng đã có trên 40 năm hít bụi của nó. Sài Gòn - TP.HCM bây giờ thì có gì đẹp? Là khu cao ốc Vinhomes Central Park lởm chởm như một hàm răng nhọn với chiếc răng nanh Landmark 81 được xem là cao nhất Việt Nam án ngữ ngay cửa ngõ thành phố trên phần bờ đẹp nhất của sông Sài Gòn? Hay cái sân đá sến súa vô hồn được gọi là phố-đi-bộ nằm ngay trung tâm thành phố cho đám trẻ buổi tối tụ tập ăn uống chơi đùa và bầy hầy xả rác? Hay tất cả mọi nẻo đường quanh năm kẹt xe với hàng chục triệu chiếc mũ bảo hiểm chen chúc trên đường, là cảnh tượng lạ lùng cho đám khách du lịch nước ngoài hiếu kỳ thích thú chụp hình? Thi thoảng chạy xe trên phố tôi lẩm nhẩm hát, em còn nhớ hay em đã quên, bài hát ngẫu nhiên, như một thói quen, một quán tính, mà quên nghĩ, cái Sài Gòn thường hiện trong tâm tưởng tôi nay đã thay đổi, đã mất tích hoặc đã biến thành ký ức - thứ ký ức mong manh của nhiều thế hệ người Sài Gòn đã trở thành thiểu số, những người thuộc về quá khứ.
 
Tôi rời Sài Gòn lúc mới ngoài 5 tuổi. Dù hàng năm vào dịp nghỉ hè bố mẹ vẫn thường cho anh em tôi về chơi thăm ngoại và họ hàng, ít thì dăm bữa, nhiều thì nửa tháng, nhưng xem ra tôi chẳng biết gì nhiều về Sài Gòn ngày cũ. Sài Gòn của tuổi thơ tôi mỗi khi về thăm ngoại chỉ là những con đường nhỏ quanh quẩn trong khu Thị Nghè, xa nhất cũng chỉ đến cổng sau Sở Thú, đầu cầu phía bên kia chợ, còn lại hiện ra loang loáng qua khung cửa kính taxi mỗi khi anh em tôi được mẹ và các dì cho đi chơi đâu đó, ra chợ Bến Thành ăn bò viên uống đá nhận hoặc vào Chợ Lớn ăn cơm Tàu. Thế nhưng, cái thành phố chỉ loang loáng lướt qua sau khung cửa xe đó lại mang đến cho tôi ấn tượng mạnh mẽ hơn cả. Rất nhiều năm sau này và cả đến tận bây giờ, chỉ cần nhắm mắt lại nghĩ đến hai chữ Sài Gòn là lập tức những hình ảnh, âm thanh loang loáng như cuốn phim đang được tua nhanh ấy lại hiện về với tôi: những con đường những đại lộ rộng dài hun hút, tiếng còi xe, nắng vàng ong như hổ phách trên những tàng cây xanh, những tà áo dài hoa rực rỡ, tiếng nhạc văng vẳng từ radio, tiếng chuông, giọng người gió bạt, chuỗi cười trong, vỉa hè loang nắng thơm ngát mùi bắp rang ngào đường… Sài Gòn mãi mãi ấn định sự hiện hữu của nó trong tôi bằng những hình ảnh như vậy, dù từ năm 1980, khi gia đình tôi rời miền Trung về lại phương Nam, tôi lại được sống, được nhìn ngắm diện mạo thành phố thời ấu thơ của mình nhiều hơn, gần hơn, thật hơn, ở khắp các góc cạnh này khác của nó, cả đẹp đẽ cũng như xấu xí...
 
Trong một tác phẩm, nhà văn Italo Calvino từng ví thành phố như một miếng bọt biển, một miếng bọt biển khổng lồ luôn ngấm lấy mọi đợt sóng chuyển lưu kỷ niệm của từng cá nhân và phình ra mãi. Ông bảo, thành phố không phát biểu về quá khứ mà cưu mang quá khứ như các đường chỉ trong lòng một bàn tay. Buổi sáng này, ngồi bên vỉa hè vắng xao xác lá khô, tôi nghĩ đến những đường chỉ tay kỷ niệm mà mình đã vạch nên trong lòng thành phố, hân hoan có, sầu u có, đau khổ có, hạnh phúc có, những nét vạch đó hợp cùng muôn vạn nét vạch của mấy trăm năm nhân loại đa mang trong miếng bọt biển khổng lồ này sẽ tạo ra đường sinh đạo thế nào cho thứ định mệnh tập thể mang tên Sài Gòn? Và có hay không một thứ định mệnh tập thể kiểu như vậy? Bỗng nhớ lại một chuyện, năm 1980, vừa dọn về Sài Gòn, mẹ tôi bảo tôi lấy xe đạp chở bà đi khắp hết họ hàng cô bác, cả bạn bè người quen cũ từ thời còn son rỗi để chào hỏi và cũng để thăm xem ai còn ai mất, ai đã ra đi, ai còn ở lại. Dọc đường mẹ tôi cứ than vãn, người ta đổi tên thành phố rồi lại đổi cả tên đường, chẳng còn biết đâu vào với đâu mà mò! Than vãn như vậy, nhưng rồi chẳng cần tên đường, chỉ bằng ký ức, mẹ tôi vẫn tìm được nhà của tất cả mọi người. Hóa ra, tên gọi là vô nghĩa! Nó chỉ là lớp váng trên bề mặt của một thực thể, cái cốt lõi thì nằm ở chỗ khác. Không phải chuyện mẹ tôi vẫn có thể tìm được đường đi bằng kỷ niệm, mà là việc người ta không thể dùng ý muốn chủ quan xóa sổ đi một thứ đã được hình thành nên bằng sự ký thác của muôn vàn thế hệ nối tiếp nhau toàn bộ ký ức cuộc đời họ lên nó. Và chừng nào, những thứ đã được ký thác, được chuyển lưu và được cưu mang đó còn tồn tại, thì có lẽ, thực thể đó sẽ vẫn còn tiếp tục tồn sinh. Ở cùng một ý nghĩa như vậy, người ta có thể tin rằng đường sinh đạo của thứ định mệnh mang tên Sài Gòn chưa bao giờ đứt đoạn.
 
Một lần trà dư tửu hậu, bạn bè tôi xoay qua hỏi nhau, ở Sài Gòn ông thấy con đường nào là đẹp nhất? Sau những tên đường lần lượt được nêu ra, tới phiên mình, tôi bảo đó là đường Nguyễn Thiệp. Đường Nguyễn Thiệp thì nhiều người còn không biết nó nằm ở đâu! Nhưng tôi thích đường Nguyễn Thiệp. Con đường hẹp với những hiệu buôn nhỏ dài chưa tới trăm mét này một đầu nối với Đồng Khởi (đường Tự Do cũ), đầu kia giáp đại lộ Nguyễn Huệ. Dù nằm ẩn giữa hai con đường sang trọng sầm uất vào bậc nhất Sài Gòn, nhưng Nguyễn Thiệp lại mang một dáng vẻ khác hẳn, gợi tưởng một phố nhỏ Paris đâu đó trong tranh của Sisley. Đường Nguyễn Thiệp phía nối với Đồng Khởi có quán cà phê Brodard nổi tiếng nằm ngay góc đường. Brodard những năm 1980 đã trở thành cửa hàng quốc doanh nhưng cũng chỉ những dịp lễ lạt rủng rỉnh tiền tôi và đám bạn mới dám kéo nhau vào. Đêm Giáng sinh tìm được một chỗ ngồi ở đấy ăn kem, nhá bánh ngọt, nhìn qua khung cửa kính ngắm người Sài Gòn dạo chơi trong ánh đèn rực rỡ là một điều tuyệt thú. Khoảng năm 2002-2003 gì đó, khách sạn Sheraton Saigon cao mấy chục tầng xây chẹt ngang đầu đường Nguyễn Thiệp phía Đồng Khởi, phía cuối đường, những kiosque xinh xắn trên đại lộ Nguyễn Huệ cũng được phá bỏ để làm đường hoa, rồi phố-đi-bộ rộng mở tênh hênh. Vẻ đẹp ẩn dấu đầy bất ngờ của con đường nhỏ không còn nữa. Nguyễn Thiệp xưa chỉ còn trong ký ức. Nó đã được đồng bộ hóa để giống hệt như mọi con đường khác ở Sài Gòn.
 
“Này những con đường dịu dàng về qua trái tim tôi...” là câu hát trong ca khúc tôi từng viết cho những con đường Sài Gòn của tôi: những con đường vẫn còn hiện hữu, những con đường đã bị phá hủy bị xóa tên, những con đường đã khuất lấp, đã biến dạng và chỉ còn tồn tại trong ký ức dai dẳng nhưng mong manh của một thiểu số nào đó những người từng gắn bó với Sài Gòn… Ôi, những con đường của tuổi trẻ xa xôi bất khả trở về của tôi! Buổi sáng này, một lần nữa, tôi ngước nhìn những ngọn sao xanh bắt đầu rực vàng ánh nắng, ngó qua vòm lá những mảng trời xanh rất hiếm hoi xanh đang thăm thẳm bốc lên cao... Một đôi ngày nữa Sài Gòn sẽ lại tiếp tục trở về với nhịp điệu ngày thường, tiếp tục xòe cái bàn tay khổng lồ của nó ra để các cư dân và người tứ xứ về ký thác những giấc mơ lớn nhỏ về cuộc đời mình. Dù gàn dở, bảo thủ, cố chấp, không tin hoặc khăng khăng không muốn tin, đường sinh đạo của thứ định mệnh tập thể mang tên Sài Gòn vẫn luôn tiếp tục được khởi dựng và hình thành, bất kể thế nào... Thôi thì uống cạn tách cà phê này rồi về!
Trần Thanh Sơn (2.2019) 
 


Note: Chẳng hiểu vì sao một số trường đoạn trong các tác phẩm khí nhạc của Edgard Varèse (đặc biệt là Intégrales, Ameriques) lại khiến tôi liên tưởng đến Sài Gòn qua khung cửa taxi ký ức thời thơ ấu của mình. Hơi thở vị lai, nhịp sống đô thị trong âm nhạc Varèse chăng? Cảm giác choáng ngợp của con người trước một thế giới mới chăng? Hay mối liên hệ tiềm ẩn nào khác đã dẫn tôi đến mối liên tưởng này?

 
Ảnh trên: From Painting (Paul Klee)

Không có nhận xét nào: